Xin chào các bạn, hôm nay dangnho sẽ chia sẻ cho các bạn một chủ đề rất thú vị và chúng tôi nghĩ rằng tất cả những người nghệ sĩ đang làm công việc sáng tạo đều quan tâm. Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng những người khán giả, những người yêu nhạc sẽ cảm thấy trân trọng hơn những đóng góp thầm lặng đã làm nền tảng cho nhiều sản phẩm âm nhạc thành công trên thị trường.

Chúng tôi cũng hy vọng rằng, bài viết này như một lời nhắc nhở gửi đến những người nghệ sĩ biểu diễn, hãy nhớ đến những người bạn, những đối tác, những nghệ sĩ đã từng cùng tạo ra những sản phẩm nhạc thành công, hãy trân trọng họ bằng cách nhắc đến họ trên các phương tiện truyền thông và hãy chia sẻ thành quả của mình với họ.

Quy trình sản xuất âm nhạc (Music Production Process)

Sáng tác ca khúc (Song writing)

Đầu tiên để sáng tác ra một ca khúc, bạn cần một người nhạc sĩ. Ngày xưa, người nhạc sĩ thường là những người có kiến thức về âm nhạc như khả năng viết nốt nhạc (ký âm), khả năng chơi đàn. Những nhạc sĩ giỏi thường biết cả về hòa âm (hiểu một cách đơn giản, hòa âm là việc lựa chọn những hợp âm phù hợp với cảm xúc của giai điệu và lời hát) thậm chí phối khí (Một công đoạn lựa chọn, phân chia và phối trộn các loại nhạc cụ dựa trên âm sắc, đặc tính nhạc cụ để tạo nên cảm xúc thăng hoa cho bài hát).

Thời nay, một người nhạc sĩ có thể không cần quá nhiều những kiến thức hoặc kỹ năng quá sâu về âm nhạc, bởi đã có những ứng dụng thu âm trên máy tính, điện thoại… giúp người nhạc sĩ có thể ghi lại ngay những ý tưởng âm nhạc và hiện thực hóa ý tưởng của mình chỉ bằng một email cho nhạc sĩ hòa âm phối khí trên máy tính. Như vậy, chúng ta sẽ thấy xuất hiện rất nhiều những nhạc sĩ đôi khi không biết nhạc lý, không biết đàn, chỉ mượn một nền có sẵn để sáng tác lên trên nền nhạc nền đó. Chính điều này tạo ra một hiện tượng, các ca khúc có sự trùng lặp với nhau do nghệ sĩ không thoát ra được vòng hòa âm, đường giai điệu đã có sẵn trên một bài nhạc trước đó.

Nếu nói đó không phải là sáng tạo cũng không đúng nhưng nếu xem là sáng tạo thì thật sự, chính sự dễ dãi của chúng ta đã giết chết những giá trị nghệ thuật và làm thụt lùi nền âm nhạc nước nhà.

Hãy điểm sơ qua một số thứ mà một người nhạc sĩ sáng tác cần phải học, phải biết để có thể sáng tạo ra một sáng tác phẩm hay.

  • Những thanh âm điệu thức giúp tác phẩm biểu đạt được cảm giác về một vùng miền, một đất nước, một màu sắc
  • Những nguyên tắc lôgic trong âm nhạc như nhạc tố (motif), nhịp điệu 4 ô nhiệp (4 bars rhythm), các cấu trúc, bố cục phân đoạn… giúp bản nhạc có được sự chặt chẽ, mạch lạc
  • Những kiến thức về thể loại âm nhạc giúp khả năng sáng tác đa dạng hơn thổi hồn vào ca khúc, tạo ra những cảm giác về màu sắc, không gian mới lạ độc đáo
  • Vốn từ, cách gieo vần, những yếu tố thơ, ngôn ngữ, những biện pháp tu từ… giúp lời hát bay bổng hoặc chân thật, miêu tả được những thứ đời thường với một cách hoa mỹ hơn đồng thời tránh những lỗi ngôn ngữ nghịch giai điệu như cưỡng âm
  • Những kiến thức về quãng giọng, phát âm, kỹ thuật thanh nhạc giúp việc đặt ca từ phù hợp với khả năng hát của người ca sĩ

