Đêm! Ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước. Anh ngồi ủ rũ bên mâm cơm lác đác vài cọng rau. Chị buồn hiu không nuốt nổi cơm vào bụng, tay vân vê tà áo, muốn nói với chồng điều gì đó nhưng lại nín thinh. Ba đứa trẻ no bụng đã ngủ ngon lành trong mùi tanh nồng của cá chết. Có lẽ chúng quen với điều đó, quen với việc ngày đêm vật vờ trong ngôi nhà nổi trên sông và quen với nhịp sống của dân bè cá. Với chúng học hành đôi khi chỉ là một thứ gì đó xa vời và phi thực tế. Sáng tỉnh ra đã nghe tiếng cá quẫy rào rào trên bửng, ba một đầu mẹ một đầu ném những nắm thức ăn xuống cho chúng. Cá nổi lên đớp mồi lia lịa, cá diêu hồng, cá trê, cá lóc thi nhau vẫy vùng.
Ảnh: Unsplash
Buổi sáng trên sông đẹp mê hồn, ánh mặt trời ló rạng đằng đông đỏ rực, những cụm lục bình trôi xanh cả một quãng dài. Lũ trẻ thường đánh răng, rửa mặt và phóng uế xuống sông rồi leo lên bờ đi học. Với chúng, buổi sáng không bao giờ có bữa ăn. Men theo con đường đất đổ lên phía chân cầu, chúng cứ thế nối đuôi nhau đến trường học.
Ngày mưa đầu mùa ập đến, anh đã bàn với chị bán hết cá trên bè, kiếm tiền lên đất mua một miếng cắm dùi, cất cái nhà nhỏ cho lũ trẻ đi học. Dự tính hôm nay thì ngày mai mưa lớn, sấm sét, sau một đêm cả con sông ngập tràn cơ man nào là cá chết. Buổi sáng tỉnh giấc, nhìn màu trắng lềnh bềnh trên bửng, anh đứng không được. Những hộ dân xung quanh nhà anh đều chịu chung cảnh ngộ. Chị xót của nhảy ùm xuống bửng vớt vát. Khi trời bắt đầu hửng nắng, cơ quan chức năng địa phương xuống tới nơi thì chị đã ngập trong đống cá, miệng chị gào, tay chị quơ, kêu gọi bà con đất liền mua dùm mấy ký cá còn lại. Ông trưởng công an cầm cây gậy đi thị sát một vòng, xong quay lại trấn an tinh thần:
– Bà con yên tâm, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc và bà con sẽ được đền bù thoả đáng!
Một chị hàng xóm nhảy xồ ra, lôi cái áo đồng phục của anh công an dí vào mớ cá:
– Đền, đền cái mả tổ nhà các người, ngon thì mua đi, mua dùm tui mấy chục ký về ăn.
Ông công an bối rối, cầm cái dùi phệt cho chị ta một cái, quát:
– Cái con mụ này, làm quái quỷ gì thế, việc đâu còn có đó, tui là cơ quan chức năng xuống làm việc. Chốc nữa anh em tới nó ghi biên bản, rồi này kia kia nọ mới có cơ sở mà kết luận chứ, cứ xồn xồn!
Dân bè cá đổ dồn lên mỗi lúc một đông hơn. Khu vực bến bãi tanh nồng, tiếng người, tiếng xe, tiếng cãi, tiếng la hét ì xèo cả một quãng sông. Mấy mụ hàng cá nhanh chân nhanh tay vớt được số cá còn sống cho vào thùng đưa lên chợ bán. Tiếng í ới gọi nhau:
– Ghi vào sổ nhé, mốt bán xong tính tiền.
Một ngày trôi đi, khi hoàng hôn buông xuống, cả khoảng sông im lìm. Những người phụ nữ lặng lẽ hốt mớ cá còn lại đẩy lên xe tải cho người ta mang đi khu vực khác làm phân. Lục bình dạt vào một góc, những ngôi nhà le lói ánh đèn. Đêm chùng xuống nhanh chóng. Tiếng côn trùng vang xa. Những ngôi nhà hết bập bênh sóng nước. Mấy người đàn ông ra ngồi mé cửa hút thuốc. Không khí ảm đạm bao trùm khu làng bè. Trong căn nhà nhỏ xíu tiếng trẻ con đùa nhau cười rúc rích. Cái bực tức ập đến, anh quát ầm lên:
– Tụi bây im mồm giùm cái coi.
