Ghé chơi Hà Tiên, du khách ngạc nhiên thích thú nếu tình cờ nghe dân địa phương kể về kho báu mà dòng họ Mạc từng cất giấu nơi đây hồi thế kỷ XVIII. Đúng tiết Nguyên tiêu Nhâm Ngọ (26-2-2002), nhân trở lại thị xã biên viễn này để dự lễ hội kỷ niệm 266 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, tôi bèn tranh thủ sưu tra tư liệu, gặp gỡ chứng nhân, kết hợp quan sát thực địa, những mong làm sáng tỏ đôi điều quanh câu chuyện ly kỳ.
TỪ 2 BÀI THƠ NGẮN
Hà Tiên trước kia là một tỉnh có lãnh thổ khá rộng trong Nam kỳ lục tỉnh. Hiện tại, địa danh này chỉ một thị xã nhỏ bé với diện tích 88,51km2 và số dân 38.133 người, trực thuộc tỉnh Kiên Giang (1). Đó là phần lục địa cuối cùng của Tổ quốc ở phía tây nam. Phần đông bạn đọc, dù chưa có điều kiện đặt chân đến đây song đều ít nhiều biết “Hà Tiên mến yêu đẹp như xứ thơ” (2) qua các ca khúc, hàng loạt tranh, ảnh, phim, và bao áng văn chương kim cổ. Quen thuộc nhất, phải kể “xê ri thơ” 河仙什詠 /Hà Tiên thập vịnh của nhóm Chiêu Anh Các. Ấy là Tao đàn thứ nhì trong lịch sử văn học Việt Nam, được thành lập từ mùa xuân Bính Thìn 1736, tạo nên một hiện tượng văn hoá đột khởi ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt dư âm vang xa. Thoạt đầu là 10 bài thơ chữ Hán của Mạc Thiên Tích thủ xướng theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Lần lượt, nhiều thi nhân trong lẫn ngoài nước hoạ vận, rồi tác phẩm được tập hợp khắc in. Nhà thơ kiêm nhà bác học cùng thời là Lê Quý Đôn (1726-1784) đọc xong, khen: “Không thể bảo rằng hải ngoại không có văn chương được.”
Hà Tiên thập cảnh
Ngoài 10 bài thơ nêu trên, Mạc Thiên Tích còn sáng tác 10 bài thơ chữ Nôm, tất cả đều giữ nguyên thể cùng tiêu đề y như 10 bài thơ chữ Hán. Điểm độc đáo là 10 bài thơ Nôm ấy đan cài một cách hài hoà trong tập thơ song thất lục bát quốc âm mang tên 河仙什景曲詠 / Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh hoặc 河仙國音什詠 / Hà Tiên quốc âm thập vịnh. Đến nay, không ít nhà nghiên cứu vẫn còn băn khoăn về tác giả đích thực của ngâm khúc tài hoa đó. Nhưng đó lại là chuyện khác.
Dính dáng đến kho báu họ Mạc có lẽ là bài thơ thứ 5: 石洞吞雲. Phiên âm: Thạch Động thôn vân. Nghĩa: Động đá nuốt mây. Nguyên tác Hán tự của Mạc Thiên Tích:
山 峰 聳 翠 砥 星 河,
洞 室 玲 瓏 蘊 碧 珂。
不 意 煙 雲 由 去 往,
無 垠 草 木 共 婆 娑。
風 霜 久 歷 文 章 異,
烏 兔 頻 移 氣 色 多。
最 是 精 華 高 絕 處,
隨 風 呼 吸 自 嵯 峨 。
Phiên âm:
Sơn phong tủng thuý để tinh hà,
Động thất lung linh uẩn bích kha.
Bất ý yên vân do khứ vãng,
Vô ngân thảo mộc cộng bà sa.
Phong sương cửu lịch văn chương dị,
Ô thố tần di sắc khí đa.
Tối thị tinh hoa cao tuyệt xứ,
Tuỳ phong hô hấp tự ta nga.
Vũ Đình Liên chuyển ngữ:
Non cao chót vót chạm trời xanh,
Trong núi lung linh động ẩn hình.
Mây khói ở đi không chủ ý,
Cỏ cây rung động cũng vô tình.
Văn chương thêm lạ, phong sương lắm,
Khí sắc càng nhiều, thay đổi nhanh.
Tuyệt đỉnh tinh hoa phong cảnh ấy,
Gió trời hô hấp ngọn chênh vênh.
Đông Hồ chuyển ngữ:
Xanh xanh ngọn đá chạm thiên hà,
Động bích long lanh ngọc chói lòa.
Chẳng hẹn khói mây thường lẩn quất,
Không ngăn, cây cỏ mặc la đà.
Phong sương càng dãi màu tươi đẹp,
Nhật nguyệt chi ngừng bóng lại qua.
Chót vót tinh hoa đây đã hẳn,
Theo chiều gió lộng vút cao xa.
Bản dịch của Đông Hồ bộc lộ đầy đủ ý tứ nguyên tác. Ví như dòng thừa đề Động thất lung linh uẩn bích kha cần được hiểu: “Trong động long lanh ẩn giấu ngọc bích”. Chữ kha 珂 ở đây thuộc bộ ngọc, chỉ một loại đá quý, cũng gọi mã não.
Còn bài thơ Nôm tương truyền của Mạc Thiên Tích như sau:
Quỷ trổ thần xoi nổi một toà,
Chòm cây khóm đá dấu tiên gia.
Hang sâu thăm thẳm mây vun lại,
Cửa động thinh thinh gió thổi qua.
Trống rỗng bốn bề thâu thế giới,
Chang bang một dãy chứa yên hà.
Chân trời mới biết kho trời đấy,
Cân đái hèn chi rỡ ỷ la.
Cân đái nghĩa đen là khăn bịt đầu và đai thắt lưng, nghĩa bóng chỉ nhà quyền quý. Ỷ la là lụa gấm đẹp đẽ, chỉ chung đồ trang sức giá trị. Có kẻ suy đoán kho trời là “kho tàng của Thiên Tích nơi chân trời góc biển”.
ĐẾN BỨC MẬT THƯ DÀI
Năm ngoái (2001) ghé vội, tôi chưa kịp ngoạn du Hà Tiên thập cảnh. Tuy nhiên, dạo ấy, trong bữa tiệc sơ ngộ với một số bậc thức giả tại địa phương, tôi có hỏi về Thạch Động thôn vân thì được nghe lắm chi tiết lý thú. Rằng “động đá nuốt mây” nằm trong ngọn núi cách trung tâm thị xã chừng 3km về phía tây bắc. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi tên là 雲山 / Vân sơn / núi Mây: “Cao chừng 4 trượng, bốn bên dốc đứng như cái cột kình thiên, núi động rộng 4,5 trượng, trong có chùa Bạch Vân.”
