1
Vài nét về thời đại, những tư liệu gốc về Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho dân tộc 

Sau 97 năm dưới ách xâm lược và thống trị của nhà Triệu – Hán (từ Triệu Đà [207 tr. c. ng.] cho đến Thuật Dương vương Triệu Kiến Đức [111 tr c. ng.]), nước ta lại phải chịu sự thống trị của nhà Tây Hán (Trung Hoa) thêm 151 năm (111 tr. c. ng. – 40 s. c. ng.). Trong hơn một thế kỉ rưỡi ấy, Thạch Đái là người được Hán triều bổ nhiệm làm châu thái thú đầu tiên (Tân mùi, 110 tr. c. ng.). Ít năm sau (-106), y vẫn giữ quyền cai trị chín quận thuộc Giao Chỉ bộ, đổi chức danh là thứ sử. Dưới quyền y, còn có chín quận thái thú (quan mục) cai trị chín quận. Sau khi Đái chết, Chu Chương thay. Cuối đời Vương Mãng (soán đoạt ngôi vua nhà Hán, 8 s. c. ng. – 23 s. c. ng.), thứ sử Giao Chỉ bộ là Đặng Nhượng.

Những thái thú người Hán cai trị các quận, Toàn thư (1) và Cương mục (2) ghi lại tên họ: Tích Quang (thái thú quận Giao Chỉ (3)), Đỗ Mục (?) (*), Nhâm Diên (thái thú quận Cửu Chân (4) trong 4 năm)… Trong đó, Tích Quang và Nhâm Diên là hai thái thú đã thi hành thủ đoạn mị dân, được thư tịch cổ Trung Hoa khá đề cao. Thực ra, để biện minh cho sự xâm lược, bóc lột, chúng sử dụng chiêu bài khai hoá (đem văn minh Hoa Hạ sang truyền bá với mục đích đồng hoá); và để chứng tỏ sự khai hoá, không gì bằng thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân là mọi rợ (ngoại di, nam man) (5).

Đến năm Giáp ngọ (34 s. c. ng.), ở Trung Hoa, hoàng đế nhà Hán là Quang Vũ Lưu Tú (niên hiệu Kiến Vũ). Bấy giờ, thái thú Giao Chỉ mới nhậm chức là Tô Định. Tô Định là một tên thực dân cổ đại, “cai trị tham lam, tàn bạo” (6) khét tiếng. Đây là tên thái thú gian ác nhất trong những tên thái thú gian ác. Nhân dân ta rên xiết dưới sự bóc lột độc ác của y.

Trước tình cảnh đó, hậu duệ của dòng dõi vua Hùng không thể ngồi yên, câm lặng, chịu đựng. Phải kháng chiến, ấy là ý chí của nhân dân và của nhiều người trong hàng ngũ Lạc hầu, Lạc tướng. Trong đó, nổi bật nhất lại là một người nữ: Trưng Trắc (vốn có tên tiếng Việt: Trứng Chắc), và em gái là Trưng Nhị (Trứng Nhì). Tuy nhiên, sách Hậu Hán thư, ở mục Mã Viện truyện, lại ghi nhận với nhãn quan của bọn xâm lược: “Người đàn bà ở Giao Chỉ tên là Trưng Trắc với em tên là Trưng Nhị làm phản (chú [thích – ct.]: Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ của người huyện Chu Diên tên là Thi Sách, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định lấy pháp luật mà ràng buộc, Trắc oán giận mà làm phản), đánh chiếm quận. Người Man Di các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, cướp chiếm hơn 65 thành ở Lĩnh ngoại. Trắc tự lập làm vua. Bấy giờ (vua Hán) cho Viện làm phục ba tướng quân, lấy Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó, đốc xuất bọn Lâu Thuyền tướng quân Đoàn Chí đánh Giao Chỉ ở Phương Nam. Quân đến Hợp Phố thì bị bệnh chết. Chiếu cho Viện kiêm thống xuất binh của Chí. Bèn theo dọc bờ biển mà tiến, theo núi phát đường hơn nghìn dặm. Năm 18 [niên hiệu Hán – Kiến Vũ – ct.] quân đến trên Lãng Bạc, đánh phá được giặc, chém được hơn nghìn đầu, đầu hàng đến hơn vạn người. Viện đuổi theo bọn Trưng Trắc đến Cấm Khê, đánh thắng nhiều lần. Giặc tan chạy. Năm sau, tháng giêng, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, gởi đầu về Lạc Dương (chú: ‘Việt chí’ nói rằng: Trưng Trắc khởi binh, đóng đô ở huyện Mê Linh. Kịp bị Mã Viện đánh, chạy vào suối Kim Khê, hai năm sau bắt được”) (7).

Không thể không sử dụng tư liệu gốc của Trung Hoa, nhưng các sử gia nước ta vẫn viết theo nhãn quan của người Việt Nam. Người mà sử gia Trung Hoa gọi là “giặc” ấy, chính là vị nữ anh hùng bậc nhất của dân tộc ta (và cũng rất hiếm có trong lịch sử thế giới).

Sách của người Việt, trong đó, đặc biệt có Thiên Nam ngữ lục, phần ngoại kỉ, viết: “Tô Định ngờ Thi Sách làm phản, lại ghét Thi Sách lấy cả hai chị em họ Trưng, bèn sai binh đến thành Chu Diên, toan bắt Thi Sách và Trưng Trắc. Thi Sách đem quân chống cự, nhưng thế yếu, bèn khiến Trưng Trắc và Trưng Nhị rút quân về giữ Hát Môn. Đêm ấy, Thi Sách bị quân Tô Định giết. Trưng Trắc bèn cùng với Trưng Nhị xướng nghĩa, nổi quân để trả thù chồng” (7).

Toàn thư viết ở phần đề mục: “Vua rất hùng dũng, đuổi Tô Định, dựng nước, xưng vương, nhưng vì là vua đàn bà, không thể làm nên công tái tạo” (8).

