Năm 1822, toàn quyền Ấn Độ nhân danh triều đình Anh gởi sang Việt Nam một phái bộ để điều đình việc giao thương. John Crawfurd cầm đầu phái bộ, khi về nước đã cho ấn hành bản nhật ký cuộc du hành tới nước ta, mà khi ấy họ còn gọi là nước Cochin China (Giao Chỉ gần China).

(Theo John Crawfurd, Journal of an embassy from the Governor- general of India to the courts of Siam and Cochinchina, London, 1830)

Ngày 29 tháng 8 năm 1822.

Hồi 6 giờ chiều qua, ông Finlayson và tôi xuống thuyền đi Sài Gòn. Phái bộ chúng tôi gồm cả thảy 33 người. Một chiếc thuyền đầy đủ tiện nghi nhất dành cho ông Finlayson và tôi, nhưng mưa xối xả suốt đêm làm chúng tôi không thể lợi dụng được ánh trăng và ngắm phong cảnh của vùng đất đang đi qua. Khi trời vừa sáng, ở hai bên bờ sông, chúng tôi thấy mở ra những cánh đồng rộng rãi, nơi đâu cũng thấy trồng lúa, và chỗ nào cũng thấy xóm làng trù mật. Khoảng 8 giờ, đã nhìn thấy thành phố Sài Gòn nằm trên hữu ngạn hay bờ phía tây sông …

Ngày 2 tháng 9 năm 1822.

Mọi việc chuẩn bị đã xong từ đêm trước cho cuộc tiếp kiến của chúng tôi. Theo ý các quan, một danh sách bằng chữ Hán ghi tên tặng phẩm trên một tờ giấy màu hồng, theo đúng phong tục ở đây. Mọi chi tiết đều được tiên liệu cho cuộc hội kiến và cả nghi thức mà chúng tôi phải theo khi được giới thiệu. Tuy nhiên, không khỏi phải nói nhiều về những sự việc sẽ được mô tả sau đây.

Mọi sự đã sẵn sàng, khoảng 7 giờ 30 tôi yêu cầu cho cáng hay voi để chuyên chở phái bộ. Việc ấy chưa sẵn sàng, và tôi ngỏ ý gián tiếp là nếu không có thì chúng tôi đi bộ. Tôi làm thế vì hiểu rằng chúng tôi không thể đi một bước mà thiếu phương tiện xứng đáng, nên chỉ sau 10 phút, 5 con voi được đưa đến. Sự việc này chắc là của mấy ông quan cấp thấp muốn làm áp lực trên chúng tôi, và tôi sẽ không gặp chuyện gì để quan Tổng trấn biết hết sự thể?

Khoảng 8 giờ, chúng tôi rời công quán để vào thành, có 13 tùy viên theo chúng tôi, nhưng chúng tôi phải để lại những lính hầu người Ấn ở nhà. Ông Finlayson mang theo thư của Toàn quyền (Ấn Độ). Một số lính tùy tùng cầm giáo đi chân đất, và một số kỵ mã cưỡi những con ngựa nhỏ mà hung hăng, giống như kiểu ngựa Ấn Độ đi theo đám rước.

Mất độ 20 phút, chúng tôi tới thành, bên cạnh là hào nước thẳng tắp mà trú quán của chúng tôi ở đầu phía kia, hai bên hào là hai con đường bằng phẳng. Một số rất đông lính cầm giáo từ trong thành ra, đứng hai bên đường đón, đặc biệt ở trước cửa công thự nơi chúng tôi sẽ được tiếp kiến.

Chúng tôi không rời khỏi lưng voi cho tới khi còn không đầy một trăm bước trước cửa công thự. Công thự này mở rộng cửa phía trước, rất dài ở mặt tiền song không sâu lắm, hoàn toàn làm bằng gỗ, không có chỗ nào được đánh bóng hay sơn phết. Đây là một dinh thự đơn sơ nghèo nàn, không như các ngôi nhà của người Hoa mà ngày hôm trước chúng tôi đã thăm bên phía Sài Gòn (sau là Chợ Lớn), đem so sánh với dinh thự này thì đấy mới là những lâu đài thực sự.

