Thời Trần, Hồ, sử sách chép vài chi tiết về thi Hương nhưng không chép về việc cắt cử khảo quan đi chấm thi. Sang thời Hậu Lê tuy có, song thường không được rõ ràng, chẳng hạn Khoa Mục Chí viết về lệ năm 1678 : “trước kỳ thi chọn khảo quan”, nhưng trước bao nhiêu ngày, chọn những ai ?

Thời Nguyễn nhờ có đầy đủ sách sử nên biết rõ hơn : Ðộ ba tuần trước ngày thi, triều đình dựa theo số sĩ tử mỗi trường mà cắt cử khảo quan nhiều hay ít. Khảo quan chia ra hai ban chính:

a – ban Giám khảo phụ trách việc chấm thi gồm các Sơ khảo, Phúc khảo và Giám khảo (Nội trường) và Chánh, Phó Chủ khảo cùng Phân khảo (Ngoại trường).

b – ban Giám sát có trách nhiệm canh phòng, giám thị cả quan trường lẫn học trò, hễ thấy điều gì trái phép phải đàn hặc, nếu không thì chính mình bị tội. Ban này gồm các Giám sát Ngự sử, các viên Thể sát, Mật sát và lính canh.

– Ngoài ra còn có hai ông Chánh phó Ðề Tuyển (cũng gọi là Ðề Ðiệu, xin đừng lẫn với Ðề điệu là Chủ khảo thời Lê) phụ trách những việc biên chép, rọc phách (cắt phần tên học trò trên mặt quyển, gọi là phách, cất đi trước khi giao quyển cho quan trường chấm), kháp phách, yết bảng vv. và các lại phòng phụ giúp.

Lễ Tiến trường: Các quan Kinh được cắt cử đi chấm trường liền thu xếp lên đường đến tỉnh có trường thi, trước hết vào ra mắt quan Tổng đốc đầu tỉnh rồi tức khắc làm lễ Bái vọng và cử hành lễ Tiến trường (vào trường thi rồi ở luôn trong ấy cho đến khi thi xong). Ngày tiến trường, cờ quạt cắm suốt từ cổng thành ra đến trường thi.

I – CẮT CỬ KHẢO QUAN

A – LUẬT LỆ THỜI HẬU LÊ

– 1462 Ðịnh lệ : Các xứ Sơn-nam, Sơn-tây, Hải-dương, Kinh-bắc, Thanh, Nghệ, phủ Phụng-thiên mỗi xứ có bốn Giám thí do Hàn lâm viện cử ; các xứ Tuyên-quang, Hưng-hóa, Thái-nguyên, Lạng-sơn, An-bang, hai Giám thí do hai Ty Thừa, Hiến cử (1).

– 1492 Trước, Khảo quan cốt người khoa mục, không nhất định chọn ở nha môn nào. Nay hạ lệnh chuyên giao cho các quan viện Hàn lâm làm khảo quan ở bốn Ty Thừa tuyên (Hải-dương, Sơn-nam, Tam-giang, Kinh-bắc) mỗi Ty/Trường bốn viên. Quan Hàn lâm đi chấm trường bắt đầu từ đấy (2).

– 1678 (Khoa Mục Chí) Ðịnh lệ :

a – Các xứ Thanh-hoa, Nghệ-an, Sơn-tây, Kinh-bắc, Hải-dương thì các chức :

Ðề điệu (Chủ khảo), Giám thí (Phó Chủ khảo) dùng quan đại thần văn ban ; trường Phụng-thiên dùng Ðô cấp sự làm Giám thí ; các trường nhỏ ở xa thì dùng quan hai Ty Thừa, Hiến.

Ðồng khảo dùng Lang trung, Viên ngoại, Giáo thụ, Huấn đạo, Tri phủ, Tri huyện, Tri châu, Cai bạ vv. Phải là người có tiếng hay chữ và đã thi Hội đỗ Tam trường (3).

Di phong phụ trách việc rọc phách, hợp phách, giữ quyển thi, Soạn tự hiệu thì soạn số hiệu đánh dấu quyển văn của học trò để khi kháp phách khỏi nhầm lẫn, dùng các viên tá nhị ở địa phương (chức phụ ở các nha). Phải là người thanh liêm và quê quán ở xứ khác, nếu quê ở xứ ấy thì không được dùng, để phòng ngừa những chuyện hối lộ, tư túi (4).

b – Các xứ Thái-nguyên, Hưng-hóa, Lạng-sơn, Yên-quảng, Thuận-hóa, Quảng-nam thì dùng :

Ðề điệu, Giám thí quan hai Ty Thừa Hiến.

Khảo quan : Trước kỳ thi, hai Ty chọn khai những viên chính chức và Huấn đạo ở phủ, huyện, quán ở nơi khác và đã từng thi Hội đỗ Tam trường.