Cương mục viết: “Năm Canh tí (40 s. c. ng.). (Hán, năm Kiến Vũ thứ 16). Tháng 2, mùa xuân. Người con gái quận Giao Chỉ là Trưng Trắc khởi binh đánh đuổi thái thú Tô Định; tự lập làm vua. Vua vốn họ Lạc, lại có một tên họ nữa là Trưng. Là con gái quan Lạc tướng huyện Mi Linh, quận Giao Chỉ, và là vợ Thi Sách người huyện Chu Diên, bà là người rất hùng dũng. Lúc bấy giờ thái thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo, giết mất chồng bà. Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm chỗ châu lị. Tô Định phải chạy về Nam Hải. Quân bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy. Các dân tộc Man, Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mi Linh. Các thứ sử, thái thú ở quận Giao Chỉ đều chỉ bảo toàn được mình thôi” (9).

“Năm Tân sửu (41 s. c. ng.). (Hán, năm Kiến Vũ thứ 17). Tháng 12, mùa đông. Nhà Hán phong Mã Viện làm phục ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng, đốc xuất bọn Lâu Thuyền tướng quân là Đoàn Chí, sang đánh Trưng vương. Nhà Hán cho rằng Trưng thị tự xưng làm vua, đem quân đánh các thành ấp, làm cho các nơi biên giới bị khổ sở, bèn bắt các đất Trường Sa, Hợp Phố và Giao Chỉ sắm sửa đủ xe, thuyền, sửa sang cầu đường, khơi thông các khe suối, chứa sẵn lương thóc; […]” (9).

Năm sau (42 s. c. ng.), tháng 3, mùa xuân, “Mã Viện ven theo đường biển tiến quân, qua núi đốn cây, đi hơn nghìn dặm đến Lãng Bạc, đánh nhau với quân Trưng vương. Trưng vương thấy thế quân bên Hán mạnh nhiều, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không thể chống lại được. Quân của bà cũng cho rằng bà là đàn bà, không địch nổi với Hán; vì thế quân bà tự tan vỡ” (9).

Năm kế tiếp (43 s. c. ng.), “tháng giêng, mùa xuân, Trưng Trắc cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán. Hai bà bị thua và mất. Trưng vương cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán, quân vỡ, thế cô, đều bị thất trận chết. Mã Viện đuổi đánh tàn quân của hai bà là bọn Đô Dương (chữ … trong Hán thư chép là chữ dê (**)), đến huyện Cư Phong thì hàng phục được họ. Mã Viện lập cột đồng để ghi địa giới tận cùng của nhà Hán. Khi Mã Viện về rồi, người trong nước thương nhớ Trưng vương, lập đền thờ bà” (9).

Và Cương mục viết lời chua về “cột đồng”: “… Sách Nhất thống chí nhà Đại Thanh có chép: ‘Tương truyền (cột đồng) ở về động Cổ Sâm châu Khâm, Mã Viện có thề rằng: ‘Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt’, nghĩa là ‘cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt’, nên người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao. Đó là vì sợ cột đồng bị đổ gãy” (9).

Toàn thư và Cương mục là tư liệu gốc của nước ta, rất tiếc là cũng chỉ viết sơ lược như thế. Tuy nhiên, có những dòng chữ đã làm chói sáng công cuộc khởi nghĩa rộng khắp, đạt được thắng lợi hiển hách của nhân dân Bách Việt, và làm sáng chói triều đại Trưng nữ vương, tuy rằng triều đại độc lập, tự chủ ấy của dân tộc ta chỉ đứng vững vỏn vẹn trong 3 năm trời (40 s. c. ng. – 43 s. c. ng.).


2
Phải chăng nguyên nhân khởi nghĩa như nhiều người đã nghĩ?

Hai Bà Trưng là hậu duệ của vua Hùng (10). Trong dã sử nước ta, về thời Hùng vương, có truyện cổ Trầu cau rất nên thơ, phản ánh trình độ văn minh nhất định của người Việt Nam cổ đại (11). Truyện Thánh Gióng phản ánh tinh thần yêu nước của nhân dân một cách sâu sắc, lại còn thể hiện một trình độ xã hội đã biết sản xuất (rèn đúc) ra vũ khí (tất nhiên cả nông cụ) bằng sắt. Về trình độ trị thuỷ (chống lũ lụt, làm đê điều), truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh đã phản ánh rất rõ nét. Đó là chưa nói đến Trống Đồng Lạc Việt, những mũi tên đồng Cổ Loa, hai bằng chứng vật thể sinh động và hùng hồn về kĩ nghệ luyện kim, đúc đồng của người Lạc Việt, Âu Việt, ngay cả người Trung Hoa (vốn có nền văn minh hơn cả châu Âu thuở bấy giờ) cũng rất khâm phục. Chính tên tướng giặc Mã Viện cũng đặc biệt khâm phục, nhưng lại có dã tâm tiêu diệt văn hoá Việt (Mã Viện từng cướp trống đồng ở đền Đồng Cổ để nấu lại, đúc thành ngựa đồng đem về dâng cho vua Hán) (12). Chúng ta cũng biết rằng, không nhất thiết các hình ảnh được nhìn thấy trên trống đồng Lạc Việt là hình ảnh của xã hội Lạc Việt vào năm 500 tr. c. ng (tính theo niên đại [C14] trống đồng cách thế kỉ XX khoảng 2.500 năm), mà đó chính là hình ảnh hồi ức về thời khởi thuỷ của người Lạc Việt trên đất Giao Chỉ, nghĩa là cách thế kỉ XX khoảng 4.000 năm.

Có lẽ cần phân tích thêm một vài chi tiết nữa về văn hoá thời cổ đại này. Theo các thư tịch cổ của Trung Hoa, đã được trích dẫn bên trên, rằng, người Cửu Chân không biết cày bừa bằng trâu bò: “… Hậu Hán thư (quyển 106): “Người Cửu Chân, tục lấy săn bắn làm nghề nghiệp, không biết cày bằng trâu bò (Đông quan Hán kí nói: Cửu Chân tục đốt cỏ mà trồng trọt ở ruộng. Tiền Hán thư nói: Sưu túc đô uý là Triệu Quá dạy dân cày bằng bò)…” (xem lại cước chú (5)). Nhưng sự thật là trong ngôn ngữ Hán, từ “ngưu” được dùng để chỉ cho cả trâu lẫn , chứng tỏ người Hán – Hoa không phân biệt được hai loại súc vật này, vì hình như ở đất Trung Hoa không hề có loài trâu; trâu là loài súc vật đặc chủng ở vùng Nam Á. Ở Nam Á, chủ yếu là cày bằng trâu chứ ít người cày bằng bò. Khi muốn nói về loài trâu, người Hán – Hoa phải thêm một định ngữ : thuỷ ngưu (bò nước), còn khi họ chỉ dùng mỗi một từ “ngưu”, thì phải hiểu đó là bò! (13). Cho nên, không thể tin được vào Hậu Hán thư cùng các sách cổ khác của Trung Hoa về chi tiết này.

