Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Nhớ chuyện nghe nhìn ngày xưa

Trong chuyến hành trình về phương Nam, chúng tôi được đặt chân lên Phú Quốc – hòn đảo Ngọc sau gần 2 tiếng lênh đênh trên biển. Ghé thăm trại giam Phú Quốc, thăm cơ sở sản xuất nước mắm, rượu sim, ngọc trai, hồ tiêu… chúng tôi cũng có những phút giây sảng khoái ở Vinpearl land. Như Đông – ki ra thành phố, chúng tôi không bỏ sót thứ gì. Lần đầu tiên được xem phim với công nghệ 5D, cảm giác thích thú với ứng dụng hiện đại khiến lòng tôi không khỏi xao xuyến nhớ về chuyện nghe nhìn ngày xưa.

Ngày xưa ấy là khi tôi còn con nít, vào khoảng thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, thuở người quê còn quanh quẩn sau lũy tre làng. Hồi ấy, các loại hình giải trí chưa có gì nên chúng tôi cứ mong đến những dịp lễ hay sự kiện nào đấy, đội văn công xã hay đội tuồng xóm Yên Trung sẽ tổ chức biểu diễn ở sân vận động xã. Trên sân khấu được đắp bằng đất, vài chiếc cọc tre, vài tấm phông gián cắn thủng chi chít, các diễn viên không chuyên say sưa biểu diễn.

Gương mặt diễn viên sáng lên nhờ hai ngọn đèn đất treo hai bên cánh gà, sau tiến bộ hơn có đèn hoa kỳ, đèn Măng – sông (Tôi vẫn nhớ câu nói vui của anh dẫn chương trình thỉnh thoảng phải nói “Chương trình còn dài nhưng đèn Măng – sông cháy dái” người bây giờ chắc gì đã hiểu). Trang phục giản đơn, giọng hát chưa hay, trang điểm không có cũng chẳng hề gì, nó vẫn lôi cuốn đến lạ kì, nhà nhà vẫn háo hức ăn cơm từ sớm để đi dành chỗ…

Từ đội văn công địa phương đến các đoàn văn công trung ương về làng giống như một cuộc cách mạng. Đoàn chèo Thái Bình, đoàn cải lương Bông Sen Trắng (Nghệ An), đoàn Hoa Pơ lang đến từ một tỉnh nào ở đó miền trong xa xôi…; mỗi khi thấy chiếc xe ca (xe khách) về là bọn con nít chạy túa theo sau. Từ trưa, bọn tôi đã không ngủ ra chỗ đoàn đóng để được xem mặt diễn viên, đọc đến thuộc lòng vài ba tấm áp – phích in trên vải đã bạc màu.

Tối đến í ới gọi nhau đi. Có đoàn dễ với trẻ em cho người lớn kèm, có đoàn bắt mua vé. Mấy anh không có tiền thì trèo thang, trèo ngọn cây quanh sân vận động, chờ đến lúc tha hồ (mở cổng miễn phí) để được vào cảm nhận không khí. Sợ nhất là cảnh chen lấn khi ra về, tôi đã từng mấy lần mất dép nên rút được kinh nghiệm là xỏ dép vào tay trước khi ra cổng. Những vở diễn ngày ấy tôi vẫn còn nhớ như: Thoại Khanh – Châu Tuấn, Đồng tiền Vạn Lịch, Hai nghìn ngày oan trái… Cứ thế, lúc thì sân vận động xã này lúc sân vận động xã khác, tôi vẫn háo hức đi bộ theo các anh chị để xem.

Cùng với sự khai sáng của các đoàn văn công là các đoàn chiếu bóng lưu động. Phim màn ảnh rộng lúc ấy như một cái gì thật mới mẻ, hiện đại. Có hai loại phim này về chiếu ở các làng quê. Thứ nhất là đoàn nhà nước về, thường là chiếu miễn phí một đêm. Họ chiếu một bộ phim tài liệu trước rồi sau đó mới chiếu phim truyện. Loại thứ hai là của tư nhân. Họ cũng bán vé như xem các đoàn văn công nhưng rẻ hơn.

