“Ngày xưa chưa có làng/ Chỉ có mênh mông bờ cát/ Chỉ có xạc xào cỏ lác/ Và đêm ngày ì oạp sóng xô/ Những bãi đất bồi, những núi đồi lô nhô/ Chưa một lần thức dậy/ Mẹ đã đến, mẹ đã về nơi ấy/ Mang dòng sữa ngọt ngào nuôi lớn những miền xanh…”
Vâng, cha ông ta đã về những nơi ấy lập ấp, dựng làng, dựng nên những ngôi nhà có nền đất cao ráo xung quanh được chình tường và cắm dừng vách trát bùn rơm… Thế rồi, xung quanh nhà những vườn cây xanh tốt mọc lên với bốn mùa thơm nức trái hoa và rộn rã tiếng chim trời. Thế rồi những con ngõ làng ngoằn ngoèo được nối ra tới đường cái lớn. Và, thế là sông ngòi hình thành, hồ đầm ao chuôm ra đời từ đấy.
Có lẽ, ở đồng bằng, làng nào cũng có những cái ao. Có những làng “nhà sát nhà, ao liền ao” cùng với tre pheo chằng chịt. Đường đi lối lại trong làng cứ cong cong theo bờ ao ngoằn ngoèo khúc khuỷu… Có cái ao lớn rộng hàng mấy chục mẫu. Nhưng cũng có nhiều ao nhỏ. Cái năm sào, cái ba sào, hai sào, có cái chỉ nửa sào gọi là cái chuôm.
Ao làng thường được ăn thông với sông ngòi kênh rạch nhờ hệ thống thoát nước là những cống, rãnh chằng chịt trong làng. Nhờ thế mà ao làng thường xuyên được thay nước, cá tôm cua ốc trong ao không bị chết sặc. Thật là đáng buồn cho những cái ao nào không có hệ thống cống rãnh lưu thông ấy. Những cái ao không thoát được nước gọi là ao tù.
Ao làng là quê hương của nhiều loài cá tôm cua ốc.
Loài cá to nhất trong ao là cá trắm. Cá trắm to, mình dài. Có trắm đen và trắm trắng. Con to nhất có thể nặng tới một yến. Thứ đến là cá chép. Cá chép chỉ có một loại chép trắng, mình bầu. Cá chép là một trong ba sản vật ngon nhất của làng quê Việt. (Thịt gà, cá chép, ba ba). Thế rồi đến cá trôi mình tròn và dài, cá rói mình tròn, dài, mắt đỏ, cá ngão mồm vêu, cá măng mình dài, to và trắng chuyên tung hoành khắp ao bắt nạt các loài cá nhỏ. Thế rồi đến mè trắng, mè hoa, chuối hoa, chuối sộp. Thật buồn cười. Cá mè choai choai người ta gọi là cá mè ranh, cá chuối (tức cá quả) choai choai thì lại gọi là cá chõn.
Loài cá ăn nổi thường sống ở tầng nước nông nhất. Đó là cá mặt nước rồi mương nổi, mương chìm… Những hôm nhà ta có giỗ hay tổ chức tiệc liên hoan, anh em, chú bác, cô dì ta làm lòng gà, lòng lợn hay rửa bát đĩa ở cầu ao – thì ngày hôm ấy như là một ngày hội của các loài tôm cá. Mương nổi, mương chìm, rô sù, rô dằm, rô don, đòng đong, thủ mã…cứ tung tăng bơi lội tít mù quanh cầu ao bến nước để tranh nhau đớp những váng mỡ, những khúc ruột gà, ruột lợn nổi dập dềnh trên mặt nước cầu ao…
Loài cá sống ở tầng trung thường ở khu vực giữa ao đó là các loài cá lớn: trắm, chép, trôi, mè, chuối, sộp, măng, ngão… Có loại chỉ quanh quẩn quanh bờ đó là các loại cá bầu, diếc cốm, diếc hoa, rô sù, rô don, rô dằm, mài mại, đòng đong, thủ mã…
Có loại cá chỉ thích sống âm thầm dưới đáy ao, dưới bùn, đó là cá trê và lươn, chạch. Cá trê màu đen, đầu bẹt, hai mép có râu dài và có ngạnh. Lươn thì mình tròn, dài. Còn chạch thì mình tròn nhưng ngắn. Các loài cá đều có vẩy. Riêng cá trê và lươn, chạch không có một tí vẩy nào, bù lại da của nó trơn nhẫy. Có lẽ đó chính là vũ khí của chúng, để dễ chạy thoát khi gặp nguy hiểm.
“Cư dân đăng ký hộ khẩu thường trú” ở ao làng, ngoài các loài cá, phải kể đến là tôm tép. Tôm có tôm càng, tôm trắng, tôm trứng. Tôm càng có hai càng to, đen. Tôm trắng, tôm trứng là loại tôm thường sống dưới ao. Các loài tôm thường bám vào các hốc ở bờ ao, cầu ao, bám vào rong rêu mà sống. Tép thì có tép gạo là loại tép to, trắng, còn tép riu màu đỏ và nhỏ hơn.
Loại “cư dân đăng ký hộ khẩu thường trú” thứ ba ở ao làng là cua, ốc. “Con cua tám cẳng, hai càng, một mai, hai mắt”. Cua ao màu đen và to hơn cua đồng. Cua là loại sinh vật ngang ngạnh và đanh đá. Đi đâu thì cứ bò ngang. Còn khi giận giữ, cái càng của nó có thể xiết chết được kẻ thù.
Ốc có lẽ là cư dân hiền lành nhất trong cộng đồng tôm, cá, ốc, cua ở dưới nước. Ốc chỉ bám vào bờ đất, bám vào cọc cầu ao, vào rong bèo mà sống. Ốc chẳng làm hại ai bao giờ. Ốc ăn bằng mồm và đi cũng bằng mồm. Không hiểu sao ốc bắt cái mồm của mình phải làm việc nhiều đến thế?
Còn một loại “cư dân” nữa đó là con cà cuống, con niềng niễng, con còng vó, con bọ gậy. Những “cư dân” này “nghề nghiệp” ra sao, sinh sống thế nào, chúng ta còn phải tiếp tục “điều tra” mới nắm được.
“Cư dân đăng ký tạm trú” ở ao làng gồm có anh em nhà chuồn chuồn: chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn rạ, chuồn chuồn đá, chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt. Ta thường thấy anh em nhà chuồn chỉ đậu nhờ vào cọc cầu ao hoặc đậu nhờ vào đám chè rào nổi trên mặt nước. Cũng có khi anh em nhà chuồn chỉ mượn cái khoảng không mặt ao để biểu diễn một màn múa mà thôi.
Ước làm sao trong tất cả những chiếc ao làng thân thương trên đất nước thân yêu này không còn có cảnh những con măng, con chuối hung hăng đuổi bắt và ăn thịt những con tôm con tép, con đòng đong cân cấn bé nhỏ yếu hèn, không còn có cảnh những tên bói cá ở mãi tận đẩu đâu (hoặc có khi ở rất gần) cứ ngày ngày đến dòm ngó rình rập cướp đi bao nhiêu sinh mạng của đàn cá nhỏ…
Mong sao… Mong sao cho những chiếc ao làng mãi mãi được bình yên ngày ngày thơm ngát hương sen và đêm đêm lấp lánh lung linh bóng dáng tấm thân ngà ngọc chị Hằng…