Về cách búi tóc (“búi tóc ở gáy”), trang phục (“lấy vải luồn qua đầu làm áo”), có lẽ là đúng sự thật. Trước thế kỉ XX, nam lẫn nữ người Việt búi tóc ở gáy là phổ biến; cho đến ngày nay (XIX), một số vẫn còn búi tóc ở gáy, xem như một đặc sắc văn hoá thuần Việt đáng tự hào. Trang phục “lấy vải luồn qua đầu làm áo”, quả thật chỉ còn thấy ở loại áo binh trong vàng mã dùng để cúng tế. Tuy nhiên, loại trang phục chỉ khoét một lỗ tròn ở tấm vải làm cổ áo để chui đầu qua này, tất nhiên là gọn ghẽ, chứ không phải để bùng xoà, cột thắt lưng, như vẫn thấy ở một vài dân tộc Trung Á (xem các tranh thờ của người Do Thái cổ đại) hoặc ở loại áo mưa cánh dơi (poncho). Về chi tiết thích đi chân không, mặc dù guốc dép vẫn có, là một sự thật hiện nay vẫn còn ở nông thôn Việt Nam; do đó, bàn chân hơi thô, các ngón chân hơi toẽ ra (chứ không phải “giao chỉ” với nghĩa xấu!). Ai cũng có thể hiểu rằng, đó không phải do gien, mà do tập quán ở xứ bùn lầy nhiệt đới. Nếu mang giày dép từ bé thì không có sự toẽ các ngón chân như thế (14). Điều này rất trái ngược với hủ tục bó chân từ tấm bé để chân yếu đi, nhỏ lại; càng yếu, càng nhỏ thì càng đẹp [sic!], thị hiếu sản sinh từ thói áp bức phụ nữ của người Hán – Hoa.

Sự phát triển và trình độ văn hoá ở hai bộ Giao Chỉ và Cửu Chân nước ta trong thời đoạn bị lệ thuộc nhà Triệu – Hán (Vũ vương Đà – Ai vương Hưng) và nhà Tây Hán (Trung Hoa), tức là sau thời điểm vua Hùng thứ 18 bại vong, An Dương vương làm mất nước, đến lúc này (năm +40), hẳn là bị áp bức, bóc lột, bị kìm hãm về mọi mặt, nhưng không thể lạc hậu đến mức thụt lùi, trở về thời đồ đá!

Sở dĩ phải viết về văn hoá thời Hùng vương, An Dương vương và thời bị nhà Triệu – Hán, nhà Tây Hán (Tiền Hán) xâm chiếm, thống trị, bởi trước khi nổ ra cuộc khởi nghĩa Trưng Trắc – Trưng Nhị, Toàn thư và Cương mục đều chép lại về hai thái thú Tích Quang, Nhâm Diên, kế tiếp ngay sau đó mới là tên thái thú Tô Định!

Và sở dĩ phải viết về văn hoá như thế là bởi, tôi muốn bác bỏ những cách hiểu sai trái về mấy chữ “lấy pháp luật mà ràng buộc” trong Hậu Hán thư, ở mục Mã Viện truyện đã trích dẫn bên trên. Có nhà nghiên cứu (như Đào Duy Anh chẳng hạn) cho rằng, Trưng Trắc chống lại luật hôn nhân và các luật văn hoá khác của nhà Đông Hán (25 – 219) (15)! Đúng là không thể không chống lại mưu toan và chính sách đồng hoá văn hoá, đồng hoá huyết thống để tiệt nòi Việt, nhưng cụ thể mà lại như thế, mặc dù nhà nghiên cứu vô tình, cũng đã làm hạ thấp ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa. Đó là một sai lầm nghiêm trọng của Đào Duy Anh.


3
Chân lí vốn rất giản dị mà vĩ đại!

Tại sao có cuộc khởi nghĩa ấy?

Nguyên nhân rất đơn giản đã trở thành chân lí muôn đời: có ngoại xâm, tất nhiên phải chống ngoại xâm. Hà tất phải hỏi! Cho dù sung sướng, cho dù văn minh hay cho dù đất nước trở thành thiên đàng đi nữa (giả định phi lí dưới ách nô lệ!), loài người nói chung vẫn có ý thức dân tộc và vẫn yêu quý độc lập, tự do hơn tất cả. Không dân tộc nào lại chấp nhận làm nô lệ cho người ngoại quốc; nô lệ cho chính quyền nước ngoài lại càng không thể chấp nhận. Trong thực tế lịch sử, có bọn đế quốc, thực dân, bành trướng nào lại đi xâm lược nước khác nhằm mục đích khai hoá thật sự, mà ngược lại, chúng chỉ nhằm mục đích là áp bức, bóc lột, nô dịch nhân dân nước bị xâm lược mà thôi. Chiêu bài khai hoá, thực ra, chỉ là đòn phép mị dân và sỉ nhục dân tộc bị trị!

Vì vậy, có rất nhiều nhà nghiên cứu sử học cứ chăm chắm vào việc phân tích nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Trưng Trắc – Trưng Nhị ở những nguyên cớ trực tiếp, chứ không phải là nguyên nhân sâu xa. Hai khái niệm nguyên cớ và nguyên nhân vốn khác nhau.

Thiên Nam ngữ lục (sử ca dân gian thế kỉ XVII) có đoạn thơ gần như tổng kết các nguyên nhân và nguyên cớ:

“Một xin rửa sạch nước nhà
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Rõ ràng nỗi ô nhục của Tổ quốc bị giặc ngoại xâm dày xéo, nô dịch là nguyên nhân sâu xa nhất, cháy bỏng thường trực nhất, được nêu lên ở vị trí số một. Thứ đến, là vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước của tổ tiên Hùng vương (Lạc vương). Thù chồng phải trả; kẻ thù chính là quân ngoại xâm nên chỉ có thể trả bằng kháng chiến, chứ không thể bằng luật pháp. Nguyên nhân thứ tư và cuối cùng, lại chính là sự tự bảo vệ cơ ngơi, sự nghiệp, trong đó có cả nhân phẩm bản thân.