Còn nhiều những yếu tố khác, tùy thuộc vào lĩnh vực sáng tác, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm của từng nhạc sĩ mà khả năng sáng tạo của họ trong âm nhạc sẽ đa dạng hơn, thâm sâu và tinh tế hơn do cách vận dụng những kỹ thuật đã đạt tới trình độ cao nhưng vẫn giữ được yếu tố đơn giản.

Để hiểu rõ điều này một cách đơn giản nhất, bạn hãy tưởng tượng, một đứa trẻ với một tờ giấy trắng và một bộ chì màu, nó có thể vẽ nguệch ngoạc cũng ra được một bức tranh, và đó cũng được gọi là sáng tạo. Nhưng với một người đã trải qua quá trình học tập, nghiên cứu, thực chiến nhiều năm thì bức tranh đơn giản lại hàm chứa những điều sâu sắc như ý niệm, câu chuyện, bố cục, phối màu, tỉ lệ, độ đậm nhạt, không gian….

Hòa âm phối khí

Ngày xưa, để thực hiện được công việc hòa âm phối khí là cả 1 vấn đề chuyên môn nặng nhọc mà chỉ có những người nhạc sĩ trình độ cao mới có thể làm được. Bạn cần một người có khả năng viết lại toàn bộ bài nhạc theo ngôn ngữ của cả một dàn nhạc (tổng phổ). Nếu như hòa âm là lựa chọn những hợp âm phù hợp, hài hòa với cảm xúc, sắc thái của giai điệu, ca từ bài hát thì phối khí lại là lựa chọn những loại nhạc cụ với đặc tính, màu sắc đặc trưng rồi vào nhạc cụ đó những câu cú phù hợp nhất giúp tôn vinh cảm xúc tác phẩm, nâng tác phẩm lên một tầm cao mới.

Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ phòng thủ ảo, gần như tất cả những ai yêu thích âm nhạc đều có thể tìm kiếm cho mình những phần mềm sản xuất nhạc phù hợp và có thể chọn lựa hàng ngàn nhạc cụ ảo để tùy ý sáng tạo âm nhạc của riêng mình.

Cũng tương tự đối với nhạc sĩ sáng tác ca khúc, việc hòa âm phối khí cho 1 tác phẩm cần rất nhiều kiến thức kỹ thuật, thời gian và chất xám, đó là chưa nói đến một số tiền không hề nhỏ cho việc thuê, mua các phần mềm nhạc cụ ảo (VSTi) để đảm bảo bản quyền trọn vẹn cho ca khúc, các trang thiết bị, nhạc cụ… để đáp ứng nhu cầu ngày càng chuyên nghiệp hơn trong âm nhạc. Có một sự thật đau lòng là nhạc sĩ hòa âm phối khí thường nhận được rất ít so với công sức và sự sáng tạo họ bỏ ra, do đó, đa số nhạc sĩ hòa âm phối khí thường không đủ khả năng tài chính để đầu tư cho việc mua sắm các trang thiết bị, phần mềm cần thiết cho quá trình làm việc của mình. Cũng do đó, hậu quả là gần như đa phần nhạc sĩ hòa âm phối khí không thể đảm bảo bản quyền hoàn toàn cho sản phẩm âm nhạc của mình và chính điều này mang lại rủi ro cho người nghệ sĩ biểu diễn khi sản phẩm được công bố, phát hành.

Chi phí thực hiện của một nhạc sĩ hòa âm phối khí ở Việt Nam giao động từ khoảng 500.000đ tới hơn 5 triệu đồng cho một bản hòa âm phối khí. Con số này là cực kỳ thấp so với mức thu nhập của nhiều nghệ sĩ dao động từ vài trăm đến vài nghìn đô cho một show diễn và phần doanh thu bản quyền từ vài chục đến vài trăm triệu một năm của người nhạc sĩ sáng tác nếu ca khúc thành công. Đương nhiên, người nhạc sĩ hòa âm phối khí kể cả khi tác phẩm đã thành công đa phần là tay trắng ngoài vài triệu đồng nhận được ban đầu.

