Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Thảm kịch đắm tàu kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ

Con tàu Sultana đang chở khoảng 2.000 binh lính Mỹ thì ba trong số bốn nồi hơi phát nổ, nhấn chìm tàu trong biển lửa và hỗn loạn.

Ngày 27/4/1865, nước Mỹ đã trải qua thảm kịch hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử. Chỉ ít tuần sau khi cuộc Nội chiến Nam – Bắc kết thúc, con tàu chạy bằng hơi nước Sultana đã phát nổ và đắm trên dòng sông Mississippi, giết chết ước tính từ 1.500-1.800 tù binh Liên minh miền Bắc vừa được trả tự do và đang trên đường về nhà.

Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ đắm tàu Sultana được cho là nhiều hơn cả bi kịch tàu Titanic nổi tiếng, nhưng thảm kịch này hầu như bị lãng quên trong lịch sử Mỹ. Trên thực tế, tai họa có thể đã tránh được nếu như không có những sai lầm của con người.

Con tàu bị nhồi nhét

Từ sau khi kết thúc Nội chiến vào năm 1865, cả Liên minh miền Nam và miền Bắc đều tìm cách dọn dẹp những hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu, trong đó có việc phóng thích các tù binh chiến tranh ở cả hai phía.

Hàng ngàn lính miền Bắc bị giam giữ tại các nhà tù ở Cahaba, bang Alabama và Andersonville, bang Georgia, đều được đưa tới một trại giam giữ nhỏ ở ngoại ô Vicksburg, bang Mississippi trước khi ngược sông lên phía Bắc.

Thuyền trưởng James Cass Mason được cử làm chỉ huy con tàu hơi nước có tên Sultana. Con tàu bằng gỗ, với thủy thủ đoàn 85 người, ban đầu dự định chở bông trước khi nhận sứ mạng chở tù binh vừa được thả.

Trong chặng dừng chân ở Vicksburg để khắc phục một trục trặc nồi hơi, tàu Sultana đã đồng ý thỏa thuận với chính phủ liên bang, trả phí 5 đô-la cho mỗi binh lính được phóng thích và 10 đô-la cho mỗi sĩ quan để chở họ ngược về miền Bắc.

Bị mờ mắt bởi món thù lao đó, Thuyền trưởng Mason đã bắt lấy cơ hội, ông ta nhận tiền hối lộ từ một sĩ quan để nhét càng nhiều càng tốt cựu tù miền Bắc xuống tàu. Mason thậm chí còn không thèm xử lý ổn thỏa trục trặc nồi hơi mà chỉ sửa chữa qua loa cho nhanh. Ông ta sợ rằng trong lúc chờ nồi hơi sửa chữa cẩn thận thì lính miền Bắc có thể sẽ tìm được phương tiện khác để trở về quê nhà.

Ngày 24/4/1865, tàu Sultana khởi hành từ Vicksburg. Trên boong tàu đông nghẹt người, với khoảng 1.960 tù nhân vừa được phóng thích cùng 22 sĩ quan canh gác thuộc đoàn kỵ binh tình nguyện Ohio số 58, 70 hành khách trả tiền cho cabin riêng và 85 thủy thủ tàu. Nhiều người lính vẫn trong tình trạng yếu ớt sau khi rời khỏi các nhà tù hoặc bệnh viện của Liên minh miền Nam.

Chưa hết, đó còn là một ngày thời tiết xấu. Sông Mississippi cuộn sóng dữ khi băng tuyết tan ở thượng nguồn đang gây ngập lụt hai bờ. Nhiều thân cây và rác rưởi dập dềnh trên mặt nước khiến con tàu càng khó điều khiển khi đêm xuống. Dù vậy thuyền trưởng Capson vẫn quyết tâm lên đường, với một chuyến hàng thực sự quá sức.

Con tàu chỉ dừng chốc lát ở Memphis (bang Tennesse) rồi tiếp tục hành trình ngay trong đêm. Gần 2h sáng ngày 27/4, khi chỉ vừa rời Memphis vài dặm, một trong các nồi hơi của tàu Sultana bất ngờ phát nổ. Vụ nổ lập tức giết chết hàng trăm người, chủ yếu là binh sĩ bị nhồi nhét ngay sát các nồi hơi do tàu quá chật chội. Nhiều người trong số họ tử vong vì các mảnh vỡ, vì hơi và nước sôi tóe ra trong vụ nổ.

Bi kịch trên sông

Liền sau đó, hai nồi hơi khác cũng nổ tung. “Chỉ một phút trước họ còn đang ngủ lịm đi, thì phút sau đã thấy mình ngụp lặn trên sông Mississippi lạnh buốt. Nhiều hành khách bị bỏng trên tàu”, sử gia Gene Salecker Potter viết.

“Những người may mắn bám vào được các khúc gỗ trên sông, hoặc bám vào ngựa, la xổng từ tàu, thì vào được đến bờ, nơi mà họ thậm chí không thể nhìn thấy vì tối và nước lũ đã khiến dòng sông rộng ra gần 5 dặm”.

Tàu Sultana rơi vào cảnh hỗn loạn. Những hành khách còn sống đứng trước hai lựa chọn: ở lại tàu và có thể chết cháy, hoặc nhảy xuống dòng nước mênh mông trong đêm tối. Cả hai cách, cơ hội sống sót đều rất mỏng manh. Những người lính vừa thoát khỏi cuộc chiến đẫm máu, giờ lại phải chiến đấu để sống sót.