Tất cả đều giữ phép công, không được theo ý riêng lấy người này, bỏ người kia.

– 1774 Tháng ba mở trường thi ở xã An-tràng, huyện Chân-phúc (Nghệ-an). Từ kinh đô phái đi ba quan Ðề điệu, Giám thí, Giám khảo (đều đỗ Tiến sĩ) cùng với các quan Thừa Ty và Hiến sát, người của địa phương, là quan ngoại trường ; quan Giám khảo cùng với các quan Sơ khảo, Phúc khảo (đều chân Hương cống, thi Hội đã đỗ Tam trường và đã giữ chức Huấn đạo) ở riêng bên trong, gọi là nội trường. Nội trường, ngoại trường ngăn cách bằng cửa có khóa, có viên quan kiêm nhiệm việc khóa cửa (5).

B – LUẬT LỆ THỜI NGUYỀN

– Năm 1807, định lệ :

Ðề điệu dùng quan tùng nhị phẩm

Giám khảo dùng quan tam phẩm

Phúc khảo dùng quan tứ, ngũ phẩm

Sơ khảo dùng quan lục, thất phẩm

Thể sát, Mật sát dùng cai đội Thị trung, Thị nội

Lại phòng dùng thuộc lại các trấn, phải là người viết chữ đẹp

Tỏa viện Nội trường dùng Tham Hiệp sở tại (Tỏa = khóa chặt không cho ai ra vào).

Thí dụ Trường Kinh-bắc :

Ðề điệu là Tả Tham tri bộ Lại Phạm Ðăng Hưng

Giám thí là Thị trung Học sĩ Phạm Quý Thích

Giám khảo là Thiêm sự bộ Lại Ngô Vị.

– Năm 1821 Dụ rằng nếu Ðề điệu, Giám thí có lỗi mà Giám khảo, Phúc khảo hay Sơ khảo biết, nêu lên thì có thưởng. Nếu Giám khảo, Phúc khảo, Sơ khảo có lỗi mà Ðề điệu, Giám thí nêu lên để hặc thì được miễn nghị (6).

– Năm 1825, quan trường bắt đầu được cấp 1 cờ Khâm sai và 1 bài Phụng chỉ.

Lệ trước quan Tỏa viện trường thi lấy quan văn trong thuộc hạt, nay đổi dùng quan võ, trường Kinh-bắc do đình thần cử, các trường khác do quan thành trấn chọn quan võ hàng tam, tứ phẩm lĩnh việc ấy.

Lại định lệ bắt đầu từ sang năm, trước kỳ đệ nhất sáu ngày, thì quan tiến trường.

Các Tế tửu, Tư nghiệp, Ðốc học đệ quyển thi và sổ thi tới trường giao nhận ngày Tiến trường.

Quan địa phương tới trường kiểm soát mọi việc cung ứng rồi để người ở lại trực chờ ở công quán, còn Tế tửu, Tư nghiệp, Ðốc học và quan địa phương đều về, không được vào trường như cũ.

Vào trường rồi các quan Ðề tuyển / Ðề điệu mới đốc thúc lại phòng viết tên học trò lên giấy, trộn lẫn lộn rồi chia ra các vi, dán tên lên biển để yết kỳ vào trường đệ nhất, treo bảng ở cửa vi, tên nào vào vi nào, gọi là bảng cửa. Ðến kỳ đệ nhị lại đổi. Vua chuẩn (7).

– 1826 Bộ Lễ tâu Ngoại trường xin đặt :

1 Chủ khảo hàng nhị phẩm

1 Phó Chủ khảo tam phẩm

4 Phân khảo ngũ, lục phẩm

1 Ðề điệu tam phẩm

1 Phó Ðề điệu tứ phẩm

30-40 Lại phòng, một nửa giúp quan Chủ khảo, một nửa giúp Ðề điệu. Chọn thư lại lục bộ, viết chữ tốt, tinh tường.

– 1828 bắt đầu đặt Chánh, Phó Chủ khảoChánh, Phó Ðề điệu mỗi chức một viên. Ðặt thêm chức Phân khảo.

Ðề điệu thời Lê và Nguyễn sơ trỏ vào Chánh khảo, nay chỉ chuyên trách việc thu quyển, niêm phong, soạn hiệu, giữ hòm giấy đề tên chứ không dự vào việc đọc, duyệt, chấm thi, xét định lấy hay bỏ.

– Bộ Lễ tâu số quan trường hơi nhiều, xin giảm :

Trường Thừa-thiên, Bắc-thành :

4 Phân khảo nay còn 2

8 Phúc khảo còn 6

16 Sơ khảo còn 12.

Trường Nam-định :

4 Phân khảo nay còn 2

10 Phúc khảo còn 8

20 Sơ khảo còn 14.

Các chức Ðề điệu, Giám khảo, Chủ khảo như cũ. Vua chuẩn (8).

