Năm Giáp Tuất (1814), tháng tư, nhân việc lựa lính ở Gia Định, vua Gia Long có dạy trong đạo dụ rằng: “Gia Định là nơi trung hưng, ngày xưa chỉ có đám đất và một toán quân mà khôi phục đất cũ”.

Năm Đinh Sửu (1817), tháng tư, ngài dạy các quan rằng: “Đất trong Gia Định rất tốt. Liệt thánh mở mang bờ cõi, chưa được một trăm năm mà lính mạnh, của giàu. Ta đem lính đánh Tây Sơn, một trăm người địch được một vạn người. Vài trăm năm nữa, càng giàu mạnh thêm cũng chưa biết chừng”. Ngài lại dạy thêm là: “Địa thế Châu Đốc, Hà Tiên cũng không kém Bắc thành”.

Theo lời dụ ở trên, ta nhận thấy rằng: Ngài đã khen Gia Định là xứ đất giàu, dân mạnh. Lời khen đó không phải là quá đáng, tuy câu “trăm người địch nổi vạn người” chỉ có nghĩa rằng người Gia Định hùng hổ, anh dũng trái với người Bắc và người Trung có tính điềm đạm nho gia.

Vì ngài nhận thấy xứ Gia Định giàu nên về phương diện quân sự, ngài đã có ý đề phòng cho khỏi ngoại xâm.

Ngay từ năm Giáp Tý (1804), tháng mười một, ngài dụ quan tỉnh “phải trữ lúa thuế vào kho cho nhiều” vì “Gia Định là nơi hệ trọng của miền Nam”; mỗi năm số lúa ngự trở về kinh chỉ có 1.000 phương mà thôi.

Năm Giáp Tuất (1814), tháng tư, về việc lựa lính, như trên kia đã nói, ngài chuẩn lời tấu của quan tổng trấn và dụ là cứ theo số tuyển năm Quý Dậu (1813) mà trong tám người định thì lấy một người lính. Lính sẽ chia làm năm ban, một ban ở bốn ban về nhà. Hễ đến tháng ba và tháng mười một phải tới trận tập võ tháng rồi sẽ cho về. Trong bài dụ ngài có dạy: “Gia Định tiếp giáp biên phương, phải phòng bị mới khỏi lo”. Biên phương đây đối với ngài là nước Xiêm.

Ngài đã không nghĩ tới nước Pháp là nước bạn sẽ có thể mở cuộc chiến tranh xâm lăng, để lập nền thực dân ở nước ta và trước hết ở Gia Định. Với độ lượng thành thực của một vị hoàng đế, ngài đã không nghĩ nước Pháp cũng như ngài, đã tin dân Gia Định trung thành với nền độc lập và thống nhất, dưới sự lãnh đạo của ngài.

Vua Minh Mạng vốn thêm nho học, không đứng về phương diện quân sự mà xét xứ Gia Định. Ngài đã nghĩ tới mặt giáo hóa xứ ấy.

Năm Tân Tỵ (1821), tháng ba, ngài dạy Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Hữu Thận rằng:

“Người Gia Định tính vốn trung nghĩa, nhưng ít học nên hay ưa khích khí. Nếu được kẻ học giỏi làm thầy đem lễ mà dạy thời dễ hóa làm thiện mà thành tài được nhiều”.

Rồi theo lời đình thần cử lên, ngài cho Hàn lâm tu soạn Nguyễn Đăng Sợ làm đốc học Gia Định, người học trò trấn Nghệ An là Nguyễn Trọng Võ phó đốc học.

Năm Quý Vị (1823), tháng chín, Nguyễn Đăng Sơ được xung lệnh dời về kinh làm tu nghiệp trường Quốc Tử Giám. Nguyễn Đăng Sơ vào bệ kiến, ngài hỏi:

– Học trò trấn Gia Định như thế nào?

Tâu rằng:

– Học trò xứ ấy nhiều kẻ tuấn tú, dễ dạy.

Ngài ban rằng:

– Năm ngoái truyền cho cống cử học sinh, sao không thấy có tên nào?

Tâu rằng:

– Tờ sắc xuống không thấy hỏi tới học thần nên tôi không dám vượt chức mà cử.

Ngài liền khiến quan tổng trấn hỏi quan đốc học lựa người nào nên sung cống thời tâu lên (sở dĩ Nguyễn Đăng Sơ tâu rằng “Tờ sắc xuống không hỏi tới học thần nên tôi không dám vượt chức mà cử” là vì đã không giữ chức đốc học, mà là phó đốc học, chắc đã có một sự mâu thuẫn nào với tổng trấn).

Có phải Nguyễn Đăng Sơ không tiến cử học sinh vì không có học sinh xuất sắc hay vì đã không được tờ sắc hỏi tới?

Dù sao, năm Nhâm Thìn (1832), tháng tư, về việc định phép học ở Gia Định, sử chép rằng:

“Ngài nghĩ Gia Định nhiều người anh tuấn nhưng nhác học. Có kẻ đã hạch tấu tám lần mà chưa đủ văn thể bốn trường khiến Bộ Lễ bàn định điều lệ, coi sổ học trò nhiều hay ít mà định truất trắc”.

Vậy vua Minh Mạng nhận rằng học sinh Gia Định kém về tài giỏi, nhưng ngài biết là dân thời “biết nghĩa dễ dạy”. Như năm Nhâm Ngọ (1822), tháng mười một, bổ bốn tri phủ vào Gia Định. Ngài có dụ rằng: “Tiến sĩ triều ta, từ bọn ngươi là đầu mà dân Gia Định biết nghĩa dễ dạy, phải nghĩ, tuyên đức hóa, khuyến phong tục, cho xứng ý ta”.

Nói tóm lại, đất Gia Định có phải “lính mạnh của giàu” như vua Gia Long đã dụ và có phải “ít học hay ưa khích khí”, dân tuy “biết nghĩa dễ dạy” nhưng học sinh “nhác học” theo lời vua Minh Mạng dạy không?

Có một phần đúng trong lời hai ngài đã dụ.

Nhưng ta cũng nên nhận rằng vua Gia Long đã đứng về phương diện quân sự mà muốn đề phòng xứ Gia Định cho có thể chống được ngoại xâm, cũng như vua Minh Mạng đã đứng về phương diện giáo dục mà muốn “tuyên đức hóa, khuyến phong tục” cho dân Gia Định có một tinh thần và văn hóa dân tộc.

Hai ngài đã hiểu rõ xứ Gia Định và đã thương yêu xứ ấy, muốn cho xứ ấy có một văn hóa, một tâm hồn để có địa vị trong gia đình Việt Nam.