Thạch Động nhiều hang hốc, mà hang Đại Bàng và hang Âm Phủ liên quan cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông. Các hang này, theo sách Du lịch Hà Tiên do Giang Lưu Minh Huấn và Giang Lưu Minh Đoán biên soạn (NXB Văn Nghệ TP.HCM 1998), cũng có khả năng dính dáng kho tàng họ Mạc: “Nghĩ vậy có người liều lĩnh cầm đuốc đi trong hang tối om. Lối đi hiểm trở, càng vào sâu càng nhiều ngõ ngách. Đi mãi không cùng, lên cao rồi xuống thấp, cuối cùng bỗng lại thấy mình trở về chỗ cũ. Trèo lên miệng hang hỏi người trong đoàn mới biết đã mất hết 1 đêm 2 ngày.”
Chuyện kho báu dòng tộc Mạc gắn liền với lịch sử mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt. Địa bàn Hà Tiên hiện nay vốn là một phần của vương quốc Phù Nam xa xưa, đến thế kỷ XVIII thì nằm trong tình trạng vô quản với tên gọi Mang Khảm / Man Khảm / Màng Khảm. Khoảng năm 1700, Mạc Cửu tới lập nghiệp.
Mạc Cửu (1655-1735) quê ở huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Không chịu cạo tóc gióc bím theo triều Mãn Thanh, ông đã đưa mẹ cùng thuộc hạ phiêu dạt xuống khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên, ông xin thần phục vua Chân Lạp, nhưng sau đấy thấy bất ổn, ông sang Mang Khảm định cư. Sách Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969) ghi nhận: “Ông đến ở đấy, mở sòng gá bạc để lấy xâu, lại đào được một hầm bạc chôn, nên trở thành giàu. Mạc Cửu bèn xây một ngôi thành trên bờ biển, mở phố xá rồi chiêu tập lưu dân đến (…), lập thành 7 xã thôn. Tương truyền đất Màng Khảm có người Tiên thường hiện trên sông, nên đặt là Hà Tiên.”
Lịch sử Mang Khảm sang trang mới với tên gọi chính thức là trấn Hà Tiên kể từ năm Mậu Tý 1708, khi Mạc Cửu xin sáp nhập đất này vào Đàng Trong. Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) ưng thuận, phong Mạc Cửu chức Tổng binh, cho thụ tước Cửu Lộc hầu. Sau khi Mạc Cửu mất, chúa Nguyễn Phúc Thụ (1697-1738) sắc ban chức Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân, truy phong tước Vũ Nghị công, và cử con trai độc nhất của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ thế tập sự nghiệp phụ thân, cho thăng Đô đốc trấn Hà Tiên, tước Tông Đức hầu.
Mạc Thiên Tứ còn có tên Mạc Tông, tự Sĩ Lân, là con của Mạc Cửu và Bùi Thị Lẫm – một phụ nữ Việt Nam quê ở trấn Biên Hoà. Thụ tước phong của chúa Nguyễn xong, Mạc Thiên Tứ đổi tên thành Mạc Thiên Tích, tiếp tục mở mang phát triển đất Hà Tiên về nhiều phương diện: khai hoang phục hoá, xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh mậu dịch mà quan hệ ngoại thương rất được chú ý, tổ chức chiến đấu chống bọn hải tặc lẫn quân ngoại xâm nhằm kiên quyết bảo vệ từng tấc đất quê hương và đảm bảo cuộc sống an bình cho dân chúng. Đại Nam liệt truyện tiền biên nhận xét về Mạc Thiên Tích: “Thông minh mẫn tiệp, đọc rộng kinh sử, tinh thông võ lược.”
Không chỉ là võ tướng, Mạc Thiên Tích còn là văn tài mà việc thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các – nơi vừa quy tụ tao nhân mặc khách bốn phương vừa làm trung tâm giáo dục miễn phí – được xem là công lao nổi bật.
Tương tự mặt trái chiếc huân chương, trấn Hà Tiên phồn vinh, xinh đẹp, lại toạ lạc vị trí chiến lược quan yếu đã khiến mảnh đất này thường xuyên đối mặt với thực tế: các thế lực phong kiến lân cận luôn dòm ngó bằng cặp mắt khát thèm! Suốt nhiều thế kỷ, Hà Tiên kinh qua bao phen binh lửa. Riêng tính giai đoạn Mạc Thiên Tích làm Tổng binh Đô đốc, sách sử còn ghi hàng loạt trận giao tranh ác liệt với quân Chân Lạp, Xiêm La, và chẳng phải lần nào họ Mạc cũng thắng.
Tháng 10 Tân Mão (1771), quân Xiêm đánh chiếm Hà Tiên, Mạc Thiên Tích đành bỏ thành, theo đường sông chạy về Trấn Giang (Cần Thơ). Năm Quý Tị 1773, phong trào Tây Sơn bùng lên ở Bình Định rồi tiến quân vào Nam, ra Bắc. Mùa xuân Giáp Ngọ 1774, Phú Xuân thất thủ, Định vương Nguyễn Phúc Thuần bôn tẩu ở Quảng Nam rồi Gia Định, Định Tường, Cần Thơ, rốt cuộc bị quân Tây Sơn bắt giết ở Long Xuyên. Bấy giờ, Mạc Thiên Tích trấn giữ cửa sông Kiên (nay thuộc thị xã Rạch Giá (3)). Tây Sơn phái người đến chiêu dụ nhưng Mạc Thiên Tích không theo, lánh ra đảo Phú Quốc. Vua Xiêm là Phya Tek (sử cũ ghi Phi Nha Tân hoặc Trịnh Quốc Anh) cho thuyền tới đón. Cùng lúc đó, nhận lệnh Nguyễn Phúc Anh (thư tịch thường ghi Nguyễn Ánh tức vua Gia Long sau này), Tôn Thất Xuân – tức Chưởng cơ Nguyễn Phúc Xuân – qua Xiêm cầu viện. Vua Xiêm tiếp đãi trọng vọng, nhưng rồi nghe lời gièm pha, nghi ngờ Mạc Thiên Tích và Tôn Thất Xuân làm nội ứng để mưu chiếm kinh thành Vọng Các / Bangkok. Tôn Thất Xuân cùng tuỳ tùng đều bị hại. Mạc Thiên Tích bị lăng nhục. Các con ông là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Duyên, Mạc Tử Thảng, Mạc Tử Thượng cùng nhiều gia nhân bị giết. Còn Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Tuấn, Mạc Tử Thiêm may mắn được một viên quan sở tại thương tình che dấu nên thoát chết. Uất hận, Mạc Thiên Tích tuẫn tiết bằng cách mà sách xưa gọi là “kim thôn” nghĩa là nuốt vàng cho đến ngạt thở để tự sát! Sự kiện xảy ra vào mùng 5 tháng 10 Canh Tý (1780 – năm Nguyễn Phúc Anh lên ngôi vương ở Sài Gòn).
