Thông qua các nghiên cứu được thực hiện bởi NASA, các nhà khoa học trên thế giới đã xác định được 50 loại cây trồng trong nhà có thể loại bỏ được những chất gây ô nhiễm môi trường được đề cập ở phía trên. NASA, cùng với sự hỗ trợ của Hiệp hội Nhà thầu cảnh quan tại Mỹ từng tiến hành một nghiên cứu kéo dài hai năm do Tiến sĩ, Kỹ sư môi trường từ Picayune, Washington đồng thời là nhà khoa học nghiên cứu của NASA trong hơn 20 năm, B.C. Wolverton, thực hiện. Trong nghiên cứu này, sự tương tác giữa động vật và không khí cho thấy rằng các loại cây trồng trong nhà, khi được đặt trong phòng kín, đã có thể loại bỏ những chất gây ô nhiễm khỏi căn phòng. Tiến sĩ Wolveton kết luận rằng, thực vật có khả năng làm sạch các chất gây ô nhiễm bên trong các không gian như nhà ở, văn phòng hay nhà máy công nghiệp.
Dưới đây là top 10 loại cây có khả năng loại bỏ các chất độc gây ô nhiễm môi trường nằm trong danh sách của Tiến sĩ Wolverton.
1. CỌ DỪA
Cọ dừa là loại cây có thể loại bỏ toluene và xylene nhiều hơn bất kỳ giống cây nào khác. Toluene là một hóa chất vô cùng nguy hại cho sức khỏe con người. Chúng thường được tìm thấy trong chất làm loãng sơn, tẩy sơn móng tay hay keo dán. Còn xylene lại được sử dụng như một dung môi trong ngành công nghiệp in ấn, cao su và da.
Cọ dừa không chỉ có thể loại bỏ các hóa chất gây hại mà chúng còn cung cấp một lượng hơi nước nhất định. Cọ dừa có thể chịu được hầu hết các khu vực trong nhà, nhưng sẽ lý tưởng hơn nếu bạn đặt chúng vào nơi có lượng ẩm nhất định. Cọ dừa còn có thể thông báo cho bạn biết mức độ “hạn hán” của một căn phòng nhờ vào dấu hiệu hóa nâu trên các đầu cành cây. Để bảo quản cọ dừa, bạn nên bón phân cho chúng thường xuyên cũng như tưới nước cho chúng mỗi ngày để ngăn chặn các loài côn trùng gây hại.
2. TRÚC MÂY
Đối với môi trường, Trúc Mây giúp điều hòa không khí và lọc khí độc từ các sản phẩm tẩy rửa hay thuốc nhuộm. Bên cạnh đó, đây còn là loài cây thích hợp để trang trí không gian nhà ở, tạo cảnh quan xanh mát. Có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc, không khó để chúng ta có thể tìm mua một cây Trúc Mây ưng ý. Với bộ rễ chắc khỏe, chúng là loài thực vật ưa nước. Bạn chỉ cần tưới đủ nước và tạo độ ẩm cho cây là cây đã có thể phát triển nhanh chóng. Một cây Trúc Mây trưởng thành có thể cao đến tận 4 mét.
3. CỌ LÁ TRE
Cọ lá tre có khả năng loại bỏ formaldehyde và benzen trong không khí rất tốt. Dù là loại cây ưa ẩm nhưng cọ lá tre lại không thích được tưới nước thường xuyên. Ngoài ra, giống cây này cũng không cần quá nhiều ánh nắng mặt trời nên bạn có thể đặt chúng tại bất cứ không gian nào trong căn nhà của mình.
4. TRƯỜNG SINH
Không chỉ có chức năng lọc sạch không khí, Trường Sinh còn nổi tiếng với khả năng chữa bệnh của mình. Có tên khoa học là Kalanchoe pinnata (Lamk) Pers, Trường Sinh chứa acid malia, acid nitric, isocitric, acid fumaric có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm khá tốt. Đây còn là loại cây có thể ngăn ngừa các căn bệnh ung thư, stress và giúp con người có thể ngủ ngon giấc.
5. HUYẾT DỤ
Cây huyết dụ được xếp hạng vào một trong các loại cây có khả năng loại bỏ trichloroethylene tốt nhất. Nếu được chăm sóc đúng cách, tuổi thọ của chúng có thể kéo dài đến tận 10 năm. Cây huyết dụ thích được hưởng ánh sáng của buổi bình minh. Chúng có thể thích nghi với môi trường râm mát, với điều kiện là bạn phải giảm lượng nước tưới cho chúng. Tuy nhiên, bạn vẫn nên giữ cho phần rễ của cây có độ ẩm nhất định. Nhiệt độ lý tưởng dành cho loại cây này là từ 16 đến 24 độ C. Đôi khi cây sẽ bị các loại côn trùng tấn công và bạn có thể dùng các loại xà phòng dịu nhẹ để rửa trôi các vị khách “không mời” này.
6. TRẦU BÀ TAY PHẬT
Trầu bà tay Phật thuộc họ cây thân cỏ, xanh quanh năm và có tuổi thọ cao. Đây là loại cây có khả năng hút các chất độc, khí độc được thải ra từ khói thuốc, xăng xe, bức xạ từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính và khí benzen. Tuy nhiên, đây là giống cây khá nguy hiểm nếu lỡ như chúng ta ăn phải chúng. Lá và thân cây chứa độc tố calcium oxalate có thể gây tiêu chảy, buồn nôn và bỏng rát niêm mạc miệng.
7. CHÀ LÀ
Chà là có tên khoa học là Phoenix roebelenii. Cây có thể sống trong bóng râm, nơi có cường độ ánh sáng thấp nhưng bù lại, chúng cần có một khoảng không gian đủ rộng để có thể phát triển. Cũng giống như cọ dừa, chà là có thể hút sạch các chất gây ô nhiễm cho môi trường như formaldehyde, toluene và xylene.
8. SUNG CẢNH
Không những có thể loại bỏ các chất gây ô nhiễm môi trường, sung cảnh còn ngăn chặn các loài côn trùng gây hại cho các thành viên trong gia đình bạn. Khi trồng cây sung cảnh trong nhà, bạn không nên đặt chúng quá gần khu vực các lỗ thông hơi hay máy điều hòa để tránh tình trạng cây bị rụng lá. Trong trường hợp lá cây chuyển sang màu vàng, bạn nên điều chỉnh lượng nước tưới sao cho phù hợp, tránh để cây bị ngập nước.
9. DƯƠNG XỈ MỸ
Trong các nghiên cứu được tiến hành bởi Tiến sĩ Wolverton, loại cây này được xếp hạng cao nhất trong số tất cả giống cây được thử nghiệm về khả năng loại bỏ formaldehyde. Một điểm đặc biệt của giống cây dương xỉ này chính là khả năng xử lý nước thải và hấp thụ hàm lượng asen có trong đất.
10. LAN Ý
Lan Ý có khả năng loại bỏ các chất cồn, acetone cũng như các chất gây hại kể trên khá tốt. Không những thế, Lan Ý còn có tốc độ thoát hơi cao để làm sạch và làm ẩm không khí xung quanh. Khi trồng Lan Ý, bạn nên giữ khoảng cách những lần tưới cách đều nhau, cho cây có những khoảng thời gian hút nước nhất định và thường xuyên tưới phun sương cho các tán cây để ngăn ngừa các loài côn trùng gây hại.