Hai nguyên nhân đầu là vì đại nghĩa. Hai nguyên cớ sau là vì gia đình riêng.

Tuy nhiên, mặc dù rõ ràng là vậy, nhưng sách Hậu Hán thư, ở mục Mã Viện truyện (15), viết: “Thái thú Giao Chỉ là Tô Định lấy pháp luật mà ràng buộc, Trắc oán giận mà làm phản”. Pháp luật của đế chế Đông Hán (Hậu Hán) ràng buộc điều gì?

Thiên Nam ngữ lục, phần ngoại kỉ (7), viết: “Tô Định ngờ Thi Sách làm phản, lại ghét Thi Sách lấy cả hai chị em họ Trưng, bèn sai binh đến thành Chu Diên, toan bắt Thi Sách và Trưng Trắc”.

Vì luật hôn nhân ư? Cụ thể là luật pháp nhà Đông Hán cấm người đàn ông cưới hai vợ vốn là hai chị em ruột? Hoàn toàn không thể hiểu như thế. Truyện Trầu cau chỉ ngụ ý cấm phụ nữ không được lấy hai anh em ruột làm chồng. Trong Truyện Kiều, Kim Trọng chả lấy hai chị em Thuý Kiều – Thuý Vân là gì. Tất nhiên luật pháp mỗi thời mỗi khác, nhưng cho đến nay, nhân dân Việt Nam vẫn chấp nhận Kim – Vân – Kiều. Ở khía cạnh khác, trong thực tế, theo Đào Duy Anh, chỉ mỗi sách này viết Thi Sách lấy cả hai chị em ruột. Ngoài ra, các sách khác không viết như thế. Và cho dù có theo Thiên Nam ngữ lục, phần ngoại kỉ (7), thì phải hiểu là, Tô Định không muốn có cuộc hôn nhân thực chất là liên minh chính trị giữa Lạc tướng huyện Mê Linh (họ Lạc [Hùng]) và Lạc tướng huyện Chu Diên (Toàn thư khẳng định Lạc tướng này không phải họ Lạc) (16).

Và thật ra, Đào Duy Anh cho rằng, luật pháp ở đây chính là luật mới của nhà Đông Hán (dời kinh đô, đóng ở Lạc Dương, phía đông), triều đại kế tục nhà Tây Hán (vốn đóng đô ở Trường An, phía tây), sau khi Vương Mãng (15 năm cướp ngôi) bị giết chết. Luật pháp nhà Đông Hán ràng buộc chặt chẽ các dân tộc bị trị, trong đó có các quý tộc cũ mà nhà Tây Hán còn dung dưỡng. Nói rõ hơn, đến lúc này, bọn Đông Hán quyết siết chặt các thuộc địa của chúng, bằng biện pháp trấn áp, bóc lột, tước đoạt ruộng đất của nhân dân Bách Việt cho quan binh và lưu dân người Hán, và đồng thời đẩy mạnh tiến trình Hán hoá, đồng hoá dân tộc bị trị thành người Hán, tiệt nòi Bách Việt, nhất là Âu Lạc Việt. Riêng khía cạnh chính trị này, Đào Duy Anh có lí (15).

Như đã trích dẫn bên trên, Cương mục (9), viết: “Lúc bấy giờ thái thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo, giết mất chồng bà. Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm chỗ châu lị. Tô Định phải chạy về Nam Hải. […] Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mi Linh”.

Không nghi ngờ gì nữa, một cuộc khởi nghĩa tạo được sự hưởng ứng rộng khắp gần cả cõi Bách Việt như thế, không phải là ngẫu nhiên. Phải có tổ chức, có liên lạc từ trước, và căn bản là có đại nghĩa, lãnh tụ phải có uy tín. Câu sử Cương mục (9) thật hào tráng, phản ánh một sự thật lịch sử hào hùng:

“Quân bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy. Các dân tộc Man, Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo”.

Làm thế nào chỉ là bỗng chốc, ngẫu nhiên, chỉ vì thù nhà riêng tư, mà có thể tập hợp được lực lượng nhân dân, chiến đấu và chiến thắng một cách thần tốc, vĩ đại đến thế! Tất nhiên ý thức dân tộc độc lập, tự do, ý chí chống quân xâm lược tàn ác, chống lại mưu toan đồng hoá dân tộc về huyết thống và văn hoá do bọn bành trướng Đại Hán thực thi, đã từ lâu ngấm ngầm sôi sục trong tâm trí toàn dân Bách Việt, là cơ sở của mọi cơ sở. Nhưng không thể không thấy được cuộc khởi nghĩa thần tốc và vĩ đại ấy đã được Trưng Trắc, Trưng Nhị và Thi Sách (hoặc Thi) liên lạc, tổ chức sâu rộng từ khá lâu trước đó (17).

Trưng Trắc – Trưng Nhị đã lãnh đạo nhân dân quét sạch kẻ thù; bọn thái thú như Tô Định và quan tướng nhà Đông Hán thảm bại, hoảng hốt kéo nhau bỏ chạy về nước. Hai Bà Trưng đã chiếm lại gần trọn vẹn đất Bách Việt với 65 thành trì. Trưng Trắc đã lên ngôi vua, phục hồi lại quốc thống từ thời vua Hùng.

Mặc dù sau ba năm Hai Bà Trưng xây dựng một triều đại độc lập tự chủ, quân đội của Hai Bà Trưng vẫn chưa đủ mạnh để có thể bảo vệ Đất nước trước sự phản công, tái chiếm của quân binh nhà Đông Hán, một khi chúng dốc toàn lực. Mã Viện lại là tên tướng giặc thuộc loại sừng sỏ, nhiều kinh nghiệm trận mạc nhất của chúng.


4
Những lời bình của sử gia:

Sau khi Mã Viện đã về nước, có đến khoảng 200 ngôi đền nhân dân đã lập nên để thờ kính Hai Bà Trưng cùng những danh tướng, danh binh trong cuộc khởi nghĩa. Toàn thư ghi nhận, ngay tại thành Phiên Ngung (đất cũ hiện nay ở trên lãnh thổ Trung Hoa) cũng có đền thờ Hai Bà Trưng (18).

