Đồng bào ở tỉnh Gia Định từ xưa tới nay thường nghe nói đến tên “Đồng Ông Cộ” nhưng không hiểu rõ cụm từ này do ai đặt ra mà được truyền tụng mãi đến ngày nay.

Ở miền Nam chúng ta, địa phương nào cũng có nhiều huyền thoại, giai thoại truyền khẩu trong dân gian, lâu ngày trở thành một địa danh.

Chúng tôi, người tình nguyện vạch bóng thời gian, ghi lại những sự việc xảy ra từng vùng, từng địa phương, để hiến quí bạn đọc hiểu rõ nguồn gốc từ thuở xa xưa nơi địa phương chính mình. Theo một vài vị bô lão cố cựu sinh quán tại Gia Định, thuật lại sự tích “Đồng Ông Cộ” cho chúng tôi biết như sau.


Cảnh xe “cộ” hàng qua cầu Bình Lợi cũ.

Đất Gia Định ngày xưa rộng lớn hoang vu, dân chúng ở rải rác từng nhóm theo ruộng gò nổng, rừng chòi dày đặc, đường sá chưa được khai mở, lối đi vất vả khổ cực.

Khu đất “Đồng Ông Cộ” này ngày xưa thuộc vùng sát cận trung tâm tỉnh Gia Định. Nó ăn từ chợ (ngã ba trong) dài tới cầu Hang; vòng ra đường Nguyễn Văn Học, phía bên này cầu Bình Lợi nó ăn sâu luôn phía trong có hơn 10 cây số, rồi vòng ra khu Hàng Xanh phía lò heo cũ Gia Định chạy dài tới ngã năm Bình Hoà.

Toàn thể khu vực rộng lớn như vậy, thuở xưa không có lấy một con lộ cái quan nào để dân chúng xê dịch. Dân cư trong vùng, sinh sống về nghề ruộng nương, rẫy bái, làm nghề hạ bạc (đánh cá) dọc theo sông cầu Bình Lợi, cầy Băng Ky bây giờ. Những khoảng đất không được khai phá thì toàn là rừng chồi cây lùm mọc rậm rạp.

Về sau, Tây lấy Gia Định rồi thì mở mang quốc lộ đi Thủ Đức và khu sát rìa quốc lộ, ăn sâu vô hằng 5-7 cây số (từ phía Gia Định lên nằm bên tay mặt), được Tây khai phá làm rừng cao su. Toàn thể một khu đồng ruộng mênh mông như vậy, hơn phân nửa đất đai toàn là rừng rậm, dân cư lại ít nên không có nhiều đường mòn để xê dịch. Dân chúng di chuyển bằng ngựa cũng không tiện chớ đừng nói chi đến dùng xe bò hoặc xe trâu. Đây khác hơn mọi nơi là chỗ đó!

Mỗi khi dân cư trong vùng này muốn ra tỉnh, lúc đó là thành Gia Định, có việc cần kíp, hoặc rước thày trị bệnh, hoặc tải hàng rẫy, gạo thóc ra chợ bán, hoặc mua đổi các thứ cần thiết đem về dùng… thật là muôn vạn khó khăn. Chỉ có những trai tráng khoẻ mạnh mới có thể di chuyển nổi hằng mấy chục cây số đường lồi lõm không khác lên thác xuống ghềnh, khu đất này lại nhiều chỗ dốc lên, dốc xuống, đồi nổng, v.v..

Rất ít chỗ được khai phá, thành giống như xuyên rừng vậy. Mà hễ mỗi lần đi như vậy thì ruộng nương, rẫy bái ở nhà lại không ai khai phá, làm lụng sản xuất. Lại mỗi lần đi ra thành thì lại mất ít nhất 2 ngày – 1 ngày đi, 1 ngày về mua bán, đổi chác.

Một ngày, bỗng dưng người ta thấy trước cổng nhà của một ông Phú Hộ với nhà ngói 3 gian, 2 chái, 1 dãy nhà bếp, nền đúc cao treo tấm bảng lớn đề mấy chữ:

“Đảm nhận ‘Cộ’ người và hàng hoá đi khắp nơi”.

Đồng thời với tấm bảng treo lên, ông Phú Hộ trong vùng gọi là ông Ba Phú Hộ truyền thâu dụng tất cả thanh niên vạm vỡ trong toàn khu, hay bất cứ nơi nào, muốn có chuyện làm, ngoài nghề ruộng rẫy.

“Cộ người và hàng”!

Đó là một lối tải người và hàng hoá giản tiện hơn cả võng hay kiệu.

Ông Ba Phú Hộ bèn cho dân đan những tấm vạc bằng tre, hai đầu có 4 lóng tre ló ra giống như cái băng ca nhà thương khiêng bệnh, để người đầu trước gác lên hai vai, khách thì ngồi ở vạc tre khúc giữa thòng chân lủng lẳng để người “Cộ” đi. Hàng hoá thì lại để ở khoảng giữa, thay vì tấm vạc tre đương thì nó là một miếng ván dày để có thể chất nhiều đồ mà không bị oằn chính giữa.

Người sử dụng muốn mướn chỉ cần cho ông Ba Phú Hộ hay trước, cho biết nhà rồi thì sáng sớm, khi gà vừa gáy là có dân phu mang “Cộ” đến tận nhà mà rước người, hoặc “Cộ” hàng đi ra thành Gia Định. Từ đó, dân cư bắt đầu xê dịch dễ dàng, không nhọc mệt, bận tâm, hay tốn hao người mỗi khi tải hàng đi ra thành.

Rồi thì, thời gian trôi qua, địa danh xuất hiện theo miệng người cư ngụ trong vùng. Khi hỏi:

– Ở đâu ?

Bèn đáp:

– Ở trong đồng ông Ba “Cộ”!

Ông Ba “Cộ” đây có nghĩa là ông Ba Phú Hộ “Cộ” người và hàng hoá.

Dần dần, hàng trăm năm sau vùng này được mở mang, nhưng là một vùng rộng lớn, dân chúng quy tụ về càng ngày càng đông lại không có địa danh, nên người ta nhớ ơn ông Ba “Cộ” lập thành vùng này thành địa danh gọi là “Đồng ông Cộ” cho đến ngày nay.