Vào thời điểm miền Nam còn là thuộc địa của Pháp, phương tiện để di chuyển “vàng trắng” chưa có. Các chủ đồn điền đã kiến nghị với chính quyền xây dựng tuyến đường sắt để chuyển cao su từ Lộc ninh về Bến Cát…
Vùng Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Phước) có thổ nhưỡng thích hợp với cây cao su. Tại đây có những đồn điền cao su bạt ngàn và sản phẩm làm ra có khối lượng đáng kể.
Thế nhưng vào thời điểm miền Nam còn là thuộc địa của Pháp, phương tiện để di chuyển những cục “vàng trắng” này chưa có. Các chủ đồn điền đã kiến nghị với chính quyền xây dựng tuyến đường sắt để chuyển cao su từ Lộc ninh về Bến Cát…
Lớn lên trong khói lửa
Năm 1927, con đường cao su (rubber line) bắt đầu hình thành. Sau 6 năm thi công, năm 1933, đoạn đường sắt từ Lộc Ninh đi bến Đồng Sổ dài 69 km do một công ty tư nhân là Công ty Xe Điện Bến Cát – Kratie đầu tư đã được chính thức khánh thành.
Theo đó, cao su đi từ Lộc Ninh đến bến Đồng Sổ rồi lên tàu thuyền tại cảng sông Bến Cát để về đến Sài Gòn.
Đến năm 1937, đoạn đường này lại nối vào hệ thống hoả xa Đông Dương thành tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh.
Tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh có tổng chiều dài 141km đi từ ga Sài Gòn qua Lái Thiêu, Bình Dương, Hớn Quản, Lộc Ninh và kéo dài tới biên giới Campuchia. Để hình thành được tuyến này, Pháp đã phát hành rộng rãi trái phiếu trên toàn nước Pháp và Đông Dương.
Từ khi hình thành đến trước 1945, để đến được Lái Thiêu rồi tiếp tục đến Lộc Ninh, lộ trình chạy tàu được khởi hành từ ga Sài Gòn đến ga Gò Vấp rồi chạy dọc theo đường bộ bây giờ là Nguyễn Oanh rồi tiếp đến Hà Huy Giáp. Sau khi qua các cây cầu nhỏ, đến Thạnh Lộc đoàn tàu sẽ vượt qua cầu sắt Lái Thiêu (bây giờ là cầu Phú Long) khoảng 2km để đến ga Lái Thiêu.
Nhờ tuyến đường sắt này bộ mặt tỉnh Thủ Dầu Một (cũ) mà đặc biệt là các vùng Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp có nhiều thay đổi. Hàng ngày đoàn tàu đưa hàng trăm tấn cao su về Sài Gòn đồng thời cũng đưa đi đón về hàng ngàn khách. Nhiều người từ miền Bắc, miền Trung đổ vào tìm việc làm đã nâng số lượng khách lên đáng kể.
Đồn điền tiếp tục được mở rộng thêm. Công nhân lao động làm các công việc như làm đất, trồng cây, chăm sóc và cạo mủ được tuyển dụng rộng rãi.
Điều này có thể thấy rõ qua con số năm 1935 vận chuyển được 80.000 lượt khách và 25.000 tấn mủ thì chỉ một năm sau con số này tăng đến 100.000 lượt với 42.000 tấn.
Năm 1937, tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh được chuyển về cho đường sắt Đông Dương quản lý. Các tuyến đường sắt được kết nối vào chung hệ thống và các đầu máy cũ kỹ lạc hậu được thay thế bằng các đầu máy mới mạnh hơn tiết kiệm hơn.
10 năm sau, đầu năm 1947, lực lượng Việt Minh tấn công dữ dội vào tuyến đường sắt ở Gò Vấp. Điều này đã làm cho đoàn tàu Sài Gòn – Lộc Ninh không thể về đến ga cuối cùng.
Khách và hàng được chuyển đến ga thuận tiện nhất. Mặc dù trở ngại như thế nhưng sản lượng cao su chuyên chở về Sài Gòn đề xuất khẩu cũng lên đến con số 60.000 tấn/năm.
Chỉ còn trong ký ức
Dường như các tuyến đường sắt trong giai đoạn này chỉ có tuyến Sài Gòn – Lộc Ninh chịu nhiều tổn thất do chiến tranh nhất. Nhưng dù thế nào người Pháp cũng phải duy trì vì những lợi ích cốt lõi mà tuyến đường mang lại.
Ngày 6/11/1949, cầu Lái Thiêu bi đánh sập. Tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh bị gián đoạn. Người Pháp quyết định làm mới 5,5 km đường sắt nối An Mỹ với Dĩ An không phải qua cầu Lái Thiêu, nhập chung vào đường sắt Bắc Nam để về đến Sài Gòn. Việc thông thương hàng hóa và đi lại của nhiều người được khôi phục. Những tấn hàng cao su tiếp tục được đến với cảng Sài Gòn.
Nhưng rồi đến giai đoạn 1950 – 1953, tuyến đường này lại tiếp tục hư hỏng vì chiến sự làm chậm tiến độ sản xuất và xuất khẩu cao su. Việc vận chuyển không được suôn sẻ, trong khi các đồn điền vẫn tiếp tục sản xuất khiến cho hàng hóa bị ứ đọng…
Những năm về sau đó, doanh thu bị giảm dần đến mức không thể tiếp tục duy trì, tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh chính thức bi loại bỏ vào năm 1960. Nó kết thúc 27 năm hoạt động.
Chúng tôi có dịp trở lại cung đường này. Dấu vết của những chuyến tàu một thời xuôi ngược đã không còn. Những đoạn đường sắt, những ga xép, ga lớn, những cây cầu sắt giờ đã đổi thay…
Có lẽ đến nay chỉ còn sót lại một dấu vết duy nhất là một đoạn đường sắt ngắn ngủi dọc theo đường Nguyễn Xí (P. 13, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Nhiều bậc cao niên ở khu vực này cho biết, đoạn đường sắt này nằm trên hệ thống tuyến đường sắt Sài Gòn- Lộc Ninh. Trước đây, nhà cửa chưa nhiều và cầu Đỏ chưa xây dựng lại thì đoạn đường sắt ngang qua khu vực này dài lắm.
Nhiều người ở Sài Gòn lâu năm nhưng vẫn chưa biết tại sao ngã tư quốc lộ 1A (trước đây là xa lộ Đại Hàn) giao với Hà Huy Giáp thuộc phường Thạnh Lộc Q. 12 được gọi là ngã tư Ga. Tàu hỏa từ ga Sài Gòn hướng về Lộc Ninh trước khi qua cầu Phú Long đều phải ghé ngang ga này. Ga này có tên là ga Xóm Thơm.
Cầu Lái Thiêu bây giờ là cầu Phú Long cũ vẫn còn nhưng xuống cấp nặng. Hiện cầu đã hạ tải trọng xuống mức thấp nhất và chỉ dùng cho xe 2 bánh.
Tuy đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh không còn nhưng hình ảnh cầu Phú Long, đoạn đường sắt dọc theo đường Nguyễn Xí và tên gọi ngã tư Ga vẫn là những kỷ niệm nhắc nhở chúng ta về một cung đường sắt chỉ còn trong ký ức..