Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Những ngày xưa thân ái

Tháng năm về, phượng thắp lửa trên cây và tiếng ve râm ran gọi cũng là lúc những đứa trẻ quê chúng tôi trở về với những gì tươi đẹp và hồn nhiên nhất của tuổi ấu thơ. Hồi ấy, chả có smartphone hay những trò chơi tiêu khiển của bọn trẻ bây giờ, cũng không phải những ca học thêm nối tiếp, hè ở quê có cái rộn ràng của ngày mùa, cái nắng gay gắt của buổi ban trưa, có những cơn mưa rào chợt đên rồi chợt đi, có tiếng sáo diều vi vu trong gió mát. Tất cả đọng lại một khung trời kỷ niệm của mỗi người, những ai sinh ra và lớn lên từ những miền quê yêu nghèo khó. Tuổi thơ…

Sau ngày tổng kết năm học tụi nhỏ chúng tôi tạm cất sách vở, “gác bút nghiên” vào hòm thật ngăn nắp. Một phần vì đã được nghỉ hè, phần khác là đống sách cũ kia phải được giữ cẩn thận cho lũ em trong năm học tới. Ngày đó cuộc sống thiếu thốn nên tiết kiệm được chừng nào là bớt đi gánh nặng trên vai cha mẹ chừng đó, anh em tôi lúc nào cũng thấm thía. Thời gian vậy mà trôi nhanh. Nghỉ hè được vài ngày, lúa trên đồng đã bắt đầu chín. Dưới cái nắng hè gay gắt, đứng trên bờ đê nhìn xuống-một màu vàng xuộm trải dài đến tận chân trời. Đã bao lần, vừa tung tăng trên cánh đồng, tôi vừa ngân nga bài thơ Tiếng hát mùa gặt của nhà thơ Nguyễn Duy:

Đồng chiêm phả nắng lên không
Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng
Gió nâng tiếng hát chói chang
Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời

Chỉ vài ngày sau đó, những bó lúa vàng ươm đã được trở về đầy các sân nhà. Mùa gặt, không khí ở quê rộn ràng hẳn lên. Mới bốn năm giờ sáng, tiếng người nói chuyện, tiếng loẹt quẹt của xe bò, xe thồ từ khắp các thôn xóm đã đổ ra đồng cho kịp ngày mùa. Chỉ có thể là người con của làng quê, sinh ra và lớn lên ở đất quê thì con người ta mới có thể cảm nhận được hết cái tươi vui rộn ràng, ngập tràn sức sống ấy. Dường như cái oi ả của nắng hè không làm người nông dân thấy mệt. Hay phải chăng niềm vui từ thành quả vụ mùa đã làm vơi đi nhọc nhằn, công sức bốn tháng gieo trồng nay đã được đền đáp bằng những xe lúa vàng nặng trĩu. Nét hạnh phúc lẫn những giọt mồ hôi lăn dài trên má, tôi thấy yêu thương và cảm phục người dân quê mình. Suốt một đời vất vả gian lao, một lòng kiên trì bám trụ đất quê.

Ngày mùa, lũ trẻ chúng tôi cũng có công việc của riêng mình. Bố mẹ gặt ngoài đồng, tôi cùng lũ em có nhiệm vụ phơi lúa hong khô khi mặt trời lên đến ngọn sào. Công việc tưởng đơn giản mà không dễ chút nào, những cơn mưa rào mùa hạ có thể cướp đi thành quả của tụi tôi trong chốc lát. Trời đang nắng chang chang, chợt những đám mây đen từ đâu ùn ụt kéo tới, trời nổi giông gió. Tôi nhớ mãi cái không khí của những lần chạy mưa ở quê. Chẳng ai bảo ai, đám trẻ đang tụ tập đứa nào về nhà đứa ấy, người lớn đang gặt ngoài đồng cũng mải mốt chạy về. Thế rổi kẻ cào, người quét, người khiêng, người đóng bao… mỗi người một việc hết sức khẩn trương. Mọi thứ diễn ra như một trận đấu gay go quyêt liệt giữa con người với thiên nhiên. Kể thì lạ mà lần nào cũng vậy, cứ vừa chạy mưa xong trời mới đổ mưa dữ dội. Mưa như trút cơn giận hả hê sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt. Tôi lại cùng lũ em đằm mình trong những giọt nước mát lạnh. Thế mà cũng có lần vì mải chơi, tụi tôi để mưa ướt hết cả sân lúa. Đứa nào cũng nơm nớp lo sợ, kết lại là những chiếc roi “nhớ đời” từ bố. Đến bây giờ nghĩ lại, đôi lúc lại mỉm cười, nhớ về ngày bé…