Sử gia Lê Văn Hưu đã ca ngợi tài năng lỗi lạc của Hai Bà Trưng và phê phán những kẻ nam nhi hèn nhát: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu (sic – TXA. ct.) cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người Phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy” (19).

Sử gia Ngô Sĩ Liên ca ngợi Hai Bà Trưng như thần nhân: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai hoạ: Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?” (20).

Hoá ra, nhà nho kiêm sử gia duy lí Ngô Sĩ Liên cũng chỉ duy lí ở mức độ của thời đại mình, vẫn đặt đức tin vào thuyết thần khí linh ứng; nhưng điểm rất đặc sắc ở Ngô Sĩ Liên là ông tiếp thụ tinh tuý ấy từ văn hoá dân tộc, nhân (con người) hoá thành thần (thần thánh) chính là người anh hùng cứu nước, chứ không phải tà ma nhảm nhí.

Ở Cương mục, lời châu phê của vua Tự Đức: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng cũng mặt dày thẹn chết lắm dư!” (21).

Cho dù viết sử dưới thời thực dân Pháp thống trị, có những hạn chế này khác, đề tài lại là hoàn cảnh “thời Bắc thuộc”, một hoàn cảnh cũng bi thảm, đen tối tương tự như “thời Pháp thuộc”, Trần Trọng Kim cũng hết lời ngợi ca Hai Bà Trưng, hai người phụ nữ Việt Nam đã oai hùng, dũng cảm tổ chức, lãnh đạo nhân dân vùng dậy đánh đổ ách thực dân cổ đại Trung Hoa. Sử gia Trần Trọng Kim viết: “Hai Bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài trí của người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ Hai Bà để ghi tạc cái danh tiếng hai người nữ anh hùng nước Việt Nam ta” (21).

Dẫu sao, như trên đã trình bày, Trưng Trắc – Trưng Nhị là hai người phụ nữ vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nhân loại, giới phụ nữ toàn cầu xưa nay hầu như chưa từng có (22). Xin nói một cách khiêm tốn, theo kiến thức hạn hẹp của tôi, tôi chưa từng đọc được trang sử nào của các nước trên thế giới, từ cổ đại đến hiện đại, lại có nhân vật lịch sử nước họ là người phụ nữ giương cao cờ nghĩa, tổ chức, lãnh đạo nhân dân rộng khắp để khởi binh kháng chiến, cứu nước một cách thần tốc và vĩ đại như thế. Trưng Trắc – Trưng Nhị còn là hai nhân cách tuyệt vời trong sáng, cao đẹp, không gợn một chút tì vết nào.

Những nhân vật lịch sử vừa hiển hách về chiến công, vừa vĩ đại về sự nghiệp, vừa cao đẹp về nhân cách, vừa được nhân dân kính yêu, tín ngưỡng như Trưng Trắc – Trưng Nhị đã làm sáng ngời những trang sử sách, khiến sáng mắt sáng lòng hậu thế, ấm lại niềm tin về con người, nhất là về những con người chính trị, quân sự trong “ma lực” của quyền bính.

Trần Xuân An
Bản gốc
Tranh minh họa: Ấm Chè.


Chú thích:

(1) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003.

(2) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998.

(3) Quận Giao Chỉ: Bắc bộ Việt Nam. Theo Cương mục, quận Giao Chỉ thống trị mười huyện: La Lũ (Liên Thụ), An Định, Cẩu Lậu, Mi Linh (Mê Linh), Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên. Xem: Cương mục, sđd., tập 1, tr. 109 (Tb. [tiền biên], q. [quyển] II, 5). Trị sở của thái thú quận Giao Chỉ đến thời Đông Hán (còn gọi là thời Hậu Hán [25 s. c. ng. – 219 s. c. ng.], sau cuộc cướp ngôi của Vương Mãng [8 s. c. ng. – 23 s. c. ng.]) mới đóng ở Long Uyên (tức Long Biên, nay là thủ đô Hà Nội). Sở dĩ vùng đất này được đổi tên là Long Uyên là bởi, vào năm 208 (Hán, Kiến An thứ 13), “khi mới đắp thành, có giống giao long lượn đi lượn lại ở hai bên bờ sông” (theo Thuỷ kinh chú). Xem: Cương mục, sđd., tr. 111 (Tb., II, 7): lời chua.

(*) Không phải Đỗ Mục (803 – 853), thi sĩ đời vãn Đường (Trung Hoa).

(4) Quận Cửu Chân: Bắc Trung bộ Việt Nam (từ Thanh Hoá trở vào…). Theo Cương mục, quận Cửu Chân thống trị bảy huyện: Tư Phố, Cư Phong, Đô Bàng, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết, Vô Biên; nguyên đầu đời Hán, tách ra đặt làm quận Nhật Nam (tức là Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay). Xem: Cương mục, sđd., tập 1, tr. 109 & 110 (Tb. [tiền biên], q [quyển] II, 5 – 6).

