Văn minh Đại Việt phát triển rực rỡ nhất có thể nói là từ thời nhà Lý với việc dời đô về Thăng Long. Các triều đại Lý – Trần luôn được xem là thời kỳ mà Đại Việt hùng mạnh và thịnh vượng. Nhà Lý đánh bại liên minh Tống – Chiêm, nhà Trần 3 lần đánh bại đội quân Mông Cổ hùng bá thế giới. Điều đáng chú ý là các bậc minh quân khai quốc thời Lý – Trần đều là những người tu luyện, giúp Giang Sơn thịnh trị, thiên hạ thái bình, trăm họ hưởng phúc lớn.

Khởi đầu nhà Lý

Vua Lý Thái Tổ lúc nhỏ mang tên là Lý Công Uẩn, năm lên 7 tuổi thì được đưa đến chùa Cổ Pháp để sư Vạnh Hạnh dạy dỗ. Sư Vạn Hạnh khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ” (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư). Sư Vạn Hạnh là người đã truyền thụ cả Phật Pháp và võ học cho Lý Công Uẩn, dạy ông tu luyện, đặt cơ sở vững chắc giúp ông sau này trở thành vị Vua anh minh khai sáng ra nhà Lý.

Bấy giờ là thời tiền Lê, vua Lê Đại Hành lúc đó rất tin tưởng vào các Thiền sư trong đó có Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh đã tiến cử Lý Công Uẩn cho Triều đình và được phong làm tướng.

Là một tướng trẻ, cũng đồng thời là người tu lyện, Lý Công Uẩn không chỉ có tài năng, mà còn có trí huệ và tấm lòng thiện lương của nhà Phật, vì thế mà được vua Lê Đại Hành tin tưởng gả cho công chúa Lê Phất Ngân.

Sự việc này được “Ngọc phả các vua triều Lê” ở xã Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam ghi chép như sau: “Thái Tổ Hoàng đế sinh thời hàng năm theo Thiền sư Vạn Hạnh vào hầu vua Lê Hoàn ở thành Hoa Lư. Thái Tổ được vua Lê yêu, cho ở lại kinh thành học tập quân sự. Vua lại gả con gái cả là Lê thị, sinh ra Lý Phật Mã và đặc phong cho Thái Tổ làm Điện tiền cận vệ ở thành Hoa Lư.”

Sau khi vua Lê Đại Hành mất, các hoàng tử chém giết nhau tranh giành ngôi vị, đất nước lọa lạc, dân chúng nổi lên khắp nơi. Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh chết, hoàng tử còn nhỏ, các quan trong Triều ủng hộ lý Công Uẩn lên ngôi Vua.

Vua là người tu luyện thì trăm họ được nhờ

Lý Công Uẩn lên ngôi Vua, hiệu là Lý Thái Tổ.

Đại Việt thịnh trị khi Vua là người tu luyện (P1)
Vua Lý Thái Tổ cho tu sửa chùa Quỳnh Lâm. (Ảnh qua vanhoaphuongdong.vn)

Khi mới lên ngôi, nhận thấy đời sống dân chúng rất cơ cực, Vua đã miễn thuế 3 năm liền cho dân. Thậm chí những người ốm yếu khó khăn thì còn xóa hết số thuế họ còn thiếu trước đó. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 12 (năm 1010), cung Thúy Hoa làm xong, làm lễ khánh thành, đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả.”

Đến năm 1016 thì cả nước được mùa to, dân chúng ai cũng phấn khởi. Vua lại ra chỉ dụ 3 năm không phải đóng tô thuế.

Năm 1017, Vua xuống chiếu xá tô ruộng cho thiên hạ, năm 1018 lại xuống chiếu xá tô ruộng.

Nhờ có vị Vua nhân đức, lại là người tu Phật có tâm từ bi, dân chúng có phúc, cuộc sống được no ấm.

Năm 1010 và 1018, Vua cho người sang nhà Tống thỉnh kinh sách Phật giáo là: “Lý kinh Địa Tạng”, “Tam Tạng kinh”. Nhà Vua cũng xây dựng nhiều chùa chiền, giúp Phật giáo phát triển rất thịnh.

