Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Leng keng cà rem đổi dép

Tết nay trời đủng đỉnh lạnh. Tôi ngó ra ngõ, nom nắng chỉ đậu lưng chừng bên tường, ướp vàng vài ba ô gạch. Anh trai bảo, mùa này mà vừa quấn mền vừa cắn ngập que kem, ngồi so vai trong cái tê răng nhíu mắt, thì vui hết sẩy. Tôi nhìn sang, thấy nắng đang lén leo lên mái đầu sớm lốm đốm muối tiêu vì vất vả của anh, chợt nhớ tới tuổi thơ dữ dội của những Tết xưa lúc cả hai tóc còn để chỏm: Cái thời mà cây kem vẫn được gọi là cà rem, và tiền thì được định giá bằng những đôi dép đứt..

Ngày ấy vui lắm, những niềm vui giản đơn của đứa trẻ nông thôn chỉ cần vài ba thứ quà ăn vặt là đủ sung sướng cả buổi. Tôi nhớ mình hay chạy chân trần theo anh trai, nhướng dáng người lùn tịt để cố với tới cái thùng cà rem sau xe đạp chú Sáu. Lúc bọn bạn tản ra, mỗi đứa cầm một que hít hà, tôi bất giác nhìn xuống đất, cọ hai chân không dép, bẹp miệng khóc òa. Anh trai vốn không tính mua, thấy vậy lúng túng tháo một chiếc dép đang mang, đổi cho tôi được nửa cây sứt sẹo. Nước mắt tôi quyện cùng chút cà rem tan chảy dưới nắng, ăn lem nhem như một chú mèo lười. Anh thấy vậy cũng bật cười, nhưng về đến nhà liền phải khóc: Ba đánh anh mấy roi vì tội làm rơi mất giày..

Nhà thiếu ăn nhưng “thừa” nhân khẩu nên hai anh em đang tuổi lớn luôn vần vò đói bụng. Những cây cà rem được đổi bằng dép lúc đó trở thành thức quà cứu đói, mang chút đường vỗ về dạ dày trống hoác của chúng tôi, thần kì đến nỗi khi giờ này nghĩ lại vẫn như còn thấy vị ngọt ngào thấm đẫm môi lưỡi. Tết của tôi cũng vì vậy mà luôn đong đầy tiếng leng keng từ thùng cà rem của chú Sáu. Tiếng rao dạo vang trong gió, luồn qua tán cây bàng trước làng, kéo chân tôi chạy theo như một thói quen vô thức. Buồn cười là dù có dép để đổi hay không thì tôi cũng muốn xúm xít lại quanh thùng cà rem lành lạnh, như thể chỉ cần đứng gần nó một chút, hít nhiều hơi từ đó một xíu thì sẽ no căng bụng vậy. Chú Sáu lắm lúc mủi lòng liền cho hai anh em một que cà rem còn dư cuối buổi bán. Có lẽ ánh mắt của chúng tôi khi đó đã ảnh hưởng tới chú Sáu cũng nên: Thứ ánh mắt đơn thuần nhưng đầy khát khao rực cháy.

Trong xó bếp nhà tôi có một ngách nhỏ. Đó là “căn cứ” bí mật của hai anh em. Chúng tôi giấu những đôi dép đứt lượm được ngoài bãi rác, chờ gom đủ số lượng sẽ đem đi đổi cà rem. Có năm vào 27 Tết, mẹ dọn dẹp nhà cửa, lôi được đống dép cũ bị chuột cướp làm ổ ra, tức quá đánh chúng tôi một trận nhừ tử. Hai anh em sau đó bị phạt khoanh tay đứng úp mặt vào xó đó một buổi. Đến giờ nhớ lại, tôi còn thấy ong ong cả đầu vì như ngửi được cái mùi ẩm thấp của dép cũ xộc vào cánh mũi xục xịt…

Anh lớn dần rồi đi học xa. Có năm Tết không về nhà vì phải ở lại phụ quán nước trên thành phố. Tôi ngồi trước hiên ngóng nhìn ra đầu ngõ, mắt ảm đạm vì chẳng thấy bóng anh. Xe đạp của chú Sáu vẫn leng keng, nhưng tôi chẳng muốn chạy theo nữa. Xó nhà sạch sẽ hơn, chỉ dư lại hai đôi dép cũ tôi để dành chờ anh về cùng đi đổi cà rem như dạo trước. Thế nhưng tới khi tiếng leng keng đã vẳng xa, cửa nhà lại chẳng bật ra với câu nói “Anh đã về” như mong ước. Lúc ấy, nước mắt chợt trào khỏi mí. Tôi nghĩ chắc đây cũng giống câu thơ hôm nọ cô giáo dạy: “Mẹ chưa đánh roi nào đã khóc”. Có lẽ, nước mắt đã trở thành thứ ngôn ngữ thay thế khi mọi câu nói trở nên khó diễn đạt nổi bằng lời.

