Măng cụt nằm trong danh sách các loại trái cây quí của vùng nhiệt đới được rất nhiều người ưa chuộng. Ít thấy ai bị dị ứng, hay ăn măng cụt không được, như trường hợp trái sầu riêng, hay mít Tố nữ.
GS Đỗ Tất Lợi trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc VN”cho biết: cây măng cụt nguồn gốc Mã Lai, Nam Dương, từ Malacca qua Moluku, ngày nay bắt gặp ở nhiều nước Đông Nam Á, ở Ấn Độ, Miến Điện cũng như ở Tích Lan, Phi Luật Tân, được các nhà truyền giáo đạo Gia Tô di thực vào miền Nam nước ta. Các nhà truyền giáo phương Tây đã trồng thử nghiệm trên đất Lái Thiêu -Thủ Dầu Một, kết quả thật bất ngờ: Cây phát triển nhanh, chóng ra trái, sản lượng khá cao, mùi vị thơm ngon đặc biệt hơn các nơi khác. Từ đó, người dân Lái Thiêu bắt đầu trồng nhiều loại cây quý này, biến Lái Thiêu thành vùng đất chuyên canh nổi tiếng trong cả nước.
Có thể nói chắc rằng vườn măng cụt Lái Thiêu là vùng chuyên canh hàng đầu và sớm nhất ớ Việt Nam. Đặc biệt về chất lượng, mùi vị thơm ngon của trái măng cụt ở đây ít có nơi nào sánh kịp. Chẳng thế, mà cụ Vương Hồng Sển đã viết trong sách Sài Gòn tạp pín lù cho biết có một viên tướng Pháp tên Salan; y đã sống Việt Nam gần 30 năm (1924-1953) và rất sành món ăn Việt và Đông Dương, đã hết lời tán thưởng trái măng cụt Lái Thiêu:
”Trái măng cụt nổi tiếng ngon phần múi cơm màu trắng bên trong, với người sành ăn, đó là loại trái cây tuyệt diệu nhất ớ Viễn Đông’ ‘(nguyên văn tiếng Pháp: Mangustans si renommés, à la pulpe blanche ét savoureuse, le meilleur fruit de l’Extrême Orient pour les connaisseurs”).
Trong cuốn Hồi ký Xứ Đông Dương, toàn quyền Paul Doumer (1987-1902) đã viết về trái măng cụt ở vùng Thủ Dầu Một như sau:
“Thiên nhiên đã rất xảo diệu khi chỉ cho những vùng nóng như thiêu đốt những trái cây ngọt ngào, có thể nói là trung tính. Vả lại, tôi quen rất nhanh hương vị của chúng. Một trong những loại trái cây đáng được nói kỹ vì nó không chỉ không làm bụng dạ cồn cào mà còn rất ngon, đặc biệt là rất đẹp; đó là quả măng cụt. Nhìn bên ngoài, kích thước và hình dạng của nó hơi giống táo re-nét màu nâu nhạt. Tuy vậy, màu nó sẫm hơn; đó là màu nâu xám ở vỏ một số loại táo. Đó cũng là màu vỏ của quả măng cụt. Lớp vỏ dày gần một xăng-ti-mét, muốn bóc ra phải dùng dao rạch một vòng chia quả măng cụt thành hai nửa. Tách vỏ hai bán cầu đó ra ta được ruột quả; ruột đó có nhiều múi như múi cam; múi măng cụt trắng như sữa, trong khi mặt trong lớp vỏ có màu hồng nhạt rất tinh tế. Thật là một bữa tiệc cho đôi mắt..”(sđd. tr. 141).
Có người cho rằng tên măng cụt có lẽ là do âm Việt đọc từ tiếng Pháp là mangoustanier mà ra. Tên khoa học gốc Latinh của nó là Garcinia Mangostanal. Người Hoa gọi măng cụt là trái sơn trúc tử hay mã cật. Còn sách Đại Nam nhất thống chí của ta gọi là trái thổ lý. Tuy nhiên, trước đó vua Minh Mạng (1820-1840) đã đặt cho nó cái tên rất đẹp đẹp là giáng châu tử.
Nhiều tài liệu lịch sử cho biết vào năm 1700, Laurentiers Garcin, thương nhân người Pháp mang trái này vào Âu châu. Từ đó, tên thực vật của loại trái cây này là Garcinia Mangostana được ra đời. Và vào thế kỷ XIX, Nữ hoàng Anh Victoria được ăn trái lạ này liền thích ngay, bèn hứa phong tước vị cho người nào tiến cống. Từ đó, ở Âu châu, măng cụt được biết thêm với tên «Nữ hoàng trái cây» (Reine des fruits).
Măng cụt là loại trái cây vùng nhiệt đới rất được người Âu châu ưa thích. Nhận xét về giá trị thực phẩm thì có người cho rằng măng cụt còn ngon hơn cả …cao lương mỹ vị! Nếu như nó không phải là loại quả ngon nhất thế giới thì cũng là ngon nhất trong các loại hoa quả vùng nhiệt đới.