Ba đứa trẻ ngơ ngác. Chưa bao giờ chúng thấy ba nổi khùng như vậy. Thằng lớn tưởng ba đùa nên cười nhại lại:
– Tụi bây im đi cái coi!
Bốp! Một bàn tay rắn chắc in hằn lên má thằng bé. Nó ngã lăn quay xuống sàn, đầu óc choáng váng.
– Này thì trả treo với tao này, đồ mất dạy!
Vừa nói tay anh vừa tát nó tới tấp. Chị đang hốt cá ngoài bửng hoảng hồn chạy vào
– Mình làm sao thế, sao đánh con?
– Cái thứ mất dạy, dám trả treo với cả ba nó, tao uýnh chứ sao, hỏi nhiều.
Mặt anh đanh lại, ném vù điếu thuốc hút dở xuống sông. Anh leo lên bờ, lặng lẽ đi về hướng cầu.
Dưới sàn nhà, thằng anh lớn khóc tức tưởi. Nó cầm đầu thằng em dí vào đống chăn hôi rình tấp nó mấy quả đấm. Con bé em gào lên:
– Anh hai bị điên à, sao đánh anh ba?
Chị quẳng mớ cá ló đầu vào chửi thêm:
– Ba cái đứa kia, nhà sắp phá sản tới nơi tụi mày còn gây sự nữa, tao ném xuống sông hết bây giờ.
***
Trên cây cầu lộng gió, anh đứng ngửi mùi cá chết phà vào mũi. Quay sang bên cạnh, những chủ hộ đang vây quanh nhau thì thầm chuyện kiện tụng. Anh rầu rĩ:
– Có nên cơm nên cháo gì không, hay xuống đó nó lại tống cổ về, cái thứ dân Việt kiều Cam như tụi mình, nó khinh ra mặt!
– Khinh thì cũng làm cho tới, anh em trắng tay nằm chờ chết à? Mấy lão chủ vựa chuẩn bị đồ đạc trốn ngân hàng rồi đấy, anh em tụi mình sống dở chết dở ở đây làm gì.
Bửng cá và con sông. Anh đang ngồi trên cầu và nhớ về những ngày tháng mới lên mé vùng này. Dân Việt kiều Campuchia từ miền Tây lên làm ăn sinh sống. Một miếng đất cắm dùi không có. Khi đó, ba mẹ anh với một đàn em thơ quanh quẩn trên sông, tìm chỗ nương náu. Rồi chính quyền địa phương tạo điều kiện cho bà con ở khoanh vùng gần mé sông. Ngày đi kéo cá, đêm ngủ được mấy tiếng lại dậy đi kéo cá. Quanh năm như vậy miết con người anh vốn đã đen sẵn nay chang nắng chang mưa lại bóng nhẫy như dân châu Phi. Mấy năm ròng hết kéo cá lại đi lên sông làm lưới thuê cho nhà người ta. Riết cũng không thấy khá hơn được bao nhiêu, anh bàn với ba mẹ bán đất xuống sông làm cá luôn, khỏi ở trên bờ làm gì nữa. Nhưng mảnh đất chính quyền cấp không một tờ giấy tay, không sổ đỏ, anh muốn bán cho ai cũng không bán được. Bỏ lại ngôi nhà lợp tôn trống huơ trống hoác không có gia sản, anh với cả gia đình xuống sông làm nhà nổi nuôi cá. Cứ vậy mà tách nhau ra, mấy đứa em của anh cũng không màng tới chuyện học hành nữa mặc dù đã nhiều lần chính quyền địa phương cho người xuống vận động đi học. Ba anh bảo:
– Tiền ăn còn chưa đủ, lấy đâu tiền đi học.
Bận đó, một chị phụ nữ xã bảo:
– Bác yên tâm, các em được đi học miễn phí không tốn tiền đâu.