Là người tu Phật, Vua dùng từ bi đối xử với các Triều thần, dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân, nhờ đó Giang Sơn Xã Tắc rất nhanh được ổn định, văn minh phát triển, đó cũng là phúc của trăm họ.

Vua Lý Thái Tông

Sau khi vua Lý Thái Tổ mất, con trưởng là Lý Phật Mã lên ngôi hiệu là Lý Thái Tông. Ngay khi còn ở ngôi Thái tử ông đã nổi tiếng ở Kinh thành bởi “bẩm tính nhân từ, sáng suốt đĩnh ngộ, thông hiểu đại lược văn võ, còn như lục nghệ lễ nhạc, ngự xạ, thư số không môn gì là không tinh thông am tường” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Vua được sinh ra ở chùa Duyên Ninh thuộc cố đô Hoa Lư, cũng là người tu luyện, dùng Phật Pháp dể giáo hóa muôn dân và trị quốc. Mỗi khi thấy vùng nào dân chúng đói kém hay mất mùa, Vua liền cho miễn thuế vùng ấy đến 2 hay 3 năm liền, nhờ đó mà dân chúng no đủ.

Vua Lý Thánh Tông

Sau khi vua Thái Tông mất, Thái tử Nhật Tôn lên ngôi Vua hiệu là Lý Thánh Tông, đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Vua là người “tinh thông kinh truyện, hiểu âm luật, lại càng giỏi về võ lược”.

Khi chưa lên ngôi Vua, Thái tử Nhật Tôn ở trong cung Long Đức ngoài thành, sống gần gũi và hòa cùng dân gian. Suốt nhiều năm sống cùng dân gian nên Thái tử hiểu được cuộc sống nhọc nhằn của lê dân trăm họ, cảm thông với người dân.

Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng chúa Báo Thiên. (Ảnh: Emile Gsell/Manhhai/Flickr, Public Domain)

Vua Lý Thánh Tông nổi tiếng trong lịch sử là người nhân đức, khi mới lên ngôi, một trong những việc đầu tiên vua Thánh Tông làm là sai đốt các hình cụ tra tấn, tỏ ý muốn dùng nhân đức trị quốc chứ không muốn dùng nhục hình với dân.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép rằng: “Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: ‘Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa’”.

Vua thường ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện, sau rồi thấy việc xử phạt làm thương tổn tới sinh mệnh, bèn quyết định khoan giảm cho dân. Năm 1064 “mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Đến mùa thu hoạch lúa, nhà Vua lại quan tâm đi các nơi xem dân gặt lúa, tìm hiểu có được mùa hay không. Vùng nào thu hoạch khó khăn hay không may bị mất mùa thì Vua cho miễn giảm thuế ngay, đồng thời mở kho phát chẩn, không để cho dân bị đói.

Vua Lý Nhân Tông

Sau khi vua Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức 7 tuổi lên ngôi hiệu là Lý Nhân Tông, do Vua còn nhỏ nên cùng Thái hậu Ỷ Lan nhiếp chính. Tiếp nối thành quả của các Vua trước, Đại Việt bước vào thời kỳ thịnh trị chưa từng có, bên ngoài thì đánh  bại liên minh Tống – Chiêm; trong nước thì bắt đầu kỳ thi khoa bảng đầu tiên, lựa chọn hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc. Vua cũng cho xây dựng Quốc Tử Giám, lựa chọn các văn thần giỏi vào giảng dạy.

Đại Việt thịnh trị khi Vua là người tu luyện (P1)
Sơ đồ kiến trúc trước đây của quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám (chưa có Khuê Văn Các). (Ảnh: Duyphuong/Wikipedia, CC BY 3.0)

Vua cùng Thái hậu là Ỷ Lan đều là những người mộ Đạo, đã cho xây nhiều chùa tháp và khuyến khích việc hành đạo của các thiền sư. Đức âm của Phật Pháp được truyền đi khắp nơi.

