Bình đẳng, hiểu theo nghĩa phổ cập nhất, là, ngang bằng nhau về địa vị và quyền lợi, nghĩa vụ. Trong khuôn khổ một gia đình, nhất là gia đình Việt, xưa nay, ta thường gặp cảnh bất bình đẳng giữa người lớn và nhỏ, nhất là về giới. Khoảng hai chục năm trở lại đây, từ “bình đẳng” ngày càng phổ quát và được nhiều người áp dụng trong gia đình, nhưng họ có thực sự hiểu đúng đủ nghĩa của bình đẳng hay chỉ là sự lợi dụng, nhân danh hoặc hiểu sai và ứng xử sai? Khi hiểu đúng đủ về khái niệm thì ta mới thực sự cảm thấy bình đẳng và đối xử bình đẳng với các thành viên khác trong gia đình. Ngược lại, vô hình trung, sẽ chỉ gây ra những trò hình thức và tạo ra mâu thuẫn bất hòa vô nghĩa.

Trong gia đình người Việt nói chung, cha mẹ là thần thánh, có quyền uy tối thượng đối với con cái. Người lớn nói thì con cái chỉ được cúi đầu nghe, không được phép phản biện. Cha mẹ nói oan, nói sai cho con, con vừa định trình bày giải thích thì liền bị quát, “Câm mồm. Còn cãi à?!” Họ luôn trong tâm thế mình lớn, mình hiểu biết hơn, nên những gì mình nói, mình làm, mình nghĩ đều là điều đúng đắn và bất chấp cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu của con trẻ. Họ nghĩ đứa trẻ phải ăn đúng một bát cơm đầy một bữa thì mới khỏe. Trẻ lửng bụng, không đói, nhè ra… thì cũng bị dồn ép, quát nạt đủ kiểu để con phải nuốt hết một chén đầy. Trẻ không ăn hết thì họ liền tỏ ra vẻ mặt đầy thất vọng và trách mắng, kể công cực khổ vất vả khi đã nấu cho chúng… Họ không hề có sự bình đẳng nào ở đây cả. Dĩ nhiên, phẩm giá của đứa trẻ cũng vì thế mà bị hủy hoại, mỗi ngày một chút.

Cách đây chưa lâu và ngay cả bây giờ, ở vùng quê, nhiều nơi vẫn coi trọng con trai hơn con gái trong nhà, vẫn phân chia mâm trên mâm dưới, vẫn phân chia việc đàn ông đàn bà không phải theo độ nặng nhọc, năng lực mà theo vai vế và định kiến. Giữa hai việc ngồi tiếp khách và rửa chén sau bữa ăn thì gia đình Việt sẽ thường mặc định là vợ rửa chén, chồng ngồi tiếp khách. Tôi rất hiếm thấy gia đình nào ngược lại. Con gái trong nhà thường bị sai bảo làm việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc nhiều hơn; bị la mắng nhiều hơn so với con trai khi chúng đều cẩu thả hoặc ham chơi. “Con gái con đứa mà cẩu thả vụng về thế thì sao lấy chồng được hả con?” Chẳng ai nói với con trai câu đó cả. Nếu lớn, con vẫn cẩu thả vụng về, cha mẹ không hầu được con nữa thì người ta tính chuyện cưới vợ cho con để vợ con hầu con.

Nhiều em gái thỉnh thoảng bình luận, nhắn, nói chuyện với tôi về những nỗi đau, những di chứng tổn thương mà các em đã phải chịu đựng thời tuổi thơ, trong gia đình, vì ba mẹ trọng con trai hơn con gái trong nhà. Có những em, khi trưởng thành và rời khỏi nhà thì không còn muốn quay về. Sau đó, các em đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những di chứng tổn thương của bản thân, để chứng minh khẳng định bản thân, để có thể làm tròn trách nhiệm với gia đình và cố gắng xây dựng lại tình yêu thương đã bị người lớn đánh mất. Rất đau đớn. Không nhiều người vượt qua được và lại lặp lại vòng lặp bệnh lý, nếu không thì cũng xoay qua hướng cực đoan khác là nuông chiều bù đắp hết mức cho con gái của chính mình.

Thời gian sau này, người ta tuyên truyền nhiều về bình đẳng, nhưng con người có thực sự sống và ứng xử bình đẳng với nhau trong xã hội và gia đình? Không. Trong bài này, mình không phân tích việc bất bình đẳng, nhân danh bình đẳng làm bình phong trong xã hội, vì chủ đề chính của bài là nền tảng giáo dục gia đình nên mình chỉ nói riêng khía cạnh gia đình, giới trong gia đình.

