Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Bùi ngùi khói bếp ngày xưa

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
(Bằng Việt)

Cứ mỗi lần dạy cho học sinh bài thơ này, ta lại không khỏi bùi ngùi thương mùi khói bếp ngày xưa. Hình ảnh của bà, của mẹ của bếp quê hiện lên gần gũi, thân thương gợi nhắc cả một thời gian khó. Thường là thế, kỷ niệm hiện về từ quá khứ rất xa lại có sức ám ảnh rất lớn, có khi thao thiết cả đời người.

Cũng như bếp lửa bập bùng dưới mái nhà tranh, ký ức cũng khi mờ khi tỏ lúc da diết bâng khuâng, lúc xót xa thương mến. Mùi khói bếp ngày xưa ngỡ như đang cay xè nơi sống mũi về một thời vất vả của mẹ cha ta, của gia đình, nhất là những khi tháng ba ngày tám.

Soạn bài: Bếp lửa - Ngữ văn 9 Tập 1 | Soanvan.me

Bếp lửa. Nơi gian nhà tranh bốn bức vách bám đầy bồ hóng. Nơi bà ta mẹ ta mòn lõm những nếp đời. Bếp lửa, nơi kiềng ba chân luôn đặt phía hướng Tây đỏ rực than hồng, mẹ kể chuyện Táo quân để nhắc nhở con về lẽ sống nghĩa tình chung thủy. Có phải vì thế mà đã sớm chiều nhen nhóm ngọn lửa tình yêu để mẹ chờ cha năm tháng dài đằng đẵng chiến chinh. Nơi góc bếp là bồ trấu, là đống củi bên cạnh những nồi niêu xoong chảo, cái chạn bát đĩa, cái mươn cơm rồi thúng mủng giần sàng, là cả gia tài mẹ tần tảo gánh giang sơn nhà chồng.

 

Bếp lửa, nơi mẹ lui cui từ tờ mờ sáng để chuẩn bị bữa ăn cho cha kịp ra đồng cày nốt ruộng ải, cho con kịp theo tiếng gọi của bạn đến trường. Ánh lửa chờn vờn trong sương sớm gợi nhắc con điều giản dị đơn sơ về hạnh phúc gia đình. Người xưa bảo: “Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp” để rồi chợt thương nhà ai bếp lửa quạnh quẽ khói vờn.

Thì có gì đâu ngoài nồi cơm độn khoai, rổ rau luộc, nồi cá kho, xoong cám lợn… mà mẹ tất tả từ sớm đến khuya. Ta nhớ những ngày mùa đông rét tái tê từ những cơn gió mùa Đông bắc – thuở áo quần chưa đủ để giữ ấm, chưa đủ đầy chăn ấm nệm êm thì bếp lửa là nơi sưởi ấm cho cả gia đình. Thuở trẻ con chưa bị mê hoặc bởi công nghệ 4.0 thì bếp lửa là nơi sinh ra những ngày xửa ngày xưa. Những câu chuyện cổ tích men theo miền kí ức làm sống dậy cả một thời thơ dại. Những củ khoai, bắp ngô nướng nhem nhuốc tro than mà ngỡ như ngon hơn cả sơn hào hải vị, để rồi cho ai đó khi lập nghiệp xứ người hay vời vợi quê chồng không nguôi nhớ về. Ngọn khói lam chiều vấn vít nơi chái bếp nhà mẹ trở thành ngọn hải đăng dẫn lối yêu thương.

Để giữ cho mái nhà bập bùng ánh lửa, chị ta đã miệt mài ngày tháng lên mãi Nhà Đũa, Động Mồng Gà hay nơi nào xa lắm để chặt về. Những bó củi khô đầy đặn, ngay ngắn xếp dài ngoài bờ rào trở thành biểu tượng cho sự đảm đang tháo vát của thiếu nữ thôn quê. Để giữ cho nhà mình ấm cúng là một nắng hai sương của cha với đồng Dòng, đồng Búng, Mạ Lốc trở trăn cùng hạt lúa củ khoai. Mẹ vun quén, lo toan để bữa ăn được tràn ngập tiếng cười…