Kỹ sư/kỹ thuật viên thu âm, mix, master

Khái niệm về kỹ sư thu âm, kỹ sư Mix và kỹ sư Master ở Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ. Đa phần mọi người khi đến với phòng thu thì thường chỉ cần một người bấm máy thu và mix sao cho ra một bản nhạc hay. Tuy nhiên, để có được kỹ năng thu, mix, master ở cấp độ chuyên nghiệp thì những người làm công việc này phải dành rất nhiều thời gian thậm chí hàng ngàn giờ để nghiên cứu về các kỹ thuật, thuật ngữ, kiến thức chuyên môn để giúp cho dự án thu âm được bảo đảm về chất lượng đầu vào, đầu ra cuối cùng. Một thiết bị đơn giản mà những kỹ sư như thế thường sử dụng trong phòng thu hay dự án của mình thường có giá ít nhất từ vài trăm tới vài ngàn đô và mỗi một kỹ sư như vậy thường có không dưới 10 thiết bị cho quá trình xử lý âm thanh của mình. Đó là chưa kể đến hàng tá những phần mềm, hiệu ứng xử lý âm thanh phải được mua để bảo đảm bản quyền và làm cho bài nhạc hay hơn. Thông thường để xử lý một bài nhạc vài phút, kỹ sư thu, mix, master sẽ mất nhiều giờ đến nhiều ngày liên tục để xử lý âm thanh cũng như kiểm tra lại trên các hệ thống âm thanh khác nhau đến khi đạt sự hoàn thiện về âm học và âm nhạc.

Các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ

Trong nền âm nhạc mà đa phần các bài hát đang được sản xuất trên máy tính (in the box) như hiện nay thì vai trò thu âm trực tiếp nhạc cụ thật bởi những nghệ sĩ biểu diễn guitar, piano, violin gần như thưa thớt dần. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn vẫn nhận thấy có những sản phẩm âm nhạc được thực hiện với sự kết hợp không những một mà nhiều nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ. Chính họ là những người đã góp phần tạo ra phần hồn cho tác phẩm, điều khá khan hiếm đối với những sản phẩm âm nhạc được làm hoàn toàn bằng máy tính như hiện nay.

Khoảng hơn 20 năm trước, để có được một bản nhạc hay, bạn bắt buộc phải cần cả một ban nhạc được tập luyện kỹ lưỡng trước khi bước vào phòng thu âm để thu live toàn bộ sản phẩm âm nhạc của mình. Ngày nay thì các công đoạn này có vẻ đơn giản hơn nhiều với công nghệ thu âm trên máy tính, có thể thu từng nhạc cụ và chỉnh sửa bất kỳ lúc nào, thêm nữa là những nhạc cụ ảo (VSTi) đã phần nào làm nhạt mờ dần vai trò quan trọng của người trình diễn nhạc cụ trong quá trình thu âm. Tuy nhiên, những nhạc sĩ này vẫn sẽ luôn có chỗ đứng của họ ở các buổi biểu diễn live, đặc biệt, khi nền âm nhạc phát triển xa hơn, nhận thức người nghe nhạc tăng lên cùng sự trân trọng các âm thanh có tính con người thì họ sẽ càng được trân trọng hơn nữa.

Ca sĩ

Bây giờ mới đến vai trò ca sĩ. Nếu như trên sân khấu, ca sĩ là thần tượng, chiếm ánh đèn sân khấu và nắm trong tay lượng người hâm mộ kinh khủng thì đối với chuỗi quy trình sản xuất âm nhạc, ca sĩ chỉ góp giọng vào một khâu gần cuối – thu âm. Nói như vậy, không có nghĩa là vai trò ca sĩ mờ nhạt. Một ca sĩ muốn hát hay cũng cần nhiều năm rèn luyện giọng hát, tìm hiểu các kỹ thuật hát, các phong cách âm nhạc, tập luyện thanh nhạc mỗi ngày để phát triển giọng hát lên những tầm cao mới, nâng tầm tác phẩm.

