Ông ngồi một mình nhìn ra khu vườn, ngắm mấy cây cau vua mọc san sát nhau. Con đường xếp đá chạy ra cái hòn non bộ chi chít những viên đá đủ loại hình thù, hai bên đường là cỏ, không biết là cỏ gì. Con trai ông bảo toàn loại cỏ đắt tiền nó mua về để tạo dáng cho hợp với phong cách biệt thự vườn.

Cả nhà đoàn viên nhưng thiếu mỗi ông

Trời về thu, gió thổi vào khu vườn đung đưa hoa mấy cây Lộc Vừng. Con trai ông cũng dậy từ sớm để đưa vợ về nhà ngoại chơi. Anh dặn ông ở nhà không tiếp người lạ, ăn gì thì bảo mấy người giúp việc đi mua, rồi đường đông ông nhất quyết không được ra đường… Ông lơ đãng gật đầu cho qua chuyện.

Ông với bà ở quê, sinh được bốn người con. Cô con gái cả và hai anh con trai lớn rủ nhau vào Tây Nguyên làm trang trại. Được mười năm, kinh tế cũng khá giả, ba chị em muốn về đón ông bà vào ở cùng, nhưng ông bà nhất quyết không chịu. Bà nói: “Đi xa quê, xa làng xóm, rồi mảnh vườn nhà cửa ai trông nom?”

Căn biệt thự mà ông bà đang ở là của cậu út. Cậu học được, ra trường may mắn làm kỹ sư cho doanh nghiệp nước ngoài, gặp cô nghiên cứu sinh du hoc ở Pháp về. Hai người kết hôn và mới sinh được một bé gái. Với lý do cần chăm sóc ông bà lúc trái gió trở trời, cậu út nhất quyết đón ông bà lên thành phố ở.

Ông lúi húi mang cái bếp được làm từ cái xô chuyên đun than tổ ong chắc cũng từ lâu không dùng, lấy ít cành củi khô gom được từ khu vườn, cho ít lá cây vào gây bếp rồi đặt cái ấm nước lên đun. Cậu con trai ông đi ra hỏi:

– Nhà có sẵn nước nóng sao bố không lấy, đun làm gì cho mất công. Khói bếp bay sang nhà hàng xóm người ta lại kêu.

Ông cúi đầu thổi cho ngọn lửa cháy lớn hơn rồi nói:

– Lỡ đun rồi, đun nước mưa pha trà uống nó mới đúng vị.

Cậu con trai lầu bầu vài câu rồi lại dặn dò ông…

Con đi rồi, ông ngồi cắm cúi đun nước, làn khói bốc lên cuốn quanh. Bất giác ông lại nhớ cái bếp ở quê với đám củi khô mà ông bó thành từng bó. Ở quê, mỗi khi đun nước pha trà xong, ông lại gọi ông Thắng nhà bên sang ngồi chuyện trò dưới gốc mấy cây mít. Câu truyện về làng về xóm, về những vụ mùa, thấy lòng thanh thản làm sao…

Bộ tranh về người ông khiến dân mạng xúc động rơi lệ | Báo Dân trí

Bà cũng dậy sớm đi chợ. Ông hỏi bà đi đâu, bà bảo nhớ cái chợ quê nên ra chợ xem có gì mua được không. Nét mặt bà buồn buồn. Đêm hôm qua cô con dâu xin phép bế con đi về thăm bên ngoại ít ngày. Đi đâu về bà cũng muốn bế đứa cháu gái, nhưng vừa bế chưa kịp đưa lên, cô con dâu đã nhanh nhảu đỡ lại bé từ tay bà rồi nói: “Tay mẹ lạnh bế cháu thế không tốt. Bà chỉ lẳng lặng đi ra, rồi cậu con trai động viên mẹ, “Khi nào cháu cứng cáp bà tha hồ chơi với cháu”.