Năm tôi vừa tốt nghiệp thì ba mất. Tết đó nhà vắng teo. Anh trai xoa đầu tôi, lén dúi vào tay tôi que cà rem ướp lạnh. Tôi không còn thèm đường vì đói bụng nữa nhưng vẫn chậm rãi ăn. Nước mắt lại quyện cùng chút kem chảy ra, pha mặt tôi thành bảng màu loang lổ. Anh lại bật cười như lúc nhỏ, nhưng trong mắt thì đỏ hoe ươn ướt. Lần này, sẽ chẳng phải khóc vì bị đánh đòn nữa rồi. Nhưng sao mà.. tim chúng tôi lại đau đớn quá đỗi!

Rồi nhiều cái Tết trôi qua chẳng chờ tôi kịp lành hẳn vết sẹo kí ức. Mẹ già đi như vốn dĩ phải thế. Đôi chân mẹ bị tê cứng không còn đi lại được. Xó bếp hôm 27 Tết cũng chẳng còn tinh tươm như ngày bé. Đêm 29 anh em tôi về nhà, đốt cho ba cây nhang, rồi lụi cụi dọn mớ mạng nhện trong góc, chợt rưng rưng mắt khi thấy lại hai đôi dép ngày nào..

Đông Triều (Quảng Ninh): Ngôi nhà bằng đất nhỏ đạt nhiều giải quốc tế lớn

Một công trình nhỏ tại Đông Triều (Quảng Ninh) được thiết kế dựng lên bằng loại vật liệu xây dựng rất đỗi quen thuộc đối với mọi người đó là...

5 điều thú vị về hệ thống giáo dục Nhật Bản khiến cả thế giới phải ghen tị

Coi trọng việc giáo dục nhân cách hơn kết quả học tập, bữa trưa được tiêu chuẩn hóa hay học sinh tự dọn dẹp lớp học mà không cần lao...

Bùi ngùi khói bếp ngày xưa

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm Một bếp lửa ấp iu nồng đượm Cháu thương bà biết mấy nắng mưa (Bằng Việt) Cứ mỗi lần dạy cho học sinh...

Sài Gòn tứ đổ tường – Cờ bạc

Một số người Việt, đặc biệt là người Sài Gòn xưa, thường có trong mình dòng máu ‘đỏ đen’ của thần đổ bác. Ngày xưa, các cụ thường ngồi ‘xoa’...

Ảnh chân dung các nhà thơ Việt Nam phục chế bằng trí tuệ nhân tạo (AI)

Anh Phạm Sơn làm công việc liên quan đến AI trong lưu trữ, tư liệu, metadata (siêu dữ liệu), công nghệ truyền hình… nên anh hay chia sẻ về AI...

Chuyện chàng Lang Liêu và giá trị văn hóa cổ truyền

1. Đặt vấn đề Phú Thọ là vùng đất cổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi có bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm...

Bài ca Đông Quân, Khuất Nguyên và lịch sử Tộc Việt

Ðông quân, một trong chín bài trong Cửu Ca, là một phần trong tập Sở Từ do Khuất Nguyên sáng tác (1). Sở Từ cùng với Kinh Thi được coi...

Thổ Ngữ Của Tiếng Huế

Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ...

Cuộc sống lưu đày của vua Hàm Nghi qua lời kể của nữ nhà văn Nga

Ngôi biệt thự này dường như được tạo ra cho hạnh phúc, cho niềm vui, cho cuộc sống. Nhưng khi tôi nhìn vào đôi mắt người chủ góc thiên đường...

Bộ phim “Kiếp hoa” và nhạc phẩm “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý

Kiếp hoa là một trong những bộ phim có âm thanh đầu tiên do người Việt sản xuất, trước đó cũng có nhiều phim truyện do người Pháp hoặc người...

Những hé mở về số phận hai người con của hoàng đế Quang Trung

Nguyễn Văn Đức bị bắt vào năm 1831, khi đó đã ngoài 40 tuổi, chính là con của Quang Trung Hoàng đế và Hoàng hậu Ngọc Hân? Cho mãi đến...

6 thói quen hàng triệu người đang làm sai mỗi ngày không hề nhận ra

Đây đều là những thói quen cực gần gũi mà bạn vẫn vô tình làm sai hàng ngày nhưng lại không hề biết chúng gây hại như thế nào. Trong...

Exit mobile version