Nhạc sĩ Minh Kỳ là một trong những tên tuổi tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng trước năm 1975. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã sáng tác rất nhiều bài hát, và hầu hết trong số đó đều ăn khách, được công chúng yêu thích, đặc biệt là những ca khúc phổ thông đại chúng.

Vào thập niên 1960, sự kết hợp của Minh Kỳ cùng 2 nhạc sĩ nổi tiếng khác là Anh Bằng, Lê Dinh đã đưa tên tuổi của 3 nhạc sĩ này lên một tầm cao mới mà ngày nay khi nhớ lại, người ta vẫn hay gọi là “huyền thoại Lê Minh Bằng” với những ca khúc được phát hành được cả triệu bản nhạc, là một thành tích vô tiền khoáng hậu.

Ở phạm vi bài viết này, xin nhắc lại 2 ca khúc do nhóm Lê Minh Bằng sáng tác, cùng viết về chủ đề tình yêu tan vỡ vì người con gái lên xe hoa, đó là bài Một Chuyến Xe Hoa (được ký tên Minh Kỳ & Lê Dinh) và Thiệp Hồng Báo Tin (ký tên Minh Kỳ & Huy Cường). Cả 2 ca khúc này đều có sự đóng góp lớn của nhạc sĩ Minh Kỳ, và chúng ta cũng có thể thấy sự tương đồng về nét nhạc, nội dung của 2 ca khúc này.

Bài Một Chuyến Xe Hoa là tâm trạng của cô gái khi giã biệt người yêu để lên xe hoa với người mà cô không yêu. Còn Thiệp Hồng Báo Tin là tâm trạng của chàng trai khi nhận tấm thiệp hồng, tiễn người yêu sang ngang:

Nhận được tin báo em lấy chồng.
Bâng khuâng nhìn cánh thiệp buồn không?
Hai năm sương gió tận miền xa.
Mấy lần hồi âm vắng tin.
Ngờ đâu giờ em đến xe hoa.

Hai năm sương gió nơi biên thùy, nhiều lần biên thư nhưng không nhận được hồi âm, cho đến khi nhận được tấm thiệp hồng của người yêu. Thời khắc đó, đất trời như vụn vỡ trước mắt. Còn đâu bao nhiêu lời ước hẹn ngày cũ, biết người có còn nhớ hay không:

Vì thời gian xóa tan hết rồi.
Bao nhiêu lời ước hẹn đầu môi.
Không mang theo kỷ niệm buồn vui.
Biết rằng tình ta thế thôi.
Thì đâu còn ước mộng xa vời.

Em ơi! Giờ đây pháo hồng tan tác rơi,
đưa người em đi lấy chồng
có người yên lặng buồn trông.

Nhìn theo hun hút bóng xe hoa
đay nghiến lòng mình tan nát rồi.
Tình chết từ đây…

Số phận không may đã làm cho đôi đứa đôi nơi, cuối cùng là chia cách trọn cả đời này. Chàng trai chỉ biết nhìn theo hun hút bóng xe hoa với sự “đay nghiến” và tan nát cả cõi lòng, đất trời như sụp đổ lần nữa. Rồi khi xe hoa vừa khuất lối, cũng là lúc cánh cửa cuộc tình duyên này mãi mãi khép lại. Biết rằng không có lý do để có thể hờn trách người được, nên lặng lẽ đưa tiễn một cuộc tình vừa mới băng hà.

Giờ hành trang xếp xong hết rồi.
Mai sông hồ kết bạn làm vui.
Ta không duyên số thì đành thôi.
Chúc người đẹp duyên lứa đôi,
và xin đừng nhắc nhở đến tôi.

Hành trang xếp lại, đường dài tìm vui nơi sông hồ, chàng trai nén đau thương để tỏ lòng cao thượng chúc người yêu cũ được đẹp duyên cùng chồng và sẽ không còn vương vấn gì đến nhau nữa.