Hơn hai thập niên sau, năm Giáp Tý 1804, con cháu của Mạc Thiên Tích sang Xiêm đem tẩu cốt (tro xương sau khi hoả táng) của người quá cố về Hà Tiên, lồng vào hình nhân bằng sáp để tẩm liệm rồi mai táng tại Bình San / núi Lăng; phía dưới lăng mộ Mạc Cửu và nằm trong khu nghĩa trang dòng họ Mạc. Năm 1822, niên hiệu Minh Mạng thứ III, Mạc Thiên Tích được triều đình Huế truy phong Đạt Nghĩa chi thần (4).
Dân địa phương bấy lâu nay vẫn kính cẩn gọi Mạc Thiên Tích là đức Quốc lão quận công, hoặc ông Lịnh / Lệnh. Thiên hạ cũng kháo rằng một người giàu có, khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng như ông Lịnh chắc phải chôn giấu kho báu để phòng khi hữu sự. Nên nhớ năm Tân Mão 1771, lúc quân Xiêm vây hãm Hà Tiên, Mạc Thiên Tích cầm cự được 15 ngày đêm rồi bỏ thành. Trước khi rút đi khẩn cấp, ắt ông kịp cất kỹ lượng lớn ngọc vàng tiền bạc tại địa điểm bí mật nào đấy. Dân chúng kể có nhân vật tâm phúc trong Mạc phủ từng lỡ miệng nói ra: “Kho báu giấu dưới hang hiểm trở, có quỷ thần canh giữ”. Sau, người ta phát giác một tay thợ đá đột tử, trong mình có tờ giấy chép những vần điệu cực kỳ khó hiểu. Dư luận bàn tán rằng: tay thợ đá được lệnh khắc nội dung bản văn bia kia lên vách núi, cạnh nơi cất giấu kho tàng, song do y tò mò tìm cửa hang nên lâm bạo bệnh mà chết bất ngờ!
Vì thế, bức mật thư chẳng mấy chốc được quần chúng thuộc làu, rồi lưu hành từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua khẩu truyền, lẽ tất nhiên mật thư phát sinh lắm dị bản. Trong những bản mà tôi sưu tầm được, đây là bản có thể xem đầy đủ nhất, gồm 34 dòng cả thảy:
Khả thuỷ sơn nhơn
Nước xanh rờn rờn
Núi xanh rờn rờn
Nhị thập viết đại
Ấp trồng cây trái
Quả ngọt hoa thơm
Tay vin tay hái
Hoa nhỏ tí tí
Quả nhỏ tí tí
Tám chín xuân thu
Hoa nào phong nhị
Thượng hạ phân kỳ
Tả hữu đồng quy
Mười hai mười tám
Toạ nơi hướng khảm
Trông ra hướng kiền
Hoa nở trước hiên
Tiền là bạch thạch
Thêm hoa thêm lá
Thêm sơn thêm hà
Phi vương phi bá
Xưng cô xưng quả
Trời có con trai
Một cội bảy lá
Bờ tre xanh xanh
Hái lá nấu canh
Canh ăn hết canh
Vị cay thanh thanh
Trời tây ngả bóng chênh chênh
Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng
Vàng trong lòng đá
Vàng chiếu sáng loà
Vọng lên lầu các nguy nga
Hoa sen nở trắng trước toà khói hương.
Phải chăng những vần điệu lạ kỳ vừa dẫn chính là sơ đồ kho báu của dòng họ Mạc ở Hà Tiên đã mã hoá?
LẦN TÌM CHÌA KHOÁ GIẢI MÃ
Bức mật thư truyền khẩu kia cứ như bài toán hóc búa, thách đố bao lớp người động não, thậm chí xả thân, để săn lùng đáp số. Lần này, rằm tháng giêng Nhâm Ngọ nhằm thứ ba 26-2-2002, trở lại Hà Tiên, tôi thử tìm hiểu những cách lý giải mật thư đã và đang tồn tại ở địa phương.
Ngay dòng đầu Khả thuỷ sơn nhơn, ai cũng biết là địa danh Hà Tiên. Theo phép chiết tự chữ Hán, Hà / 河 gồm chữ khả kèm bộ thuỷ; Tiên / 仙 gồm chữ sơn kèm bộ nhơn / nhân đứng. Cũng theo lối chiết tự thì dòng thứ 3 và 4 chỉ rõ họ tộc khai sáng đất này:
Nhị thập viết đại
Ấp trồng cây trái
Bộ hai mươi ở trên, chữ viết nằm giữa, chữ đại nằm dưới, chính là ký tự trỏ họ Mạc / 莫. Đó là cách ghi họ Mạc vẫn phổ biến nhiều nơi, cả Trung Hoa lẫn Việt Nam. Riêng trường hợp Mạc Cửu cùng hậu duệ của ông, chữ Mạc thường được thêm bộ ấp bên phải, thành 鄚. Kiểu viết ấy khởi phát bởi chúa Nguyễn muốn phân biệt với nhà Mạc từng tiếm ngôi nhà Lê hồi thế kỷ XVI; lại ngụ ý ghi công lập ấp, mở mang vùng biên địa của dòng họ mới. Nhiều người trong giới nghiên cứu đã thừa nhận điều này. Như 陈荆和 / Trần Kinh Hoà / Chen Ching Ho (1927 – 1995), chuyên gia người Hoa nổi tiếng về Việt Nam học, trình bày qua bài Họ Mạc và chúa Nguyễn ở Hà Tiên đăng trên tạp chí Văn Hoá Á Châu số 7 (Sài Gòn, 1958). Hoặc Phan Khoang với cuốn Việt sử xứ Đàng Trong (sđd), Nguyễn Văn Sâm với công trình Văn học Nam Hà, văn học Đường Trong thời phân tranh (NXB Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1972), v.v..
Tuy nhiên, lúc viếng thăm di tích 44 ngôi mộ cổ tại Bình San, trong đó có 2 mộ song táng, tôi thấy không ít tấm bia ghi chữ Mạc chẳng kèm bộ ấp. Ví dụ bia “Cáo phong Trấn quốc Nghị vũ Cửu Lộc hầu Mạc công chi mộ” (tức Mạc Cửu) do đích thân “hiếu nam Thiên Tứ (tức Thiên Tích) lập thạch”; hoặc bia “Hoàng Việt hiển tỉ Từ Thành thục nhân Mạc phủ Nguyễn Thị chi mộ” (tức vợ thứ của Mạc Thiên Tích). Ấy là chi tiết quan trọng mà tôi sẽ đề cập sau.