Đại Việt Sư ký Toàn thư có ghi chép rằng, mùa xuân tháng giêng năm 1088, phong cho nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư để tiện hỏi việc nước. Điều này cho thấy nhà Vua rất xem trọng những người tu luyện.

Vua dùng Phật Pháp để giáo hóa dân chúng, khiến Giang Sơn thái bình, Xã Tắc ổn định, nhiều điềm lành kỳ lạ xuất hiện thời kỳ này được ghi chép trong Đại Việt Sử ký Toàn thư.

Năm 1083, “Rồng vàng bay từ điện Tử Thần đến điện Hội Long”.

Năm 1110, “mùa xuân có người đàn bà dâng con chim phượng non, có đủ 9 chòm ngũ sắc. Từ Văn Thông dâng hổ trắng, ngựa trắng có cựa và cây cau một gốc 12 thân”.

Năm 1111, “mùa xuân, phủ Thanh Hóa dâng cây cau một gốc 9 thân”.

Năm 1117, “tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện”. Núi Chương Sơn chính là  núi Ngô Xá ở xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam ngày nay; bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện từ thời Lý Nhân Tông đến nay vẫn còn.

Cũng trong năm 1117, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận: “Rồng vàng hiện ở bảo đài, cầu đảo ở Động Linh”.

Trong lịch sử, hiện tượng “móc ngọt” (tức mưa ngọt) là rất hiếm, nếu xuất hiện được xem là điềm lành. Thời vua Lý Nhân Tông xuất hiện 3 lần “móc ngọt” đều được ghi chép lại trong Đại Việt Sử ký Toàn thư.

Năm 1080, “mùa thu, tháng 8, móc ngọt xuống”.

Năm 1111, 1112, cả nước được mùa to, xuất hiện mặt trời có hai quầng. “Nhâm Thìn, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 3 (1112), (Tống Chính Hòa năm thứ 2). Mùa xuân, móc ngọt xuống”.

Năm 1118, “có mọc ngọt xuống, vua tự tay viết tám chữ, ‘Thiên hạ thái bình, thánh cung vạn tuế’ vào bia, sai thợ khắc.”

Năm 1117, Nhân Tông theo lời Thái hậu, ra quy định cấm giết trâu bò bừa bãi, từ đó mỗi khi được mùa là được rất to, kho lương Triều đình khi nào cũng đầy thóc. Vùng nào không may mất mùa là Triều đình phát chẩn kho lương kịp thời không để dân đói, đất nước cường thịnh chưa từng có.

Thời kỳ vua Lý Nhân Tông là thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lý, mà người đặt nên tảng là các vua nhà Lý trước đó, khởi đầu là Lý Thái Tổ. Các đời Vua Lý đầu đều là người tu luyện hoặc rất sùng đạo, dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân, khiến Xã Tắc ổn định, Giang Sơn cường thịnh.

vua Trần
Bức “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ” mô tả cảnh thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất sơn, được con là Anh Tông tiếp đón. (Tranh qua daivietcophong.wordpress.com, Public Domain)

Vua Trần Thái Tông

Đầu năm 1226, Lý Chiêu Hoàng bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Ngày 10/1/1226, Trần Cảnh chính thức lên ngôi Vua sáng lập ra nhà Trần, hiệu là Trần Thái Tông. Sở dĩ nhà Vua không lấy hiệu là Thái Tổ vì Trần Cảnh xem mình lên ngôi là nhờ được vợ nhường cho, nên xem ngôi Thái Tổ là của vợ mình, còn mình chỉ được truyền lại tức Thái Tông.

Vua Trần Thái Tông kính ngưỡng tuân theo tín ngưỡng mà cụ tổ Trần Tự Viễn truyền lại. Nhà Vua là người mộ đạo, kính ngưỡng Phật Pháp. Vua có người bạn thân là Quốc sư Phù Vân ở núi Yên Tử, và thường đến nơi đây đàm đạo về Phật Pháp, dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, giúp xã tắc trở nên ổn định và cường thịnh.

Giang Sơn thịnh vượng dựa trên niềm tin tín ngưỡng, những bậc Thánh nhân và anh hùng cũng xuất sinh rất nhiều vào thời kỳ này.