Mặc dù bài hát là lời tâm sự của người trai, nhưng giọng hát truyền cảm làm tê buốt cả cõi lòng của nữ ca sĩ Giáng Thu trong bản thu trước năm 75 có thể làm cho người nghe có cảm giác rờn rợn cả người vì sự đặc tả rất thành công tâm trạng tê tái, buồn tủi của bài hát Thiệp Hồng Báo Tin.

Tưởng như câu chuyện sẽ khép lại ở đó, nhưng rồi nhạc sĩ Minh Kỳ đã sáng tác thêm 1 bài hát nữa để cô gái kia có thể bày tỏ nỗi lòng của mình, đó là ca khúc Một Chuyến Xe Hoa:

Nuốt lệ làm vui nhìn chiếc xe hoa
Anh ơi thôi đành dang dở tình ta
Còn đâu câu nói ban đầu
Tình đôi ta khó phai mầu
Bây giờ tại sao đành ôm khổ đau

Ước hẹn rồi nay trả với trăng sao
Anh ơi non mòn biển cạn gì đâu
Ngày xưa chung lối chung mộng
Mà nay sao cách xa lòng
Em nhìn xe hoa lòng vẫn lạnh lùng.

Anh ơi đừng trách nữa, đừng nói chi thêm
Sẽ hẹn nhau kiếp nào, chồng thư em còn giữ
Ðể mai kia còn nhớ đến anh với bao kỷ niệm
Những ngày êm đềm sống bên người yêu

Phũ phàng tựa như một giấc chiêm bao
Anh ơi bây giờ ân tình còn đâu
Lời thư thay cánh thiệp hồng
Người không yêu, sẽ kêu chồng
Thương giùm phận em là kiếp má hồng

Ngày vu quy có thể xem là ngày vui nhất của đời người, nhưng cô gái trong bài hát này chỉ biết lặng câm, nghẹn ngào nuốt lệ, nhớ lại những ước hẹn năm cũ với người xưa. Nào là hẹn thề cùng trăng sao, nào là non mòn biển cạn, đều trở thành phù du vô nghĩa khi mà cả hai đã không còn chung lối chung mộng nữa.

Cô gái còn cho biết: “chồng thư em còn giữ”, gợi nhớ đến câu hát “mấy lần hồi âm vắng tin” trong ca khúc Thiệp Hồng Báo Tin. Cô không thể hồi âm lại thư người yêu, có lẽ là không muốn tạo thêm niềm hy vọng cho một cuộc tình mà đã biết rằng không thể nào cùng nhau đi đến cuối.

Dù không thể hồi âm nhưng cô vẫn nâng niu từng lá thư có thể đã thấm ướt lệ trong mỗi lần mang ra đọc, rồi nghẹn ngào nhớ lại những kỷ niệm êm đềm xưa cũ.

Từ những câu hát này, có thể hình dung rằng trong thời gian xa cách nhau, một người lên đường làm trai thời loạn, một người ở lại bị gia đình thúc giục và gả cưới cho một người khác mà cô không hề yêu thương:

Người không yêu, sẽ kêu chồng
Thương giùm phận em là kiếp má hồng…

Phận người con gái 12 bến nước, như một tấm lụa đào, thân phận mong manh và thậm chí không thể tự quyết định được tình duyên của mình, cuộc đời và hạnh phúc của mình. Sự thật phũ phàng đó tựa như một giấc chiêm bao, người đã cố hy vọng rằng tỉnh giấc sẽ hết mộng. Nhưng có lẽ đó là một giấc mộng sẽ kéo dài hết cả đời này.

Nghe lại giọng hát nức nở của Hoàng Oanh trong ca khúc Một Chuyến Xe Hoa, như dìu dặt đưa người nghe về lại một khung trời hoa mộng ngày cũ, vào thời kỳ vàng son nhất của thể loại nhạc vàng này.