Bình San / núi Lăng có quần thể tẩm mộ, chùa chiền, cùng Mạc công tam vị miếu, thực sự giữ vai trò đặc biệt đối với Hà Tiên xưa cũng như nay. Nếu chọn đây làm “toạ độ gốc”, có thể suy đoán một số câu chữ trong mật thư đang xét mang những ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn:
Toạ nơi hướng khảm
Trông ra hướng kiền
Là tên gọi đôi quẻ trong kinh Dịch, khảm và càn / kiền ở trường hợp cụ thể này ứng theo tiên thiên hay hậu thiên bát quái? Sử dụng tiên thiên bát quái của Phục Hy, thì khảm chỉ phương đoài, càn chỉ phương nam. Dùng hậu thiên bát quái của Chu Văn Vương, thì khảm chỉ phương bắc, càn chỉ tây bắc. Căn cứ địa hình thực tế, người ta dễ theo hậu thiên hơn. Song, đích xác là điểm nào để thoả mãn điều kiện toạ lạc hướng bắc và nhòm về hướng tây bắc? Núi Đề Liêm ư? Núi Địa Tạng ư? Hay là Vân sơn – Thạch động? Thắng cảnh “động đá nuốt mây” có vẻ hữu lý, nhất là nó tỏ ra phù hợp với cặp lục bát:
Trời tây bóng ngã chênh chênh
Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng
Sách Du lịch Hà Tiên (sđd) nhận định: “Hai câu này cho ta biết vị trí của hang. Vị trí này khi mặt trời chênh chênh về tây sẽ chiếu vào cửa hang. Có phải là cửa hang Đại Bàng ở Thạch Động không? Vì khi mặt trời ngả về tây thì ánh nắng chiếu xuyên qua hang Đại Bàng đến miệng hang Âm Phủ.”
Anh Bùi Văn Thạnh, thường được gọi Tám Thạnh, nguyên chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, nhiệt tình đưa tôi tới Thạch động. Hòn núi đá vôi nọ nằm bên quốc lộ 80, cách cửa khẩu Xà Xía chỉ quãng ngắn. Chẳng rõ vì sao lối vào động lại bị bê tông hoá với mấy chữ Hán tô đắp và sơn phết màu mè: 仙山洞. Phiên âm Hán-Việt: Tiên Sơn động. Cảnh chướng mắt đó từng khiến thi sĩ Đông Hồ khi biên soạn Hà Tiên thập cảnh (NXB Bốn Phương, Sài Gòn, 1960 – NXB Văn Hoá tái bản, Hà Nội, 1996) phải kêu than rằng “phần nhân tạo đã làm hỏng mất phần thiên nhiên, cảnh tiên đã bại hoại hư nát bởi tay phàm.”
Vào Thạch động, anh Tám Thạnh chỉ tôi xem hang Thạch Sanh, hang Đại Bàng, và hốc đá – chỗ mà cuối năm 1945, người ta tìm thấy thủ cấp của viên sĩ quan Nhật Bản gói trong mảnh vải trắng. Sách Truyện tích Việt Nam của Lê Hương (Sài Gòn, 1970) cho rằng đấy là kết cục một “pha” tự sát kiểu harakiri (5) vì… tình ái.
Tôi hỏi:
– Hang Âm Phủ đâu?
Anh Tám Thạnh trỏ một gờ tròn nhỏ bằng xi măng trồi sát nền đất, kề vách đá:
– Đây nè. Hang bị lấp lâu rồi. Nghe mấy ông già bà lão bảo trước kia hang sâu lắm, thả quả dừa có đánh dấu xuống thì ít lâu sau ngư dân vớt được ngoài biển Mũi Nai. Lại nghe đồn thuở xưa có những kẻ to gan, dám leo xuống hang thăm dò. Phần lớn đều mất tích. Sống sót trở lên thì rất hiếm hoi, nhưng đều hoá điên vì quá hãi hùng! Quan đầu tỉnh Hà Tiên hồi đó là người Pháp, hạ lệnh lấp hang để tránh nguy hiểm. Thiên hạ nghĩ đó chỉ là cái cớ, chứ việc này hẳn che giấu ý đồ gì.
– Việc lấp hang Âm Phủ rất có thể diễn tiến gần đồng thời với việc việc quật mồ Hiếu Túc Thái phu nhân họ Nguyễn – chánh thất của Mạc Thiên Tích – chăng?
– Dân chúng nơi đây đoan chắc cả hai việc đều liên quan vấn đề kho báu, Phanxipăng à.
Chuyện xảy ra vào năm Tân Hợi 1911, lại đúng kỳ thanh minh trong tiết tháng ba / lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh (6). Lấy lý do khai thác đất đá phục vụ kế hoạch kiến thiết đô thị, tham biện Hà Tiên lúc bấy giờ là Roux-Serret điều động lực lượng tù khổ sai đào bới lăng mộ Thái phu nhân ở Bình San suốt 10 ngày ròng rã. Chiều hôm sau, chính quyền thực dân mới cho phép ông Mạc Tử Khâm – cháu 7 đời của Mạc Cửu – cùng thân bằng quyến thuộc và hội đồng hương chức đến chứng kiến cảnh tháo dỡ quan tài. Di cốt bà vợ cả của Mạc Thiên Tích được cải táng bên trái phía dưới lăng Mạc Cửu, cũng ở Bình San.
Sự vụ có lắm điều khiến thiên hạ xôn xao không ngớt. Há lẽ cần lấy ít đất đá làm vật liệu xây dựng mà cam tâm phá huỷ mồ mả tiền nhân, hơn nữa lại là di tích đáng bảo tồn? Ví muốn khai thác đất đá thì khắp Hà Tiên thiếu gì đồi núi, hà tất phải xâm phạm nơi chốn được xem linh thiêng như Bình San? Di dời âm phần có kiến trúc nhỏ bé và chẳng mấy kiên cố, làm gì tốn hơn chục ngày với sự bảo vệ bí mật cực kỳ kỹ lưỡng vậy? Quật mồ rồi chôn lại, hai địa điểm rất gần nhau và cùng trong một khu vực, còn hơn 40 ngôi mộ khác cớ sao chẳng đụng chạm?
Qua cuốn Văn học Hà Tiên (NXB Quình Lâm, Sài Gòn, 1970 – NXB Văn Nghệ TP.HCM tái bản, 1996), Đông Hồ tường thuật khá chi tiết vụ quật mồ Thái phu nhân, rồi rút ra kết luận: “Việc lấy đất đá là một cái cớ che đậy hành vi mờ ám của người dụng ý khai quật mộ phần. Họ muốn tìm trong đó một kho tàng.”
