Tồn tại gần ba thế kỷ, Tổ đình Giác Lâm vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm, là một thắng tích thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái, tìm hiểu lịch sử ở mảnh đất Sài Gòn.

Tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, TP HCM, Tổ đình Giác Lâm là một trong những ngôi chùa hiện diện đầu tiên ở mảnh đất Sài Gòn. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam.

Chùa do cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào năm 1744, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (gò núi) hay Cẩm Sơn do tọa lạc trên gò Cẩm Sơn. Ngoài ra còn có tên Cẩm Đệm, theo tên dân gian của cư sĩ Thụy Long (ông vốn tên Cẩm, chuyên nghề đan đệm).

Năm 1774, thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc (trụ trì chùa Từ Ân) đã cử đệ tử của mình là Viên Quang về trụ trì chùa, đồng thời an danh là chùa Giác Lâm. Dưới thời thiền sư Viên Quang, chùa Giác Lâm trở thành trung tâm đào tạo Phật học đầu tiên ở Gia Định và cả Nam Bộ.

Chùa đã được trùng tu lớn vào các năm 1798–1804, 1906–1909 và năm 1999. Chùa Giác Lâm hiện nay có lối kiến trúc chữ Tam gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau (không kể các nhà phụ): chính điện, giảng đường và trai đường.

Chính điện Tổ đình Giác Lâm được xây với kiểu nhà dân gian truyền thống Nam Bộ, gồm một gian hai chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ.

Bên trong điện khá rộng và sâu, có 56 cột to hơn vòng tay ôm màu nâu sẫm. Cột nào cũng được chạm khắc câu đối, thiếp vàng công phu. Giữa các hàng cột là các cửa võng, cũng được thiếp vàng, chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa điểu…

Trong chính điện Tổ đình Giác Lâm tôn trí “tiền Phật, hậu Tổ”. Phía trước chính điện thờ tượng thế A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc. Hai bàn thờ hai bên phải trái, thờ tượng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí.

Ngoài ra, ở đây còn có tượng cửu long, dọc hai bên tường có bộ tượng Thập Bát La Hán, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và tượng Long Vương.

Phía sau chính điện là bàn thờ Tổ, thờ chư vị Tổ sư Hòa thượng tiền bối và các bàn thờ Phật Chuẩn Đề, Phật A Di Đà, và sau cùng là bàn thờ Thập Điện Diêm Vương. Ở gian này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được dùng làm cơ sở hậu cần, nuôi chứa cán bộ cách mạng.

Trong chùa có 113 pho tượng cổ, hầu hết là tượng gỗ, chỉ có 7 tượng đồng. Nhiều tượng có giá trị. Trên các cột chính của chùa đều có khắc câu đối (gồm 86 câu) thếp vàng công phu.

Trước sân chính điện có đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát dưới bóng cây bồ đề. Đây là cây bồ đề do Đại đức Narada mang từ Sri Lanka sang trồng vào ngày 18/6/1953.

Phía ngoài chính điện, bên lối vào chùa có bảo tháp xá lợi gồm 7 tầng hình lục giác. Tháp được khởi công xây dựng từ năm 1970 theo bản vẽ của kiến trúc sư Vĩnh Hoằng, đến năm 1975 thì tạm ngưng cho đến 1993 mới được tiếp tục hoàn thiện. Tầng 7 của tháp thờ Xá Lợi Phật.

Sau nhiều thăng trầm lịch sử, Tổ đình Giác Lâm vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm, là một thắng tích thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái, tìm hiểu lịch sử.

Từ năm 1988, ngôi chùa có tuổi đời ba thế kỷ này đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam. (Bài có sử dụng tư liệu của tác giả Trí Bửu).