Quan niệm người nam bên trái, người nữ bên phải vẫn hay được lưu truyền trong dân gian. Vậy, tập tục “nam tả nữ hữu” có nguồn gốc như thế nào và mối liên hệ của nó với văn hóa truyền thống ra sao?

Nguồn gốc của cách nói “nam tả nữ hữu”
Ảnh minh họa

Ngày nay, tập tục “Nam tả nữ hữu” vẫn còn được lưu truyền trong văn hóa người Việt, tại một số nghi lễ, hay cách sắp xếp bàn thờ. Tập tục này có quan hệ vô cùng mật thiết với triết học của người xưa. Theo quan niệm của văn hóa truyền thống thì vạn vận trong vũ trụ đều có 2 mặt đối lập là âm và dương. Sự vật trong tự nhiên là có lớn bé, dài ngắn, trên dưới, trái phải, v.v.

Cổ nhân phân chia: lớn, dài, trên, và bên trái là dương; còn nhỏ, ngắn, dưới, và bên phải là âm. Người có tính dương thì kiên cường cứng cỏi, người có tính âm thì nhu nhược, mềm yếu. Dựa vào tính cách của con người, thì nam giới kiên cường mạnh mẽ là thuộc về dương, bên trái; còn nữ giới dịu dàng mỏng manh thuộc về âm, bên phải. Trong y học truyền thống cũng có sự khác biệt “nam tả nữ hữu” như thế.

Nguồn gốc của cách nói “nam tả nữ hữu”
Bàn Cổ sáng tạo ra thế giới (Ảnh minh họa)

Nói về nguồn gốc của “nam tả nữ hữu”, người xưa có thuyết kể rằng, sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, thì các bộ phận trên thân thể của ông hóa thành Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng, thành đất trời, sông núi, cùng với vạn vật sinh linh.

Sách “Ngũ vận lịch niên ký” kể rằng: Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng là do hai mắt của Bàn Cổ biến hóa thành. Thần Mặt Trời là do mắt trái, còn Thần Mặt Trăng là do mắt phải hóa thành. Tập tục “Nam tả nữ hữu” lưu truyền trong dân gian cũng có nguồn gốc từ câu chuyện này.

Thực ra, câu “Nam tả nữ hữu” có nguồn gốc từ học thuyết Âm Dương của Đạo gia. Trong học thuyết Âm Dương, ban đầu dùng Mặt Trời để phân chia âm dương, hướng về Mặt Trời thì là dương, đối nghịch với Mặt Trời thì là âm. Về sau này, “âm dương” được mở rộng ra, bao gồm cả sự nóng lạnh của khí hậu, phương vị cao hay thấp, trái phải, trong ngoài, trạng thái vận động hay tĩnh lặng…

Học thuyết Âm Dương cho rằng, bất kỳ sự vật nào trong giới tự nhiên đều bao gồm yếu tố âm và dương, vừa tương hỗ mà cũng vừa đối lập lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chính sự vận động vừa đối lập vừa thống nhất của âm dương, là nguyên nhân căn bản của sự phát sinh, phát triển, biến hóa cho đến tiêu vong của mọi sự vật trong tự nhiên.

Sách “Tố vấn: Âm Dương ứng tượng đại luận” có viết: “Âm dương giả, thiên địa chi Đạo dã, vạn vật chi cương kỷ, biến hóa chi phụ mẫu, sinh sát chi bổn thủy”, có nghĩa là Âm Dương là Đạo của Trời Đất, là kỷ cương của vạn vật, là cha mẹ của mọi biến hóa và là cơ sở của sự sinh tồn và diệt vong.

Nguồn gốc của cách nói “nam tả nữ hữu”
Hình vẽ âm dương cổ (Ảnh qua Pinterest)

Âm và dương vừa có thể dùng để biểu thị sự đối lập lẫn nhau của các sự vật vừa có thể dùng để phân tích những mặt đối lập tồn tại bên trong một sự vật nào đó. Thông thường mọi vận động có tính mạnh mẽ, hướng ra ngoài, lên cao, ấm áp, sáng ngời thì đều thuộc về dương. Ngược lại, những gì tương đối tĩnh tại, hướng vào trong, hạ xuống, rét lạnh, u ám thì đều thuộc về âm.

Đối với Trời Đất mà nói, thì thiên khí nhẹ nhàng thanh tao là dương, địa khí nặng nề mờ đục là âm. Đối với nước lửa mà nói, thì nước có tính lạnh mà lại không khô nên thuộc về âm, còn lửa có tính nóng mà lại hanh khô nên thuộc về dương.

Học thuyết này có ảnh hưởng rất lớn đối với triết học cổ đại về sau, như thiên văn học, khí tượng học, hóa học, toán học, âm nhạc và y học, đều là nhờ ở học thuyết Âm Dương ngũ hành mà phát triển đi lên. Khái niệm “Nam tả nữ hữu” cũng chính là phương thức biểu hiện của Âm Dương trong văn hóa truyền thống.

An Hòa