THÂM NHẬP VÙNG CẤM ĐỊA
Trong Thạch Động, không khí mát lạnh, thơm nức mùi nhang trầm. Đứng bên dấu tích miệng hang Âm Phủ và ngắm nghía hang Đại Bàng, tôi càng thấy nội dung bức mật thư mù mờ khó hiểu hơn mình tưởng. Trên nguyên tắc, muốn khám phá bạch văn của mật thư bất kỳ, điều thiết yếu là phải nắm cho được “code” tức chìa khoá giải mã. Hỡi ôi! Cái “code” dùng mở mật thư Khả thuỷ sơn nhơn dường nằm im dưới đáy hang khuất kín?
Giả thiết mật thư này ẩn chứa sơ đồ kho báu, thì nhiều chi tiết chưa hẳn định vị Thạch Động mà có thể chỉ dẫn một hang sâu động hiểm khác gần đấy: núi Đá Dựng. Ông Hứa Nhứt Tâm – thuộc Chi hội Văn nghệ Hà Tiên – nói:
– Núi Đá Dựng cũng là một thắng cảnh liên quan cổ tích Thạch Sanh và chuyện cất giấu của cải thời trước.
Lật tài liệu Hà Tiên đất nước và con người (NXB Mũi Cà Mau, 1999), ông Hứa Nhứt Tâm chỉ tôi đọc đoạn cần lưu ý về núi Đá Dựng: “Núi nhỏ, hình thang cân, cấu trúc tương tự Thạch Động nhưng có nhiều hang và lớn hơn, địa thế hiểm trở, không khí u tịch và tăm tối, phải dùng đèn mới đi thăm được. (…) Vào thế kỷ XVIII, khi quân Xiêm tấn công Hà Tiên, những người giàu có đã đem của cải cất giấu ở đây.”
Lâu nay, ai nấy thảy đinh ninh núi Đá Dựng là cảnh Châu Nham lạc lộ (Cò đáp gành Châu) được phản ánh qua tác phẩm của Tao đàn Chiêu Anh Các. Vừa rồi, nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt (7) đã chứng minh rằng trong thực tế cũng như văn thơ cổ, Châu Nham chính là vùng Bãi Ớt.
Tiếp xúc nhà Hà Tiên học tại tư thất của ông trên đường Tham Tướng Sanh, tôi thắc mắc:
– Vậy người xưa gọi núi Đá Dựng bằng tên gì? Và sơn khối permien ấy bây giờ ra sao?
Ông Trương Minh Đạt trưng dẫn cả lô tư liệu, rồi đáp:
– Xưa, núi Đá Dựng còn có tên Bạch Tháp sơn. Hiện tại, đó là “vùng cấm” do quân đội quản lý nghiêm ngặt. Du khách cũng như dân địa phương lâu nay đều không được lai vãng núi Đá Dựng!
Vì sao núi Đá Dựng trở thành nơi bất khả xâm phạm cả mấy chục năm nay? Chưa rõ! Liệu tôi có cách nào thâm nhập “vùng cấm” chăng?
Nhà thư pháp Trương Thanh Hùng – tổng biên tập tạp chí mang tên Chiêu Anh Các – hứa:
– Mình sẽ liên lạc với đơn vị bộ đội biên phòng ở đây để xin đi thực tế núi Đá Dựng. Kết quả ra sao, sẽ báo anh Phanxipăng sau.
Tôi thấp thỏm trông tin. Cuối cùng, Trương Thanh Hùng cười loan tin vui:
– Được rồi. Nhưng tuyệt đối cấm di chuyển tuỳ tiện. Nhất nhất phải bám theo các chiến sĩ cảnh vệ, nghen.
Từ quốc lộ 80 rẽ vào con đường đất Sa Kỳ cỡ 1km, chỉ giây lát, tôi có mặt bên chân núi Đá Dựng. Đập vào mắt tôi là cột trụ gắn tấm biển bê tông cốt thép với nghiêm lệnh khắc trổ bằng song ngữ Việt – Anh:
Vùng cấm – No admittance.
Qua khỏi cổng sắt và hàng rào kim loại chắn ngang lối lên núi, tôi nhủ thầm: “Mình là một trong số rất ít người được tham quan thắng cảnh đặc sắc này, ít nhất vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. May mắn xiết bao!”
Theo tài liệu Tìm hiểu Kiên Giang do Dương Tấn Phát chủ biên (Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Kiên Giang ấn hành, 1986) thì Đá Dựng thuộc loại hình “núi đá phiến chen lẫn đá phún trào núi lửa, được xếp vào thời kỳ vỏ trái đất uốn nếp dữ dội nhất, xảy ra cách đây gần 200 triệu năm.”
Trong núi Đá Dựng có 14 hang động lớn bé (8), nhiều thạch nhũ lóng lánh, và rất nhiều dơi treo mình trên vách đá. Hai cái hang được đánh giá ngoạn mục nhất Đá Dựng, một nằm phía đông, một bên phía bắc. Ngoài những vẻ đẹp hang động tương tự Hạ Long, Hương Tích, Tam Cốc, Phong Nha, Ngũ Hành Sơn mà tôi từng được biết, liệu Đá Dựng còn sở hữu điều gì khác biệt?
Ngẫm lại bức mật thư, bao người giàu tưởng tượng có thể nghĩ rằng chốn này mang nhiều yếu tố phù hợp hơn cả Thạch Động, nếu quan sát nhũ đá tạo hình:
Quả ngọt hoa thơm
Tay vin tay hái
Hoặc:
Vàng trong lòng đá
Vàng chiếu sáng loà
Xét kỹ, mật thư dung nạp lắm yếu tố gây nhiễu mà người ta chẳng thể loại trừ một khi chưa nắm được “code”.
Đột nhiên, trên núi Đá Dựng (9), đầu óc tôi vụt loé ý nghĩ: ô hay, chắc gì loạt vần điệu “hũ nút” kia đã là mật thư? Tại sao mình không tiếp cận văn bản theo hướng khác, hướng truy tầm xuất xứ chẳng hạn?
MẬT THƯ HAY SẤM KÝ?
Thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác từng nhận xét trong cuốn Văn học Hà Tiên (sđd): “Việc dân gian nghĩ rằng họ Mạc phải có một kho tàng chôn giấu, tất cũng có một nguyên nhân, một duyên cớ nào mới được. Chơ không dưng, ai đồn đãi mà chi.” Thế nhưng, ông xem văn bản đang xét chẳng phải mật thư chỉ dẫn địa điểm chôn vàng giấu ngọc, mà là một bài sấm truyền. Đông Hồ viết: “Đó quả là một bài tiên đoán sự nghiệp của họ Mạc ở Hà Tiên, từ khi khai sáng cho đến lúc tàn mạt. Mỗi câu, mỗi chữ đều đúng như y, phân minh từng chi tiết. Thiệt là lạ lùng!”