(5) Toàn thư và Cương mục vẫn thừa nhận Tích Quang, Nhâm Diên là hai thái thú có công khai hoá dân Việt!?! Toàn thư viết: “Phong tục văn minh của đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai thái thú ấy”. Thật sự không một nước nào lại đi khai hoá nước khác bằng cách kéo quân đi xâm lược, dùng mưu kế thâm độc để xâm chiếm. Xem: Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 212 – 213 (NK. [ngoại kỉ], q. II, tờ 1a – 1b); Cương mục, sđd., tập 1, tr. 112 – 113 (Tb. [tiền biên], q [quyển] II, 8 – 9). Có lẽ cũng cần đọc thêm những đoạn trong thư tịch cổ của Trung Hoa, mặc dù đó là những câu chữ thực chất là bôi nhọ, xuyên tạc (như Đào Duy Anh đã nhận định), nhằm biện minh cho chiêu bài khai hoá. Hậu Hán thư (quyển 54) viết: “Phàm đất Giao Chỉ bộ, tuy đã đặt quận huyện, nhưng ngôn ngữ khác nhau, phải có thông ngôn mới hiểu. Người như cầm thú, không phân biệt trưởng ấu, búi tóc ở gáy, đi chân không, lấy vải luồn qua đầu làm áo. Sau đó người tội nhân Trung Quốc đến ở lẫn với họ, mới hơi biết ngôn ngữ, dần dần thấy hoá theo lễ. Đến đời Quang Vũ trung hưng, Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân, bấy giờ dạy cho dân cày cấy, biết đội mũ đi giày, đặt mối lái, dân mới biết hôn nhân, dựng học hiệu dạy lễ nghĩa”. Và cũng Hậu Hán thư (quyển 106): “Người Cửu Chân, tục lấy săn bắn làm nghề nghiệp, không biết cày bằng trâu bò (Đông quan Hán kí nói: Cửu Chân tục đốt cỏ mà trồng trọt ở ruộng. Tiền Hán thư nói: Sưu túc đô uý là Triệu Quá dạy dân cày bằng bò). Dân thường phải nhờ Giao Chỉ giúp lúa cho, thường hay túng thiếu. [Nhâm – ct.] Diên bèn khiến đúc chế điền khí, dạy cho khai khẩn ruộng nương, năm năm mở rộng, trăm họ no đủ. Lại dân Lạc Việt không có lễ giá thú, chỉ theo dâm hiếu, chứ không thích cặp đôi; không biết tính cha con; không biết đạo vợ chồng… Thời Bình đế, Tích Quang người đất Hán Trung, làm thái thú Giao Chỉ, dạy dân Di dần dần theo lễ nghĩa, tiếng tăm cũng ngang hàng với Nhâm Diên. Cuối đời Vương Mãng, [Quang – ct.] giữ đất cự tuyệt [với Vương Mãng soán ngôi nhà Hán – ct.]. Đến buổi đầu Kiến Vũ, [Quang – ct.] sai sứ cống hiến, bèn được phong tước Diêm Thuỷ hầu. Miền Lĩnh Nam [tức Bách Việt – ct.] theo phong hoá Trung Quốc là bắt đầu từ hai thái thú ấy”. Đào Duy Anh cước chú: “Đại khái người Hán tộc cho rằng người Lạc Việt ở Giao Chỉ và Cửu Chân không có chế độ gia tộc và chế độ hôn nhân như họ”. Dẫn theo: Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 93 – 94. TXA. chua thêm (ct.).

(6) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 114 (Tb., II, 10).

(7) Dẫn theo: Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 98. ĐDA. cước chú: Thiên Nam ngữ lục (sách của Thư viện Bác cổ, kí hiệu: AB 478). TXA. in đậm (iđ.) & chua thêm (ct.). Xem: Nhiều tác giả, Từ điển văn học, tập 2, Nxb. KHXH., 1884, tr. 371: “Thiên Nam ngữ lục là một tập thơ viết về lịch sử (loại quốc sử diễn ca), xuất hiện vào cuối thế kỉ XVII, gồm 8.136 câu, viết từ đời Hồng Bàng đến Hậu Trần, có thêm phần phụ “Lê triều kỉ”; chủ yếu dựa vào Toàn thư, nhưng có sử dụng thêm tư liệu dân gian”.

(8) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 214 (NK. [ngoại kỉ], q. II, tờ 2a). TXA. iđ. & ct..

(9) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 114 – 117 (Tb., II, 9 – 13). TXA. iđ. & ct..

(**) Nguyên chú của Cương mục (sđd., số tr. đã dẫn): “… bọn Đô Dương (chữ … trong Hán thư chép là chữ dê) …”. Chắc chắn chữ Dương (Mặt trời? Biển?…) với nghĩa đẹp ấy là tên riêng. Hoặc giả, có thể tên của vị lão tướng là chữ Nôm (Đô Giương?). Rất tiếc bản dịch không in chua thêm chữ Hán, chữ Nôm nào, chỉ để trống với dấu ba chấm. Dẫu sao, vẫn chắc hẳn sử gia người Trung Hoa, biên soạn Hán thư, thực chất cũng có ý xấu, muốn bôi nhọ lão tướng Đô Dương (chỉ huy một đạo quân của Hai Bà Trưng) là loại dê chó (“dương chất hổ bì” [da cọp chất dê], gà chó, ưng khuyển…), khi cố tình viết sai tên của lão tướng.

(***) Từ đây, về năm dương lịch, nếu trước công nguyên Tây lịch (tr. c. ng.), sẽ ghi dấu trừ (-) trước số chỉ thứ tự năm; nếu sau công nguyên Tây lịch (s. c. ng.), sẽ ghi dấu cộng (+) hoặc không dấu trước số chỉ thứ tự năm; và để biểu thị một giai đoạn, vẫn theo cách thông thường là hai số chỉ năm cách nhau bằng một dấu ngang nối dài (–).

(10) Tưởng cũng nên nhắc lại về thời Hùng vương, tổ tiên của Hai Bà Trưng. Cũng như bất kì dân tộc, quốc gia nào, giai đoạn huyền sử của nước ta và Trung Hoa cũng mờ mịt, thực hư lẫn lộn. Nếu dân tộc ta có Thần Trụ Trời trong thần thoại, Trung Quốc có ông Bàn Cổ! Theo sử Trung Quốc, thời khởi thuỷ, ở Trung Hoa có ông Bàn Cổ, thọ đến chín trăm (900) tuổi (sic!), khiến người ta liên tưởng đến những nhân vật có tuổi thọ cũng khoảng chín trăm (900) tuổi như thế trong Sáng thế kí, phần Cựu ước của Kinh Thánh Thiên Chúa giáo (a)! Sau đó, ở Trung Quốc là thời Tam hoàng, Ngũ đế. Có thuyết cho là Tam hoàng gồm Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông và Ngũ đế gồm Hoàng Đế, Xuyên Húc, Đế Cốc, Nghiêu, Thuấn. Thần Nông còn có hiệu là Viêm Đế. Chỉ đến các đời vua này, các dân tộc Hán – Hoa mới bước đầu thoát khỏi giai đoạn hậu vượn-người. “Từ trước đến giờ, người Tàu còn ăn lông ở lỗ. Đến họ Hữu Sào (trước Tam hoàng?), mới bày cho dân kết cành cây trên đại thọ làm nơi ẩn trú; họ Toại Nhân bày lấy lửa nấu chín đồ ăn. Về sau, có mấy vị thủ lĩnh rất có công mở mang cho dân là: Phục Hy dạy dân phép cưới vợ, gả chồng, nuôi thú vật để sai khiến, làm lưới để đánh cá, vẽ bát quái chỉ cái lẽ âm dương sinh hoá của muôn vật, chế nhạc khí; Thần Nông, hiệu Viêm Đế, chế ra cày bừa, dạy cày ruộng, lập chợ búa để dân trao đổi hoá vật, lại nếm các thứ cây cỏ để tìm vị thuốc cho dân trị bêïnh, ấy là ông tổ của các nghề nông, thương, và thuốc. Nghề nông phát sinh, và từ đó người Tàu mới định cư hẳn. Văn hoá bắt đầu sáng tạo vậy” (Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, ấn quán Hồng Phát, Chợ Lớn – Sài Gòn, 1958, tr. 7 – 8). Tôi nhấn mạnh đến nhân vật huyền sử Thần Nông (Viêm Đế). Cũng như nhiều nhân vật huyền sử khác, đây là trường hợp hậu thế lấy danh từ chung để gọi thành tên. Viêm Đế có liên quan đến họ Hồng Bàng của dân tộc ta (b). Xin xem lại bài bài viết: “Giai đoạn huyền sử trong Đại Việt sử kí toàn thư (1697) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884)” của TXA..

