Tám Bò chán cảnh đồng không mông quạnh
Bám theo anh vui thú phồn hoa
Từ ngày Cậu Ba về nước, Tám Bò bám sát như sam. Cậu Tám nói với Cậu Ba:
– Mầy ngày nay, anh Ba có biết không, anh như lưỡi dao Con Chó…Cậu Ba trừng mắt:
– Mầy nói cái gì? Tao mà như lưỡi dao Con Chó?
Tám Bò cười ngất:
– Người ta chưa nói hết câu mà. Nghe em nói lại đây này, anh như lưỡi dao Con Chó mà mấy người bu quanh là những cây kim gút. Lưỡi dao thò tới đâu là mấy cây kim bị hít dính vô tới đó…
Ba Huy cười, gật gù:
– Mầy nói chuyện đặc sệt nông dân, ví von, có hình tượng rõ ràng, ý mầy muốn nói tao như thỏi nam chân có sức hút dính các loại kim khí chớ gì? Nếu mầy muốn tao sẽ truyền nghề cho mầy.
Tám Bò cười híp mắt:
– Thiệt hả anh Ba? Em khoái cái tài nói chuyện cũa anh quá. Nếu em có chừng một phần mười của anh thì em hốt hết các cô gái trong điền.
Ba Huy lắc đầu:
– Đúng là chứng nào tật nấy! Tao đi Tây lâu ngày, nay về thấy mày cũng vậy, chẳng tiến bộ chút nào.
Giọng cậu Tám có hơi ganh tỵ:
– Anh sướng nhất nhà. học trên Sài Gòn đã rồi còn qua Pháp, không tiến bộ sao được. Còn em, kiếm được cái Đíp-lôm thì bị ba má giữ riết ở nhà. Rồi cho đi coi điền. Quanh năm chôn chân trong đồng lầy nước đọng, làm sao tiến bộ được. Đành phải giải trí với những cái gì mình có…
– Nghĩa là cứ vác dù đi o mèo?
– Chớ anh biểu em phải làm gì?
Ba Huy nghiêm chỉnh:
– Được rồi! Tao sẽ truyền nghề lại cho mầy, Hãy sửa soạn vài ba bộ đồ đi với tao lên Sài Gòn một chuyến. Chắc là mầy lâu lắm không lên Hòn ngọc Viễn Đông?
Tám Bò lắc đầu:
– Gia đình mình là nhà giàu bậc nhất trong thiên hạ mà ba má ăn xài kỹ lắm, Đi đâu phải có công có chuyện mới xuất tiền, chới đi khơi khơi thì còn khuya đó anh. Nếu anh cho em theo lên Sài Gòn một chuyến thì hay quá! Người ta gọi anh em mình là công tử Bạc Liêu, sao em nhột cái sống mũi làm sao! Anh thấy đó, bây giờ em đúng là một công tử vườn, nay đi Sài Gòn mà không có một bộ đồ nào đúng mốt để mà diện.
Cậu Ba nhìn thằng em mà thấy thương thương:
– Tao sẽ sắm cho mấy một bộ đồ vía. Đó là chuyện trước mắt, o bế cho mầy một bộ vó bề ngoài cho ngon lành đề rồi còn kiếm cho mầy một con vợ xinh đẹp giàu có và biết làm ăn nữa. Chịu không?
Tám Bò chụp tay anh lắc lắc:
– Thiệt hả anh Ba?
– Tao có nói chơi bao giờ! Trước đây, tao nghe nói mầy lăng nhăng lắm nên ba má ngại cưới vợ cho mầy. Tao nghĩ rằng lúc trẻ ai cũng bay bướm, nhưng chơi bời lêu lổng mãi cũng chán ngấy. Đã đến lúc tu tỉnh làm ăn. Phải vậy không?
Cậu Tám gật:
– Anh nói đúng. Làm công tư vườn bao nhiêu năm trong điền, em thấy chán quá rồi, sẵn dịp anh Ba về, em đeo theo học hỏi thêm. Bây giờ em thấy rõ có tiền nhiều không bằng có được cái lịch lãm ở đời như anh vậy.
Cậu Ba phấn khởi:
– Chú mầy muốn tiến bộ thì tao sẽ giúp. Đây là mấy cuốn sách gối đầu giường cho thanh niên, mầy chịu khó nghiền ngẫm, sẽ có ích cho sự giao thiệp.
Tám Bò cầm hai quyển sách khoảng ba trăm trang đọc tên sách:
– Savoir vivre. Savoire faire. À, sách dạy nghê thuật sống và nghê thuật xử thế. Nhưng mà sách nầy của Tây viết cho người châu Âu…
Ba Huy cười:
– Đời văn minh, đâu còn phân biệt Âu với Á. Thước đo văn minh con người là ba chữ Chân – Thiện – Mỹ. Chú giỏi Pháp văn, từng đọc sách trong đó người ta ca ngợi cái thật (Chân), cái tốt (Thiện) và cái đẹp (Mỹ).