– 1834 Bộ Lễ bàn : Ba tháng trước kỳ thi, các Giáo, Huấn thi thử học trò hạt mình rồi chuyển giao Thượng Ty Học chính sát hạch lại. Nơi nào chưa đặt Giáo, Huấn thì các viên Phủ, Huyện làm thay, nơi nào chưa đặt Ðốc học thì do Ðốc học ở gần kiêm lĩnh. Làm danh sách, trước trung tuần tháng 2 phải tới Kinh.

Khảo quan thì đặt :

Chủ khảo hàng nhị phẩm (9)

Phó Chủ khảo hàng tam phẩm

1 hay 2 Giám khảo hàng tứ phẩm.

Ðề điệu hàng tứ phẩm

Phó Ðề điệu hàng ngũ phẩm

1 hay 2 Phân khảo hàng ngũ phẩm

4 đến 8 Phúc khảo hàng ngũ, lục phẩm

6 đến 14 Sơ khảo hàng thất, bát phẩm và những Cử nhân chưa được bổ

Khoa đạo (Ngự sử) làm Giám sát kiểm soát công việc Nội, Ngoại trường, nếu thấy gian lận thì tâu hặc, không dự việc chấm lấy hay bỏ. Bắt đầu đặt :

Mật sát

4 hay 8 Thể sát đùng cai đội

30-40 Lại viên một nửa theo Chủ khảo, một nửa giúp Ðề điệu.

Công viêc của Ðề điệu là sức cho lại dịch đóng một quyển sổ ghi danh sách thí sinh, số hiệu, rọc phách rồi mới phát cho học trò ngày vào trường. Học trò làm xong nộp quyển thì Ðề điệu chuyển cho Giám khảo Nội trường để chia cho các Sơ khảo chấm trước, phê hạng ưu, bình, thứ, liệt, ký tên rồi trả lại. Giám khảo lại đem những quyển trúng giao cho Phúc viện, quyển hỏng để lại ở viện Giám khảo. Phúc khảo chấm xong cũng phê hạng, ký tên rồi giao trả. Giám khảo duyệt lại tất cả những quyển hỏng hay trúng rồi cũng phê hạng, ký tên xong giao cho Ðề điệu để chuyển cho Chủ khảo ở Thí viện. Mỗi kỳ Chủ khảo duyệt xong giao lại cho giữ. Ðến kỳ đệ tam kiểm số hiệu, đem cả ba quyển của mỗi người đính làm một đệ lên Chủ khảo xét lấy đỗ hay bỏ rồi giao trả về để hợp phách (dán phách vào quyển thấy ăn khớp, cùng một số hiệu, thì biết tên người viết bài).

Các quan Nội, Ngoại trường không được tự tiện ra vào. Sơ khảo, Phúc khảo không được tự tiện qua lại với nhau.

Quan trường và sĩ tử thông đồng thì quan bị giáng hay cách chức, học trò phạt trượng hay tội đồ. Mượn người gà hay gà người khác đều bị tội sung quân. Lại điển, Mật sát làm bậy bị tội đồ (10).

– 1843 Từ 1831 về trước, việc giao nhận, phê chấm bài đều do Giám khảo lo liệu, những quyển bị Sơ khảo đánh hỏng không chuyển cho Phúc khảo chấm. Bộ Lễ bàn những quyển bị Sơ khảo đánh hỏng nay giao riêng cho một vài Phúc khảo duyệt lại. Vua chuẩn (11).

– 1894 Theo J. Boissière, Phó sứ Bắc kỳ, thì trường Hà-nam khoa này có 11 000 thí sinh. Khảo quan gồm : 34 quan chấm trường, 1 Giám sát, 8 Thể sát, 40 Lại phòng.

– 1909 Khoa cải cách đầu tiên, trường Hà-nam chỉ còn 3 068 thí sinh. Khảo quan gồm :

Chủ khảo : Ðặng Như Vọng, Tiến-sĩ, Thị lang, Hành Tham tri bộ Học

Phó Chủ khảo : Mai Ðức, Cử-nhân, Quang lộc tự khanh, Hành Tham tri bộ Hộ

Phân khảo : Nguyễn Ðức Lý, Tiến-sĩ, Ðốc học Thanh-hóa

: Nguyễn Duy Phiên, Tiến-sĩ, Thừa chỉ Hàn lâm viện, tòng sự ở Quốc tử giám

Giám khảo : Nguyễn Ðình Diên, Tiến-sĩ, Viên ngoại lang bộ Học

Phạm Liên, Tiến-sĩ, Hành Viên ngoại lang Hội đồng Phụ chính

Ðề tuyển : Phan Hữu Ðiện, Lang trung bộ Công

Ðinh Ðiền, Chủ sự bộ Binh.

