Một cây cà rem ngọt, mát lạnh được người mua mút kĩ lưỡng để thưởng thức tận cùng hương vị của nó.

Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, sông ngòi nơi đây được mệnh danh như ô bàn cờ. Nước ngọt từ hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang mang phù sa về tưới mát ruộng vườn. Đó là hình ảnh vào mùa nước nổi. Tháng Ba, đầu tháng Tư nắng nóng đã gay gắt, những con rạch nhỏ cạn trơ đáy, hai bên bờ sình sụp, bùn lầy, trở những gốc bần, gốc vẹt…


Mùa hè nóng nực, trẻ con thích thú bên thùng cà rem (ảnh sưu tầm; Nguồn: Internet)

Ngày trước khi đi lại, người ta thường bơi xuồng, chèo ghe hoặc lội bộ trên những con đường làng bằng đất. Nối hai bờ kênh, rạch là những cây cầu khỉ lắt lẻo, chỉ có người từng sống vùng sông nước mới… dám qua lại.

Mùa hè, phần đông người dân quê xứ này có sở thích uống nước đá, hoặc ăn những thứ được đông lạnh cho đã miệng.

Và cũng từ yêu cầu đó, trên các con đường nhỏ thỉnh thoảng xuất hiện những thùng cà rem bán dạo.

Cà rem là cách Việt hóa từ Pháp ngữ crème. Đây là món ăn ngọt dạng đông lạnh làm từ đậu, đường, sữa bò,… Những cái thùng mớp chứa chừng vài chục cây cà rem, ủ tốt cũng giữ lạnh được vài giờ.

Leng keng… cà rem đỡ khát!
Những cây cà rem ngọt lạnh (ảnh H.K)

Thay vì rao bằng miệng, dân bán cà rem chỉ báo hiệu bằng cái lục lạc. Khi nghe tiếng kêu lanh keng… là con nít trong xóm hớn hở chờ… thùng cà rem tới. Một cây cà rem ngọt, mát lạnh được người mua mút kĩ lưỡng để thưởng thức tận cùng hương vị của nó. Bán xong, người ta lại quảy thùng tiếp tục lên đường. Khi khát nước, ghé tạm gốc cây nào đó, người bán tự lấy cà rem ra… thưởng cho chính mình.

Niềm vui nho nhỏ là giúp được cha mẹ ít đồng tiền lời, có thể trang trải cho cuộc sống đỡ khó khăn hơn.

Thú vui nhân lên khi ngày ngày, với thùng cà rem trên vai rảo bước khắp xóm, thôn… tiếng lắc lục lại trở thành âm thanh vang vọng mãi vào miền kí ức của những ai đã từng sống và lớn lên ở chốn thôn quê xa nơi phồn hoa đô hội.