Từ xưa đến nay, âm dương thái cực đã trở thành hồn thiêng trong văn hóa, trở thành thứ triết lý Á Đông được vận dụng vào nhân sinh một cách thâm thúy trong hàng nghìn năm, ăn sâu vào trong tâm thức, nếp nghĩ, nếp sống của người Việt. Và ngói âm dương cũng là một sản vật của cái “Đạo” ấy.

Muốn hiểu về ngói âm dương thì phải tìm về vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, nơi bà con người Tày, Nùng dùng ngói âm dương để lợp mái nhà. Nhìn từ trên cao, những ngôi nhà lợp ngói âm dương cổ kính nơi đây khiến người ta không khỏi trầm trồ, cảm thấy như lạc vào một kinh thành cổ từ ngàn năm về trước.

Nghề cổ đất Việt: Ngói âm dương – “Đạo” trong kiến trúc
Những ngôi nhà lợp ngói âm dương. (Ảnh qua phuot.edu.vn)

Ưu điểm của ngói âm dương là mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, lại thoát nước không bị đọng. Đối với những kiến trúc như nhà truyền thống, miếu mạo, hay đền thờ, thì việc sử dụng ngói âm dương có chất màu cổ là một giải pháp kiến trúc vừa mang tính thẩm mỹ, vừa hợp với phong thủy. Phong là gió, thủy là nước, phong là dương, thủy là âm, hai yếu tố quan trọng ấy tạo thành sinh khí của ngôi nhà. Khi lợp ngói, người ta đặt viên ngói âm và viên ngói dương xen kẽ nhau, âm dương giao hòa, vừa có thể thoát nước, lại vừa tạo nên khoảng trống giữ khí và thông gió cho ngôi nhà.

Ngôi nhà dùng ngói âm dương. (Ảnh qua langvietonline.vn)

Nghề làm ngói âm dương tất bật nhất là vào dịp cuối năm. Người dân nơi đây làm ngói, cho vào lán, xếp san sát nhau, trải dài hai bên đường, thẳng hàng tăm tắp chờ ngày vào lò nung. Mỗi năm, trung bình một hộ gia đình làm được từ một đến hai lò ngói, mỗi lò khoảng bốn đến sáu vạn viên. Việc làm ngói rất vất vả, nếu làm thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, thì một mẻ ngói như vậy phải làm ít nhất từ hai đến ba tháng.

Lò nung ngói. (Ảnh qua langvietonline.vn)

Quy trình làm ngói âm dương cũng khá cầu kỳ. Sau khi chọn được đất về, người thợ phải nhào trộn kỹ cho đến khi đất nhuyễn và ngấm đều nước, không được khô quá hay ướt quá. Đất được ủ từ hai đến ba ngày để khiến nó có độ kết dính cao. Tiếp theo là công đoạn lọc đất, đất được di chuyển vào trong lán, cắt thành những lát mỏng, để lọc ra những viên đá, sỏi. Càng lọc đất tốt, thì ngói sẽ càng mịn và sạch hơn, tránh được việc nứt vỡ. Lọc đất xong, người thợ phải dùng tro rắc đều lên khuôn để chống dính, rồi dùng chân nện chặt đất vào khuôn, công đoạn này gọi là in ngói.

Khi ngói đã thành hình rồi, thì được đem đi phơi. Người thợ tạo ra những mô đất có độ cong đều, rồi đặt ngói lên đó, xếp thành nhiều lớp. Do tro vẫn còn sau khi in ngói, nên ngói xếp chồng lên nhau mà không bị dính, vẫn có thể tách ra dễ dàng khi ngói đã khô. Ở công đoạn này, người thợ phải làm thật nhẹ nhàng để ngói không bị cong vênh, cứ khoảng mười viên ngói xếp lên, thì lại phải dùng bàn tấc để gõ vào mép ngói. Ngói âm dương phải được phơi trong nhà hoặc lán từ một đến hai tháng, vì nếu phơi ngoài trời nắng thì nhiệt độ cao sẽ làm ngói bị co ngót đột ngột và nứt vỡ.

Những ngôi nhà dùng ngói âm dương (Ảnh qua iVIVU.com)

Nung ngói âm dương chỉ có thể sử dụng củi, và phải giữ đều nhiệt độ, bởi vì đun bằng than sẽ làm ngói nổ vỡ vì nhiệt độ cao. Để có ngói chất lượng tốt thì phải nung cả mười ngày mười đêm, mỗi giai đoạn lại cần điều chỉnh nhiệt độ. Vậy nên một mẻ ngói ra lò là kết tinh công sức vất vả của nhiều ngày làm việc.

Khi lợp ngói âm dương theo kiểu truyền thống thì người ta không phải dùng bất cứ loại keo nào, cứ một viên ngói âm xếp ngửa lại đến một viên ngói dương xếp úp, hàng hàng như vậy, rất ngoạn mục.

Nghề cổ đất Việt: Ngói âm dương – “Đạo” trong kiến trúc
Lợp ngói âm dương. (Ảnh qua phuot.vn)

Ngói âm dương

Viên ngói âm dương nhớ hồn phố cổ
Nhớ nhà Từ Đường nội cất năm xưa
Mái ngói đơn sơ trong nắng – trong mưa
Che chở đời con và linh hồn Gia Tộc

Năm tháng trôi qua màu rêu ẩm mốc
Từng viên khép hờ ngỡ gió buông rơi
Nhưng nội tôi vẫn thường khi hay nói :
– Ngói ôm nhau rồi khó gỡ lắm con

Nhiều năm rồi tới lúc đã lớn khôn
Tôi mới hiểu lời người xưa thấm thía
Tình nghĩa anh em như là viên ngói
Khép chặt bao giờ cũng khó lìa xa !

Sông Quê

Lê Nguyên