Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Những câu chuyện về Sài Gòn

Những câu chuyện về Sài Gòn
.
Nhiều người vẫn thường hỏi vì sao người Sài Gòn vẫn giữ được những nét chan hòa và đức tính phóng khoáng dù ở trong những giai đoạn khó khăn hay phát triển. Tôi đọc được một vài lý do: trước tiên Sài Gòn là vùng đất mới – tuổi đời chỉ mới hơn 300 năm. Vào buổi đầu khai phá, những người đầu tiên đến với mảnh đất này là những người giang hồ phiêu bạt từ những vùng đất khác, họ đến đây mang theo tính khí trọng nghĩa khinh tài bên trong mình. Bước chân đến một vùng đất mới còn nhiều hiểm nguy, rừng thiên nước độc hoang vu cho nên người ta phải dựa vào nhau mà sống, sống trọng tình nghĩa và chan hòa, bảo bọc cho nhau. Đến khi đã làm chủ được thiên nhiên thì miền Nam lại là một vùng đất được thiên nhiên dành cho quá nhiều ưu đãi, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tôm cá dồi dào thành ra con người ta sống cũng phóng khoáng dễ chịu, sống vô lo không nặng thiệt hơn.

Dù sao thì chắc chắn ở đâu cũng có những chuyện tốt và chuyện chưa tốt – và Sài Gòn cũng vậy. Nhưng có một thực tế rằng những câu chuyện dưới đây chính bản thân tôi đã từng gặp rất nhiều lần, đôi lần tôi là người nhận, đôi lần tôi là người cho. Và dù có nhận hay cho thì những điều đó cũng đến rất tự nhiên và đi cũng rất tự nhiên, chỉ để lại trong lòng một chút vui, một chút ấm lòng, đơn giản chỉ vậy.

Viết lại không nhằm mục đích tự ru ngủ lẫn nhau, viết lại cũng không mục đích phân biệt vùng miền hay so sánh với bất kỳ nơi nào khác. Viết lại chỉ đơn giản với mục đích truyền rộng hơn những câu chuyện đẹp về cách cư xử để mọi người – trong đó có tôi – tiếp tục những hành động đẹp này để những câu chuyện như thế này ngày càng được nhân rộng hơn.

****

Những ai đã từng sống ở Sài Gòn chắc cũng từng quen thuộc với câu cửa miệng “chiện nhỏ” (phát âm đúng theo dzọng Sài Gòn là “chiện” chứ không phải là “chuyện”).

Đây là một bộ sưu tầm những chiện lặt vặt về người Sài Gòn, cách cư xử của người Sài Gòn. Những bác nào không phải người Sài Gòn thì đọc để hiểu thêm về người Sài Gòn nhá (đề nghị không flame vùng miền gì cả nhá).

Đoc để thấy cuộc sống vẫn còn nhiều đều tốt đẹp.

CHUYỆN 1.

Đó là một con hẻm khá rộng rãi ở giữa nhưng hai đầu thì nhỏ xíu, chỉ chạy lọt chiếc xe máy, nối hai trục đường chính ở quận 3. Trong hẻm nhà cửa san sát, nhà mới xây cao 3~4 tầng cũng nhiều mà nhà cũ, mái tole gác gỗ cũng sin sít, nhiều nhà dùng phía trước để buôn bán nhỏ, bán đồ ăn hoặc tạp hóa, nhiều nhà mở tiệm gội đầu hoặc đặt biển công ty mà chẳng có nhân viên. Dân cư trong hẻm hầu hết đều biết nhau, cũng có một vài người mới dọn tới hoặc thuê nhà trong hẻm nhưng họ nhanh chóng làm quen với cư dân hẻm.

Bà chủ nhà trọ của tôi được gọi là cư dân lâu đời nhất của hẻm, hơn 60 năm. Bà là người cất nhà đầu tiên trên đất này. Bà kể, lúc bà vô Sài Gòn năm 16 tuổi, cả nhà bà đi trên một cái ghe. Lúc đó hẻm này, từ đầu đến cuối, là một con rạch rộng và sâu, bơi chừng vài chục sải mới sang bờ, tuy thông với nhiều rạch khác nhưng nước ở rạch này lại trong veo, đáy toàn cát. Bờ bên này, chỗ nhà trọ tôi ở, là một cái bến thuyền tấp nập suốt ngày đêm. Cha của bà đã dựng cái chòi đầu tiên trên bến, đúng chính chỗ căn nhà bây giờ, lúc đó ban đêm gió từ những con rạch thổi lồng lộng đến nỗi muốn cuốn bay mọi thứ.