Bếp lửa đâu chỉ đơn giản là nơi chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình mà trở thành linh hồn của ngôi nhà, thành biểu tượng của làng quê Việt. Bây giờ, cuộc sống càng hiện đại, những mái nhà tranh, những bếp củi xưa cũ đã được thay thế bằng bếp gas, bếp điện. Sự nấu nướng cũng không còn vất vả như trước nữa. Cuộc đời của người phụ nữ cũng đâu chỉ quanh quẩn bên chái bếp sau lũy tre làng. Vậy mà lòng ta sao vẫn cứ không nguôi nhớ về căn bếp ẩm thấp đầy tro trấu. Ta chợt nhớ chiều mùa đông nào lùa trâu về tới ngõ, nghe mùi thơm lừng của nồi cá thửng (cá mối) kho để biết Tết sắp về. Nhớ những đêm cuối năm được ngồi thức cùng cha canh nồi bánh chưng. Nhớ cả tiếng râm ran chuyện trò quây quần cả nhà đông vui bên bếp lửa…

Nhớ để rồi nhận ra rắng bếp lửa đâu chỉ được nhen nhóm từ rạ rơm, củi gộc… nhiên liệu bên ngoài; mà nó còn được nhen bằng cả tấm lòng của người giữ lửa và truyền lửa. Để rồi có khi nào trong mùi khói cay xè hoài niệm, trong chập chờn ánh lửa, lòng chợt bâng khuâng tự hỏi: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?!”

Những mẩu chuyện đáng suy ngẫm về người Sài Gòn

Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học. Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì...

Những Kim Bảo đời vua Gia Long (1802-1819)

Nguyễn Phúc Ánh còn có tên huý là Chủng và Noãn, con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và bà Nguyễn Thị Hoàn, sinh ngày 15 tháng Giêng năm...

Đền thờ An Dương Vương – Đền thiêng giữa thành Cổ Loa

Tương truyền, đền thờ An Dương Vương ở thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) được xây trên nền nội cung của kinh đô Âu Lạc ngày trước. Trong khuôn...

Giai thoại về các nhân vật Nam Kỳ Lục Tỉnh (Phần 2)

Phần 2: Trần Phong Sắc  (1878-????) dịch giả các truyện tàu Vào đầu thế kỷ 20, ở Nam Kỳ có 3 dịch giả truyện Tàu cùng tên Sắt: người thứ nhứt là Tân...

Ngày xưa em anh hay hờn dỗi – Nhạc sĩ Anh Thy và bài hát “Hoa Biển”

Nhạc sĩ Anh Thy (có nơi ghi là Anh Thi) là nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc Hoa Biển, Lính Mà Em, Đừng Gọi Anh Là Chú… Anh...

Thư viện lưu động ở xứ Nam Kỳ xưa

Năm 1936, chính quyền ở Nam Kỳ cung cấp dịch vụ thư viện lưu động. Xe chở sách từ kho đưa đến các châu thành của Lục tỉnh để nhân...

Đặc trưng ngôn ngữ cư dân Tây Nam Bộ

Cư dân vùng sông nước Tây Nam bộ có hàng nghìn cách nói với những biểu cảm, thái độ thâm thúy khác nhau, tuỳ tình huống. Thành thử khi mới...

Chửi

Hồi tiền chiến, báo chí có kể câu chuyện một người ngoại quốc nghiên cứu về lối chửi nhau của các dân tộc, đến Việt Nam, nhân đọc một đoạn...

Vài nét về Phật giáo Mật Tông

Mật tông là phần bí mật hay bí  truyền của thực hành Phật giáo. Nó thường được gọi là Kim Cương thừa hay con đường kim cương. Mật tông cũng được sử...

Gửi “em”- tôi của những mùa Tết đã xa

Tết này, mưa có về không em? Tôi nhớ da diết cái se lạnh của miền Trung ngày ấy, lất phất sắc đào tím biếc rụng rơi một góc sân...

Việt Nam cuối thập niên 1990 trong ảnh của Hiroji Kubota

Nhiếp ảnh gia người Nhật Bản Hiroji Kubota đã có nhiều trải nghiệm khó quên trong các hành trình khám phá Việt Nam cuối thập niên 1990. Hình ảnh đăng...

Loạt ảnh thú vị về đời sống ở Sài Gòn năm 1961

Cùng xem loạt ảnh đặc sắc về Sài Gòn năm 1961 do người Mỹ thực hiện, mới đây được một nhà sưu tầm rao bán trên trang mạng mua bán...

Exit mobile version