Tôi gọi Hà Nội là thành phố đến từ kiếp trước của mình, bởi chỉ có thể gắn bó với nhau từ hàng nghìn, hàng vạn năm trước rồi thì đến kiếp này mới lưu luyến, nhớ nhung và yêu thương nhau đến thế. Tôi gọi đây là “mối tình” thiên thu bước ra từ trang sách, và Hà Nội của tôi là “người tình” không bao giờ chết, không bao giờ bỏ đi, không bao giờ phản bội. Nếu không yêu Hà Nội thì tôi chẳng còn biết yêu ai khác nữa…

Tôi sinh ra và lớn lên ở con ngõ nhỏ Khâm Thiên chật chội, nhưng ấm áp thương yêu. Nơi đó có chiếc loa phường cũ kỹ ru vỗ tuổi thơ tôi bằng những thanh âm đầy tự hào, nhưng cũng đầy nhớ nhung khắc khoải: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”… Nơi đó có cây bàng già lá đỏ vẫn trìu mến nép mình bên vệ đường, gối tay vào mái hiên, cần mẫn bốn mùa luân chuyển thay lá ra hoa, hứng chịu bao nếp bụi thời gian, chứng kiến những hợp tan, biệt ly, hạnh phúc…

Hà Nội trong tôi
“Cây bàng già lá đỏ bốn mùa quên – Em vẫn lớn lên sau bao mùa bỏ lại”. (Ảnh qua zing.vn)

Nơi đó có con chim gõ kiến tóc xù líu ríu hồn nhiên trên những sợi dây điện chằng chịt, gật gù đón chào ngày mới và chớp mắt trú ngụ trên những tán bàng mỗi lúc đêm khuya. Dưới tán bàng bình yên ấy, bác thợ già làm nghề cắt tóc đã mấy chục năm nay, hiền từ ấm áp mỉm cười với tất cả mọi người, đuôi mắt bác đã hằn in nhiều nếp nhăn sâu của những vệt thời gian nhọc nhằn xuôi ngược. Tuy nhiên, ánh mắt bác vẫn ánh lên những tia sáng bình yên bao la của một con người nhiều niềm tin, biết chắt lọc niềm vui để nuôi dưỡng bình yên và chất lãng mạn đầy nghệ sĩ của mình…

Con ngõ nhỏ ấy của tôi còn là chứng nhân cho những mùi hương quen thuộc yêu thương, được kiến tạo bởi bàn tay và tâm hồn của bao thế hệ. Đó là mùi hương rộn ràng béo ngậy của những chiếc bánh nếp, bánh tẻ nội chăm chút làm cho cháu, cho con; là mùi phở gia truyền rộn lòng thơm ngon mỗi sớm mai của cô bán hàng đầu ngõ. Nơi mà mỗi độ Tết đến xuân về, con ngõ nhỏ lại ngập tràn mùi hương của những cánh hoa đào thoang thoảng dịu dàng trong những đợt gió đầu xuân. Mùi thơm nức mũi từ nồi chè kho cúng giao thừa của mẹ, mùi những chiếc lá dong an lành, thanh sạch, mùi hương chua chua quen thuộc của những lọ dưa món dưa hành thơm ngon, hay mùi hương trầm trên bàn thờ tổ tiên với lời khấn cầu rủ rỉ bình yên của bố… Tất cả là kỷ niệm dịu dàng được vẽ nên bằng những mùi hương từ ký ức.

Hà Nội trong tôi
(Ảnh qua viettravelmagazine.com)

Thành phố của tôi, tôi viết những dòng này khi đã rời xa Hà Nội. Tạm biệt “người tình” để đi đến những vùng đất mới, tôi không chỉ nhớ con ngõ tuổi thơ thanh bình ấy, mà còn mang trong mình nỗi nhớ nhung khắc khoải về những vòng xe xuyên thời gian đi qua tất cả mọi ngõ ngách con đường Hà Nội. Nỗi nhớ nhung của một người con lớn lên, sống và yêu thương trên mảnh đất chở đầy lịch sử, của một người kể cả khi đang ở giữa lòng Hà Nội, mà vẫn thấy nhớ thành phố này da diết, huống hồ khi phải rời xa…