Ba anh lại bảo:
– Cũng như không, tụi nó đi lấy ai đi kéo cá.
Người ta tới năm lần bảy lượt, ba anh đều từ chối nên người ta không tới nữa. Mặt chữ đối với dân bè cá như anh xa lạ dần. Ngày ba anh hấp hối, anh chạy lên bờ kêu người giúp, đi mua cho cỗ quan tài để sẵn, lật đật đi tìm chỗ đất xin cho ba được chôn cất đàng hoàng. Nhưng ngặt nỗi gặp phải ông Phó chủ tịch xã hống hách, hắn bảo:
– Cái nhà anh này tui nhớ hồi xưa xã vận động lên bờ rồi tự nhiên cái xuống sông không thèm lên. Kêu đi học cũng không đi, giờ lên đây xin đất chôn cha là sao?
Anh tức trào máu họng, tính nhảy bổ lên ôm cổ cái thằng đó mà đấm đá túi bụi. Nhưng nghĩ ba mình còn hấp hối ở nhà, anh đành cúi xuống van xin hắn. Được thế, hắn viết giấy tay kêu anh điểm chỉ vào đó, giao lại mảnh đất cũ nhà anh cho hắn, rồi hắn xin chính quyền cho ba anh miếng đất đẹp trong nghĩa địa mà an nghỉ. Lúc đó bối rối, anh ậm ừ rồi ấn tay điểm chỉ. Anh không nghĩ đó cũng là lúc anh cắt đứt sợi dây lên bờ của mình và gia đình sau này.
***
Vợ ở dưới sông kéo cá dường như kiệt sức, biết anh và hàng xóm vẫn đứng trên cầu, chị gào rõ to:
– Nhà Bình ơi, về đi, khuya rồi, giúp tôi một tay dọn hết mớ này đi mai cho xe nó hốt còn kịp.
Anh lững thững đi về, bỏ lại sau lưng cuộc trò chuyện kiện tụng còn dang dở. Đêm tối bao trùm từng bước chân anh. Chưa bao giờ anh thấy nặng nề đè nén lên con tim mình như vậy. Một mối lo cho ba đứa con cứ xộc lên mũi, cay xè. Sau cơn mưa giông, con sông đã đổ dồn hết nước về hạ nguồn, nước trên xóm bè cá cũng rút lại, trơ ra những vạt bùn đen nhơ nhớp. Mấy ngôi nhà dạt vào bờ, như nương tựa với nhau những ngày gặp nạn. Ánh điện mờ dần, trong mấy ngôi nhà lập lờ bóng người đi qua đi lại. Xóm bè yên lặng tĩnh mịch. Tiếng trẻ con ê a học bài không còn nữa. Chúng chìm vào giấc ngủ mệt nhọc sau một ngày vật lộn cùng gia đình bán cá. Tiếng vợ anh lại gọi:
– Nhà Bình đâu?
Anh cất tiếng trầm khàn:
– Tôi đây, mình cứ dẹp nó qua một góc đi, khuya rồi đi ngủ, ngày mai tính tiếp.
Vợ anh năn nỉ:
– Cố thêm chút, gom được mai cũng bán làm phân cho nhà người ta, còn hơn để mốt nó thối rữa, trôi hết dưới, vừa ô nhiễm lại vừa mất bao nhiêu là tiền.
Anh biết vợ mình đang trong cơn hoảng loạn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra và anh cũng thế. Anh bỏ công bỏ vốn đầu tư hết vào mẻ cá mùa này. Ước tính nếu khi bán ra cá có giá cao thì nhà anh cũng thu về vài tỷ vừa công nuôi và tiền cám, tiền vốn. Nay trở về con số không. Anh vơ vội mớ cá chết nép vào một góc, thì thầm với vợ:
– Hay mình bỏ xứ này mang con về lại quê?
Vợ anh ngán ngẩm:
– Về quê có gì ở đó nữa đâu mà về, ông bà tổ tiên người ta đi biệt xứ hết rồi. Mà cũng chả biết làm gì nuôi con nữa. Không chừng lớn lên nó cũng như hai đứa mình.
