Có phải bạn đang cảm thấy chán nản và mất niềm đam mê khi làm ở tiệm nail hiện tại? Vậy thì đã đến lúc cần phải bước ra khỏi vùng an toàn và tìm kiếm cho mình một lựa chọn mới. Tham khảo các bí kíp sau để thực hiện bước “nhảy việc” thành công và chính xác nhất nhé!

Đổi việc thường là vấn đề đáng suy ngẫm của rất nhiều thợ nail vì họ gặp phải các mối lo ngại khác nhau như: Điều gì sẽ xảy ra nếu không thực hiện tốt cuộc phỏng vấn? Liệu rời khỏi tiệm có bị mất các khách hàng trung thành không? Và có điều gì tồi tệ xảy ra tại nơi làm việc mới không? Nhưng cho dù bạn có sợ hãi như thế nào thì đây vẫn là điều đáng làm vì một khi đổi salon khác, bạn sẽ học được nhiều điều mới, học cách điều hành một doanh nghiệp và xử lý vấn đề tốt hơn. Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp thợ nail tạo bước tiến xa nhờ vào kĩ năng nhảy việc khôn khéo của mình.

Rời khỏi vùng an toàn

Khi bạn cảm thấy các công việc hàng ngày đã trở nên quá quen thuộc và nhàm chán thì đó là lúc cần xem xét đến việc thay đổi để phát triển hơn vì sự tự mãn có thể đẩy lùi tiến bộ hiện có của bạn. Hãy tìm kiếm cơ hội giúp bạn nâng cao sự sáng tạo và có được những khách hàng mới. Nó không chỉ làm sống lại niềm đam mê nghệ thuật móng mà còn mở ra những bài học kinh doanh mới có thể đưa bạn đến tầm cao hơn.

                                                                                                     Ảnh: vecteezy

Ngay cả khi bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc thì tìm kiếm cơ hội mới vẫn có thể đem đến nhiều nguồn cảm hứng và tạo điều kiện tiếp cận với những tiến bộ trong ngành công nghiệp làm móng. Tuy nhiên, những nỗi sợ hãi như môi trường, văn hóa mới hoặc việc mất khách hàng tiềm năng thường khiến các thợ nail lâu năm từ chối cơ hội thay đổi này. Nhưng đừng quá lo lắng, khách hàng sẽ theo bạn nếu bạn là một thợ nail giỏi và uy tín.

Xác định động lực nhảy việc

Mức lương thấp, tăng trưởng chậm, thiếu những khóa đào tạo thường xuyên hoặc quản lý không linh hoạt là một trong những lý do làm động lực cho quyết định nhảy việc của bạn. Nếu chủ tiệm không sẵn sàng tăng giá hoặc trả cho bạn một khoản hoa hồng tương xứng với công sức bỏ ra thì đó là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên rời đi và tìm kiếm cho mình một nơi phù hợp hơn.

Tìm kiếm công việc mới

Khi bạn bắt đầu tìm kiếm công việc mới, hãy thử tìm trên internet hoặc Ngân hàng việc làm của Hiệp hội Spa quốc tế (International Spa Association’s Job Bank). Ở đó có hàng ngàn việc làm trên toàn cầu mà bạn nên tham khảo. Ngoài ra, có thể tìm việc theo giờ hoặc trả lương theo hoa hồng, tuy nhiên nên gặp quản lý hoặc chủ tiệm trước để trao đổi về công việc. Bạn cũng có thể tìm trên các website của thẩm mỹ viện trong khu vực hoặc trên website việc làm lớn như Indeed, LinkedIn. Còn nếu hiểu biết về phương tiện truyền thông xã hội, hãy theo dõi các tiệm nổi tiếng trên Twitter, Instagram và Facebook, họ thường đăng các thông tin việc làm lên trang của mình.

Nhưng đừng quên, tìm kiếm công việc là một quá trình 2 chiều. Bên cạnh việc tham khảo việc làm được đăng lên bởi các salon khác, hãy chủ động đưa hồ sơ của mình lên các website và phương tiện truyền thông xã hội để những nhà tuyển dụng tìm thấy bạn dễ dàng hơn.

Chuẩn bị sẵn sàng

Trước khi phỏng vấn, hãy chuẩn bị sẵn sàng để có kết quả tốt nhất. Nên mang theo một bản hồ sơ phác thảo quá trình làm việc và mọi lớp học, chương trình đào tạo bạn đã tham gia trước đó. Nó cho biết những gì bạn đã làm và khả năng của bạn như thế nào. Đặc biệt, nên ghi thông tin người tham chiếu để nhà tuyển dụng liên lạc với các chủ tiệm cũ của bạn. Điều quan trọng nhất là cần chuẩn bị các dụng cụ làm móng để chứng minh kĩ năng của bạn ngay trong buổi phỏng vấn vì bạn không biết rằng họ sẽ cung cấp cho bạn những gì để thực hiện thiết kế móng của mình.

Cuối cùng, đừng quên đặt các câu hỏi để xem tiệm nail đang phỏng vấn có thực sự phù hợp với mình hay không và nên quan sát môi trường làm việc xem có phải là nơi mà bạn đang mong đợi không.

Lưu ý khi phỏng vấn

Khi bạn tham gia phỏng vấn, hãy cởi mở chia sẻ kiến thức chuyên môn nhưng sẵn sàng khiêm tốn để học hỏi những đều mới vì đôi khi các nghệ sĩ kì cựu không muốn học những điều mới từ người trẻ hơn. Đặc biệt, không nên nói chuyện tiêu cực về nơi làm việc hoặc người chủ trước vì nó có thể khiến bạn bị nhận một “lá cờ đỏ” về mình.

Ngay cả khi bạn chỉ mới vào nghề hay đã có nhiều kinh nghiệm trong việc làm móng thì quyết định nhảy việc vẫn là điều mà bạn nên xem xét khi cần thiết. Đối diện với thử thách và môi trường mới sẽ là cơ hội để bạn tự khám phá bản thân và giúp mình phát triển nhiều hơn nữa.