Trong văn học xưa, ta thường nghe nhắc tới “kình nghê” và “kình ngạc”, như trong các ví dụ sau đây:

“Kình nghê vui thú kình nghê,
Tép tôm thì lại vui bề tép tôm”.
(Ca dao)

“Đánh một trận sạch không kình ngạc,
Đánh hai trận tan tác chim muông”.
(Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại Cáo)

Vậy “kình nghê” và “kình ngạc” có nghĩa là gì? Hai từ này có liên quan đến nhau không?

Trước hết, xin giải thích về “kình nghê”. Từ này có Hán tự là 鯨鯢, trong đó kình (鯨) là cá voi đực, còn nghê (鯢) là cá voi cái. Trong “Thành ngữ và điển tích trong thi văn Việt Nam”, Quách Văn Hoà có giảng: “Kình nghê là loài cá to hung tợn nên người ta thường ví với những kẻ có thế lực hoặc nói những kẻ hung bạo”. Như vậy, “kình nghê” nghĩa đen là “cá voi”, nghĩa bóng là “kẻ quyền lực”, “kẻ hung tàn”. Việc ghép giữa con đực và con cái tạo thành từ ngữ thực ra rất phổ biến như “uyên ương”, “loan phụng”,…

CROC KILL 18 YEAR-OLD GIRL ~

Còn “kình ngạc” thì sao? Từ này có Hán tự là 鯨鱷. Dễ dàng nhận ra chữ “kình” ở đây là một với “kình” trong “kình nghê”. Do ảnh hưởng tư tưởng phụ hệ nên người ta thường lấy cách gọi con đực làm chính, vậy có thể hiểu “kình” ở đây là cá voi nói chung. Còn ngạc (鱷) là con cá sấu. Quách Văn Hoà giải thích “kình ngạc được dùng để chỉ bọn hung tợn hay giặc cướp”, còn từ điển Hán Nôm thì nói “Kình ngạc: Hai loài cá dữ, chỉ binh lính hùng mạnh”. Như vậy, “kình ngạc” chủ yếu nhấn mạnh sức mạnh của một đoàn người, theo nghĩa tốt hoặc nghĩa xấu.

Điều đáng nói ở đây là ngày nay người ta đã dùng chữ “kình” để đặt tên cho một loài cá nước lợ còn gọi là Cá Dìa. Cá này ăn ngon nhưng không hung dữ như cá voi. Điều này gây nên sự nhầm lẫn khi đọc các điển tích xưa, như có người thắc mắc: “Cá kình nhỏ, sống ở nước lợ mà sao Bà Triệu là muốn chém nó ở biển Đông?”. Tất nhiên ở đây bà muốn chém cá voi chứ không gì khác.