Khi đồng đã gặt vãn, ấy là lúc thế giới của tụi trẻ chúng tôi mới thực sự mở ra. Mặc lũ trâu bò thung thăng gặm cỏ mà không sợ chúng ăn lúa của bà con như dạo trước, chúng tôi lao mình xuống con mương giữa đồng. Hết lặn ngụp, mò cua rồi bắt những chú cá rô, cá chép… khi đã được kha khá, cả bọn lại choàng lên bờ, đứa lấy rơm, đứa nhóm lửa… Thoáng chốc, dưới ánh lửa bập bùng đượm mùi rơm nếp mới, hương thơm tanh nồng của cá thoảng đi khắp nơi. Mỗi đứa một phần, mặt ai nấy đen nhẻm vì nhọ, nước mắt ứa ra vì khói, cả lũ nhìn nhau cười như nắc nẻ. Món quà tuổi thơ ấy tuy giản dị nhưng đậm đà hương vị tình quê mà có lẽ sau này dù đi bất cứ nơi đâu ta cũng muốn tìm về, để được ngồi giữa cánh đồng quê thân thuộc, để sống lại những tháng ngày đã qua.

La cà đến tận chiều muộn, khi mặt trời dần lặn xuống chỉ để lại vài tia sáng đỏ rực xuyên qua kẽ mây, chúng tôi rong đàn trâu về cho kịp trời tối. Vẫn nhớ cái khoảnh khắc ấy, tôi thường bước đi thật chậm rãi để lắng mình cảm nhận hết sự thanh bình yên ả của buổi chiều quê. Phía làng tôi, vài mái nhà tranh cấp bốn lụp xụp bên những lũy tre xanh ngả nghiêng vì gió, khói bếp chiều tà bảng lảng giữa không gian đầy tĩnh mịch. Xa xa vài cánh cò đang chao liệng tìm những con mồi cuối cùng trước thời khắc ngày tàn. Tôi từng thấy rằng làng quê mình vẫn còn nghèo lắm, người dân quê tôi vẫn một nắng hai sương vì cuộc mưu sinh không hồi kết… Tôi đã từng nghĩ về những miền quê phát triển, những vùng đất trù phú tốt tươi…

Đâu biết rằng tôi đã gửi bao ước mơ khát vọng vào cánh diều thưở nhỏ. Gió sẽ thổi ước mơ tôi bay cao thành hiện thực: ra khỏi lũy tre làng, đem ánh sáng của tri thức về với miền quê yêu dấu. Những tia nắng cuối cùng của buổi chiều mùa hạ cũng tắt, màn đêm dần lộ ra. Tôi rảo bước rong trâu về cho kịp trời tối. Tiếng sáo diều vẫn vi vu trong gió…