Phong tục của Việt Nam là ngồi trên những tấm phản rộng, cao hơn mặt đất độ 1 bộ rưỡi, hoặc trên bục cao chừng 8 hay 9 đốt tay từ mặt đất. Các bục cao đặt ở phía trước, bục thấp đặt ở phía sau. Trên sàn hay trên bục bao giờ cũng được trải chiếu. Ngay chính giữa sảnh đường có đặt một bục cao, có lẽ cao hơn thường lệ, quan Tổng trấn ngồi trên đó.

quan tổng trấn, Tả quân Lê Văn Duyệt trong hồi ký của John White và John Crawfurd

Chúng tôi tiến lên trước mặt ông và cúi đầu chào, không thấy ông cúi đầu đáp lại. Chúng tôi được chỉ tới ngồi trên mấy cái ghế đặt bên tay mặt ông Tổng trấn. Bên tay trái ông là nơi ngồi của vị phó Tổng trấn, một ông già mặt mũi sáng sủa ở khoảng bảy mươi tuổi. Phần còn lại của các quan dưới quyền Tổng trấn thì ngồi phía sau chúng tôi trên một bục khác. Ngồi đầu hàng này là ông Quản Binh (Ong-kwan-beng), một vị quan võ đã đứng điều đình mọi việc với chúng tôi (phải chăng là Trần Văn Học, NĐĐ).

Nghe nói Tổng trấn già là một hoạn quan, nhưng nếu không biết trước thì có lẽ chúng tôi không thể nhận ra. Tất nhiên ông hoàn toàn không có râu; nhưng tuy người Việt Nam thích để râu mà râu họ thường rất thưa thớt. Tiếng nói của ông hơi nhỏ và dịu như tiếng phụ nữ, song không quá độ đến mức có thể gây nghi ngờ.

Ông là nhân vật đã dự phần đặc biệt vào các cuộc chiến và cách mạng ở Việt Nam. Khi chúng tôi đến yết kiến thì ông ở độ tuổi 58. Ông có phong cách linh lợi và thông minh. Thân mình hơi thấp chứ không cao, song ông tỏ ra hoạt động và không có khuyết tật gì, tuy nhiên hàm răng không còn nguyên vẹn và đã mất nhiều cái. Các quan lại khác đều mặc đồ gấm hoa sang trọng. Trái lại ông Tổng trấn tỏ ra ít quan tâm và coi thường việc ăn mặc, ông chỉ mặc một áo dài bằng nhiễu đen trơn màu và chít chiếc khăn đồng màu.

Ông bắt đầu hỏi chuyện chúng tôi là cuộc hành trình xa xôi bao nhiêu. Sau khi chúng tôi trả lời câu hỏi đó, ông liền đi ngay vào chính vấn đề và nói rằng người nước Anh sẽ được hoan nghênh vào buôn bán ở Việt Nam theo đúng luật lệ của xứ sở này; rằng thuế nhập khẩu không nặng, đối với nước nào cũng ngang nhau. Chúng tôi trả lời đó là điều chính vị Toàn quyền (Ấn Độ) mong muốn và không hứa gì khác.

Ông Tổng trấn nói thêm, nếu người Việt Nam sang buôn bán bên liên hiệp Anh tức phải chịu theo luật lệ Anh, còn nếu chúng tôi đến Việt Nam thì cũng phải tuân thủ như vậy. Tôi liền đáp lại là tình hữu nghị và sự thông cảm giữa các quốc gia sẽ không thể thực hiện ngoài những nguyên tắc ấy.