– Khoản tiền cấp thêm cho quan trường, lại phòng, chuẩn cho một bậc (thí dụ Chủ khảo vốn được 19 đồng thì nay tăng lên là 20 đồng).

Mỗi trường cho tăng thêm một viên Giám sát Nội trường, hai viên Kiểm độc xuất thân khoa mục, am hiểu quốc ngữ và chữ Pháp. Bài thi quốc ngữ sẽ do hai viên này kiểm tra nét chữ rồi đọc duyệt, giúp Chánh, Phó Chủ khảo cho điểm. Những quyển viết chữ Pháp hay quốc ngữ chấm ở Nha Thống sứ (Résidence Supérieure) do một hội đồng gồm một Chủ tịch, một Chủ sự việc bản xứ, hai người Pháp và năm người Nam (12).

Bình thường, các Giám khảo, Phân khảo trở lên do triều đình chọn các quan Kinh, toàn những người đỗ đạt, chỉ trừ hai ông Ðề tuyển giữ việc kháp phách là những người duy nhất biết tên tác giả các quyển thi, thì kén người ít chữ nhưng thanh liêm để không thể tư tình sửa bài hộ cho học trò. Các Sơ khảo, Phúc khảo do quan Tổng đốc cắt cử, dùng những Cử-nhân, Tú-tài, Giáo-thụ, Huấn-đạo tại chỗ. Khoa 1909 các Sơ khảo, Phúc khảo, Lại phòng do Nha Thống sứ cắt đặt.

Theo Ngô Tất Tố thì các ông Chánh, Phó Chủ khảo sau khi được cắt cử liền bị canh phòng rất ngặt để tránh chuyện hối lộ, tư túi (13).

– Khoa 1912 và khoa 1915 tại trường Nam-định chính Công sứ Darles giữ việc Giám sát.

– 1915 Khoa này quan trường nhiều người biết tiếng Pháp và các môn Tân học vì đã học ba năm trường Hậu bổ hoặc đã du học bên Pháp, một vài người là tham tá công sở Pháp (14).


II – NGHIÊM PHÒNG

A – LUẬT LỆ THỜI HẬU LÊ

– Khảo quan : Năm 1448, quan Tư khấu Lê Khắc Phục, làm Ðề điệu ở Quốc tử giám, ngờ quan trường có ý thiên tư, xin bắt khảo quan phải uống máu ăn thề. Lệ quan trường phải minh thệ bắt đầu từ đấy (15).

Quốc Triều Hình Luật đời Lê định rằng khảo quan nếu có thân thuộc dự thi cùng một trường thì phải làm giấy Hồi Tỵ nếu không sẽ phạt 50 roi, biếm một tư, các Di phong, Ðằng lục (nhiệm vụ sao lại bài văn của sĩ tử) phạt 80 trượng (16)).

– 1499 Quan Tuần xước hàng ngày luân chuyển đi tuần. Khảo quan có bà con dự thí cho được hồi tị (16).

– 1678 Khoa Mục Chí : Trước kỳ thi, hai Ty chọn những viên Giáo, Huấn quán ở chỗ khác, từng thi Hội đỗ Tam trường để sung làm Khảo quan.

Các trường Thanh, Nghệ, Sơn-nam, Sơn-tây, Kinh-bắc, phủ Phụng-thiên đến ngày thi sai một quan võ làm Tuần xước đốc suất quân lính ngày đêm canh gác. Trường ở phiên trấn do các quan Ðô Ty bắt dân thủ lệ trong hạt canh gác ngoài trường, trong ngoài không được thông đồng với nhau. Nếu có kẻ gian đến gần trường thì bắt trình các quan Thí viện công đồng xét hỏi và trị tội tùy nặng nhẹ.

Các lại viên hai Ty người nào quê xứ khác, đã đỗ thư toán, thực thà, quen việc cho vào làm trong trường thi. Nếu quê ở bản xứ mà gian dối trà trộn vào làm trong trường thi thì xử tội sung quân.

Những Xá nhân, Thể sát ngoài trường do quan bản Ty chọn người nào ngay thẳng, thạo việc, cho làm.

– Học trò : Bắt xã trưởng khai sổ những quan viên chưa bổ, Nho sinh trúng thức (con quan đã đỗ thi Hương), Giám sinh ở nhà để tang cha mẹ, ngày thi sai quan điểm mục : quan viên ở nha môn, những người kia ở Quốc tử giám. Vắng mặt thì xử tội sung quân hay biếm, bãi.