Người ca sĩ cũng thường xuyên đầu tư rất nhiều vào các khâu khác không kém phần quan trọng đối với một sản phẩm âm nhạc như: thực hiện video, truyền thông, vũ đạo, hình ảnh… Những phần này cũng tốn không ít nguồn lực đầu tư của họ, cũng vì thế mà họ nổi tiếng hơn và thành công hơn và cũng vì thế, họ là người gánh chịu búa rìu dư luận nhiều nhất khi có scandal. Như vậy, muốn thành công như ca sĩ, bạn cũng cần xây dựng hình ảnh, truyền thông như thế và gánh chịu rủi ro như thế thôi.

Nếu không có người ca sĩ, các ca khúc cũng không thể thành hình. Chỉ có một điều chúng ta cần nhận thức lại, âm nhạc có lời (ca khúc) chỉ là một trong vô số thể loại âm nhạc không lời khác và Yanni, Hans Zimmer, Kitaro, Yiruma, Trần Mạnh Tuấn,… là những điển hình.

Đạo diễn và ekip quay dựng MV

Để ca khúc đến với công chúng một cách mãn nhãn, ca sĩ thường phải thực hiện Music Video, để “minh họa” cho những gì muốn nói trong ca khúc. Và đôi khi, chi phí cho một MV tốn gấp vài chục lần chi phí đầu tư cho một bản nhạc. Ngày nay, các MV còn là một kênh kiếm tiền khá hiệu quả nhờ vào Youtube và các kênh OTT khác.

Nhà sản xuất âm nhạc

Lẽ ra chúng tôi phải để tên vị trí này ở đầu tiên, nhưng vì muốn mọi người hình dung rõ vai trò của nhà sản xuất âm nhạc nên chúng tôi quyết định để sau. Hiện tại, các bạn trẻ yêu nhạc và kể cả dân làm nhạc đôi khi vẫn nhầm lẫn giữa nhà sản xuất âm nhạc và người làm hòa âm phối khí trên máy tính. Nhà sản xuất âm nhạc, là người cần có kiến thức tổng quát từ khâu đầu đến khâu cuối cùng của một dự án âm nhạc nhưng không nhất thiết phải là người thực hiện bất kì khâu nào trong quy trình. Nhà sản xuất âm nhạc thường tìm kiếm, lựa chọn một tài năng và tìm cách ráp nối tất cả các khâu, tạo thành một ekip sản xuất âm nhạc hiệu quả để từng bước một, hình thành sản phẩm âm nhạc và đưa nó đến với công chúng qua các hãng đĩa (record label) hoặc các kênh phát hành độc lập như CDBaby, Tunecore để âm nhạc sẽ lên kệ đĩa hoặc được stream bởi các nền tảng như iTunes, Spotify…

Ngoài ra, quy trình thực hiện còn kéo dài với một chuỗi các vị trí quan trọng trước khi ra được sản phẩm âm nhạc cuối cùng, thành công như: ekip truyền thông, ekip chụp ảnh, ekip trang điểm, các vũ đoàn, ekip huấn luyện, đội ngũ quản lý, đội ngũ booking, các đạo diễn sân khấu/âm thanh/ánh sáng…

Như bạn thấy, để ra được một sản phẩm âm nhạc thành công và thực hiện tiếp các hoạt động sau đó, một dự án âm nhạc cần rất nhiều nguồn lực và con người.