Bao năm tháng đã trôi qua, cuộc sống làng quê đã có nhiều thay đổi. Tôi vẫn giữ cho mình những kỉ niệm đẹp về một thời tuổi thơ nghèo khó dẫu mùa hè bây giờ, những đứa trẻ ở quê đã có cho mình những thú vui tiêu khiển, những đồ chơi có sẵn chẳng giống với chúng tôi thưở trước. Hè ấy, có dáng mẹ tôi tất bật tảo tần, có giọt mồ hôi cha chảy ròng trên má, có nét rạng ngời trên gương mặt người nông dân khi lúa được mùa. Tôi thấy mình hạnh phúc vì một tuổi thơ không game, không điện thoại. Bao trưa hè cùng lũ bạn đội nắng bẫy tổ chim, chiều lặn ngụp trên đồng bắt cua rồi lao mình xuống dòng nước mát. Lớn lên từ một tuổi thơ gian khổ nhọc nhằn, từ những gì thân thuộc nhất của làng quê, cái chất quê trong trẻo nồng nàn sẽ theo tôi đến mọi ngã rẽ của cuộc đời. Đó là điểm tựa tinh thần, là bến đỗ bình yên trong cuộc sống. Những ngày xưa thân ái…

Tại sao nạ dòng không lấy được trai tơ?

Không phải tác giả đặt câu hỏi để giải đáp, mà chính tác giả thắc mắc mong được giải đáp vì sao có sự bất công đó? Ngày xưa những...

Sinh hoạt của người miền Nam 100 năm trước qua tranh ký họa của Trường vẽ Gia Định

Đám cưới, đám ma, tảo mộ ngày Tết, trang phục, bữa ăn hàng ngày… của cư dân Sài Gòn xưa được ghi lại trong hàng trăm bức tranh ký họa...

Mát trời ông Địa luôn!

Hình ảnh ông Địa bụng bự, gương mặt vui tươi, cười hớn hở dẫn đầu đoàn lân trong mỗi dịp Tết đến luôn tạo không khí náo nhiệt, rộn ràng....

Nhìn lại cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

I.Cuộc đời Sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ ông có tên là Chơn, từ năm Kỷ Mùi 1859 đổi là '''Lịch''' (Nguyễn Văn Lịch), và cũng từ tên...

Những tên phố cổ Hà Nội ít người hiểu nghĩa

Không nhiều người trẻ ngày nay có thể hiểu Lò Sũ nghĩa là gì, Hàng Chĩnh, Hàng Đẫy bán gì. Hà Nội có trên 40 tên phố bắt đầu bằng...

Nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên

Để kiểm định các giả thuyết đã nêu cũng như để hiểu biết đúng, đủ hơn về văn hóa Phùng Nguyên, dựa trên những tư liệu hiện có, tôi sẽ...

Tại sao gọi là tóc thề?

Các cô gái cô mái tóc thề trông thêm duyên dáng. Tóc thề vốn là một vài sợi tóc ngắn phất phơ hai bên trán và vành tai. Có những...

Văn hóa ngoại trong lịch sử Việt

Việt Nam là một quốc gia Ɖông Nam Á lục địa nằm gần hai nền văn hóa lớn ở Á Châu: Văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Ɖộ....

Loạt ảnh đẹp về Sài Gòn năm 1967

Loạt ảnh đẹp về Sài Gòn năm 1967 của Nguyễn Thành Tài, phóng viên hãng thông tấn UPI trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Cảnh nhộn nhịp tại khu...

Tổ đình Giác Lâm – ngôi chùa lâu đời nhất Sài Gòn

Tồn tại gần ba thế kỷ, Tổ đình Giác Lâm vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm, là một thắng tích thu hút đông đảo người dân và du...

Nhớ những kỷ niệm về cây ăng-ten và chuyện nghe nhìn ngày trước

“Quay qua trái chút xíu. Chưa trong ba ơi, qua phải chút xíu đi!” Đó là những câu nói quen thuộc thân thương ngày trước… Đi trên đường bây giờ,...

Em là người Việt gốc ruốc

Ruốc thì đem làm mắm, chứ sao lại chượp ra nước mắm ruốc được, nhiều người hỏi tôi như thế.  Nước mắm ruốc đúng là có thật! Vài nhà thùng...

Exit mobile version