Ngày vào trường, các quan Thí viện (Ðề điệu, Giám thí) công đồng gọi tên từng người ở cửa trường để các xã trưởng nhận diện rồi mới cho vào thi.

B – LUẬT THỜI NHÀ NGUYỄN

Sau khi các quan tiến trường, cổng trường khóa lại, có lính canh gác suốt ngày đêm không cho ai ra vào (“nội bất xuất, ngoại bất nhập“). Các vật dụng đã được sắp đặt đầy đủ, nếu thiếu thứ gì các Khảo quan không được tự tiện mua mà phải trình quan Giám sát Ngoại trường (có chỗ chép là Chủ khảo) là người độc nhất có quyền tiếp xúc với quan Tổng đốc ở bên ngoài nhờ chu biện hộ.

Các Khảo quan nếu không có việc công thì không được qua lại, ai ở phòng nấy, gần như bị giam lỏng, để tránh chuyện thông đồng, gian lận. Khoảng năm 1884, bác sĩ quân y Hocquard đến xem trường Hà còn thấy lủng lẳng ở cửa phòng các Khảo quan những mảnh giấy niêm phong, đã được Chủ khảo cắt sau khi thi xong để mở cửa cho các quan ra khỏi phòng.

Ngày thi, việc canh phòng giao cho tám viên Thể sát dưới quyền quan Ngự sử : bốn người coi việc gian lận, coi cả quan trường lẫn học trò, bốn người coi trật tự. Ngoài trường quan Ðề đốc lãnh binh đem lính diễu quanh rầm rập.

– 1807 Ðịnh lệ quan trường không được mang mực đen và giấy có chữ vào trường, nếu không sẽ bị nghiêm trừng. Thí dụ :

Năm 1876 Phúc khảo trường Nghệ Ðặng Huy Hoán mang hộp mực đen vào trường bị phát giác, phạt 100 trượng, cách chức đuổi về quê. Các Giám sát, Giám khảo tâu hặc, thưởng kỷ lục mỗi người một thứ.

Năm 1841 Cao Bá Quát (1809-54) làm Sơ khảo trường Thừa-thiên, cùng Phan Nhạ lấy muội đèn sửa hộ 24 quyển thi phạm trường quy, vớt được 5 tên. Bị tố cáo, xử tội trảm quyết, sau được vua Thiệu-Trị xét Quát là người giỏi, lại không phạm tội ăn hối lộ nên giảm án xuống giảo giam hậu (giam lại đợi ngày xử giảo, chết được toàn thây, kể như nhẹ tội hơn bị chặt đầu) sau cho đi dương trình hiệu lực, tức là được theo một phái đoàn xuất ngoại lấy công chuộc tội.

– Lệ năm 1807 còn định rằng ở trong trường, các quan Nội trường, Ngoại trường không phải việc công thì không được gập riêng nhau, ai ở nhà nấy.

Năm 1841, Chủ khảo trường Thừa-thiên, Bùi Quỹ mộ chữ đẹp của Sơ khảo Cao Bá Quát, triệu ra Ngoại trường viết bảng. Phân khảo Nguyễn văn Siêu giữ Quát ngủ một đêm ở Ngoại trường. Việc phát giác, Chủ khảo bị cách chức, Giám khảo bị giáng chức, Nguyễn văn Siêu bị phạt trượng và tội đồ.

– Theo lệ, quan trường không được mang đầy tớ vào trường phục dịch, đã có lính hầu cáng đáng. Tuy nhiên, trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân chép rằng khi Nguyễn Công Trứ làm Chủ khảo trường Hà-nội năm 1840 đã mang theo một cô đào hát cải nam trang vào trường thi cho đỡ buồn.Thực Lục tuy xác nhận Nguyễn Công Trứ có làm Chủ khảo trường Hà khoa 1840 nhưng không thấy đả động tới chuyện mang ả đào vào trường thi (17), chỉ có Công Dư Tiêp Ký chép Nguyễn Thọ Xuân khi làm Ðề điệu trường Nghệ-an cho hai thị nữ ăn mặc giả lính hầu đem vào trường. Việc phát giác, nhưng chúa Trịnh không nỡ bắt tội, ỉm đi hộ (18).

Thực Lục cũng chép :”Năm 1825, tại trường Nghệ, Hoàng Quýnh, Nguyễn Hữu Nghị cho học trò ăn mặc giả làm người hầu đi lẫn vào, song bị đuổi ra tức thời và Quýnh bị giáng hai cấp, Nghị bị giáng một cấp, lưu”.