Họ chiếu những bộ phim truyện thịnh hành nhất lúc bấy giờ và có khi ở lại 2, 3 đêm liền. Những bộ phim tôi được coi hồi ấy như: Cánh đồng hoang, Lửa cháy thành Đại La, Tình khúc 68, Chiến trường chia nửa vầng trăng… vẫn hấp dẫn mãi cho đến bây giờ. Xem phim mấy tiếng đồng hồ liền, bọn con nít như chúng tôi phải nhịn tiểu bởi đi thì sợ mất chỗ nên có cậu tương ngay ra quần chứ nhất quyết không đi giải quyết nỗi buồn. Tôi lại rất thích được ngồi gần chỗ hai máy quay cao kều như hai cái com pa để được nghe tiếng máy chạy rẹt…rẹt, để ngắm các anh vận hành máy như người ta ngắm thần tượng bây giờ.

Những kỷ niệm một thời như thế biết tìm đâu lại được ?!

Tôi nhớ thiết bị điện tử hiện đại đầu tiên về làng đó là chiếc đài Radio loại National dùng bằng ba hòn pin con Ó của nhà hàng xóm. Khỏi phải nói đến sự hiếu kì của mọi người trong xóm. Nào là người trốn ở đâu mà nói to thế ? Nào là đến bữa có phải mời họ ăn cơm không ?… Chủ nhà gặp nhiều phiền toái những cũng vui, nhất là những đêm có chương trình Sân khấu truyền thanh, phải nói là người ngồi chật kín sân, nước chè phải om cả nồi to. Rồi sau đó là đài cassette có 1 loa lớn gọi là đài mono dùng pin mà có nhà phải đổi bằng mấy tấn lúa.

Rồi đài cassette stereo 2 loa 1 cửa băng hay 2 loa 2 cửa băng của hãng Sharp được nhiều nhà mua khi mới có điện lưới. Nhà nào cũng có cả chồng băng cao bằng người. Những băng yêu thích nghe nhiều đến rối băng, đứt băng. Những lúc như thế, không có keo dán, chúng tôi thường cắt đi 1 đoạn rồi dán lại bằng mủ cây giới (duối).

Thiết bị thu hình đầu tiên ở làng là vào khoảng cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Chiếc ti vi đen trắng 14 inchs không biết của Sharp hay Sony, Hitachi… gì đó chạy bằng ắc quy được mua bởi một nhà giàu có ở xóm trên. Ti vi về làng cùng lúc với nhà đài lần đầu tiên chiếu bộ phim Tây du ký. Thế là một cơn sốt vé hơn cả World cup diễn ra, cứ hai trăm đồng một người vào xem và cũng chỉ xem mỗi chương trình phim truyện bởi sợ hết điện. Tôi vẫn mường tượng được ánh mắt háo hức của những đứa trẻ làng tôi khi hình ảnh hai chiếc bánh xe quen thuộc lăn qua chữ phim truyện mỗi tối.

Khi ti vi đã phổ biến hơn ở làng, mọi người coi không sót một thứ gì, nhất là phim truyện. Những bộ phim dài tập, bất kể nội dung, bất kể lứa tuổi nào cũng xem như: Cô chủ nhỏ, Nô tì Isaura, Người giàu cũng khóc, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Đơn giản tôi là Maria… Tôi còn nhớ cả bài vè về phim như “Maria là nhà tạo mốt/ Hoan các lốt là đồ bỏ đi/ Bà Machi là người dân tộc/ Con rắn độc là mụ Loren/ Người hay ghen là anh Vích – to/ Người hay lo là anh Các – lốt…”.

Cũng đón vé hai trăm đồng một người nhưng được xem phim lâu hơn là giai đoạn xem vi deo của xí nghiệp đông lạnh Ngôn Lực xã bên. Nói xí nghiệp nhưng thực chất là của một hộ gia đình có cái máy phát điện, máy làm kem que và một bộ vi deo để kinh doanh. Thời ấy như thế là ghê gớm lắm rồi. Đêm nào tôi cũng mong được các anh chị cho theo, còn dịp tết rảnh rỗi chúng tôi coi xuyên ngày những bộ phim kiếm hiệp dài tập như: Quỷ bảo, Ỷ thiên đồ long ký, Cửu âm chân kinh… mà không hề biết chán.