Đêm đó thấy bà thao thức, ông cũng trở mình liên tục, rồi ông nghĩ bụng: “Sao đài báo giò mùa về mà chưa thấy nhỉ?”. Nằm mãi rồi ông như chợt nhớ ra điều gì, lò mò ngồi dậy đẩy cái cửa sổ gỗ lim chắc nịch ra. Một cơn gió lạnh nhẹ thổi vào mang theo những hạt mưa bay. Bà nhổm dậy hỏi: “Gió mùa về rồi à ông?”. Ông lặng lẽ gật đầu…

Căn nhà ba gian của ông bà ở quê thì khác. Mỗi khi gió mùa về, gió xào xạc thổi qua mấy cây mít, mang theo hơi lạnh luồn qua cái cửa sổ vốn đã ọp ẹp theo thời gian. Trong căn nhà có sẵn một đống lửa, bên cạnh là một ấm trà đã ủ sẵn. Ông thấy nhớ cái không khí vừa lạnh vừa ấm cúng ấy.

Rồi bà nhất quyết đòi về quê. Ông cũng hiểu nỗi lòng bà nên gật đầu để bà về. Từ ngày bà lên đây, mặc dù không phải làm gì, có người phục vụ ăn uống, nhưng bà với cô con dâu không hợp nhau lắm. Bà thật thà chất phác, cô con dâu thì hay lý luận. Một người thì bình dị, một người thì nguyên tắc. Dù không hợp nhau mà cũng không ai nói ra. Có lần bà hăm hở nấu món canh cá, con dâu về ăn cơm không thấy động đũa. Sau này bà mới biết con dâu không thích vì cho rằng nấu kiểu bà không vệ sinh.

Ông ngồi một mình bên cái hiên nhà. Đang thấy buồn không biết làm gì thì chợt nghe thấy tiếng gọi từ ngoài cổng:

– Ông Bảo ơi!

Ông giật mình, từ hồi lên nhà con trai, ông không quen ai, cũng chẳng mấy khi con để ông ra khỏi nhà. Tự nhiên hôm nay lại có ai đó gọi mình, giọng quen quen. Đang lấn cấn thì tiếng gọi lại phát ra từ cánh cổng:

– Ông Bảo ơi, tôi đây mà!

Ông lò dò đi về phía cổng. Một người đàn ông đang bịt khẩu trang, dắt xe đạp, đằng sau là một cái bị trông như người ở quê. Ông dụi mắt nói:

– Ông là ai, cứ che mặt thế tôi làm sao mà biết được.

Người đàn ông kéo cái khẩu trang ra:

– Tôi đây, ông không nhận ra tôi sao? Thắng kều đây.

Ông mừng kêu lớn:

– Ôi sao ông không nói sớm. Mời ông vào nhà, tôi đang có ấm trà ngon ngồi uống một mình.

Ngồi nói chuyện một lúc, ông hỏi:

– Sao ông lại lên đây?

Ông Thắng chép miệng thở dài:

– Đứa con trai tôi út tôi học trên này đang làm tốt nghiệp, tôi phải lên chăm sóc nó.

Ông rót ly trà mới pha. Ông Thắng nhấm nháp rồi nói tiếp:

– Lên nấu ăn cho nó, lúc rảnh tôi lại đi bán thuốc lào, vừa kiếm thêm tiền nhà trọ, vừa đỡ nhớ quê nữa ông ạ.

Chợt nhớ ra cái gì, ông Thắng ra cái bị, véo mấy điều thuốc, cầm cái điếu và cầm một chai rượu vào nói:

– Thuốc lào và món này thì ông nhớ chứ?

Cái món rượu ngô ở quê ông Thắng nấu là ngon nhất làng.

Uống ly rượu ngô của ông Thắng rót, vị nồng nồng, ông lại nhớ những ruộng ngô xanh ngắt.

Ông Thắng hút điếu thuốc lào rồi đi, khói thuốc quấn theo, mang cả một vùng quê yên ả đi khuất…

Lê Nguyên