Sau đó, ông Tổng trấn nhận xét và hứa cho phái bộ chúng tôi một chứng chỉ đặc biệt để ra kinh đô, ông giới thiệu chúng tôi với vị Quan quản Tượng đứng đầu ngoại vụ (có lẽ là chức vụ Thương Bạc, NĐĐ). Rồi ông nhận định rằng chỉ có quốc vương mới trao đổi thư từ với quốc vương, thế thì vua nước Anh có thể viết cho Vua nước Việt Nam, và ông Toàn quyền (Ân Độ) thì có thể viết thư cho Quan quản Tượng mà thôi. Cũng như mấy lần trước, chúng tôi giải thích là vua nước Anh ở một nơi rất xa xôi không thể trực tiếp trao đổi quốc thư với các vị quân vương phương Đông, do đó, việc này đã được ông Toàn quyền ở Ân Độ chủ yếu phụ trách. Ông trả lời đây là lối hành sự hoàn toàn trái ngược với tập quán của Việt Nam, sự thể sai nguyên tắc này sẽ ngăn cản phái bộ trên bước đầu của công cuộc kết thân giữa hai triều đình.

Rồi chúng tôi tiến dâng lên ông Tổng trấn một ít tặng phẩm của Toàn quyền ở Ấn Độ cùng với một tờ kê khai vật phẩm bằng chữ Hán được một thư lại đọc to lên. Sau khi nghe đọc bản danh sách tặng phẩm, quan Tổng trấn nói là rất cám ơn ông Toàn quyền Ân Độ về sự lịch thiệp đã gởi quà tặng, nhưng vì cuộc thương thuyết còn dở dang, nên ông chưa có thể nhận tặng phấm đó. Tuy nhiên quan Tổng trấn hy vọng sau này sẽ có nhiều thương quyền Anh tới thăm thành phố Sài Gòn, lúc ấy sẽ trao đổi tặng phẩm lại. Chúng tôi không từ chối giữ lại tặng phẩm, nhưng sự thể ấy làm nổi bật sự so sánh của chúng tôi đối với tính tham lam của các quan chức Xiêm La trong trường hợp tương tự.

Chúng tôi liền hỏi khi nào có thể từ biệt Sài Gòn. Thời điểm liền được ấn định. Ông Tổng trấn trả lời là mọi sự đã chuẩn bị sẵn sàng để chúng tôi ra đi được thuận lợi. Chúng tôi rất muốn ông Tổng trấn mở xem bức thư của Toàn quyền Ân Độ, dù chỉ vì tò mò, nhưng ông chỉ nhìn qua, ông không rút thư từ phong bì lụa ra, rồi lịch sự hoàn trả lại tức khắc. Như để làm chúng tôi vui lòng, ông bảo sẽ đem thư trả về nơi lưu trú của chúng tôi. Cho thêm phần trịnh trọng, ông ra lệnh cho lấy ba con voi trang sức đẹp đẽ rước trả bức thư ấy.

Trong khi chuyện vãn, ông Tổng trấn hỏi tuổi người theo tôi (Finlayson) và tuổi tôi. Những người hầu Ân Độ của chúng tôi và y phục của họ đã làm ông rất chú ý quan sát, cũng như là đối với mọi người khác trong suốt cuộc viếng thăm của chúng tôi. Người Việt Nam hoàn toàn xa lạ với người dân nước Hindustan (Ấn Độ), và không có một người nào thuộc dân xứ đó cư ngụ tại Sài Gòn. Con người, hình dáng, cử chỉ, quần áo của người Ấn đã gây được sự tò mò chú ý hơn là đối với chúng tôi.

Sau khi uống trà, chúng tôi được mời đi xem một cuộc đấu hổ–tượng. Chúng tôi lại lên voi và đi về hướng bờ thành, nơi có đấu trường. Ông Tổng trấn đi ra một cổng khác và đã tới trước chúng tôi bằng cáng. Khi sàn đấu còn trống chỗ, một võ sĩ ra hô to cuộc đấu khai mạc. Với lễ hội đặc biệt này, tác giả đã thấy có sự chuẩn bị sạch sẽ trong bóng và trang hoàng rực rỡ. Một võ sĩ ra biểu diễn dương oai trông thật man rợ. Anh uốn mình ra sau, phưỡn bụng lên, hai tay chống nạnh và trong tư thế kỳ cục thế, anh đã hò hét thật lâu và cao giọng.