Đất Nam Bộ nói chung từ rất lâu đã là vựa trái cây nổi tiếng với đủ các chủng loại hoa quả miền nhiệt đới. Mùa nào thức ấy, từ chôm chôm, vú sữa, sầu riêng, cho đến mít, chuối, xoài, ổi, nhãn, cam, quýt… mỗi địa phương đều có sản vật riêng, món ngon riêng vừa đa dạng, vừa phong phú. Riêng nhắc nhắc đến Bình Dương -Thủ Dầu Một thì không thể không nhắc đến măng cụt Lái Thiêu. Với diện tích 1.200 ha trải dài trên địa bàn 6 xã, phường của TP Thuận An là Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn, đây là vùng trồng cây ăn trái lâu đời với tuổi đời lên tới 200 năm.
Ở một địa thế nhân hòa, được thiên nhiên ưu đãi và trải dài bên sông Sài Gòn, quanh năm được phù sa bồi đắp nên các vườn cây ở đây luôn được đất mẹ nuôi dưỡng. Măng cụt Lái Thiêu da láng, không sần sùi, không nứt, không chảy mủ, màu đỏ đen hoặc đỏ nhạt. Măng cụt nơi đây, theo những người làm nghề lâu năm, dễ phân biệt với măng cụt của xứ khác đó là nhỏ, cuống ngắn, trái không tròn đều, màu sắc không bắt mắt nhưng vỏ mỏng hơn và có vị ngọt thanh rất đặc biệt.
Những nhà vườn ở đây cho biêt cây măng cụt phát triển chậm, trồng bằng cách nhân giống từ hạt. Trồng đến khoảng 6 năm trở lên, cây mới bắt đầu có trái chuyến. Măng càng nhiều tuổi, năng suất càng cao. Mỗi năm, trung bình một cây cho từ 500 đến 1500 trái. Cũng theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn, mùa măng thu hoạch một năm trúng,và kế tiếp sẽ là một năm thất.
Trái lúc non, vỏ màu xanh, mủ trắng đục, chuyển sang vàng ngà, và khi chín, vỏ nâu tím đậm, mủ đỏ tím. Thông thường, trái có từ 5 đến 8 múi, rất hiếm thấy 4 múi. Nhìn vết sẹo (nướm của nhụy cái) trên vỏ trái măng, đoán được số múi lớn nhỏ trong ruột. Các múi, có bì trắng như tuyết, vị ngọt chua. Múi lớn có hạt giòn ăn được, múi nhỏ, chỉ có bì, không hạt.
Trái của cây măng cụt «lão» thường ngọt hơn măng «tơ». Măng cụt cuối mùa, trái bị «sượng», (múi có mủ chát ngắt) nhiều hơn đầu mùa. Trái măng «cám», vỏ mỏng, như có phủ lớp cám, không bóng láng, trông bề ngoài xấu xí, thế mà trong ruột rất ngon.
Vỏ măng phơi khô làm chất đốt rất đượm. Trước đây, người dân quê còn dùng củi làm chất đốt, than vỏ măng bền ngang hàng với than đước, dùng ủi quần áo, nướng bánh. Cũng có người dùng mủ vỏ măng cụt chín làm màu nhuộm cho vải, sợi lâu mục. Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, vỏ măng cụt trị bệnh tiêu chảy, cầm máu. Thành phần thuốc «đau bụng» hiệu Con Rồng của Việt Nam thập niên 50 có chất chát của vỏ măng cụt. Nghe nói một thời, thuốc trị kiết lỵ bào chế từ vỏ măng cụt được bán trên thị trường bên Pháp mang tên “Amibiasine”. Ngoài ra, vỏ măng cụt chứa chất xanthone, thường gọi dưới tên dibenzo gama-pyrone; một dược chất chống lão hóa.
Ngày trước, măng cụt là thứ trái quý hiếm nên được mang ra Huế để tiến vua. Thứ trái quý hiếm ấy giờ đây đã thành thứ quả ngon của mọi nhà để rồi rất tự nhiên kết hợp với thịt gà, tôm bạc, thịt ba rọi… làm thành món gỏi ngon rất độc đáo. So với các món gỏi truyền thống của dân tộc, gỏi măng cụt sinh sau đẻ muộn nhưng đã sớm theo kịp để trở thành một trong những món ngon của mọi người. Gỏi được làm khi trái còn xanh vỏ nhưng phần “cơm” (ruột) đã chín tới, “cơm” măng vừa giòn, có vị ngọt, chua vừa phải
Gỏi được trộn với tép bạc luộc lên lột vỏ, thịt ba rọi luộc thái mỏng hay gà vườn luộc xé phay, trộn với “cơm” măng đã tách hột, thêm củ hành tây xắt mỏng, cà rốt bào sợi, đậu phộng rang vàng, thêm chút rau răm, củ hành tím phi vàng, vài lát ớt đỏ và các loại gia vị như chút đường, chút muối, chút bột ngọt… Gỏi được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt, bánh tráng nướng hoặc bánh phồng tôm.
Một ngày hè nào đó, mời bạn cùng tôi về Lái Thiêu, ngồi giữa một vườn cây trái mát rượi, mặc cho cái nắng gay gắt ngoài kia và những bận rộn, lo toan để lại đâu đó, chỉ còn là cảm giác an nhiên khi thưởng thức món gỏi măng cụt. “Cơm” măng giòn, chua chua, ngọt ngọt, vị thơm béo của thịt gà (hoặc tôm và thịt ba rọi), vị cay the của rau răm, vị cay nồng của ớt, vị bùi của đậu phộng rang, thêm vị mặn mà của nước mắm giã tỏi ớt… tất cả tạo thành hương vị rất đặc trưng của vùng đất này; ở đó có một thương hiệu truyền thống: Măng cụt Lái Thiêu.