Tám Bò vẫn bảo thủ:
– Đành là như vậy, nhưng Đông và Tây vẫn có chỗ khác nhau, như màu đen của người phương Tây là tang tóc còn với người phương Đông mình tang tóc là màu trắng. Về chuyện yêu đương, Tây hôn bằng miệng còn mình hôn bằng mũi…
Ba Huy cười:
– Đang nói chuyện tang tóc lại chuyển sang hôn miệng cạ mũi. Chú mầy thật lếu láo. Nhưng hai chuyện đó chỉ là hai cái khác nhau nhỏ không đáng kể trong vô số cái giống nhau. Mấy ông già xưa gọi là tiểu dị nằm trong cái đại đồng.
Trên đường lên sài Gòn, hai anh em trao đổi chuyện tâm tình. Cậu Ba tìm hiểu quan niệm sống của đứa em có học tới trung cấp nhưng mấy năm chôn chân trong đồng sâu, còn cậu em thì muốn biết chuyện đường xa xứ lạ mà người anh đã từng trải.
– Nè chú Tám, chú định lập gia đình mà chú đã chọn được nơi nào chưa?
– Trong điền có vài nơi cũng khá, họ chỉ chờ em mở lời…
Cậu Ba lắc đầu:
– Không được đâu!
-Tại sao?
– Người ta ở trong điền mình tất nhiên là muốn gả con cho chủ điền, Chuyện đó có lợi cho gia đình người ta. Còn về phía gia đình mình thì chắc chắn là ba má không chịu rồi.
– Tại sao? Cậu Ba lắc đầu:
– Mầy cứ tại sao miết! Sao không dùng cái đầu mầy mà tìm hiểu? Hay là lâu nay thói quen ỷ lại, việc gì cũng để người khác lo cho, như chuyện ăn học, chuyện ra đời. Lớn rồi, phải tập tánh tự lo liệu lấy, phải đứng vững trên hai chân của mình, phải suy nghĩ bằng cái đầu của mình, phải làm bằng hai bàn tay của mình.
Tám Bò cố động não:
– Anh muốn nói ba má không muốn làm sui với tá điền của mình chớ gì? Anh muốn nói chuyện ” môn đăng hộ đối” chứ gì?
Ba Huy gật lia:
– Hay lắm! Tao biết mày thông minh, bề gì cũng là dòng dõi Trần Trinh. Tại mầy làm biếng suy nghĩ mà trở nên cù lần. Nên nhớ là cái gì không xài, lâu ngày rỉ sét, trở thành vô dụng.
Tám Bò nhún vai:
– Tưởng anh đi Tây về tiến bộ hơn ba má, ai ngờ anh lại thủ cựu như ba má! Môn đăng hộ đối là quan niệm lạc hậu quá rồi! Mình cưới vợ cho mình chớ đâu phải cho hai ông bà mà ổng với bả xía vô. Mình nhà giàu ba đời ăn không hết, cần gì phải kiếm vợ giàu? Theo em thì cưới vợ phải chọn người xinh đẹp, dễ thương, nết na hiền hậu là được. Miễn là đủ ăn, không cần giàu. Kiếm vợ giàu là dân đào mỏ, hạng đó thì ai cũng khinh…
Ba Huy mỉm cười im lặng khá lâu mới nói:
– Ý của chú nghe thì hay, nhưng xét kỹ lại không vững chút nào…
– Tại sao?
– Tại vì chú chỉ là một thằng blanc-bec, một thằng nhóc ăn chưa no, lo chưa tới. Chú chưa đứng vững một mình thì làm sao tự ý cưới vợ được? Phải tôn trọng ý của người lớn chớ. Ý của người lớn là gì? Cưới vợ cho con đúng là cưới vợ cho con, nghĩa là phải cho chú có quyền chọn lựa cô gái đúng theo ý thích của chú, nhưng cưới vợ cho con cũng là chọn sui gia tương xứng với mình để hai bên liên kết thành đồng minh vững mạnh trong cuộc tranh đua với đời. Nói cho rõ ra thì bí quyết thành công trong đời là biết liên kết đồng minh để trở thành sức mạnh. Một chiếc đũa dù là đũa ngà hay đũa mun cũng dễ bẻ gãy hơn là một bó.
