Chúng ta thường được tuyên truyền về sự cần thiết phải phân loại rác nhựa. Tuy nhiên, bạn có biết rằng việc phân loại chai lọ thủy tinh cũng rất quan trọng không?
Phân loại là tiền đề cho việc tái chế và xử lý chất thải. Việc phân loại riêng thủy tinh với các loại rác khác như nhựa, giấy… là một cách tuyệt vời để hỗ trợ cho quy trình tái chế tiếp sau đó.
Rác thủy tinh cũng rất cần được phân loại.
Đầu tiên, tái chế lại các chai thủy tinh đã qua sử dụng là một cách hữu hiệu để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Bạn có biết thủy tinh có thể mất tới một triệu năm để phân hủy hoàn toàn không? Trong khi đó, người ta chỉ cần khoảng 30 ngày để làm mới hoàn toàn món đồ thủy tinh vứt đi của bạn thành một sản phẩm đẹp đẽ và tiện dụng có thể trưng bày trên kệ hàng.
Mặt khác, mỗi tấn thủy tinh được tái chế, nhân loại sẽ tiết kiệm một lượng lớn nguyên liệu thô cần thiết để tạo ra thủy tinh mới – bao gồm 590kg cát, 186 kg bột Natri Carbonate và 173kg đá vôi.
Với thủy tinh tái chế, con người sẽ tiết kiệm một lượng lớn nguyên liệu thô cần thiết để tạo ra thủy tinh mới.
Việc chế tạo thủy tinh mới cũng tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra ô nhiễm công nghiệp góp phần vào hiệu ứng nhà kính. Lý do là bởi nó làm nóng cát và một số chất khác ở nhiệt độ lên đến hơn 1400 độ C mới tạo ra được thủy tinh.
Trong khi đó với quá trình tái chế, người ta sẽ nghiền thủy tinh cũ thành vụn – được gọi là cullet. Sản phẩm thủy tinh tái chế từ cullet sẽ tiêu thụ ít hơn 40% năng lượng so với việc làm ra thủy tinh mới.
Thủy tinh được làm từ vụn cullet.
Và cuối cùng, thủy tinh được làm từ những vật liệu ổn định như cát và đá vôi. Vì vậy, chúng rất ít chịu ảnh hưởng và tương tác hóa học với các chất xung quanh. Đó là lý do tại sao chúng có thể được tái sử dụng nhiều lần mà chất lượng hầu như không thay đổi.
Ngoài khả năng tái chế thành những chai lọ, thủy tinh còn có thể được dùng để xây tường và trang trí cảnh quan.
Thủy tinh là một trong những sản phẩm dễ tái chế nhất. Hơn nữa nó còn mang lại lợi ích lớn cho môi trường. Vì vậy tại sao chúng ta không thử phân loại và tái chế thủy tinh để có một lối sống “xanh” hơn?