Ngày 8/3, sau đẻ thêm ngày 20/10, mỗi năm phụ nữ Việt Nam có hẳn hai ngày để được tôn vinh thì ít mà lợi dụng thì nhiều. Lắm ngày của phụ nữ thế, nhưng, phụ nữ nói chung vẫn là đối tượng không hề được coi trọng, yêu thương. Mọi tôn vinh tung hô trong những ngày này đều mang tính hình thức, ru ngủ. Phụ nữ phương Tây chẳng quan tâm gì đến ngày phụ nữ, nhưng cấm có ai dám không tôn trọng họ. Ở phía ngược lại, cũng ngày thêm nhiều phụ nữ nhân dịp mà vòi quà và hoa từ các đàn ông. Rất không tự trọng. Bình đẳng bị biến tướng và lợi dụng hoặc ngụy biện, bóp méo khái niệm một cách trắng trợn.

Một người vợ vừa đi làm kiếm tiền, vừa chợ búa, đưa đón con cái đi học, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, ngày qua ngày sống với người chồng làm việc xong là ghé quán nhậu với lý do phải tiếp đối tác, bỏ lỡ hầu hết các dịp quan trọng và những khoảnh khắc gia đình thì không có sự bình đẳng nào ở đây cả.

Một người chồng đi làm ít tiền hơn vợ, bị vợ dồn hết việc dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, nấu nướng, uống cái cốc không tự dọn, ăn xong cái chén cũng để lại cho người chồng ít tiền kia phải rửa thì không hề có sự bình đẳng nào. Chỉ là nhân danh bình đẳng để khinh bỉ anh chồng tội nghiệp.

Nữ quyền trong Nho gia đã từng huy hoàng như thế

Bình đẳng cũng không phải là hôm nay tôi rửa chén thì mai ông phải rửa. Ông vì sao đó mà không rửa thì tôi cũng không rửa hoặc nếu tôi rửa thì kể công, hài tội, mặt nặng mày nhẹ. Bình đẳng càng không phải là phân công rạch ròi tôi nấu cơm thì anh phải rửa bát, tôi giặt quần áo thì anh phải cọ toilet…

Bình đẳng là cả nhà ngồi xem tivi, có tiếng chuông gọi cửa, lúc thì chồng ra mở, lúc thì vợ, lúc thì con, tự nguyện. Là khi thấy chồng đang mải xem trận bóng đá hay, chương trình anh ta yêu thích, thì vợ tự nguyện đứng dậy, “Anh để em” và ra mở cửa. Là chồng đang xem bóng đá, thấy vợ đi mở cửa cho khách để mình không bỏ lỡ pha bóng đẹp thì biết ơn vợ mình tinh tế. Lần sau, cô ấy đang xem phim hay, thì anh tự đứng dậy đi mở cửa cho khách. Đó mới là bình đẳng trong tình yêu thương.

Bình đẳng là khi thấy chồng làm việc muộn, vợ pha cho cốc cà phê và để yên cho chồng làm việc. Là khi thấy vợ làm việc nhiều, chồng liền phụ đỡ, không nề hà đó là loại công việc gì. Là vợ chồng thỉnh thoảng làm việc gì đó cho nhau mà không tính toán, kể lể, than vãn và tự nguyện. Là con trai hay con gái trong nhà đều được đối xử như nhau trong việc hưởng thụ cũng như nghĩa vụ. Con trai và con gái đều ăn cơm thì chẳng có lý gì con trai được đặc cách không phải rửa chén bát. Tùy theo sức khỏe, sự yêu thích và khả năng mà phân chia công việc cho hợp lý, để cả nhà không ai phải quá vất vả một mình.

Người có tư duy bình đẳng thì trong gia đình những câu nói phân biệt về giới như, “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”, “Con trai là con nhà mình, con gái là con nhà người”… không bao giờ được nói đến để tránh gây ra sự so sánh, miệt thị và tủi thân cho trẻ. Những câu có tính phân biệt như, “Mày là con gái nên phải…” cũng không được nói vì nó sẽ làm cho trẻ mặc định nó là gái thì nó phải như thế này và không được thế kia.

Bình đẳng phải được hiểu đúng và đủ, từ trong tư duy, nhận thức thì mới có thể sống bình đẳng và ứng xử bình đẳng với mọi người khác trong gia đình. Khi con người có bình đẳng trong gia đình, biết sống bình đẳng thì họ mới hiểu rõ thế nào là sự công bằng và lúc đó họ mới biết bảo vệ sự bình đẳng và công bằng cho mình và cho cộng đồng khi ra xã hội sống và làm việc.

Muốn dạy con về bình đẳng thì cha mẹ phải gột bỏ hoàn toàn tư duy trọng nam khinh nữ, các định kiến, thành kiến về giới, về vai vế trong đầu mình.

Nguyễn Thị Bích Ngà