Vào dịp tết Nguyên đán năm 1257 có vị quan nhà Tống là Nguyễn Bính quan sát thiên văn thấy các sao chiếu xuống Mông Cổ mạnh bất khả đương, biết rằng nhà Tống ắt bị diệt, nhìn xuống phương nam thấy sao tử vi (ứng vào vua) sáng chói, các quần tinh xung quanh sáng rực rỡ, thịnh đến hơn trăm năm. Từ đó ông cho rằng Mông Cổ sẽ diệt nhà Tống, nhưng đến phương nam sẽ bị chặn lại. Nguyễn Bính liền đưa toàn bộ gia tộc khoảng 3.000 người dời đến phương nam nương nhờ Đại Việt

Sau khi chiến thắng Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử, bản thân làm Thượng hoàng, chuyên chú tu luyện.

Sau khi nhường ngôi, vua Thái Tông chăm chỉ nghiên cứu Phật Pháp. Vua cho xây chùa Phổ Minh tại Thiên Trường (Nam Định) và am Thái Vi tại hành cung Vũ Lâm (Hoa Lư, Ninh Bình) để tu luyện.

Nhà Vua tu học với sự hỗ trợ của các thiền sư như Đạo Viên ở Yên Tử, Ứng Thuận, Tức Lực và Đại Đăng ở Thăng Long, cùng các vị tăng người Tống là Đức Thành, Thiên Phong. Ngoài ra còn dựng chùa Tư Phúc để trao đổi thêm kiến thức với các cao tăng, đồng thời cũng viết khá nhiều sách, Phật học và giảng dạy cho lớp hậu sinh.

Vua Trần Thánh Tông

Đến đời vua Trần Tháng Tông, Vua ban hành nhiều chính sách nhằm hoàn thiện nền hành chính, giáo dục, kinh tế dựa trên nền tảng tín ngưỡng vào Phật giáo. Vua cũng ra các chính sách nhằm bảo trợ, duy trì và phát triển Phật giáo.

Ngoài ra, Vua cũng dùng Nho giáo để giáo hóa dân chúng. Nho giáo ảnh hưởng mạnh đến các cơ quan nhà nước Đại Việt, rất nhiều vị trí quan trọng đều sử dụng Nho sĩ. Đại Việt tiếp tục tạo nên kỳ tích đánh bại đại quân Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288.

Sau khi quân Mông Cổ rút chạy, quân Đại Việt bắt được một tráp công văn ghi rõ giao dịch của một số vương hầu và quan lại tư thông với quân Nguyên. Một số quan muốn bắt những người này để trị tội, nhưng vua Thánh Tông đã lệnh đốt hết mà không truy cứu, chỉ những ai đã chính thức chạy sang đầu hàng quân Nguyên thì không tha.

Vua Trần Thánh Tông cũng là một người tu luyện. Khi Thượng hoàng Thái Tông mất, ông nhường ngôi Vua lại cho Thái tử, rồi lên làm Thượng hoàng, dành nhiều thời gian hơn cho Phật Pháp. Vua thường tu luyện ở chùa Tư Phúc gần Kinh thành.

Sau khi đánh bại quân Nguyên lần thứ 3 vào năm 1288, vua Trần Thánh Tông vào hẳn trong chùa Tư Phúc chuyên tâm tu luyện dưới sự hướng dẫn của Quốc sư Trúc Lâm Đại Đăng, lấy hiệu là Vô Nhị Thượng Nhân.

Vua Trần Nhân Tông

Vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm. Theo các ghi chép để lại thì ngay từ nhỏ ông đã hiểu sâu Phật điển.

Năm Trần Khâm 16 tuổi thì được Vua cha phong làm Thái tử, nhưng Trần Khâm luôn muốn chuyên tâm tìm hiểu Phật Pháp. Sống bên người vợ hiền với ngôi vị Thái tử, nhưng Trần Khâm đặt chí ở tu luyện, nhiều lần ngỏ ý muốn nhường ngôi Thái tử cho em mình là Tá Thiên vương Trần Đức Việp nhưng không được Vua cha đồng ý.

