Cứ vào đầu hạ, khi những cơn gió bắt đầu thổi mạnh đưa mưa về thì cũng là lúc người Sài Gòn lại có dịp đi dưới những trận ‘mưa trái dầu bay’.
Sao Đen, Dầu Rái thuộc họ Dầu – đây là loại cây thân gỗ, cho bóng râm, cây cao đến vài chục mét. Dầu nở hoa vào tháng 3, hoa thành trái có hai cánh. Khi trái khô và gặp dó, trái dầu như chiếc chong chóng bay theo gió để phát tán.
Tại TP HCM, dầu rái và sao đen được trồng trên nhiều tuyến đường, nhiều cây đã tuổi thọ đến vài chục năm. Đến hẹn lại lên, cứ vào những ngày tháng 5, trái dầu lại theo gió bay kín mặt đường.
Hằng năm, khi phượng bắt đầu trổ bông, cũng là lúc dầu bắt đầu rụng trái. Khi có những trận gió lớn, người đi đường có thể nhìn thấy từng chùm trái dầu bay rồi đáp xuống bất cứ nơi nào.
Do quen với lời bài hát “Cánh hoa dầu xoay tít bay bay…” trong bài hát Cánh hoa dầu của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch nên khi thấy dầu bay, nhiều người vẫn bảo nhau “hoa dầu bay”, nhưng thực sự đây những trái dầu.
Khi bay, đầu hạt chỉa xuống đất, hai cánh xoay xoay. Vừa được gió lay rơi từ tán lá, trái sao đen hoặc dầu rái đã bung cánh xoay tít cho đến khi chạm đất.
Cũng có khi những đôi cánh dầu bị gió thổi bạt như những cánh chim tung lên cao, có khi qua cả ngọn cây trước khi xoay tít và đáp xuống dần.
Với nhiều người Sài Gòn, “chong chóng hoa dầu” đã trở thành ký ức tuổi thơ.
Tại những khu vực trồng nhiều loại cây này như công viên Tao Đàn, đường Trần Quốc Thảo, khu Hồ Con Rùa, từ đầu tháng 4, những cánh hoa sao đen và dầu rái đã bắt đầu xoay tít.
Đáp luôn xuống mặt hồ.
Ken kín cả mặt nước để tạo nên một tấm thảm nâu giòn.
Cả hai cùng có cánh để đưa hạt bay đi xa, tuy nhiên trái dầu rái có kích thước to hơn. Mỗi cánh có thể to bằng ngón tay người lớn, trong khi cánh trái sao đen chỉ cỡ ngón tay trẻ em.
Hoa sao mọc từng chùm có màu nâu nhạt. Cũng như dầu rái, khi hoa tàn, cánh sẽ chuyển màu nâu đậm hơn và được nắng hong khô trước khi thả mình xoay trong gió.