Có nhiều sông rạch, nhiều đầm lác, nhiều rừng dừa nước đã biến mất, nhường chỗ cho phố xá và những con hẻm đầy nhà, đầy người, ở Sài Gòn.

CHUYỆN 2.

Ở một showroom sang trọng của một hãng xe hơi nổi tiếng mà giá của một chiếc xe nằm ngoài khả năng đếm của nhiều người, vào một buổi trưa trời nắng gắt bên ngoài nhưng bên trong vách kính thì mát lạnh. Anh nhân viên bán hàng mặc đồ vest với cà vạt và dày da bóng lộn đang ngồi xem tivi.

Có một cụ ông đi bộ ngoài đường mở cửa vào showroom.

Trông ông có vẻ không được khá giả lắm, tuy cũng vận áo sơ mi ngắn tay cũ và một chiếc quần khaki ngả màu. Ông cụ bước vào, đảo mắt nhìn một lượt rồi chắp tay sau lưng đi đến những chiếc xe trưng bày và bắt đầu xem xét. Anh nhân viên bán hàng bật dậy đi theo cụ, anh đi nhẹ nhàng và tỏ vẻ lịch sự. Anh gọi cụ là ngoại. Ngoại ơi, ngoại à. Mỗi lần cụ dừng lại ở một chi tiết anh lại đề nghị được cho cụ xem rõ hơn, anh mở cửa trước, cửa sau, mở nắp capo để cho cụ xem. Khi cụ tỏ ý thắc mắc thì anh lại nhẹ nhàng giải thích với cụ, cụ già cứ gật gù lắng nghe nhưng có vẻ không hiểu mấy.

Đi chán cũng mỏi, anh bán hàng mời cụ già lại chỗ sofa có cái bàn kiếng sạch bóng và mời cụ dùng café, loại café đá pha sẵn thôi. Mãi sau cụ già nói với anh: qua thấy chỗ bán xe hơi này sang trọng quá, lại có máy lạnh nên qua vô xem chơi, chứ xe này cả dòng họ qua gom tiền lại cũng mua không nổi. Anh nhân viên vẫn rất lịch sự: dạ con biết, sẵn ngoại vô chơi thì con giới thiệu luôn để ngoại coi xe, đâu phải ai vô coi xe cũng mua đâu ngoại. Anh cười, coi bộ hiền khô.

CHUYỆN 3.

Một góc ngã tư giao lộ giữa hay con đường thuộc loại đông nhất nhì Sài Gòn, nơi thường xuyên bị kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Bên cảnh sát giao thông phân công hai anh sĩ quan đến trực ở ngã tư này để giải quyết nạn ùn tắc và xử phạt mấy phương tiên chạy ẩu, nhất là mấy chiếc xe hơi rẽ trái sai luật.

Hai anh sĩ quan này có lẽ thuộc loại vất vả nhất trong ngành vì thời gian của hai anh hầu hết đều phải đứng ngoài nắng ngoài mưa để phân luồng và điều chỉnh đèn tín hiệu, chỉ cần hai anh vắng bóng một lúc là cái ngã tư lại nùi nùi một mớ xe cộ.

Chỗ hai anh đứng có một cái tủ điện chìm, lúc nào cũng có nước uống. Sáng thì café, nắng lên thì trà đá, chiều thì có nước đá chanh…

Mỗi khi uống hết nước thì anh sĩ quan trẻ hơn băng qua đường đem trả những cái ly cho một quán cóc gần đó. Quán cóc vỉa hè nhưng lúc nào cũng có khách ngồi.

Lát sau bà chủ quán lại bưng qua một món thức uống mới, đúng lúc tôi đứng gần đó. Anh sĩ quan lớn tuổi hơn quay qua nói, hình như cốt để cho tôi nghe: bà này bả cho tụi tôi uống nước miễn phí cả tháng nay, nói hoài mà hông chịu cầm tiền, mơi không uống nữa nghen bà. Bà già cười lớn, ha hả, mấy chú làm việc cực khổ, tui đãi miếng nước, chuyện nhỏ xíu mà, mấy chú uống cho tui dzui.

CHUYỆN 4.

Dạo này Sài Gòn trời nắng gắt, đi ngoài đường hay thấy mấy thùng ghi “trà đá miễn phí”, ai muốn uống thì uống, dân xe ôm, xích lô là khoái dữ lắm, ghé uống ừng ực rồi cứ vậy đi, không cần phải cảm ơn.

