Có thể nói là Good Bye Forever (vĩnh biệt) Thương xá Tax vì hôm nay nhà đầu tư bắt đầu phá bỏ công trình 130 năm tuổi gắn bó với tên tuổi Sài Gòn. Mấy năm trước (2010) là Givral café nổi tiếng đi vào cát bụi bởi Vincom.
So với Sài Gòn 300 năm tuổi thì những gì có tuổi hàng thế kỷ như Thương xá Tax lẽ ra phải trở thành một trong những điểm dừng chân của du khách để nhớ về Hòn ngọc Viễn đông trải qua mấy đời vua quan phong kiến, Pháp thuộc, Mỹ chiếm đóng và bây giờ là dưới chế độ cộng sản.
Tới thăm New York city, một thành phố cùng tuổi với Sài Gòn, nếu thấy số nhà có mầu vàng thì nơi đó thuộc về di tích đã được xếp hạng. Chủ nhà muốn sửa phải xin phép thành phố. Không có tiền thì cứ ngồi đó mà đợi hoặc phải bán đi cho người có đủ tiền bảo trì cho dáng vẻ xưa.
Mấy năm trước tôi sang Vientiane để tìm nơi mới cho Văn phòng World Bank cạnh bờ sông Mekong. Khi đào móng thì phát hiện có bức tường của ngôi nhà cổ cách đây một thế kỷ cùng những cây sến cao vút có lẽ cùng tuổi.
Phải mất mấy năm xin đủ loại giấy phép, tòa nhà mới được xây nhưng phải trên nền kiến trúc Lào cổ và bức tường được giữ nguyên cho du khách tới thăm. Mấy cây trăm năm tuổi được quây kín và bảo vệ như một thứ gia bảo.
Thế mà các quyết định đập cũ, xây mới của Sài Gòn và cả ở Hà Nội được ra một cách dễ dàng.
Có 10 nhà tù nổi tiếng thế giới được kể tên thì số 1 chính là Hỏa Lò do người Pháp xây để giam giữ các nhà hoạt động cách mạng. Sau này là nơi các tù binh phi công Mỹ gọi là Hilton Hà Nội.
Du khách thăm Hỏa Lò bị choáng hoàn toàn vì chỉ còn 1/12 phần được giữ lại, những phần kia biến thành cao ốc cho thuê.
Người ta tự hỏi, chỗ nào là nơi ông Đỗ Mười bị giam, chỗ nào là John McCain từng nằm bóc lịch. Tất cả chỉ còn lại là những lời thuyết minh trống rỗng, những cuốn phim tài liệu chứa rất ít sự thực.
Tower of London là một nhà tù khác thời trung cổ cũng nằm giữa London. Hiện là một trong những điểm ưa thích của du khách khắp thế giới. Giá vé mấy chục đô la vào cửa, nhà tù cổ này vẫn làm ra hàng triệu đô mỗi ngày cho nước Anh mà không cần một chung cư như Hỏa Lò Hà nội.
Người yêu Sài Gòn vẫn nhớ Givral café như một nơi gặp gỡ của giới báo chí trong và ngoài nước thời chiến tranh Mỹ Việt. Không thể không nhắc tới Phạm Xuân Ẩn, Peter Arnett, Larry Burrows… từng lê la ở quán này và dự đoán sự thay đổi của thời cuộc.
Dường như nhiều trang viết của tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” cũng được tác giả suy ngẫm từ những ly café ở đây. Sau này các nhà làm phim đã quay một số cảnh ở Givral café. Chiến tranh không chỉ có trong trang sách, bài báo mà cả những điểm dừng chân của những chiến binh và người cầm bút.
Hồi tháng 5-2016, tôi có dịp thăm Rome và một số thành phố cổ ở Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, và Pháp. Châu Âu như một viện bảo tàng ngoài trời. Nhà nào cổ mới có giá, nhà mới thường giá rẻ. Đắt ở chỗ có tuổi.
Có câu nổi tiếng “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome” ý nói về kiến trúc La Mã và đế chế từng ngự trị thế giới. Mọi cuộc chinh phục và xâm lăng của La Mã đều phục vụ cho Rome tỏa sáng.
Nhưng rồi La Mã lụi tàn nhưng cái cách mà người Italia bảo tồn kiến trúc cổ làm cho du khách khắp thế giới đều đổ về Rome. Đông cũng như Hè, lúc nào cũng đông nghịt. Họ chiêm ngưỡng La Mã cổ đại và…tiêu tiền. Thử tưởng tượng Rome toàn các tòa nhà kính váy đụp như Lotte thì ai sẽ đến thăm.
Xa xưa Cesar mang kiếm đi chinh phục thế giới để xây dựng Rome. Ngày nay con cháu chỉ bán vé cho người xem kiến trúc cổ cũng đủ dựng nên nước Italia giầu mạnh. Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome sẽ còn mãi với nhân loại bởi người Italia biết tôn trọng quá khứ.
Dù có cứu từng viên gạch cổ của Thương xá Tax thì shopping mall và khách sạn 40 tầng sắp xây chẳng nói được điều gì về quá khứ 300 năm của Sài Gòn. Đó chỉ là thứ kiến trúc nhôm kính tựa fast food – mỳ ăn liền.
Phá bỏ sự cổ kính không thể giữ tên tuổi Sài Gòn như Bí thư Đinh La Thăng từng mơ ước.
Mọi con đường đều dẫn đến tiền thì không thể có Hòn ngọc ở Viễn đông nổi tiếng cả thế kỷ.
Vĩnh biệt Thương xá Tax.