Cây cối có thể phát triển, có thể chết đi, vậy bạn đã bao giờ tự hỏi liệu rằng cây có biết ngủ hay không? Đây cũng chính là thắc mắc của một nhóm các nhà khoa học quốc tế. Họ đã dành thời gian nghiên cứu và đi tới kết luận: Cây cũng biết “ngủ”.
Cụ thể, kết luận thú vị này được rút ra bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ Áo, Phần Lan và Hungary, những người muốn biết liệu cây cối có tuân theo chu kỳ ngày/đêm tương tự như con người và hầu hết các loài động vật sống trên hành tinh hay không.
Bằng cách sử dụng hệ thống máy quét laze theo dõi trạng thái của 1 cây bạch dương, các nhà khoa học đã ghi lại được toàn bộ mọi thay đổi vật lý chỉ ra dấu hiệu về 1 “giấc ngủ” của cây vào ban đêm, với đặc điểm dễ nhận thấy nhất bên ngoài là các ngọn bạch dương rủ xuống khoảng 4 inch bắt đầu từ khi hoàng hôn buông xuống cho tới nửa đêm, cùng với đó là hoàng loạt thay đổi ẩn bên trong thân cây.
Để xác định xem liệu có hay không tác động từ khí hậu và môi trường dẫn tới hiện tượng trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thêm 2 thí nghiệm khác, trên 2 loại cây khác nhau tại Phần Lan và Áo. Khu vực được quan sát đều không có gió và hơi nước ngưng đọng.
“Quan sát của chúng tôi cho thấy toàn bộ tán cây rủ xuống trong đêm – yếu tố có thể được xem là sự thay đổi vị trí của lá và cành. Những thay đổi không quá lớn, chỉ tối đa 10 cm đối với các cây có chiều cao khoảng 5 mét, nhưng chúng diễn ra theo cách có hệ thống”, tiến sĩ Eetu Puttonen đến từ Viện nghiên cứu không gian địa lý Phần Lan, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Tuy nhiên toàn bộ trạng thái trên sẽ nhanh chóng biết mất khi mặt trời xuất hiện trở lại vào buổi bình minh. Các nhà nghiên cứu tin rằng sở dĩ có hiện tượng này là do sự giảm áp suất nước bên trong của cây – 1 hiện tượng được gọi là áp suất turgor, liên quan mật thiết đến quá trình quang hợp.
Vào ban đêm, không có quang hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành các loại đường đơn giản, do đó cây có thể duy trì nguồn năng lượng bằng cách lợi dụng áp suất để hướng lá cây về phía Mặt trời. Có thể nói vui rằng đây là lúc cây đang nghỉ ngơi sau 1 ngày dài, tạo thành một chu kỳ sinh học khép kín dựa trên tác động từ tự nhiên tương tự như đa số các loài động vật.