– 1915 Khoa này có con viên Án sát Nam-định đem tài liệu vào trường thi chép bị Công sứ Darles, giữ chức như Ngự sử, bắt quả tang. Viên Án sát bị đổi ngay đi Hưng-yên. Ðể ngừa gian lận Darles chụp ảnh cả 417 người trúng kỳ đệ nhất, cứ 20 người chụp chung một ảnh để các kỳ sau không thể nhờ người thi hộ (19).

CHÚ THÍCH

1 – Phạm văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, tr. 412.

2 – Khoa Mục Chí, tr. 13 – Cương Mục , XI I, tr. 47.

3 – Lê Quý Dật Sử, tr. 30-4 – Cương Mục, XVI, tr. 41-2.

4 – Cương Mục XVI, tr. 42 – Thực Lục XVI, tr. 51 – Kiến Văn Tiểu Lục, tr. 98 – Khoa Mục Chí, tr. 25.

5 – Lê Quý Dật Sử, tr. 31-2.

6 – Thực Lục, III, tr. 340 – Hương Khoa Lục, tr. 92-4.

7 – Thực Lục, VII, tr. 195, 203-5 – Khai Trí Tiến Ðức, tr. 62.

8 – Thực Lục, IX, tr. 70.

9 – Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục, tr. 53.

Thời Lê và Nguyễn sơ gọi Chủ khảo gọi là Ðề điệu, Phó Chủ khảo là Giám thí, đều là quan văn chấm thi, tuy nhiên chức Ðề điệu thời Lê cũng có khi trỏ vào quan võ. Thời nhà Nguyễn, từ 1828, Ðề điệu trỏ vào viên quan võ coi việc rọc phách, giữ quyển vv.

10 – Thực Lục, XV, tr. 107.

11 – Hương Khoa Lục, tr. 231-2.

12 – Concours triennal au Tonkin, Nam-định, 1909 – Hương Khoa Lục, tr. 611-2.

13 – R. de la Susse, Les concours littéraires en Annam, tr. 8-9 – Lều Chõng, tr. 189-92.

14 – Làng Hành-thiện, tr. 260.

15 – Kiến Văn Tiểu Lục, tr. 97 – Sử Ký Toàn Thư, III, tr. 147.

16 – Quốc Triều Hình Luật, tr. 66 – Một “tư” là một “tư cách”, chưa rõ nghĩa đích xác – CM, XI I, 62.

17 – Thực Lục, XXII, tr. 276-7 – Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, tr. 265.

18 – Vũ Phương Ðề, Công Dư Tiệp Ký, III, tr. 37.

19 – Làng Hành-thiện, tr. 257.




LƯƠNG CUNG ÐỐN HÀNG NGÀY CỦA CÁC KHẢO QUAN (1660)

Thi Hương và Thi Hội đều như nhau :

Ðề điệu, 7 phần (42 đồng tiền quý) (1)

Giám thí, 6 phần (36 tiền quý)

Giám khảo, 5 phần (30 tiền quý)

Phúc khảo, 4 phần (24 tiền quý)

Ðồng khảo, 3 phần (18 tiền quý)

Nha lại, 2 phần rưỡi (15 tiền quý)

Tùy sai canh cửa, 2 phần (12 tiền quý)

Thêm lợn 2 con trị giá 6 quan tiền quý, tổng cộng 1007 quan, 45 đồng tiền quý và 15 137 bát gạo.

Riêng phần ông Ðề điệu :

Nhà 1 cái, ba gian, giá khoán là 5 quan, 4 tiền.

Giường, chiếu nứa, đèn, dao quai, dao to, rổ rá, mâm, chậu gỗ sơn vẽ, mỗi thứ một cái.

Chiếu tốt một đôi, dầu 2 chĩnh, bấc đèn một bó, nồi đất 3 cái, chum lớn, chum nhỏ, mỗi thứ 3 cái, bát đĩa mỗi thứ 15 cái, định giá là 2 quan tiền quý.

Mỗi ngày gạo 7 bát, nước mắm, rượu, trứng, muối, chè, gừng, củi, cộng là 42 đồng tiền quý.

Phan Huy Chú (2), Khoa Mục Chí

(1) Tiền quý = 1 tiền ăn 60 đồng ; Tiền gián = 1 tiền ăn 36 đồng.
1 quan = 10 tiền.

(2) Phan Huy Chú (1782-1840), con Phan Huy Ích (gốc Nghệ, di cư ra làng Sài-sơn, Sơn-nam) hai lần thi (1807, 1819) đều chỉ đỗ Tú-tài. Minh-Mệnh nghe tiếng, vời ra làm quan đến chức Hiệp trấn Quảng-nam, Hàn Lâm viện Thị độc, hai lần làm Phó sứ sang nhà Thanh (1825, 1831), lần thứ hai phạm tội phải đi hiệu lực ở Batavia. Trước tác nhiều (Hoàng Việt Ðịa Dư Chí, Hoa Trình Tục Ngâm, Dương Trình Ký Kiến, Hải Trình Chí Lược…), đặc biệt nổi tiếng với bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, công phu và uyên bác.