(a) Xem thêm: Kinh Thánh, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, 1986. Theo Kinh Thánh, A-đam bắt đầu có khả năng sinh con vào năm một trăm ba mươi (130) tuổi, hưởng thọ đến chín trăm ba mươi tuổi (930) tuổi; Sết thọ chín trăm mười hai (912) tuổi; Ê-nót thọ hơn chín thế kỉ (905); Lê-méc, thân phụ của Nô-ê thọ đến bảy trăm bảy mươi bảy (777) tuổi; bản thân Nô-ê đến năm trăm (500) tuổi còn sinh con! (sđd., tr. 5 – 6 [[STK. [Sáng thế kí]: 5 : 1 – 32]]). Chúng ta cũng dễ liên tưởng đến nhân vật lịch sử Jésus Christ (1 – 33), người đã bị các “thứ sử”, “thái thú” Hérodé (Hérode), Philato (Philastre) của đế quốc La Mã tử hình trước cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đúng 7 năm.

(b) Như cách giải thích nguồn gốc loài người (thuyết khởi nguyên) ở Sáng thế kí, trong Cựu ước, thuộc Kinh Thánh, sđd., hay ở thần thoại Thần Trụ Trời của dân tộc Việt Nam, huyền thoại về Lộc Tục (Kinh Dương vương) cũng lí giải về nguồn gốc khởi nguyên, có điều ở đây có phạm vi hẹp hơn. Chuyện về Thần Nông (Viêm Đế, thực chất chỉ là người đứng đầu bộ lạc thị tộc da vàng Phương Nam , xứ viêm nhiệt) và đặc biệt là chuyện cháu ba đời là Đế Minh đi tuần Phương Nam, lấy Vụ Tiên Nữ, sinh ra Đế Nghi (Hán tộc) và Lộc Tục (Kinh Dương vương, Việt tộc), chỉ là một cách giải thích theo tư duy cổ đại sơ kì (thượng cổ) về nguồn gốc đại nhân chủng da vàng châu Á. Sự thật xa xưa và sự thật nhãn tiền về hình dáng tương tự nhau giữa các dân tộc Hán – Hoa, Nhật, Hàn Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Philipinnes, Lào, Mianma, Indonésia, Campuchia… là cơ sở của huyền thuyết ấy. Đó không phải là nội dung nhồi sọ thời Hoa thuộc như sự nhồi sọ của thực dân Pháp ở các trường học thời Pháp xâm chiếm: “Tổ tiên chúng ta là người Gô-loa (Nos ancêtres étaient les Gaulois)”.

(11) Vũ Ngọc Phan (sưu tầm), Truyện cổ dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo Dục, 1975, tr. 52 – 55. Chuyện kể về phong tục ăn trầu nhuộm răng, về tình nghĩa, đạo lí vợ chồng và anh em: “Ngày xưa, một viên quan lang họ Cao… [… Cha mẹ mất…]. Không con được cha mẹ dạy dỗ nữa, hai anh em đến xin học ông đạo sĩ họ Lưu. […] Ông Lưu có một cô con gái […]. Trông thấy hai anh em họ Cao vừa đẹp vừa hiền, cô gái sinh lòng yêu mến, muốn kén người anh làm chồng […]”. Truyện còn phản ánh về tập tục cổ đại, ở cuối thời kì mẫu hệ, đầu thời kì phụ hệ, hay đúng hơn, dấu vết mẫu hệ còn rơi rớt lại trong xã hội phụ hệ, đó là phong tục cưới chồng (người nữ chủ động). Sau nhiều chi tiết sinh động, truyện cổ tích kết lại: “Một hôm, vua Hùng đi qua chốn ấy, dân đem chuyện ba người kể lại cho vua nghe và rước vua đến xem. Vua bảo thử lấy lá cây leo và lấy quả ở cái cây không cành nghiền ra với nhau xem sao, thì thấy mùi vị cay cay; nhai thử thấy thơm ngon và nhổ nước vào tảng đá thì thấy bãi nước biến dần ra sắc đỏ. Dân trong vùng gọi cái cây không cành ấy là cây cau, cây dây leo kia là cây trầu, lại lấy tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để nhá một ít với trầu cau, cho miệng thơm, môi đỏ. […] Trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu thường là đầu câu chuyện, để bắt mối lương duyên, và những khi có lễ nhỏ lễ lớn, cưới xin, hội hè, tục ăn trầu đã trở nên một tập tục của người Việt Nam”.

Về tục ăn trầu này, về sau, Lí Tư Diễn (đời Nguyên, Trung Hoa) có câu thơ: “Tân lang, nhạc hiệp, hựu xuân lục, Tống đáo thuỳ gia quật tục hương” (Vôi trắng, trầu xanh, cau lại dẻo, Nhà ai hoa bưởi ngát hương đưa). Xem: Lê Tắc, An Nam chí lược (thuộc Tứ khố toàn thư, Trung Hoa), bản dịch của Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Viện Đại học Huế (GS. Trần Kinh Hoà cố vấn), Viện Đại học Huế xb., 1961; Nxb. Thuận Hoá, TT. Văn hoá – Ngôn ngữ Đông Tây tái bản, 2002, tr. 21, 300.