Nếu bạn là một ca sĩ, hãy trân trọng những người làm việc cùng bạn và xướng tên họ khi có cơ hội (ví dụ như trong buổi họp báo, hoặc cuối video, hoặc trong phần miêu tả ở các kênh phát hành) đó là cách bày tỏ lòng biết ơn của bạn đối với một chuỗi những người đang làm công việc sáng tạo, làm bệ phóng cho bạn. Và trên hết, điều này đúng với quyền lợi hợp pháp theo Luật Sở Hữu Trí Tuệ mà họ phải nhận được.

Bạn cũng nên suy nghĩ đến những chính sách, quyền lợi về khai thác bản quyền phái sinh (Derivative Intellectual Property Rights), cát xê biểu diễn đối với những vị trí quan trọng như nhạc sĩ phối khí, sound engineer, mixing engineer, mastering engineer, video director, manager…Đôi khi chỉ là vài phần trăm nhưng sẽ giúp họ có động lực hơn và sẵn sàng làm hết mình, hết tâm cho dự án của bạn về sau. Việc chia sẻ  các quyền lợi này là không bắt buộc khi bạn đã trả tiền mặt, nhưng nó là một hành động đẹp giúp thay đổi cách vận hành nền âm nhạc Việt Nam theo hướng của thế giới. Nếu các ca sĩ không thay đổi điều này, thị trường âm nhạc sẽ dần thay đổi theo hướng bất lợi cho ca sĩ. Khi đó, các producer sẽ có xu hướng tự trở thành DJ, các nhạc sĩ có xu hướng tự trở thành singer-songwriter, các nhạc công trở thành nghệ sĩ sáng tác nhạc không lời,… điều này đã và đang diễn ra trong nền âm nhạc thế giới, có thể thấy rất rõ trong 5 năm gần đây với các lễ hội EDM và các giải thưởng dành cho ca nhạc sĩ như Ed Sheeran với Thinking Out Loud.

Các chính sách quyền lợi nên được phân bổ như thế nào?

  • Đầu tiên, phải bắt nguồn từ nhạc sĩ vì họ là người sáng tác ra tác phẩm gốc ban đầu. Họ phải là những người đưa ra chính sách hợp tác và chia sẻ quyền lợi với các bên tham gia dự án như ca sĩ, nhạc sĩ hòa âm phối khí, nhà sản xuất…
  • Tiếp đến là ca sĩ, họ là những người góp phần tạo ra sản phẩm phái sinh – sản phẩm bắt nguồn từ tác phẩm gốc trước đó (Derivative Products). Ca sĩ có thể kiếm tiền từ biểu diễn và một phần tiền bản quyền phát hành đĩa/tác phẩm. Do đó, ca sĩ có thể chiết lại một số % từ cát xê biểu diễn và từ bản quyền tác phẩm đã phát hành.
  • Ở Việt Nam thì gần như không thấy, chỉ thấy các bên sử dụng đầu cuối nhận thật nhiều (từ quảng cáo, nhạc chuông, download…) và chia nhỏ giọt. Nhưng ở các nước phát triển thì tiền bản quyền được trả ngược từ nền tảng đầu cuối (như itunes/Spotify) về các hãng phát hành/công ty quản lý và phân chia cho các bên có quyền lợi từ tác phẩm gồm nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, sound engineer, …

Bạn cũng không nên nhầm lẫn giữa thỏa thuận hợp tác ban đầu và chính sách chia sẻ quyền lợi về sau nhé

Thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Agreement) hay làm thuê (Work For Hire)

Thông thường, khi thuê một nhạc sĩ làm công việc sáng tác hay hòa âm phối khí, chúng ta sẽ phải chi trả tiền mặt ngay từ đầu, con số này lớn hay nhỏ phụ thuộc vào quy mô dự án, danh tiếng các bên, mong muốn và nhiều yếu tố, thỏa thuận khác.