Nghe vợ nói vậy anh chùng lại. Nghĩ đến một thảm cảnh bao trùm lên xóm bè cá, trong đó có gia đình anh, anh rụt cổ sợ sệt.
***
Tối khuya, chờ cho vợ con đi ngủ hết, anh lén ra khỏi nhà, rủ thêm mấy hộ trong bè lên cầu bàn bạc chuyện kiện mấy nhà máy xả thải nước ra sông làm cá chết hàng loạt. Anh kéo thêm những hộ ở cầu bên kia sang bàn bạc. Anh em thống nhất ý kiến. Sáng sớm tinh mơ hôm sau, mấy chục hộ dân thuê một chiếc xe nhỏ kéo nhau xuống Ủy ban Nhân dân tỉnh. Lúc đi, anh đã biết kiểu gì mình cũng sẽ đối diện với chính quyền và nhiều thử thách khác nhưng nằm chờ chết anh cũng không cam tâm. Xe vừa đỗ xịch trước cửa Ủy ban Nhân dân tỉnh, anh hỏi đường rồi cùng anh em vào một văn phòng luật sư xin thảo đơn kiện. Đương lúc anh cắm cúi kể chi tiết sự vụ thì mấy chục anh em còn lại nhảy vô sân cơ quan này làm um xùm lên. Anh hoảng hốt chạy ra, cùng lúc đó, ông chủ tịch xã dáng người nhỏ thó nhảy từ trên xe khách xuống. Một đám cánh nhà báo nhào vô chụp hình lấy thông tin. Ông chủ tịch xã hốt hoảng, ôm chiếc cặp táp nhảy bổ vào giữa đám đông ra sức giảng giải. Anh dạt bà con ra, xông tới đứng trước mặt tên chủ tịch mà rằng:
– Tui nói cho anh biết, mấy ngày mưa tầm tã, anh em bà con đã lên tận xã kê khai số lượng cá chết. Các anh có động thái giúp đỡ gì không hay chỉ kê khai cho có?
Vị chủ tịch ôn tồn:
– Chuyện đâu còn có đó, bây giờ các anh cứ về đi, chúng tôi sẽ có giải pháp khắc phục kịp thời hậu quả cho bà con, nay các anh làm vậy tụi tui thực sự rất bị động và lúng túng.
Anh nghe một hồi thấy ông chủ tịch nói cũng có lý nên kéo bà con lại lên xe trở về.
Đêm đó, đang ăn cơm cùng vợ con thì anh nghe có ai gọi đầu mé sông. Anh bỏ dở chén cơm chạy ra. Trong đêm tối một tên công an nhảy xồ tới trước mặt anh nói gằn từng tiếng:
– Mày đi theo tao!
Anh cúi người xuống, nhìn sát mặt tên công an rồi bình tĩnh trả lời:
– Đi đâu?
– Đi đến nơi cần đến, mày không phải thắc mắc nhiều.
Vừa nói xong, hai tên khác nhảy từ trong bóng tối ra ôm ghì lấy anh và kéo anh đi. Miệng anh dính một chất gì đó từ tay tên công an, sau đó anh không còn biết gì nữa. Khi anh tỉnh dậy, toàn thân ê ẩm, anh lầm bầm:
– Thằng nào hốt tao vào đây?
Một thằng công an nhảy phốc lên bàn, đập đập cái dùi cui quát:
– Mày là thằng đầu têu đâm đơn khởi kiện phải không?
Định hình lại, anh cúi xuống tỏ vẻ cam chịu:
– Dạ không có đâu anh?
– Này thì không có, không có.
Mỗi lời nói không có, nó lại phật cho anh mấy phát đau buốt. Anh biết kiểu gì mình cũng sẽ nhừ đòn nơi chốn này. Anh đứng thẳng lưng lên, gào vào tai thằng đó:
– Mày là cái thá gì, mày không biết dân tụi tao vừa mới sạt nghiệp vì chết cá sao? Ngon thì xuống đó mà giúp dân, ở đây mà hạnh họe!
