Trong tiếng Việt, A la hán có 2 nghĩa:

1. Tên gọi của những “người xứng đáng” hay “ người hoàn hảo” – lý tưởng cao nhất của một đệ tử Đức Phật trong Phật giáo nguyên thủy.

2. Bậc tu hành đắc đạo dưới hàng Bồ Tát – người đã hoàn thành con đường dẫn đến giác ngộ và đạt được Niết bàn, thoát khỏi chu kỳ tái sinh.

Về từ nguyên, A La Hán là phiên âm Hán Việt của chữ 阿羅漢 (đọc là āluóhàn). Chữ 阿羅漢 trong tiếng Hán lại là phiên âm của từ arhat hoặc arhant trong tiếng Sankrit (Pāli: arahat hoặc arahant) có nghĩa gốc là đáng tôn kính.

Phật giáo nguyên thủy coi các vị A La Hán là những người đã hoàn thành con đường dẫn đến giác ngộ bằng cách vượt qua trạng thái bình thường của con người (puthujjana), và hoàn thành các giai đoạn giải phóng trí huệ đã được vạch rõ trong các giáo lý của Đức Phật. Các vị A La Hán đại diện cho những người xứng đáng về hình mẫu và sự tôn kính bởi vì họ thể hiện những lý tưởng cao nhất của truyền thống này. Trong khi đó, theo các tông phái khác trong Phật giáo, A La Hán dùng chỉ những người đã tiến rất sâu trên con đường giác ngộ, cũng thoát được sinh tử luân hồi nhưng chưa hoàn toàn viên mãn, nói cách khác là chưa đạt Phật quả. Chẳng hạn, theo Phật Giáo Đại Thừa, con đường giác ngộ của A La Hán được thúc đẩy bằng việc tìm kiếm sự giải phóng cá nhân khỏi luân hồi, và nó thường được miêu tả như là ích kỷ, sợ hãi chu kỳ tái sinh. Các A La Hán thiếu lòng dũng cảm và trí huệ của một Bồ Tát. Vì thế, thay vì tu tập để trở thành A La Hán, Đại Thừa khuyến khích đi theo con đường của một Bồ Tát.

Có cả thảy 16 vị A La Hán với hình tượng điển tích như sau:

1. Tân-độ-la-bạt-la-đọa-xà (Pindolabharadrāja) cưỡi hươu đến vương thành Câu-xá-di (Kauśāmbī) thuyết pháp
2. Ca-nặc-ca-phạt-sa (Kanakabassa) vui vẻ sau khi nghe Đức Phật giảng đạo
3. Ca-nặc-ca-bạt-ly-đọa-xà (Kanakabarudaja) nâng bát khi nhận vật thực hóa duyên
4. Tô-tần-đà (Subinda) nâng bảo tháp Xá lợi Phật
5. Nặc-cự-la (Nakula) ngồi thiền định
6. Bạt-đà-la (Bhadra) qua sông đến Đông Ấn Độ để truyền giáo
7. Ca-lý-ca (Kālika) trước khi xuất gia là một quản tượng, thường dùng một cây phất trần để quét sạch các phiền não
8. Phạt-xà-la-phất-đa-la (Vajriputra) đùa giỡn với sư tử con
9. Thú-bác-ca (Jīvaka) thường trật áo để lộ ngực, biểu thị Phật ở trong tâm
10. Bán-thác-ca (Panthaka) tọa thiền trong tư thế 2 tay giơ lên
11. La-hầu-la (Rāhula) chuyên cần tu tập, nghiêm thủ giới quy
12. Na-già-tê-na (Nāgasena) nổi danh với luận thuyết “nhĩ căn thanh tịnh”
13. Nhân-yết-đà (Ańgaja) thường mang theo một túi vải lớn bên mình
14. Phạt-na-bà-tư (Vanavāsin) thường dùng một chiếc quạt bằng lá chuối
15. A-thị-đa (Ajita) tương truyền khi xuất sanh đã có đôi lông mi dài
16. Chú-đà-bán-thác-ca (Cūdapanthaka) khi đi hóa duyên thường cầm gậy có gắn chuông để gọi cửa.