Những ngày Sài Gòn 18 độ trở lạnh, tôi lại bồi hồi nhớ mùi ngô nếp nướng, mùi khoai lang nướng thơm nồng bên vệ đường sưởi ấm những đêm đông. Tôi nhớ cả tiếng rao đêm khắc khoải màn đêm “Ai bánh bao, ai bánh khúc nóng đây” của những mảnh đời cô quạnh, tiếng rao như nuốt trọn cả thành phố co ro. Những đêm mùa đông nằm nghe mưa trong chăn ấm, thấy thời gian không còn được tính bằng kim phút kim giây, mà được đong đếm bằng giai điệu đung đưa nhẹ nhàng của chiếc phong linh đầu hè, cả thành phố như bình yên trong hoang hoải, tiếng leng keng tàu điện xưa ùa về, ru vỗ những cơn mơ…

Hà Nội trong tôi
Hoàng hôn sông Hồng. (Ảnh qua mapio.net)

Ký ức về những buổi chiều hoàng hôn nơi bãi giữa sông Hồng luôn làm tôi so se những nỗi niềm bâng khuâng hiền dịu. Nơi ấy có người con trai tôi mới quen, có mối tình đầu ngây ngô vụng dại. Ở nơi ấy, tôi có thể giở sách ra nhưng chỉ cần đọc vài trang mỗi giờ. Tôi có thể quên ăn vì lạc vào trong mê lộ của tiếng nước chảy lao xao, của những thanh âm trong trẻo khiết lành, của tiếng mặt trời rụng rơi bên cây cầu Long Biên thơ mộng; và tôi có thể ngồi hát ca bềnh bồng và nghĩ về những mùa trăng non… Mọi thứ cứ chậm rãi và lao xao như thế…

Một buổi chiều nào đó, quay trở lại nơi ấy, rồi sẽ thấy thời gian không còn liêu xiêu nữa. Một buổi chiều nào đó, quay trở lại nơi ấy, lắng nghe những hòn sỏi câm trở mình, hỏi rằng tôi có buồn không. Có thể những ký ức không vui về cuộc tình đầu tiên sẽ lại bắt đầu hiện ra, nhưng không sao, đã có thành phố này ôm tôi vào lòng với cánh đồng hoa cải vàng trải dài bát ngát kia rồi, tôi sẽ ngủ quên ở đó, nghe tiếng nắng giòn trên mái tóc lao xao…

Hà Nội trong tôi
Phố Phan Đình Phùng. (Ảnh qua viettravelmagazine.com)

Hà Nội mùa thu. Mùa thu Hà Nội. Lưu vào những trang viết tịnh yên nhất của cuộc đời hương hoa sữa thơm nồng len lỏi qua ô cửa, cánh hoa trắng nhỏ li ti, chúm chím nở, chúm chím rơi vào tóc, vào vai người qua đường. Người đi rồi mà hương thơm còn vương vấn mãi. Mùa thu, tôi nhớ những buổi đêm chạy xe trên những con đường rợp bóng cây Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Hoàng Hoa Thám, để những buồn phiền mệt nhọc rơi dọc những con đường tôi qua. Mùa thu, tôi bước dọc Hồ Gươm và vẽ lên bầu trời những ký tự xanh yên bình. Tôi chạy dọc Hồ Tây, dừng chân bên ánh hoàng hôn đổ muộn, nơi ngày xưa tôi đã từng “soi tình tôi giữa đời anh” trong những ngày nắng dịu dàng miên du, khiết lành… Hà Nội mùa thu. Tôi cứ bước, cứ yêu, cứ nghẹn ngào, và say chếch choáng.

Hà Nội là nơi tôi sinh ra đầu tiên, cũng là nơi tôi trở về lần cuối cùng. Nơi có những người bạn từ thuở ấu thơ, lá thư đầu tiên tôi viết dưới gốc cây bàng, tách café lần đầu tiên tập uống, những con phố nghiêng buồn, 12 mùa hoa đung đưa ngào ngạt, những gánh hàng rong trĩu nặng mưu sinh, bức tường rêu phong, ô cửa xanh cổ kính… Mọi thứ không thể kể hết được, cũng không thể tả hết được hình hài nỗi nhớ nhung. Tôi yêu cả tiếng khói bụi còi xe, yêu cả những âm thanh pha tạp, cả những xấu xí, xô bồ bon chen nơi mảnh đất này. Có lẽ người ta gọi đấy là tình yêu mù quáng…

Hơn ai hết, trên cả nỗi nhớ nhung, tôi biết rằng mình sẽ lại quay về Hà Nội thôi. Nhưng lúc này, thì vẫn cứ phải đi, đi để mình lớn lên, và cũng để cho nỗi nhớ thêm mặn mà sâu đậm. Đi để lại quay về, bởi vì “chẳng ai có thể bỏ Hà Nội mà đi mãi được”.

Nguyễn Thu Thương

Bài viết trong cuộc thi “Trở về quê hương”