Một lần ông xe ôm chở tôi xin phép tấp vô lê uống ly trà đá, tôi mới biết là có trà đá miễn phí. Đó là thùng trà đá miễn phí tôi thấy đầu tiên, nó ở gần bệnh viện 115, mặc dù nó không có bảng ghi “miễn phí”, chỉ thấy một thùng trà đá để ngoài đường, ai qua lại nếu biết cứ tự động rót mà uống. Uống hết có người ra châm trà, châm nước, bỏ đá vô.

Tôi hỏi ông xe ôm, trà đá miễn phí kiểu vầy có nhiều không chú. Ổng nói cũng nhiều, tùy mình biết chỗ mà ghé uống, trời nắng vầy có ly trà đã cũng đã lắm chú. Tui không phải nghèo đến mức cần phải uống trà đá miễn phí, tui uống bị thấy khoái vậy thôi.

CHUYỆN 5.

“Bây giờ cầm tờ báo lên là rầu, hết muốn coi báo” – Câu này của một đại gia Sài Gòn. Đại gia này có lẽ đã về hưu, con cái đã thành đạt lấy vợ lấy chồng ở riêng hết. Đại gia này thường hay ngồi ở quán café cóc của bà già ở mẩu chuyện số 3.

Sáng nào cũng có mặt, dù nắng hay mưa.

Sáng nào đại gia cũng mua báo, chắc chắn là có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Công An, Pháp Luật… thỉnh thoảng mua tờ tạp chí hoặc nguyệt san. Đại gia chỉ mua báo của hai người, một con bé và một thằng bé quen, bữa đứa này bữa sau đứa kia. Hai đứa trẻ bán báo không bao giờ cạnh tranh nhau quyết liệt hoặc tỏ ra giành mối, chúng vui vẻ cùng phục vụ một vị khách hàng. Đại gia mua rất nhiều nhật báo nhưng lúc ra về chỉ đi tay không.

Sau này, khi có dịp ngồi ở quán café cóc đó suốt một buổi sáng tôi mới biết. Nếu hôm đó đại gia mua báo của thằng bé, sau khi đọc xong ông sẽ gấp tờ báo lại như cũ và đem cho con bé đi bán tiếp và ngược lại, nếu mua của con bé thì ông sẽ đem cho thằng bé để nó đi bán cho người khác, tiền thì ông vẫn trả đủ.

CHUYỆN 6.

“Cho nhiêu cũng được” – Câu này ai ở Sài Gòn chắc là biết, chắc thỉnh thoảng có nghe, nhất là khi đi taxi, xe ôm, xích lô… nếu là khách đi quen rồi hoặc quãng đường gần quá khó trả giá thì bác tài sẽ nói vậy: chú (cô) cho nhiêu cũng được. Nói vậy chứ ai đành lòng cho ít, ví như đúng ra bảy ngàn thì khách sẽ đưa mười ngàn cho chẵn tiền.

Đó cũng không hẳn vì ít tiền quá mà nói vậy, cũng có khi nhiều thứ giá trị hơn người bán cũng nói: cho nhiêu cũng được. ví dụ như chuyện có cô giáo nọ dạy văn ở một trường cấp hai, cô nổi tiếng là thương học trò như con. Mỗi buổi sáng cô hay đi chợ ở gần nhà để tiện việc cơm nước. Trong chợ có rất nhiều người biết cô là cô giáo, và họ thường gọi luôn là “cô giáo”. Nhiều khi cô giáo cũng khó xử với các bà, các chị trong chợ, họ cứ bỏ vô giỏ cô khi thì con cá, khi thì bó rau, khi thì ký thịt… khi cô đòi trả tiền thì họ không chịu lấy hoặc nói: cô giáo cho nhiêu cũng được.

CHUYỆN 7.

Ông là thương binh, thương binh của chế độ cũ, ông bị thương gần ngày Sài Gòn giải phóng. Sau giải phóng ông làm nhiều nghề để sinh sống và để nuôi ba đứa con ăn học. Một lần nọ ông làm công việc bảo vệ ở một nhà hàng vào buổi tối, đó là một nhà hàng lớn và có rất nhiều nhân viên và thực chất công việc của ông là chuyên đắt xe cho khách đến ăn nhậu mà thôi. Chủ nhà hàng là một người đàn ông khá giả và cư xử rất được.