Các thỏa thuận cần được đàm phán ban đầu để chắc chắn được % bản quyền từ tác phẩm đã được làm rõ. Đa phần các nhạc sĩ, nhà sản xuất đơn lẻ ít khi làm việc có hợp đồng/thỏa thuận, do đó sẽ xảy ra mâu thuẫn, mập mờ là điều khó tránh. Hãy cho các bên tham gia biết mức mong muốn bằng tiền mặt và % của bạn. Nếu bạn chấp nhận một mức lương cao cho công việc đó mà không cần % thì gọi là làm thuê (Work For Hire), thì sau này tác phẩm thành công không có quyền ý kiến. Nếu bạn chấp nhận mức lương thấp, hãy cho đối tác biết bạn muốn một mức % khi tác phẩm hoàn thành và lập thành một thỏa thuận sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Agreement). Như vậy bạn sẽ có tiếng nói đúng đắn và có bằng chứng để sau này dự án có thành công thì đỡ lời ra tiếng vào.

Ví dụ: nhạc sĩ làm sáng tác hoặc hòa âm phối khí với mức giá 10 triệu đồng trên một dự án thì khi được trả sòng phẳng bằng tiền mặt là xem như hết trách nhiệm (work for hire). Đây là kiểu bán đứt đoạn, có thể do nhạc sĩ chấp nhận thỏa hiệp với một mức phí mình cảm thấy hài lòng hoặc vì lý do nào đó khác. Điều này là bình thường với cả nền âm nhạc thế giới. Giống như thuê bạn thiết kế cái áo khoác với chi phí mà bạn hài lòng.

Nếu bạn thấy chi phí đó chưa phù hợp. Bạn hãy đưa ra một mức phí cao khi các quyền lợi chính đáng đã bị xóa bỏ (ví dụ quyền nhân thân, quyền tài sản,…) hoặc yêu cầu đối tác ghi rõ các điều khoản về quyền, thời hạn, miền sử dụng, % bản quyền… vào thỏa thuận. Tất nhiên, lúc này bạn sẽ phải đối diện với thực tế là ít người muốn làm việc với bạn có thể vì bạn “đòi hỏi quá” so với những bên khác sẵn sàng làm “không đòi hỏi”. Bạn sẽ thỏa hiệp hay không? Và một điều tất nhiên là bạn sẽ phải làm hết tâm, hết sức cho cái dự án mà bạn “đòi hỏi quyền lợi” chứ không phải làm việc theo kiểu “bào cho xong”. Bên dưới là những thông tin quan trọng về quyền của người sáng tạo đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật theo Luật Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam được áp dụng từ năm 2006.

Hiểu về quyền tác giả

Quyền tác giả tại Việt Nam đã được quy định chi tiết trong Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Theo đó, Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu, bao gồm các quyền sau đây:

1. Quyền Nhân thân

  • Đặt tên cho tác phẩm
  • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
  • Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2. Quyền tài sản

  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
  • Sao chép tác phẩm;
  • Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyếnvô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Tác phẩm được bảo hộ theo cơ chế quyền tác giả là các tác phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật.

Chính sách chia sẻ quyền lợi (Profit Sharing Policy)

Là những quan điểm mà các bên thống nhất với nhau trước khi bắt đầu tiến hành một dự án. Những người nghệ sĩ và những người sáng tạo sẽ cùng với nhau ngồi xuống, phân chia công việc và ước tính những thành quả nhận được một cách đồng đều và công bằng. Thực sự, những gì họ đang làm cũng chỉ là ước tính bởi vì họ sẽ phải bỏ ra thời gian, công sức để đổi lấy những cơ hội nếu thành công hoặc rủi ro nếu dự án thất bại. Chính sách chia sẻ quyền lợi có hay không có, phụ thuộc vào quan điểm của các bên tham gia và có thể nằm trong hoặc không nằm trong thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ nói trên. Tỉ lệ phân chia như thế nào cho hợp lý còn tùy thuộc vào số lượng các bên tham gia, hàm lượng sáng tạo, danh tiếng mỗi bên… Bên nào có uy tín, thế lực, danh tiếng và nền tảng mạnh thì có quyền đưa ra các chính sách có lợi cho họ, điều này là đương nhiên, vì họ đã bỏ rất nhiều công sức, chi phí, thời gian để xây dựng đến vị trí đó. Hình bên dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về các tỉ lệ chia khi nhìn thấy tổng quan các thành phần tham gia vào toàn bộ chuỗi, từ đó, bạn cũng sẽ nhận thức được bao nhiêu là ít và bao nhiêu là nhiều.