Tám Bò không ngờ chuyện cưới vợ không đơn giản như mình nghĩ. Cưới vợ không phải là chuyện của con mà là chuyện khuếch trương thanh thế của gia đình. Cậu im lặng thấm thía những điều mới học được của người anh đi du học nhiều năm bên Tây mới trở về. Cho tới khi xe qua bắc Cần Thơ, cậu Tám mới nắm tay anh nói:
– Em đúng là một blanc-bec như anh nói. Em còn khờ quá! Từ nay em sẽ theo anh để được anh dạy khôn dạy khép như nãy giờ.
– Vậy chớ anh Hai không chỉ dạy em sao?
– Không! Anh Hai đâu có thì giờ. Mỗi ngày anh ấy mắc hai cữ làm bạn với nàng tiên nâu, rồi chuyện sổ sách tiền nong, hết chuyện ruộng rẫy tới chuyện nhà máy… Rồi chuyện gia đình, vợ con. Có bao giờ ảnh rảnh rang mà trò chuyện hỏi han em út như anh đâu!
Cậu Ba gật gù:
– Thằng Tây đưa chữ Liberté lên hàng đầu trong ba chữ chọn làm quốc châm của nước Pháp thật là đúng. Tự do đứng trước nhất, su đó mới tới Bình đẳng rồi sau cùng là Bác ái. Ngày nay thanh niên nam nữ các nước văn minh đều quý trọng thời kỳ độc thân, họ kéo dài thời kỳ tự do nầy cho tới khi nào thấy lập gia đình là tối cần mới thôi.
Tám Bò ngạc nhiên:
– Vậy hả? Nói vậy mấy năm nay em sống tự do mà không biết! Cậu thở dài bỏ nhỏ – Tới khi biết thì cũng đã tới lúc phải cưới vợ!
Cậu Ba cười:
– Chú có biết người Pháp nói “hôn nhân là bốn phép toán” không? Chắc là chưa nghe nói. Vậy thì nghe đây: Hôn nhân là cộng hai nhân thể (người chồng và người vợ), là trừ (các thú vui trước đây của hai người), là nhân các lo toan (trong cuộc sống lứa đôi) và là chia rẽ (những người thân trong gia đình). Có đủ cả bốn phép toán cộng trừ nhân chia trong đó. Dễ sợ chưa?
Tám Bò gục gật:
– Đúng lắm! Nhưng mà… tại sao anh lại kể cho em nghe bốn phép toán ngay sau khi anh bàn chuyện cưới vợ?
– Chú hoang mang hả? Vậy là chú dở quá! Làm việc gì mình cũng phải tính trước những điều lợi cũng như những điều hại của nó. Biết trước để không bao giờ bị bất ngờ. Bí quyết thành công là thấy trước nhiều nước cờ và không bao giờ bị bất ngờ.
Qua bắc Mỹ Thuận, xe đậu lại Cai Lậy ăn bánh bèo bì, một đặc sản nổi tiếng của vùng nầy. Cậu Ba vui vẻ nói:
– Hồi nhỏ đọc sách Quốc văn giáo khoa thư, chú Tám có còn nhớ bài “Quê hương đẹp hơn cả” không?
Tám Bò đang ăn nghe hỏi vội vàng nuốt miếng bánh, lấy khăn lau miệng đáp như trả bài:
– Một người đi du lịch đã nhiều nơi… nhớ từ bụi cây ngọn cỏ… Cậu Ba làm dấu “tốp lại”:
– Mình hỏi vậy để nói điều nầy: bên Tây có nhiều món ngon, nhưng về nước mới thấy dân mình có nhiều đặc sản không đâu bằng. Chẳng hạn như ở Bạc Liêu mình có bún nước lèo, bún nước kèn, bánh “xà tuốn” cũng gọi là bánh cống, xuống Cà Mau có bánh tằm xí mại, qua Rạch Giá có cháo cá giò heo, lên Châu Đốc có cháo môn lươn, về Mỹ Tho có hủ tíu tôm cua rồi ghé Cai Lậy ăn bánh bèo bì. Mai mình lên Thủ Đức ăn bún nem nướng.
– Nem Thủ Đức nổi tiếng của như rượu Bãi Xào. Đôi khi em cũng được thưởng thức, nhưng năm khi mười hoạ thôi.
Ba Huy cười nói tiếp:
– Con gái bên Pháp đẹp nhất năm châu. Họ thường đoạt giải hoa hậu thế giới, chắc chú Tám có đọc báo?
– Có. Em thấy báo đăng ảnh các cô gái Miss du Monde. (cười) Cho nên em cứ nghĩ là anh sẽ rinh về một cô đầm mắt xanh tóc vàng chớ.
Ba Huy cười:
– Tất nhiên là anh có “nếm mùi” đầm, nhưng đó là chuyện ăn bánh trả tiền, còn rinh về nước thì không dại như mấy cha kỹ sư bác sỹ cõng về mấy con đầm hái nho xấu như ma!