Đối chiếu một số sự kiện lịch sử từng được nhiều thư tịch ghi chép, Đông Hồ nêu kiến giải khá độc đáo. Sau khi phân tích lối chiết tự địa danh Hà Tiên và họ Mạc, ông lưu ý hai tiếng tí tí lặp đi lặp lại:
Hoa nhỏ tí tí
Quả nhỏ tí tí
Tám chín xuân thu
Hoa nào phong nhị
Đông Hồ cho rằng tí trên ứng với năm Mậu Tý 1708, thời điểm Mạc Cửu dâng đất Mang Khảm cho Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, xin sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong để trở thành Hà Tiên. Thời điểm ấy được xem là cắm mốc khai sáng sự nghiệp họ Mạc. Còn tí dưới ứng với năm Canh Tý 1780, Mạc Thiên Tích tuẫn tiết tại Xiêm, coi như thời điểm họ này suy tàn. Khoảng thời gian giữa hai niên điểm đó vừa đúng tám chín xuân thu tức 8 x 9 = 72 năm.
Nếu bỏ công tra cứu sử liệu, hậu thế khó đồng ý rằng đến năm Canh Tý 1780 thì sự nghiệp họ Mạc “tan tành rơi rụng hết” như Đông Hồ luận giải. Chỉ cần lật Đại Nam liệt truyện tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, cũng đủ thấy con cháu họ Mạc sau niên điểm ấy vẫn tiếp tục xênh xang cân đái hèn chi rỡ ỷ la; dẫu có nơi có lúc, có người không tránh khỏi gian truân trên nẻo hoạn lộ. Mạc Tử Sanh – con của Mạc Thiên Tích – thọ tước Lý Chánh hầu, được phong Tham tướng vào mùa xuân Giáp Thìn 1784, qua mùa thu Đinh Mùi 1787 đã giữ chức Lưu thủ Hà Tiên, năm kế tiếp thì mất và được truy tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Chưởng vệ sự Đô đốc Chưởng cơ. Mạc Công Bính – con của Mạc Tử Hoàng và là cháu nội của Mạc Thiên Tích – giữ chức Lưu thủ Long Xuyên. Mạc Tử Thiêm – con của Mạc Thiên Tích – làm Trấn thủ Hà Tiên, rồi được thăng Khâm sai Chưởng cơ vào niên hiệu Gia Long thứ V tức năm Ất Sửu 1805.
Bằng tham luận Vai trò họ Mạc ở Hà Tiên và quan hệ với triều Nguyễn, báo cáo tại hội nghị khoa học kỷ niệm 250 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức hồi tháng 11-1986 ở Rạch Giá, nhà giáo Nguyễn Khuê (Đại học Tổng hợp TP.HCM) lẩn nữa khẳng định: “Các chúa Nguyễn, rồi các vua triều Nguyễn đãi ngộ họ Mạc rất trọng hậu. Ba người được chính quyền họ Nguyễn coi có công lớn là Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh, trong đó công lao của Thiên Tích được đánh giá cao hơn cả. Con cháu họ Mạc được nối đời làm quan ở đất Hà Tiên. Cho đến khi Công Du, Công Tài, Hầu Hi, Hầu Diệu nhận chức của Lê Văn Khôi thì triều Nguyễn mới không biệt đãi như trước nữa.”
Xin thêm rằng tuy không biệt đãi như trước, song triều Nguyễn vẫn ưu ái lục dụng hậu duệ của họ Mạc. Đại Nam thực lục chính biên còn ghi thêm sự kiện năm Thiệu Trị thứ V (Ất Tị 1845), Mạc Văn Phong được tập ấm Chánh thất phẩm Chánh đội trưởng ở Hà Tiên. Phần miếu đền mồ mả họ Mạc tại Bình San cũng được triều Nguyễn năng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tế tự, trùng tu.
Biết vậy, song chúng ta hãy dõi tiếp cách kiến giải của Đông Hồ về bài sấm ký:
Phi vương phi bá
Xưng cô xưng quả
Trời có con trai
Một cội bảy lá
Đông Hồ biện luận: “Là nói về họ Mạc tuy không tước vương tước bá mà vẫn xưng cô xưng quả, trong một nước tự chủ, địa vị như một tiểu vương tự nhiệm ở biên thuỳ.”
Đúng là họ Mạc từng có thời nghênh ngang một cõi biên thuỳ / kém gì cô quả, kém gì bá vương (6); được chúa Nguyễn cấp thuyền Long bài, miễn thuế má, lại ban cả đặc ân khó ngờ: cho phép mở Cục đúc tiền riêng để lưu hành. Dưới quyền quản lý của họ Mạc, trấn Hà Tiên thuở đó khác nào một phiên quốc tự trị nơi hải ngoại. Nhưng như tôi từng nêu, họ Mạc dẫu chưa ai được vua chúa Nguyễn phong vương, song Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Thiêm từng thọ tước công, tước hầu – cao hơn tước bá.
Họ Mạc truyền thừa theo thể lệ “thất diệp phiên hàn”: dùng 7 chữ Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam làm chữ lót / tên đệm để phân thế thứ. Đông Hồ cho rằng trời có con trai thì trời đây ứng với chữ Thiên, và con trai ứng với chữ Tử. Từ Mạc Cửu tới Mạc Tử Khâm vừa đúng 7 đời, một cội bảy lá, thì tuyệt tự vì chẳng có con nối dõi. Kể ra, đó là một cách lý giải thú vị, không xa thực tế.
Đông Hồ cắt nghĩa những dòng sấm ký kế tiếp ra sao? Bờ tre xanh xanh là dãy Trúc Bằng thành (tức Trúc Bàn thành – còn gọi trường luỹ Thị Vạn hoặc Bờ Đồn Lớn). Hái lá nấu canh là “thành quách đến thời kỳ tàn tạ, bị phá huỷ.” Canh ăn hết canh là “vừa hết năm Canh Tuất (1910).” Vị cay thanh thanh là “sang năm Tân Hợi (1911), tiết Thanh minh. Tân có nghĩa là cay. Thanh thanh là tiết Thanh minh. Ứng về việc khai quật mộ bà phu nhân.”
Trời tây bóng ngả chênh chênh
Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng
Đông Hồ diễn giải cặp lục bát ấy: “Ứng về việc trong lúc mở được cửa mộ thì trời đã chiều, phải soi đèn vào thì mới tìm được chiếc trâm vàng cẩn ngọc trong đó. Hai tiếng Trời tây còn ứng về việc khai quật này là do người Tây, hành động không chánh đáng (chênh chênh) do lòng tham.”