Một hôm có chuyện. Đêm khuya khi nhà hàng chuẩn bị đóng của và người chủ cũng chuẩn bị ra về thì có một nhóm người hung dữ cầm mã tấu xông vào nhà hàng truy sát người chủ. Người đàn ông tuy khá cao to và nhanh nhẹn nhưng khó có thể chống cự với bốn năm tên sát thủ chuyên nghiệp, tất cả mọi người bỏ chạy tán loạn. Ông thấy vậy không được nên đứng ra bảo vệ chủ mình, vừa đỡ đòn vừa dìu anh này bỏ chạy. Nhờ sự giúp sức của ông, nạn nhân đã thoát thân tuy cũng bị thương nhẹ, còn ông thì bị hai nhát chém nặng mà một nhát sau này đã làm ông không thể cử động cánh tay phải.

Người chủ mang ơn ông lắm dù ông nhiều lần nói “chú ơi, tôi làm công cho chú thì phải bảo vệ chú thôi, ơn nghĩa gì mà chú cứ nói hoài”. Và mặc dù ông đã nhiều lần từ chối nhưng người chủ nhà hàng vẫn mua cho ông một căn nhà nhỏ, chu cấp hằng tháng đủ nuôi cả gia đình ông và cho tiền ba đứa con ông ăn học.

Chuyện xảy ra đã lâu rồi. Hôm qua tôi ngồi trong ngân hàng, ngồi kế bên cậu con trai lớn của ông và được nghe câu chuyện này. Cậu nói: chú đó sắp đi Mỹ rồi nên bữa nay chú kêu con ra ngân hàng mở tài khoản để mai mốt chú chuyển tiền về.

CHUYỆN 8.

Chuyện này nghe một bạn sinh viên kể. Bạn nói trước nhà bạn nghèo lắm, mẹ bạn bán vé số ở Quận Tám và bạn cũng đi bán phụ mẹ. Nếu bạn học buổi sáng thì sẽ phụ mẹ bán buổi chiều và ngược lại, nhà chỉ có hai mẹ con.

Có một chú thợ hồ ở gần nhà, nói là gần nhà chứ thực ra là ở một cái chòi trong xóm hẻm sâu sát bờ kinh, chú này mỗi khi nhậu thường hay mua vé số của hai mẹ con cậu. Chú này mua không nhiều, mỗi lần chỉ mua hai vé, nhưng điều đáng nhớ là sau khi trả tiền hai vé thì chú sẽ cho lại cậu một vé, và lúc nào cũng căn dặn: nhớ giữ lại hen mầy, phải thì cùng đổi đời.

Và cậu đổi đời thiệt, một lần cặp vé số định mệnh đã trúng giải độc đắc. Người vợ của chú thợ hồ khi biết chồng mình trúng số độc đắc đã nổi lòng tham và muốn đòi lại tờ vé số mà chú đã cho cậu buổi chiều trước đó. Nhưng chú thợ hồ đã kiên quyết không đòi lại, chú còn dùng tiền trúng số đã cả xóm một bữa nhậu linh đình.

Có vốn, mẹ cậu không bán vé số nữa mà chuyển ra mở quán ăn sáng và cuộc sống của hai mẹ con đã khá hơn trước rất nhiều. Chỉ riêng chú thợ hồ thì vẫn ]làm thợ hồ, bây giờ chú mua vé số của người khác nhưng tật cũ vẫn không bỏ, mua hai vé và cho lại người bán một vé. Chú luôn dặn: nhớ giữ lại hen mầy, phải thì cùng đổi đời.

CHUYỆN 9.

Ông chạy xe ôm ở Quận 10 nhưng nhà ông thì ở tận ngã tư An Sương, vợ ông thì bán vé số nên ông thường đậu xe kế bên bà. Hai người mang cơm theo ăn buổi sáng và buổi trưa, buổi chiều thì trả vé về sớm rồi cùng ăn ở nhà.

Quê ông bà ở Cần Giuộc. Bữa nọ thấy có người trông dáng như ở quê lên, tới ghé cho ông bà hai con gà, một buồng chuối và một giỏ đệm đầy cá trê phi, con nào con nấy mập ú, vàng óng. Tôi tò mò hỏi: bà con dưới quê gửi lên hả chú? Ông cười, nói đúng ở quê gửi lên nhưng mà hông phải của bà con, thằng đó nó chiếm đất của tui đó chớ.

Nhà ông có nhiều anh em, cha ông có chia cho ông ba công ruộng ở quê. Ruộng đất phèn nên một năm chỉ trồng được một vụ mà lại có mùa trúng mùa thất nên ông bỏ đó lên Sài Gòn chạy xe ôm. Ruộng bỏ hoang lại nằm xa xóm nên không ai coi. Một lần ông về quê và phát hiện ruộng của mình có người chiếm mất. Đó là một gia đình nghèo, hai vợ chồng và bốn đứa con nheo nhóc, trước họ sống theo ghe nhưng cái ghe nát quá nên cả gia đình dắt nhau lên bờ kiếm đất hoang lập nghiệp, cũng bị đuổi cùng đường mới tới đây.

