Nội hàm của văn hóa truyền thống vô cùng phong phú và tinh thâm, chứa đựng rất nhiều cảnh giới mà các bậc thánh hiền, những người có nhân cách cao thượng thời xưa cả đời hướng đến. Chúng trở thành đại trí tuệ lưu truyền hàng ngàn năm qua.

4 đạo lý ẩn chứa đại trí tuệ của người xưa
(Tranh minh họa qua Kknews.cc)

Đại đạo chí giản

Đại đạo chí giản là một câu nói thường được dùng trong Đạo gia, mang ý nghĩa là: Đạo lý vĩ đại thường lại vô cùng đơn giản, đơn giản đến mức có thể dùng một hai câu mà nói ra. Đơn giản ở đây không phải qua loa cho xong, cũng không phải đơn thuần ấu trĩ. Nó là thể hiện của sự thành thục, nhìn xa trông rộng. Những thứ hoàn mỹ thường thường là đơn giản. Đơn giản chính là chân lý, là sức mạnh, là đại trí tuệ.

Trong cuộc sống, người ta cần nhìn những sự tình phức tạp thành đơn giản, khi sự tình đã trở nên đơn giản thì dụng tâm đi làm. Gặp phải những sự tình phức tạp, trước tiên chúng ta nên bình tĩnh, loại bỏ tất cả những vướng mắc và tạp niệm không cần thiết. Khi tĩnh lại thì có thể nhìn thấu bản chất và quy luật phát triển của vạn vật. Luyện thành một đôi mắt trí tuệ sẽ thấy mọi thứ thực ra đều rất đơn giản, áp lực sẽ được giảm bớt, đau khổ cũng sẽ không còn.

“Đại đạo chí giản”, càng là đơn giản thì càng hữu hiệu, càng lâu dài. Con người khi sống cũng nên lựa chọn cách sống đơn giản, không nhất thiết chuyện gì cũng phải làm cho rõ ràng, không nhất thiết điều gì cũng phải hơn người khác.

Bất vong sơ tâm

Trong “Kinh Hoa Nghiêm” có câu danh ngôn: “Bất vong sơ tâm, phương đắc thủy chung”, nghĩa là không quên bản tâm và tín niệm lúc ban đầu, như thế mới có thể thành tựu tâm nguyện.

Đối với người tu hành mà nói, chỉ có giữ vững và tin tưởng vững chắc vào thệ nguyện ban đầu của mình thì mới có thể thành tựu ước mơ, công đức tròn đầy. Tâm niệm ban đầu chính là ánh sáng chỉ rõ phương hướng cho người ấy cố gắng, cung cấp động lực cho người ấy vươn lên, càng nhắc nhở người ấy những lúc do dự mất phương hướng: đừng quên con đường mình đi lúc ban đầu, đừng quên vì sao mình xuất phát, đừng để cảnh đẹp ven đường khiến mình lạc mất hướng đi.

Đối với một người bình thường mà nói, muốn làm thành việc lớn thì cũng không thể quên mất chí nguyện của mình. Cho dù cự ly có bao nhiêu xa xôi cách trở, cho dù đường đi có bao nhiêu gian nan, hãy đừng bỏ cuộc mà phải cố gắng tiến về phía trước. Cuộc sống luôn tiến về phía trước và sẽ có rất nhiều thứ biến đổi nhưng chỉ cần người ấy kiên định với tâm niệm ban đầu, ôm giữ thiện tâm và chính nghĩa, thì cuối cùng nhất định có thể đạt được thành tựu nhất định.

Thượng thiện nhược thủy

“Thượng thiện nhược thủy” là câu có xuất xứ từ cuốn “Đạo Đức Kinh“. Nguyên văn câu ấy là: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố kỷ vu đạo”, nghĩa là cảnh giới cao nhất của thiện hạnh giống như đặc tính của nước, nước tạo phúc cho vạn vật mà không tranh giành lợi với vạn vật, nằm ở nơi mọi người không chú ý, cho nên nước là gần với Đạo nhất.

Người xưa cũng có câu: “Đào lý bất ngôn hạ tự thành khê”, nghĩa là cây đào và cây mận vốn dĩ không thu hút con người, nhưng khi chúng có hoa và quả ngọt, mọi người đi lại bên dưới tán cây để hái quả rồi tự nhiên hình thành lối đi nhỏ. Câu này ý muốn nói người có nhân phẩm cao thượng, thành thật chính trực thì không cần phải tự mình khoe khoang mà tự nhiên sẽ nhận được sự tôn kính và mến mộ của mọi người. Bởi vậy điều một người cần nhất là hướng vào bản thân mà tu dưỡng chính mình.

Trong cuộc đời này cũng vậy, chúng ta không cần phải khoe khoang hay tranh giành điều gì, nếu có thể thoát khỏi sự trói buộc của xiềng xích danh lợi, đặt tâm theo đuổi chí hướng cao đẹp thì sẽ có thể thành tựu nghiệp lớn.

Hữu dung nãi đại

Cổ ngữ nói: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”, nghĩa là biển dung nạp trăm sông, bởi vì có dung nạp nên mới trở thành to lớn. Cũng như vậy, con người ta khi đối nhân xử thế phải độ lượng, bao dung, tấm lòng quảng đại.

Một người có tâm lượng rộng bao nhiêu thì thế giới của họ cũng sẽ trở nên rộng lớn bấy nhiêu. Sống trên đời, mọi chuyện nên xem nhẹ một chút, nhìn thoáng một chút, nhìn xa một chút, thì sẽ sống được ung dung tự tại.

“Nước quá trong thì không có cá, người quá khắt khe thì không có người theo”. Bởi vậy, ai cũng cần học cách tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, học cách thản nhiên đối mặt với những chuyện không như ý muốn trong cuộc sống. Xưa nay, những người có thể làm thành được việc lớn đều phải là người quảng đại, dung nạp được hết thảy ý kiến của người khác. Một người khoan dung, độ lượng và hào phóng, trước những sự tình không vừa ý hay gặp người đối xử không tốt với mình vẫn nở nụ cười và bỏ qua thì đó chính là người đại trí tuệ, người có nhân cách cao thượng.

An Hòa