Đoạn cuối sấm ký, theo Đông Hồ, lại nói về Mạc Thiên Tích:
Vàng trong lòng đá
Vàng chói sáng loà
Vọng lên lầu các nguy nga
Hoa sen nở trắng trước toà khói hương.
Đông Hồ cho rằng vàng trong lòng đá chỉ sự kiện Mạc Thiên Tích nuốt vàng để tuẫn tiết ở Vọng Các / Bangkok. Câu lục có 2 chữ vọng và các, nếu ghép lại sẽ thấy địa danh. Kết thúc, Đông Hồ ca tụng bài sấm “được vần điệu lưu loát, đọc lên có một khí vị hay hay” và “chứa đựng một ý nghĩa, một tài liệu kể như là một bài thơ sử ký sự, đáng truyền.”
Bài viết vừa trích dẫn mang tiêu đề Lịch sử Hà Tiên và một bài sấm truyền do Đông Hồ chấp bút ngày 5-4-1962, đăng trên Văn Hoá Nguyệt San số tháng 4-1963, sau đưa vào sách Văn học Hà Tiên (sđd).
Vần đề đặt ra: bài sấm ký kia khởi nguyên từ đâu?
SỰ THẬT SÁNG TỎ
Chính thi sĩ Đông Hồ đã chỉ rõ trong bài viết ấy rằng bản sấm truyền được ông chép lại từ thiên tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp của Mộng Tuyết – vợ ông. Tác phẩm này còn được Mộng Tuyết ghi Hà Tiên ngoại sử ký sự tiểu thuyết, hoàn tất bản thảo dịp Trung thu Mậu Tuất 1958, do NXB Bốn Phương tại Sài Gòn in lần đầu năm 1961, NXB Văn Hoá tại Hà Nội tái bản năm 1996, NXB Văn Nghệ TP.HCM tái bản năm 2000. Trong tiểu thuyết, lời sấm nằm nơi chương 10 và được tác giả đặt vào miệng nhân vật tiểu thư Mạc Mi Cô – con gái thứ 5 của Mạc Thiên Tích và chánh thất họ Nguyễn. Mộng Tuyết mô tả Mạc tiểu thư vừa chào đời liền lớn phổng, cất tiếng đọc bài sấm bằng “giọng hoà hoãn như gió đêm thanh”, đoạn “từ từ nhắm mắt, nằm yên, tắt thở, thân hình cũng thu nhỏ lại như đứa bé sơ sinh.”
So với văn bản Khả thuỷ sơn nhơn gồm 34 dòng mà tôi sưu tầm, bài sấm trong tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp ngắn hơn: 25 dòng – thiếu từ dòng thứ 12 đến dòng thứ 20. Vậy nguyên bản vốn từng lưu truyền lâu đời trong dân gian, hay do Mộng Tuyết sáng tác rồi về sau quần chúng thêm thắt? Lẽ nào văn bản xuất hiện từ thế kỷ XVIII nhằm mã hoá sơ đồ như người ta đồn thổi?
Xét kỹ ngôn ngữ, thật khó tin văn bản đã ra đời trong thời Mạc Thiên Tích. Nội lối chiết tự họ Mạc kèm bộ ấp 鄚 đủ gây nghi hoặc về niên đại. Cứ cho rằng cách viết đó do chúa Nguyễn muốn biệt hoá dòng Mạc ở Hà Tiên với Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, v.v.. Song, chính xác thì chữ Mạc có bộ ấp chỉ thực sự định hình vào thế kỷ XIX, khi Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo thư tịch. Lê Quý Đôn – sống cùng thời Mạc Thiên Tích – lúc viết Phủ biên tạp lục và Kiến văn tiểu lục cũng chẳng phân biệt cách ghi 2 họ Mạc. Đề tựa tập Hà Tiên thập vịnh, Mạc Thiên Tích ghi “Mạc thành, Mạc Thiên Tứ Sĩ Lân thị tự tự ư Thụ Đức hiên” với 2 chữ Mạc đều chẳng có bộ ấp. Ngay những tấm bia đá được tạo dựng vào thời Mạc Thiên Tích hiện còn trong khu mộ cổ Bình San – mà tôi đã lưu ý ở đoạn trước – cũng khắc chữ Mạc không kèm bộ ấp.
Thế thì bài sấm khởi phát bao giờ?
Trao đổi với tôi, nhà thư pháp Trương Thanh Hùng phát biểu:
– Trước tiên, mình không nghĩ đây là sấm truyền. Sống ở Hà Tiên suốt thời gian dài, từ năm 1963 đến năm 1987, sau này lại có nhiều năm làm công tác sưu tầm văn học dân gian và biên soạn lịch sử địa phương, mình đảm bảo trước khi tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp ấn hành thì dân chúng nơi đây chẳng ai biết bài Khả thuỷ sơn nhơn.
Nhà Hà Tiên học Trương Minh Đạt (9) tiếp:
– Cũng không thấy bất kỳ tư liệu viết nào công bố trước thập niên 1960 nhắc tới bài sấm đó, dù chỉ đôi dòng. Tôi đủ chứng cứ để khẳng định đây hoàn toàn là sản phẩm tưởng tượng của đôi vợ chồng văn nghệ sĩ Đông Hồ – Mộng Tuyết. Chẳng riêng gì cái bài gọi là sấm, hầu hết chi tiết trong tập Nàng Ái Cơ trong chậu úp đều hư cấu cả, dù cốt truyện chủ yếu dựa theo Hà Tiên địa phương chí do Trần Thiêm Trung soạn thảo từ tháng 3-1957. Mà cuốn địa phương chí đó lại chứa lắm điều thiếu chính xác, vô căn cứ. Kể ra, sáng tác tiểu thuyết thì nữ sĩ Mộng Tuyết hoàn toàn có quyền tưởng tượng, hư cấu. Đáng tiếc rằng không ít người trong giới nghiên cứu lại dùng tiểu thuyết làm cơ sở xây dựng các công trình sử học. Vậy là “lộng giả thành chân”. Nếu không phát hiện để hiệu đính kịp thời, e di hại cho hậu thế!
Nhằm xác minh tận gốc, tôi liền liên hệ nữ sĩ Mộng Tuyết. Năm nay, Nhâm Ngọ 2002, đã 88 tuổi, song bà vẫn nói năng rõ ràng, mạch lạc:
– Chuyện cũ, có chuyện tôi nhớ, có chuyện tôi quên. Nhưng cái bài Khả thuỷ sơn nhơn thì tôi nhớ kỹ. Hồi viết Nàng Ái Cơ trong chậu úp, chính tôi sáng tác bài đó, thì hỏi sao không nhớ?