Trước cửa Ðốc-Bộ đường có bao nhiêu người tụ tập để đón xem cuộc rước long trọng uy nghi của các quan tiến trường. Cờ, lọng, võng ở ngoài đưa vào dinh quan Thượng khuân khuẩn mãi. Quá Mão sang Thìn, tiếng chiêng trống trong dinh nổi dậy, lên xuống rất nhịp nhàng. Tiếng loa truyền vang khắp, bọn lính tráng chạy tới tấp rộn rịp :

“Loa ! truyền quân lính dẹp đường rẽ lối, các quan sang Văn miếu tiến trường !”

Bọn lính cầm roi vụt lia lịa ra khoảng không, mọi người xem đều chạy tản mát hết. Các phu cầm cờ đã nhổ cán cờ lên, tiến đi dần dần. Chiêng trống đã ra đến cổng dinh : này phường bát âm, này trống con, trống tiêu cổ thi nhau khua inh ỏi. Rồi dưới hai cái tàn vóc đỏ thêu kim tuyến, lát mặt gương lóng lánh, cờ và bài của nhà vua chuyển thong thả do hai tên lính mặc áo nâu đỏ cầm. Sau đấy là chiếc võng điều đỏ tươi, trên có một vị đại thần đội mũ đỏ cánh bạc, vận áo vóc mầu cổ đồng, bối tử (1) thêu tiên cưỡi hạc, có bốn lọng xanh che. Ðấy là quan Chánh Chủ khảo, Lễ bộ Tham tri sung Biện-Các vụ đại thần. Tiếp đến võng điều thứ hai, ba lọng xanh che, của quan Phó Chủ khảo. Võng đào thứ ba, thứ tư hai lọng, có hai quan Giám sát Ngự sử, đội mũ đen cánh bạc, mặc áo mầu thanh thiên, bối tử thêu con công xoè cánh. Võng năm, võng sáu, hai lọng xanh có hai quan Giám khảo vận áo mầu cam bích. Võng bẩy, tám có hai quan Ðề tuyển mặc áo mầu quan lục đi một lọng. Võng chín, mười hai quan Phân khảo mặc áo mầu quan lục đi một lọng. Bốn võng theo sau nữa của bốn quan Phúc khảo vận áo mầu lam, đi một lọng. Tiếp đến tám quan Sơ khảo đi bộ, đội mũ trơn hai hoa bạc, mặc áo nam sa mầu bảo giám (xam xám), mỗi vị có một lọng theo. Lại có một cái võng điều với bốn lọng che quan Tổng đốc mặc đại triều phục đi tiễn các quan tiến trường. Sau đấy một cái án thư to do bốn tên lính khiêng, trên để lễ tam sinh : một con dê, một con bò, một con lợn. Có hai cái lọng đi kèm. Trên một án thư nữa có hoa quả và ván sôi, con lợn chín, do hai tên lính khiêng và hai tên phu che lọng. Kế đến bốn mươi lại phòng, khăn áo chỉnh tề, xếp hàng đôi đi trước, tám viên đội thể sát với một toán lính vác gươm, cầm dáo rất hùng dũng. Lại phòng và lính là do quan tỉnh cử vào giúp việc trong trường cho đến khi thi xong. Một toán lính lệ đi tập hậu dẹp đường. Ðám rước đi rất oai nghiêm và thong thả. Ðến trước cửa Văn miếu các quan ngừng lại, xuống võng, đem lễ chín vào bái yết đức Thánh Khổng. Lễ xong, các ngài lại ra thẳng trường thi. Ðến trước cổng trường phu cờ tản ra hai bên, nhường chỗ cho phường trống tiến qua cổng chính (tiền môn), qua nhà Thập đạo, thẳng lối vào Thí viện, cả đoàn võng lọng và người từ từ theo sau tụ tập cả ở đấy. Lễ tam sinh bầy ở giữa Thí viện, các quan chia cắt người vào làm lễ tế bách linh và tứ phương Thần chủ. Tiếng chiêng trống dịp đàng, tiếng thông xướng và đọc văn văng vẳng làm huyên náo trường thi trong chốc lát. Rồi lễ tất, các phu lọng đi rước lui ra, khu trường thi sẽ sống biệt lập giang sơn trong một tháng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ trừ có mấy viên đội thể sát do quan Ngự sử cho giao thông với ngoài để chuyển vận lương thực.

Chu Thiên (2), Bút Nghiên

1 – Bối tử = miếng vải hình vuông đáp ở ngực áo, quan văn thêu hình chim, quan võ thêu hình thú.