Một con hổ được đưa trình diện ngay trước mặt đấu trường và được dẫn tới góc một hàng rào. Mọi người đều hô vang cổ võ cuộc biểu diễn. Con hổ bị trói ngang thân và buộc vào một cái cọc vững chắc bằng một sợi thừng dài khoảng 27–28 mét. Mõm hổ đã bị khẩu lại, nanh vuốt bị dứt bỏ. Hổ có tầm cỡ khá lớn và coi bộ rất hung hăng. Không dưới 46 con voi, voi đực thật đồ sộ, được dẫn ra theo đuôi nhau. Bỗng một con voi xông vào đánh hổ. Voi thứ nhất này tiến lên, với vẻ lộ rõ can đảm cao, và chúng tôi nghĩ là với bộ điệu quyết liệt như vậy thì voi ta sẽ hạ địch thủ hổ trong giây lát. Bằng một gắng sức ban đầu, voi lấy hai chiếc ngà tung hổ lên tầm cao vút và tung hổ ra xa tới gần 20 bộ. Dù bị thế, hổ thu mình lại, nhảy phóc lên lưmg voi và hất luôn người quản tượng đang ngồi trên cổ voi. Voi ta kêu rống lên, vội chạy ra xa, hổ đuổi theo tới hết mức thừng buộc phải ngừng lại. Tuy không bị thương tích gì, voi chạy trốn kêu rống thảm thương và không có cách gì làm cho nó trở lại đấu với hổ nữa.

Sau đó một chút, chúng tôi thấy một người bị trói có hai sĩ quan dẫn đến trước mặt ông Tổng trấn. Đó là chú quản tượng của con voi thua trận. Anh ta bị đem vào một góc và chịu đánh một trăm roi. Để chịu hình phạt này, anh ta phải nằm úp mặt xuống đất, một người ngồi lên cổ và vai anh, một người khác ngồi lên ngang hông anh, sau đó là một loạt roi mây vụt xuống. Khi xong, hai người khiêng anh ta đi, một người cầm đầu, một người cầm chân, hình như anh ta hết cử động. Trong khi thi hành hình phạt đó, ông Tổng trấn thản nhiên xem cuộc đấu voi hổ tiếp diễn, coi như không có gì xảy ra.

Mươi mười hai con voi nối tiếp nhau vào húc hổ, nó bị chết hẳn sau nhiều lần bị các cặp ngà voi tung lên cao rồi ngã xuống. Trước đây, tôi không hề tưởng tượng nổi sức mạnh của những con vật kinh khủng đến thế. Có những con voi ném tung con hổ ra xa tới 30 bộ, sau cái ngã như vậy hổ như hết sống không còn kháng cự được gì. Chúng tôi không thế nghĩ tới mà không sợ hãi đứng trước cảnh tượng những con voi hành hạ phạm nhân bị tội tử hình. Trong trường hợp ấy, tôi nghĩ chỉ một cái húc và tung cao, như tôi vừa tả, đã đủ để tiêu diệt một mạng người.

quan tổng trấn, Tả quân Lê Văn Duyệt trong hồi ký của John White và John Crawfurd

Sau cuộc đấu hổ voi, chúng tôi được xem một cuộc tập trận giả, đây là một đàn voi công phá hàng rào phòng thủ. Một tường ngăn dài từ 40 đến 50 bộ bằng vật liệu nhẹ, bên trên chất đầy cỏ khô, bên trong bày ra cảnh bố phòng của nhiều lính cầm giáo mác. Khi cỏ khô vừa bắt lửa, nhiều tiếng pháo nổ vang, cờ phất lia lịa, trống đánh giồn dập và một khẩu pháo bắt đầu nhả đạn. Khi ấy, đoàn voi được thúc tiến lên. Chúng liền bỏ tính rụt rè bình thường vẫn có, dù khi ngọn lửa còn cháy, tường thành giả chưa bị đốt hết, chỉ cần một chút gan lì là có thể băng qua được chướng ngại vật đó.