Chân thành cảm ơn nữ sĩ Mộng Tuyết đã vui lòng tiết lộ sự thật. Dẫu sao, câu chuyện ly kỳ về kho tàng họ Mạc cũng tô điểm những màu mè diễm ảo, những sương khói say mê cho quê nhà Hà Tiên như Mộng Tuyết cùng Đông Hồ (10) từng ao ước. Hơn thế, điều ấy thực sự góp phần tạo sức hấp dẫn đáng yêu đối với một thị xã biên viễn duyên hải tuy nhỏ bé song giàu đẹp, lại có bề dày lịch sử – văn hoá đặc sắc mà trong đó ẩn chứa lắm vỉa tầng chưa thể khám phá đủ đầy nên chưa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đúng mức.
Ngẫm kỹ, càng thấy mảnh đất “giang sơn gấm vóc mini” này rất xứng đáng được UNESCO sớm “trước bạ” vào danh mục Di sản thế giới. Bởi lẽ, Hà Tiên là “siêu kho báu” của Việt Nam, của châu Á, và của cả toàn cầu. ♥
Ghi chú
(1) Ngày 11-9-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập thành phố Hà Tiên.
(2) Trích ca từ bài hát Hà Tiên của Lê Dinh.
(3) Thị xã Rạch Giá được nâng cấp lên thành phố theo nghị định số 97/2005/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26-7-2005.
(4) Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên chép: “Con Thiên Tứ là Tử Hoàng, Tử Thượng cũng bị giết”. Tham luận khoa học Vai trò họ Mạc ở Hà Tiên và quan hệ với triều Nguyễn của Nguyễn Khuê ghi: “Tử Duyên, Tử Hoàng, Tử Thảng bị giết”. Tuy nhiên, trên bia mộ Mạc Thiên Tích dựng năm Giáp Tý 1804 nơi Bình San ở Hà Tiên lại đề: “Hiếu nam Tử Hoàng lập thạch”. Tại sao? Đây là một nghi vấn sử học.
(5) Harakiri còn gọi seppuku, tiếng Nhật ghi 切腹 , phiên âm Hán-Việt thành thiết phúc, nghĩa là mổ bụng.
(6) Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.
(7) Chào đời năm Bính Tý 1936 tại Hà Tiên, nhà giáo Trương Minh Đạt là soạn giả sách Nhận thức mới về Hà Tiên (NXB Trẻ, 2001), Nghiên cứu Hà Tiên (NXB Trẻ, 2008), Nghiên cứu Hà Tiên 2 – họ Mạc với Hà Tiên (NXB TP.HCM, 2017).
(8) 10/14 hang động ở núi Đá Dựng đã được đặt tên: Mẹ Sanh, Biệt Động, Bồng Lai, Thần Kim Quy, Khổ Qua, Trống Ngực, Xã Lộc Kỳ, Cổng Trời, Thác Bạc, Chỉ Huy.
(9) Được Bộ Văn hóa & Thông tin ban hành quyết định số 44/2007/QĐ-BVHTT ngày 3-8-2007 công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, hiện núi Đá Dựng đã trở thành khu du lịch.
(10) Đông Hồ (1906-1969) chào đời tại Hà Tiên. Thuở nhỏ, có họ tên Lâm Kỳ Phác. Lớn, chuyển thành Lâm Tấn Phác, tiểu tự Quốc Tỉ, tự Trác Chi. 1926-1934, lập Trí Đức học xá chuyên dạy Việt ngữ tại Hà Tiên. 1935, thực hiện tuần báo Sống tại Sài Gòn. 1940, sáng lập NXB Bốn Phương & nhà sách Yiễm Yiễm thư trang tại Sài Gòn. 1953, ấn hành tập san Nhân Loại tại Sài Gòn. 1964, ẩn cư trong Quình Lâm thư thất tại Sài Gòn. 1965, giảng dạy môn Văn học miền Nam tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ngoài thơ, Đông Hồ còn viết ký, khảo cứu; lại là người đầu tiên dùng cọ lông chấm mực xạ thể hiện thư pháp chữ quốc ngữ. Bên cạnh bút danh Đông Hồ, còn ký Thuỷ Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu tiên sinh.
Sau khi vợ Linh Phượng (sinh Lâm Mỹ Tuyên) qua đời (1926), Đông Hồ lấy Thái Nhàn Liên / Thái Thị Thân (sinh Lâm Yiễm Yiễm). Nhàn Liên mất (1946), Đông Hồ tái hôn với người vừa là học trò vừa là em vợ: Thái Thị Úc, tức nữ sĩ Mộng Tuyết.
Mộng Tuyết (1914-2007) chào đời tại Hà Tiên. 12 tuổi, tập làm văn ở Trí Đức học xá. 1939, với thi phẩm Phấn hương rừng, được bằng khen về thơ của Tự Lực văn đoàn. Cùng chồng là Đông Hồ, với Lư Khê (họ tên Trương Văn Em là anh cả của Trương Minh Đạt) và Trúc Hà tạo nên “Hà Tiên tứ tuyệt”. Ngoài thơ, Mộng Tuyết còn viết tuỳ bút và truyện. Bên cạnh bút danh Mộng Tuyết, còn ký Hà Tiên Cô, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ, Thất tiểu muội.
Hà Tiên nhìn từ vệ tinh
Nơi núi Lăng, bia đá dựng tại mộ Mạc Cửu do Mạc Thiên Tứ
tức Mạc Thiên Tích lập từ năm Ất Mão 1735,
họ Mạc được khắc 莫 không có bộ ấp.
Ảnh: Phanxipăng
Nơi núi Lăng, mộ phu nhân của Mạc Cửu có bia đá do Mạc Thiên Tứ
tức Mạc Thiên Tích lập từ năm Ất Mão 1735, họ Mạc được khắc 莫
không có bộ ấp, họ Nguyễn / 阮 thực chất là họ Bùi / 裴.
Ảnh: Kỳ Anh
Phanxipăng viếng mộ Mạc Thiên Tích nơi núi Lăng. Ảnh: Vàng Cốm
Vú đá Thạch Động.
Núi Đá Dựng năm 2010. Ảnh: Ngọc Loan
Nàng Ái Cơ trong chậu úp là Hà Tiên ngoại sử ký sự tiểu thuyết, ấn hành lần đầu năm 1961, bìa tái bản năm 2000 thiếu sót từ sử. Lưu ý rằng “ngoại sử” chứ không phải “chính sử”; sáng tác “tiểu thuyết” thì tác giả thoải mái hư cấu. Văn hay quá quý, quá cần, nhưng mọi người chớ nên “biến văn ra sử”. Mong lắm thay!.