Thằng công an há hốc mồm. Nó lại giơ cái dùi lên. Bốp! Một nhát trúng ngay vào miệng anh, máu răng bắt đầu chảy ra. Anh lùi lại, dùng hết sức mạnh của bàn tay kéo lưới, nhảy thốc lên, ôm lấy cổ thằng nhãi cứ thế ép nó vào tường. Nó hốt hoảng, tay quờ quạng cào vào mớ giấy trên bàn. Nó nghẹt quá không thở được. Anh ấn đầu nó xuống bàn, cốp cốp cốp. Máu trên trán thằng nhãi chảy ra. Ước chừng nó sắp xỉu, anh buông tay ra ngồi bệt xuống đất thở hồng hộc. Thừa lúc cửa phòng còn khép hờ, anh lấy hết sức đạp tung nó ra rồi chạy ào ào, băng qua con đường quốc lộ trở về xóm bè cá. Một lũ loi choi lấy xe honda rượt theo. Anh cắm đầu cắm cổ chạy vào con dốc nhỏ, quẹo lên mé bờ đê rồi lại chui xuống con đường nhỏ mà hồi trước anh cùng ba hay chạy bộ buổi sáng. Rồi anh núp vào hốc cây bằng lăng cổ thụ ngồi chờ tụi công an đi qua, anh mới len lén đổ xuống đường dốc đi về nhà.Thấy anh trở về, máu me đầy mình, vợ anh gào lên:
– Cái thứ gì vậy trời, ai kêu anh đụng vô chính quyền!
Anh ngẩng mặt lên đi thẳng vào nhà, không quên đáp trả vợ:
– Chính quyền đụng vô tui chứ bộ! Tui đâu sợ gì!
Vợ anh cằn nhằn, ném một con cá chết về phía anh:
– Đúng là cái đồ…vô lấy găng tay ra gom cá.
Anh cúi đầu bước vào nhà, ba đứa nhóc chạy ra cười chế giễu:
– Ba bị mẹ chửi kìa, lều lều.
Anh quơ tay, nắm ngay cái áo thằng bé nhưng nó nhanh hơn. Ba anh em cun cút chạy xuống bãi. Chúng hì hụi kéo những nắm lục bình lên bờ, cắt lấy phần thân phơi khô chuẩn bị bán cho cửa hàng làm đồ thủ công mỹ nghệ. Dọc con sông, mấy cái bóng trẻ con lũn cũn theo nhau. Sau giông, nắng gắt trải dài trên khắp mặt sông. Mùi cá chết xóc lên tận óc. Lũ trẻ vẫn ì oạp ngay dưới con sông. Đứa kéo lục bình, đứa gom cá chết đi bán. Quãng sông rộn lên tiếng trẻ con đùa nhau. Buổi trưa đối với chúng là một khoảng thời gian đẹp được tự do thoải mái vùng vẫy.
***
Những ngày tiếp theo, cả khúc sông rộn ràng tiếng xe tải chở cá đi làm phân. Xe nhỏ xuống bến quay phim chụp hình. Một cô phóng viên thấy anh loay hoay kéo lưới lên bờ, kéo áo anh hỏi dồn dập:
– Anh tên gì? Nhà anh đợt này ước chừng mất khoảng bao nhiêu tấn cá? Anh tính sẽ làm gì khi cá đã chết sạch?
Anh dửng dưng:
– Cô hỏi chi nhiều vậy? Có tiền cho tụi nhỏ nhà tui ăn không? Qua nay tui thấy mấy cô mấy cậu hỏi quá chừng chừng, không biết để làm cái gì nữa. Cô có ngon thì viết bài phản ánh nhà máy lựa cơ hội xả thải nước làm cá chúng tôi chết hết nè.
Cô phóng viên ngập ngừng:
– Cái đó có các cơ quan ban ngành liên quan vào cuộc, xét nghiệm và lấy mẫu thử. Chúng em chỉ lấy thông tin đưa bài thôi ạ, chưa có kết luận cụ thể chúng em cũng không dám thông tin sai sự thật đâu ạ.