2 – Chu Thiên (1913- 1945) tên là Hoàng Minh Giám, người Nam-định, con một gia đình nho học. Viết tiểu thuyết lịch sử và nghiên cứu, phảng phất tinh thần phục cổ, đặc biệt liên quan đến thi cử là : Bút Nghiên (1942), Nhà Nho (1943), Bóng Nước Hồ Gươm (1970).

LỄ TIẾN TRƯỜNG (II)

Sớm tinh mơ ngày hai mươi nhăm tháng chín, các quan làm lễ Tiến trường tại khu trường thi Nam-định. Hai chiếc lọng vàng phủ nghiêng xuống lá cờ và tấm biển có chữ “Phụng chỉ” “Khâm sai” và bốn chiếc lọng xanh ghé sát thấp tịt xuống cái đầu bạc của một ông Ðại khoa. Mùi nghi vệ mới phảng phất ít hôm trước thì sớm nay đã chan hòa nổi dậy trên một khoảnh đất mà mọi khi chỉ có hoang vu và bằng lặng.

Ánh sáng ban ngày đi vắng mãi từ những đâu mà đến giờ vẫn chưa thấy trở về. Từ hôm có gió vàng pha mùi cơn bấc đến nay, người ta chưa bao giờ thấy cái âm u tẻ lạnh đến nhường ấy. Mãi đến bây giờ là gần giữa giờ Thìn rồi mà tối và sáng vẫn còn chưa phân tách hẳn ra. Người ta đứng bao quanh đàn cúng, vẫn chỉ thấy ánh sáng mấy chục ngọn nến bạch lạp rọi vào lớp da hoen ố vết lửa cháy của đàn tế, trên đó phủ phục ba cỗ tam sinh cong queo : một con trâu và một con dê đen thui kèm một con lợn cạo trắng mở to cặp mắt chết.

Mặt đất sáng hơn nền trời. Cõi tự nhiên, một buổi sáng mùa thu có cuộc tế Tiến trường, hình như đang lắng chờ một tai biến gì. Gió cũng không muốn thổi. Mấy ngọn sáp không lung lay vệt khói sám nơi bình hương bốc lên thẳng thắn nơi bàn tam sinh.

Nền trời phương Ðông đáng lẽ phải hửng lên để đón lấy chiêu dương. Thế mà ở đây chỉ rặt một thứ mây đục đùn lên những hình Quỷ Ðông và, nơi phía Tây, một cái cầu vồng cụt một chân, tô lên trên tạo vật có tang ma, những mầu xanh đỏ rực rỡ và rờn rợn. Trong cảnh âm dương hỗn loạn không chia biệt rõ, quan Chánh Chủ khảo trường Hà-nam hợp thí khoa Mậu Ngọ (1), đang tế cáo trời đất, vua, thần thánh, và suýt soa, khai xong tên tuổi, quê quán, ngài khấn :

“… Báo oán giả, tiên nhập ; báo ân giả, thứ nhập…”

Có lẽ đoạn khấn này là khoản chú trọng nhất của lễ tam sinh và đã được quỷ và thần chứng giám. Người lính tuần mặc áo nẹp đỏ vừa được lệnh đổ chén rượu cúng xuống tàn lửa đống vàng đang hóa dở thì những đầu ngọn cỏ may im lìm nơi bãi trường thi đều rung lên một nhịp và theo một chiều. Người ta, hồi nẫy sống một cơn mơ giữa khoảng ban ngày u uất, bây giờ trông thấy một cơn mơ đang tàn dần. Một thứ gió u hiển thổi thốc mãi vào bãi trường, nghe lào sào như có tiếng người chen chúc và chạy vào choán chỗ. Những cây nến cháy vạt ngọn bỗng tắt phụt hết.

Không gì xa vắng bằng cái động đậy trong đìu hiu của muôn loài.

Trời đất trong sáng lại dần dần.

Hai anh em ông Ðầu Xứ (2) Ngoạt (lấy tên tục của làng nguyên quán là Cổ-nguyệt) lững thững ra về.

Nguyễn Tuân (3), “Báo oán”, Vang Bóng Một Thời

1 – Khoa Mậu Ngọ (1918) là khoa cuối cùng ở miền Trung, khoa cuối trường Hà-Nam ở Nam-định thực ra là khoa Ất Mão (1915).

– Ðầu xứ là người đỗ đầu thi Hạch.

3 – Nguyễn Tuân (1910-77) người làng Mọc (Nhân-mục), ngoại thành Hà-nội, nổi tiếng về những cuốn Tùy Bút, giọng dí dỏm xen lẫn khinh bạc,Vang Bóng Một Thời có tính chất hoài cổ và huyền bí.