Có lần Trần Khâm nhân lúc đêm khuya liền vượt tường thành đến núi Yên Tử định ẩn tu. Lúc trời sáng đến núi Đông Cứu thì mệt quá, bèn đi vào ngôi chùa ở đấy xin được nghỉ ngơi. Vua Thánh Tông và Hoàng hậu tìm khắp nơi, biết Thái tử lên núi Yên Tử liền đến nơi khuyên nhủ Thái tử mới trở về. (Theo “Thánh đăng ngữ lục”).

Khi lên ngôi, vua Nhân Tông tiếp tục chính sách của các vua Trần trước đó, duy trì tín ngưỡng Nho giáo và Phật giáo để giáo hóa dân chúng, tạo nền tảng vững chắc đánh bại quân Mông Cổ nào năm 1285 và 1288.

Sau khi chiến thắng, do ảnh hưởng của chiến tranh và thời tiết nên sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, nạn đói xảy ra liên miên. Vua Nhân Tông cho phát thóc và bãi bỏ hoàn toàn thuế cho người dân. Nhà vua dùng từ bi đối xử với dân chúng, các quan lại được giáo dục bởi tam giáo đều yêu thương dân chúng. Dù những năm này đói kém liên miên nhưng lòng dân ổn định, không ghi nhận có bất kỳ sự nổi dậy nào. Điều này khiến nông nghiệp nhanh chóng hồi phục.

Năm 1293, sứ nhà Nguyên là Lương Tăng và Trần Phu sang Đại Việt đã vô cùng kinh ngạc vì mới sau chiến tranh đã có một Đại Việt phồn vinh “lúa mỗi năm gặt bốn lần, tuy vào mùa đông rét, mạ vẫn phơi phới” hay “thôn xóm đều có chợ, mỗi hai ngày họp một lần, trăm món tạp hóa đều dồi dào” và “thuyền bè các nước mọi ngoài biển đều đến rất đông, buôn bán trên thuyền rất rộn rịp” (Theo “An nam tức sự” của Trần Phu).

Trong vòng 3 năm (1285 – 1288) Đại Việt 2 lần phải chống lại 100 vạn quân Mông Cổ, thế nhưng những ghi chép từ lịch sử trên cho thấy đất nước đã hồi phục nhanh chóng sau chiến tranh thế nào.

Năm 1295, vua Trần Nhân Tông tryền ngôi cho vua Trần Anh Tông, rồi làm Thượng hoàng chuyên tâm tu luyện, xuất gia ở Hành Cung Vũ Lâm (Ninh Bình), sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà).

Vua Trần Anh Tông

Cũng như các vua Trần trước đó, vua Anh Tông là người vô cùng mộ Đạo. Khi vua Nhân Tông xuất gia và tu luyện theo thiền phái Trúc Lâm, vua Anh Tông đã đóng góp nhiều cho thiền phái này.

Vua cho xây chùa tháp, tự viện, tịnh thất, cùng rất nhiều trung tâm tu học khác ở các nơi. Vua lại khuyến khích các cao tăng như Nhị tổ Pháp Loa, Quốc sư Liễu Minh phổ truyền Phật Pháp, dùng Phật Pháp để giáo hóa dân chúng làm nền tảng vững chắc để Giang Sơn vững mạnh.

Năm 1304, vua Trần Anh Tông thỉnh cầu cha là vua Nhân Tông đến Kinh thành Thăng Long để truyền “Tâm giới Bồ tát” tại gia cho mình, nguyện dùng Hoàng quyền của mình để cứu dân độ thế (Theo “Thánh đăng lục giảng giải”).

Thấy Vua là người mộ đạo và thành tâm tu luyện, nhiều Hoàng thất và quan lại noi gương theo, đặt niềm tin vào tín ngưỡng của mình, dụng tâm tu luyện và tìm hiểu Phật Pháp, dùng Phật Pháp để trị quốc, khiến quốc thái dân an. Người dân Đại Việt thời này cũng là có phúc.

(Hết)