Mới đầu ông cũng làm căng, thưa lên xã rồi nhờ bà con tới đòi kịch liệt lắm, nhưng do đất nhà từ xưa không có giấy tờ, lúc chia cũng không lập di chúc nên khó nói lý. Rồi ông phát hiện bà vợ mình bị tiểu đường nặng nên thời gian của ông chủ yếu ở bên bà, ông không thiết đòi đất nữa. Một lần về quê đám giỗ ông đã ký giấy cho gia đình nghèo nọ ba công đất luôn.

Ông nói, mình cũng nghèo mà thấy tụi nó còn nghèo hơn. Mình già rồi, sống nay chết mai, thôi coi như làm phước cho tụi nó. Cũng được cái là vợ chồng nó cũng biết điều, nhận tía má luôn, đem lên cho đồ hoài, ăn hổng hết.

Tôi đã xin ông chụp tấm hình này năm ngoái.

CHUYỆN 10.

Sài Gòn rộng, rộng lắm, nên chuyện ở Sài Gòn người ta hay kêu là: chiện nhỏ.

Khách sạn nổi 5 sao Việt Nam bị bỏ hoang ở Bắc Triều Tiên

Vào cuối những năm 1980, một khách sạn nổi 5 sao, cao 7 tầng lướt qua Rạn san hô John Brewer, cách bãi biển Townsville thuộc Queensland nước Úc 70...

Cơ sở hạ tầng và đời sống thị dân Sài Gòn xưa

Thời gian Charles Le Myre de Vilers giữ chức Thống đốc Nam kỳ tuy ngắn nhưng ông đã thiết lập kế hoạch đô thị và để lại nhiều công trình...

Tại sao có tục kiêng không để cha mẹ đưa tang con?

Tử biệt sinh ly, ai không thương xót, nhưng theo quy luật tự nhiên, cha mẹ già yếu từ trần, con báo hiếu cha, mẹ, đưa tang bố mẹ là...

Ngôi mộ bằng đá cẩm thạch tuyệt đẹp ở Sài Gòn

Bên cạnh những nét độc đáo về kiến trúc, ngôi mộ cổ còn là một di tích lịch sử quan trọng.   Ngôi mộ cổ nằm cách ngã tư Thoại Ngọc Hầu...

Thế Tổ Miếu– Nơi thờ phụng các vua nhà Nguyễn

Thế Tổ miếu (世祖廟) thường gọi là Thế miếu (世廟) tọa lạc ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Đây là nơi triều đình đến...

Nhà cổ Bình Thuỷ – dinh thự cổ đẹp nhất miền Tây Nam Bộ

Không chỉ là một kiệt tác kiến trúc, nhà cổ Bình Thủy còn được ví như một “kho đồ cổ” quý giá. Nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình...

Sài Gòn Xưa In Ít

Để minh họa cho một mục kia, nhiều báo đã dùng một bức tranh vẽ cảnh trước chợ Bến Thành. Thật ra thì tranh đó chỉ vẽ lại một bức...

Những điều thú vị về hội họa truyền thống Trung Hoa

Vì sao các bức tranh của Trung Quốc thường không được đóng khung? Vì sao các bức hoạ của Trung Quốc lại thường chỉ dùng màu trắng và màu đen?...

Huình Tịnh Của hay Huỳnh Tịnh Của mới đúng?

Huình Tịnh Của hiệu Tịnh Trai, người làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy; nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thuở bé, sang Mã Lai, học...

Gọi là bánh hay là mứt đều được !

Nói đến bánh mứt Huế là nói đến cả kho tàng văn hóa ẩm thực ở đất Cố đô. Có quá nhiều loại bánh mứt được chế biến từ bàn...

Gia Định tam gia: Niềm tự hào của đất Sài Gòn – Gia Định

Cụ Võ Trường Toản, danh sĩ đất Gia Định, đã không ra làm quan với nhà Tây Sơn trong thời gian họ chiếm đóng vùng đất này. Cụ mở trường...

Nguồn gốc của bánh Chưng, bánh Dày

Bánh Chưng, bánh Dày, đó là những vật đã gắn liền với ký ức của mỗi người Việt nói riêng về ngày Tết âm lịch, trong một không gian rộng...

Exit mobile version