Sau cuộc biểu diễn trò ấy, ông Tổng trấn cho gọi chúng tôi lại gần để nói chuyện. Ông muốn biết ngày giờ chính xác cuộc lên đường của chúng tôi, và khi nghe chúng tôi nói đã định vào sáng mai thì ông rất ngại là cuộc viếng thăm của chúng tôi chỉ có hai ngày thì quá ít không xem thêm được phố phường và nhất là ông không kịp cho chúng tôi coi một đêm hát bội. Chúng tôi lấy cớ là gió mùa sắp tới và chúng tôi ao ước được ra đi bình an tới Huế. Khi biết chúng tôi xin đi không trì hoãn, ông nói là mọi sự sẽ chuẩn bị sẵn sàng trước lúc khởi hành một giờ như ý định của chúng tôi. Lệnh được ra ngay tại chỗ để chuấn bị cho chúng tôi khởi hành đúng hẹn.

Nhân đó, chúng tôi thấy được cách giải quyết sự việc như thế nào tại Việt Nam. Ông Tổng trấn đích thân truyền lệnh, với giọng nói to cao của người cầm quyền và có 12 hay 14 vị quan dưới quyền đứng trước mặt ông nhận lệnh. Khi ông ra lệnh xong, theo phong tục địa phương, họ liền quì gối lạy 4 lần, mặt họ cúi xuống trên hai bàn tay chắp lại để sát đất.

Quan Tổng trấn lại hỏi phải cần tiếp tế gì cho chúng tôi và cả thủy thủ đoàn nữa, ông bảo chúng tôi kê rõ mọi khoản để nhu cầu được đầy đủ cung ứng. Chúng tôi trả lời là không còn thiếu thốn gì nữa và xin cảm tạ sự đãi ngộ quảng đại ấy. Sau khi cám ơn ông Tổng trấn về việc tiếp đón lịch sự và hào hiệp mà ông đã dành cho chúng tôi, chúng tôi cúi đầu từ giã và trở về trú quán.

Khi chúng tôi đi vào dinh Tổng trấn cũng như khi trở về, có rất đông dân chúng theo chúng tôi. Thái độ của họ rất sinh động và vui vẻ, chứ không có gì là khiếm nhã. Quân lính tháp tùng chúng tôi không phải can thiệp ngăn cản họ khi họ không chen lấn vào đoàn rước phái bộ, nhưng khi họ chen lấn thì roi mây quất xuống lia lịa và họ liền rút lui lẹ làng với tiếng cười khúc khích.

Khi vừa về tới trú quán, một vị quan lớn đem đến cho chúng tôi lời chúc tụng của ông Tổng trấn cùng nhiều tặng phẩm. Đó là một con trâu, một con heo, một mớ gà vịt, gạo và trái cây. Vị quan lại cho chúng tôi biết là ông Tổng trấn dù không công khai nhận tặng phẩm nhưng ông muốn được biếu riêng mấy khẩu súng và chiếc thiên lý kính mà chúng tôi đã đem tặng ông. Tôi kính cẩn đáp lại là rất sung sướng được gởi lại những thứ đó. Tuy nhiên, mấy thứ đó không được lấy vội, vì ông Tổng trấn yêu cầu là sau khi chúng tôi về tới thuyền hãy gởi tặng ông mấy khẩu súng thật tốt. Một khoảng khắc sau, một đám rước long trọng đem đến cho chúng tôi một con heo quay với một mâm xôi lớn, một món quà biếu nữa của ông Tổng trấn. Như vậy là hợp với phong tục của xứ này và đã làm tăng thêm tình hữu nghị.