(12) Hậu Hán thư, Mã Viện truyện, quyển 54, và những sách thuộc thư tịch cổ khác cũng đề cập đến kĩ nghệ đúc đồng Lạc Việt, như Thuỷ kinh chú, Lâm Ấp kí (về thuyền đồng), Lĩnh ngoại đại đáp. Sách “Lĩnh ngoại đại đáp” viết: “Sử sách Trung Quốc thường khen xứ Lạc Việt là sản xuất nhiều đồng và bạc”. Xem: Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 63. Đào Duy Anh lại cho kĩ thuật đồ sắt là do người Hán truyền sang (sđd., tr. 113). Hẳn Đào Duy Anh căn cứ vào việc Hán Cao hậu cấm bán đồ sắt cho Triệu Đà trong Sử cũ, mà Sử cũ lại chịu ảnh hưởng của thư tịch Trung Hoa!

(13) Xem Đào Duy Anh, Từ điển Hán – Việt, tập hạ, Nxb. KHXH., 2001, tr. 53. Xem: Thiều Chửu, Hán – Việt từ điển, Nxb. TP. HCM., tái bản, 1999, tr. 379: Bộ ngưu; chữ “ngưu” vẫn được dịch là con trâu; có hai chữ khác cùng thuộc bộ ngưu, chữ “mục”: con bò bụng đen (nghĩa thứ 7), chữ “cổ”: con bò đực. Không có chữ nào khác chỉ con bò. Thật ra, đúng như Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh, đa số người Việt ta dịch và hiểu chữ “ngưu” là con trâu như Thiều Chửu, nhưng người Hán – Hoa vẫn hiểu “ngưu” là con bò, “thuỷ ngưu” mới là con trâu. Và cứ liệu có giá trị thuyết phục cao là các di chỉ khảo cổ: răng, xương trâu bò thời Hùng vương trở về trước. Xem: Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, 1971, tr. 46; Nhiều tác giả (GS. Phan Huy Lê, GS. Trần Quốc Vượng, GS. Hà Văn Tấn, GS. Lương Ninh), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, in lần thứ hai (có chỉnh lí), 1985, tr. 80 – 81; Nhiều tác giả (GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Lê Mậu Hãn chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb. Giáo Dục, 2001, tr. 38.

(14) Một nhận xét ngoài lề: Tôi nhận thấy ở TP. HCM., đa số người ở đây đều có lệ khi vào nhà người khác đều phải cởi giày dép, chỉ đi chân không; người trong nhà, về đến nhà, cũng đi chân không. Có lẽ lí do là cần giữ nền nhà sạch sẽ, khỏi mang bụi đất vào nhà, nhất là nền nhà lát gạch bông; thậm chí có thể vì lí do an ninh (khách lạ vào nhà khó cướp chạy) [?]; và cũng còn vì lí do khác, mà người xứ lạnh (hàn đới, ôn đới) khó hiểu, là đi chân không cho mát chân. Liệu có yếu tố văn hoá thâm sâu nào ở cái lệ (gần thành tập quán) đi chân không trong nhà tại TP. HCM.?

(15) Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 99. Đào Duy Anh viết: “Trong hai công việc của bọn thái thú như Tích Quang và Nhâm Diên, có hai điểm khiến giai cấp quý tộc và nhân dân bất bình nhất: Thứ nhất là sự bắt buộc theo lễ giáo mới, như lễ hôn nhân, xúc phạm trắng trợn đến phong tục cố hữu của người ta, đồng thời lại bắt trưởng lại – tức các Lạc tướng – phải xuất tiền để giúp cho những người nghèo khổ tổ chức hôn lễ; thứ hai là việc cướp đất của các bộ lạc đi đôi với bóc lột trực tiếp nông dân những miền đất đai bị bọn địa chủ mới chấp chiếm. Quý tộc và nhân dân bản quốc vốn đã bất bình về sự đốc thúc cống nạp phiền hà và sự bắt phu bắt lính, đến nay chính sách đồng hoá và sự cướp đất như thế lại càng tăng thêm mối bất bình”. Ở phần chính trên, tôi chỉ mới phân tích nguyên nhân thứ nhất theo ĐDA., mà ông đã trình bày nguyên nhân ấy ở đoạn vừa trích dẫn tại cước chú này. Tôi sẽ tiếp tục phân tích thêm nguyên nhân thứ hai.

(16) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 214 (NK. [ngoại kỉ], q. II, tờ 2a). TXA. iđ. & ct.: “Tên huý là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên. (Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà kết hôn với nhau. Sách Cương mục tập lãm lấy Lạc làm họ là lầm)”. Cha ruột của Thi Sách không phải thuộc dòng dõi vua Hùng (họ Lạc), mặc dù vẫn làm Lạc tướng.

(17) Theo một số tư liệu dã sử, gồm cả di tích tín ngưỡng, Hai Bà Trưng có được sự hưởng ứng, giúp sức của nhiều người yêu nước, tài năng thuở bấy giờ. Đó là bà Man Thiện (tức Trần Thị Đoan), mẹ ruột của Hai Bà. Ngoài ra, còn có nhiều nữ tướng khác, như Bà Lê Chân, Vũ Thục Nương, Thiều Hoa, Diệu Tiên, Đào Kỳ và các tráng tướng, lão tướng như Đô Dương… Xem: Nhiều tác giả (GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Lê Mậu Hãn chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb. Giáo Dục, 2001, tr. 81 – 82.

(18) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 216 (NK., q. III, tờ 3b).

(19) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 215 (NK., q. III, tờ 3a). TXA, chua thêm (ct.).

(20) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 217 (NK., q. III, tờ 3b – 4a).

(21) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 116 (Tb., II, 12).

(21) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt, 1964, tr. 48.

(22) Xem thêm: Nguyễn Vỹ, Những đàn bà lừng danh trên thế giới, Nxb. (?) – Sài Gòn, 1970.