Nói dài dòng quá, chúng tôi tóm lại vài điều sau:

  • Những ai tham gia vào dự án của bạn dù ở vai trò nào cũng cần được ghi công, nêu tên, đó là sự tôn trọng và tuân thủ luật pháp
  • Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, muốn người khác làm việc hết tâm hết sức thì phải rõ ràng quyền lợi. Dù là nhạc sĩ sáng tác, phối khí, ca sĩ hay bất kì vị trí nào, chúng ta cần ngồi lại với nhau, đưa ra những chính sách phù hợp và có lợi cho các bên tham gia, nhiều tiền mặt thì ít % và ngược lại. Không nên tham quá, vì tham thì thâm, đôi khi 1 – 5% cho một dự án âm nhạc cũng không phải là một con số ít với một danh mục hàng chục người trong một dự án. Ký một cái thỏa thuận rõ ràng cho tất cả những dự án bạn tham gia
  • Nghệ sĩ biểu diễn thì phần cát xê cũng được cấu thành từ thành quả tác phẩm nên việc chia sẻ quyền lợi biểu diễn là hợp lý.
  • Nhạc sĩ sáng tác luôn được công nhận là nhạc sĩ dù chỉ sáng tác một đường giai điệu và một đường lời, mang về doanh thu ròng đến tận 50 năm sau khi chết nếu tác phẩm thành công, trong khi nhạc sĩ phối khí thì viết tầm vài đường tới vài chục đường nhạc cụ cho một tác phẩm thì ít khi được công nhận và gần như không có quyền lợi từ sở hữu trí tuệ nếu không được chia sẻ. Rất nhiều những con người giỏi đang phải cặm cụi cố gắng vươn lên với mức phí sáng tạo rẻ bèo cho những cống hiến của họ. Chúng ta không ai sống đến 50 năm sau khi chết nên thành quả đó có giữ hết cũng chẳng để làm gì, hãy chia sẻ một chút để cả nền âm nhạc phát triển.
  • Nhạc sĩ hòa âm phối khí vẫn có thể đăng ký tác phẩm âm nhạc của mình như một “Tác Phẩm” nếu ghi tổng phổ bài nhạc và đem đi đăng ký. Hãy chứng minh vai trò nhạc sĩ của mình bằng những tác phẩm âm nhạc của riêng mình.
  • Muốn có lương cao, sung túc với âm nhạc thì ngay từ hôm nay, dù ở vị trí nào trong ngành nhạc, bạn cũng phải suy nghĩ như người ca sĩ, cũng cần đầu tư hình ảnh, truyền thông và tạo ra các sản phẩm âm nhạc của riêng mình, đánh dấu vị trí của mình trong ngành âm nhạc chua lè chua lét này.
  • Muốn nhận được tiền bản quyền thì mọi thứ từ đầu phải sạch bản quyền (hệ điều hành, phần mềm làm nhạc, VST, VSTi, Sound FX…), cho nên, bạn cần đầu tư ngay từ bây giờ để trách một ngày không đẹp trời, bài nhạc/MV bị xóa và bạn bị kiện vì vi phạm bản quyền

Sau bài viết này, chúng tôi hy vọng tất  cả những anh em, kể cả ca sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư âm thanh,… có sự đồng lòng và chia sẻ cùng nhau để phát triển mạnh hơn, các sản phẩm âm nhạc được đầu tư tâm huyết hơn.

Sau đây là 1 số trang web bổ ích để hỗ trợ bạn trong con đường âm nhạc của bạn, với các bộ tiếng và sample bạn sẽ làm được những sản phẩm độc quyền:

Modern Producer:

Plugin Boutique

Loopmaster

WA Production

Angelic Vibes

Nguồn ảnh: Pixabay