Anh lườm cô phóng viên một cái rõ dài, chìa cái tay sưng tấy lên rồi bảo:
– Các ban ngành liên quan đây hử? Đúng là cái đồ…
Anh dứ dứ nắm đấm về phía trước toan bỏ đi. Chợt cô phóng viên kêu giựt lại, dúi vào tay anh mấy trăm nghìn, bảo anh mua đỡ gạo cho tụi nhỏ, kiểu gì tụi nó cũng cần ăn uống cho qua ngày tháng khốn khó này. Anh cầm mấy trăm nghìn cho vào túi, nhăn hàm răng đen thui cười hề hề:
– Ờ coi bộ được ha? Cũng biết giúp nhà người ta. Thôi được tui mượn đỡ, mốt có tiền gặp lại rồi trả nghe?
Anh nhảy lên bờ bãi, vẫy tay chào cô phóng viên. Một chốc anh quay lại, kéo theo ba đứa nhóc chỉ cho chúng phía cô phóng viên đang cắm cúi chụp hình trên bãi sông. Anh bảo tụi nhỏ qua đó cảm ơn cái cô kia một tiếng, cổ vừa cho tụi bây mấy trăm nghìn mua gạo đấy. Thằng anh lớn áo ướt nhẹp, kéo hai đứa nhỏ chạy lên triền dốc. Bãi sông giờ này vắng hoe, nó gào lên trong tiếng gió:
– Cô gì ơi, anh em nhà cháu cảm ơn cô nhiều nhiều nghen?
Cô phóng viên quay lại, nở một nụ cười thân thiện. Con bé nhỏ khều tay anh hai chạy theo cô phóng viên. Tay nó bám vào cái dây đeo của máy ảnh, miệng ríu rít:
– Cái này chắc là mắc tiền lắm ha cô?
– Ờ, mắc lắm, nó là “cần câu cơm” của cô đấy!
– Cần câu cơm là gì hả cô? Con bé lại ngơ ngác hỏi.
Thằng anh thứ hai đang cắm cúi vớt lục bình quay ra quát em:
– Con nhỏ kia, có để cho cô đi làm không?
Con bé cụp mi, tạm biệt cô phóng viên rồi chui xuống bãi lục bình. Khi bóng cô phóng viên khuất xa sau những chiếc xe ôtô nhỏ, nói cứ đứng ngẩn ngơ nhìn. Nó nói với anh hai:
– Ước gì tụi mình được đi học nhiều thật nhiều, mốt em lớn em cũng làm việc như cái cô đó đó.
Thằng anh cầm mái đầu khét lẹt mùi nắng của em, nhấn xuống khóm lục bình, nó bảo:
– Thôi đi bà má, lo làm việc đặng kiếm mấy xu mua gạo lót dạ, đứng đó mà mơ mộng xa xôi.
***
Hoàng hôn xóm bè cá, im lìm như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Những ngôi nhà trôi dạt về một góc. Mấy ngày liền tấp nập, xác cá được chuyển hết lên bờ. Khoảng sông trơ lại mấy đám lục bình xanh ngăn ngắt. Bến sông đìu hiu. Dưới sông, ánh điện hình như cũng hiu hắt hơn. Những ngôi nhà dập dềnh theo con sóng nhỏ. Đâu đó, tiếng chửi, mắng lẩn quất trong tiếng sấm ì ùng. Lại mưa. Anh Bình đội nón ra ngồi ngay mé đầu nhà. Chớp rạch ngang trời. Chưa bao giờ anh thấy ông trời giận giữ nhiều đến thế. Những hạt mưa nặng trịch đổ xuống ầm ầm. Mái tôn trên nhà nghe cứ rạt rạt rạt. Gió thổi nghiêng ngả. Anh quay vào nhà chăng mấy tấm nilon lên phía trên cho lũ nhỏ ngủ không bị dột. Chị dẹp mấy cái xoong vào một chỗ cho gió không thổi rớt xuống sàn. Bóng đèn lắc lư. Ngồi trong ngôi nhà chị thở dài não nuột:
– Dân bè cá nhà mình sao khổ quá mình hen?
Anh thì thầm:
– Thôi ráng mình ơi, qua mùa bão ta làm lại.
Lũ con nghe tiếng mưa dữ lồm cồm bò dậy. Trong bóng tối mịt mùng năm cái đầu ôm nhau nương tựa. Xóm bè cá mịt mùng…