Làng tôi như đứa trẻ chậm tiến luôn đi sau thời đại. Khi người ta có ti vi thì mới có cassette, khi người ta có ti vi màu rồi thì mới có vài cây đen trắng. Chúng tôi được xem chiếc ti vi màu vào năm 1994. Sở dĩ tôi nhớ rõ bởi đó là dịp World cup diễn ra ở Mỹ và bộ phim Oshin bắt đầu công chiếu… Cứ thế cùng với sự phát triển của xã hội, làng xóm dần đổi mới.

Cuộc sống không còn khốn khó như xưa. Các thiết bị điện tử thông minh, internet về làng đã thay đổi đời sống tinh thần của dân quê. Thế nhưng cảm giác mong ngóng, háo hức như xưa thì đã không còn. Hoài niệm một chút để vui với sự phát triển của đất nước hiện tại, và cũng chỉ là để thêm tiếc nuối về quá khứ mà thôi…

Thái Bình cổ lục liệt truyện

Đôi lời bộc bạch: Người góp nhặt năng nhặt chặt bị sử phẩm, giai thoại, dữ kiện, tài liệu trong sách vở, trên mạng lưới, cũng như tư liệu qua...

Nguồn gốc âm dương và các hoa văn tộc Việt

Học thuyết âm dương là học thuyết nổi tiếng, cũng là học thuyết quan trọng bậc nhất trong kho tàng triết học của văn hóa Á Đông. Vấn đề nguồn...

Dạ Lữ Viện Sài Gòn – Chợ Lớn

Tôi quen vài người bạn lớn tuổi, thỉnh thoảng đem những địa danh trên đất Sài Gòn ra nói chuyện chơi cho vui. Nào là Ngã Ba Chú Ía, Ngã...

Không yêu nhau mới loạn

Đại ý của bài rút lại một câu là: loạn mà sinh ra là chỉ do cái lòng không yêu nhau hết cả. Cầu lợi cho mình tức là muốn...

Biên Hòa trong trận lụt Nhâm Thìn 1952

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng người dân Biên Hòa vẫn còn truyền tai nhau về trận lụt năm Nhâm Thìn 1952. Năm ấy không riêng gì Biên Hòa mà...

Triều Nguyễn có đặt ra lệ “Bất Lập Trạng Nguyên” không?

Trong mục “Chuyện Đông, Chuyện Tây” đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày nay số 260 phát hành ngày 10/10/1997, ông Trịnh Hồng Lĩnh sau khi đọc một số sách báo đã...

Mâm cơm gia đình, đâu đơn giản chỉ là đồ ăn thức uống

Ngày còn thơ bé, mãi đi chơi nên không về ăn cơm với gia đình, ai cũng bị mẹ bắt ép ngồi ăn, còn phụng phịu không chịu ăn. Đến...

Sài Gòn – Những tên đường xưa

Từ hơn một thế kỷ nay, nước Việt Nam đã chịu rất nhiều thay đổi về chánh trị, hành chánh, văn hóa, xã hội…. luôn cả tên đường của Sài...

Lăng Thiệu Trị – vẻ đẹp bị lãng quên – Phần 1

Dù có nhiều điểm tương đồng với lăng Gia Long và lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị vẫn có những nét rất riêng, có thể coi là độc nhất vô...

Nước mắm ngon dầm con cá liệt

Nước mắm và mắm là những món ăn đặc biệt của Đại Tộc Việt, của Lạc Việt sông nước có một nền văn minh và văn hóa sông nước: Trồng...

Hà Nội thập niên 1990 qua ảnh

Hà Nội thập niên 1990 hiện lên đầy sức sống trong ảnh của Philip Jones Griffiths, người được thế giới biết đến với nhiều bức ảnh kinh điển về cuộc...

Những chỗ sai và nói lại cho đúng một số vấn đề trong sử Việt

Tôi muốn nói về cuốn Hình Ảnh Bảo Đại, Các Chính Khách Quốc Gia Và Hội Nghị Hương Cảng 1947 (HABĐ) của Nguyễn Khắc Ngữ, do Nhóm Nghiên Cứu Sử...

Exit mobile version