Khi tàu Sultana bắt đầu chìm gần thị trấn Marion, vẫn còn nằm trong địa phận của phe miền Nam, các tàu qua lại và cư dân địa phương đã tiến hành một chiến dịch cứu hộ khẩn trương để cứu binh sĩ trên tàu. Guồng nước một bên tàu đã bị rời ra, khiến con tàu nghiêng hẳn sang bên kia.

Một binh lính sống sót kể lại: “Nhiều người đã chết trong vụ nổ, nằm la liệt dưới khoang tàu, bị giẫm đạp lên, trong khi những người khác kêu khóc, cầu nguyện và nguyền rủa. Đó là cảnh tượng tôi không bao giờ quên được; tôi thường mơ thấy và choàng tỉnh giấc”.

Trong vài tiếng, tàu Sultana chìm xuống đáy sông Mississippi. Những thi thể từ xác tàu vẫn tiếp tục trồi lên kinh hoàng ở phía hạ lưu nhiều tháng sau thảm kịch. Thuyền trưởng Mason nằm trong số những người thiệt mạng.

Thảm kịch bị lãng quên

Vụ đắm tàu gây ra con số thương vong khủng khiếp như vậy, nhưng lại không trở thành một vụ việc gây rúng động nước Mỹ và dần bị lịch sử quên lãng. Người ta cho rằng việc chính phủ liên bang cố ý muốn làm giảm các con số thương vong có thể là một nguyên nhân. Có quá nhiều sai sót có thể được ngăn chặn, điều đó khiến giới chức muốn để sự việc đi vào im lặng.

Thậm chí một thuyết âm mưu đã được đưa ra cho rằng, vụ đắm tàu nằm trong kế hoạch lớn hơn của phe miền Nam nhằm giết hại binh lính miền Bắc trên tàu. Một người tên là Robert Louden đã tuyên bố hắn ta đã phóng ngư lôi vào tàu nhằm giết chết lính miền Bắc. Nhưng tuyên bố này không được chấp nhận.

Tuy nhiên có một cách giải thích có lý hơn nhiều cho việc thảm kịch dễ dàng bị lãng quên. Đó là vì nó đã bị phủ bóng bởi một thảm kịch lịch sử khác: vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln, xảy ra không đầy 2 tuần sau khi tàu Sultana đắm.

Ngoài ra, việc quá nhiều sinh mạng đã bị cướp đi trong những năm nội chiến, khiến người Mỹ khi đó không quá bàng hoàng trước cái chết của thêm 2.000 người nữa. Cuối cùng không ai bị quy trách nhiệm về vụ đắm tàu chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ước tính có đến 1.800 người đã thiệt mạng, trong khi thảm kịch tàu Titanic làm trên 1.500 người chết.

Hơn hai thập kỷ sau đó, những người sống sót trên tàu Sultana từ khắp nước Mỹ đã gặp lại nhau thường niên để tưởng nhớ những người thiệt mạng. Sau khi người sống sót cuối cùng cũng qua đời vào năm 1936, con cháu của họ tiếp tục truyền thống này và các cuộc gặp hàng năm vẫn được tổ chức đến tận ngày nay.

Hoplite – Đội quân hùng mạnh nhất lịch sử Hy Lạp

Hoplite là một trong những đội quân huyền thoại trong lịch sử cổ đại với những chiến thắng lẫy lừng. Với đội quân bộ binh Phalanx hùng mạnh, chiến thuật...

“Sớn sác” hay “Xớn xác”?

Khi nói về người vô ý vô tứ, thiếu suy nghĩ, thường thích tọc mạch, xen vào chuyện người khác để thị phi hoặc thể hiện trong một lĩnh vực...

Sài Gòn năm xưa – Kỳ 4/9 – Xác định vị trí

Có cả thảy mấy vị trí mang tên “Sài Gòn” và tùy thời đại xoay hướng đổi chỗ như thế nào? 1. Prei Nokor,Sài Gòn của Cổ Cao Miên, trước...

Đình làng xưa – Biểu tượng của làng quê

Đã từ rất lâu rồi, khi nói đến văn hoá làng, nói đến nông thôn Việt Nam, người ta liên tưởng ngay tới những hình ảnh rất đặc trưng, làm...

Vì sao kênh đào Suez từng là tuyến đường quan trọng của thế giới?

Kênh đào Suez của Ai Cập - nơi một con tàu chở hàng lớn nhất thế giới đang bị mắc kẹt - có lịch sử từ 150 năm trước. Kênh...

Việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa thời VNCH

Có một so sánh chưa hẳn đã hoàn toàn chính xác nhưng cũng không đến nỗi khập khễnh, đó là, nếu nhà nông ra đồng làm việc cần con trâu,...

Độc lạ món bít tết dát vàng ở nhà hàng của “thánh rắc muối” Nusret Gökçe

Nusr-Et Steakhouse London là nhà hàng đầu tiên của đầu bếp Nusret Gökçe mở cửa tại London. Thương hiệu ẩm thực sang trọng thu hút giới siêu giàu và người...

“Có học phải có Hạnh”  – Hãy Trả Lại Dấu Nặng Cho Câu Tục Ngữ Ấy

“Có học phải có Hạnh” và “Có học phải có Hành”, câu nào đúng? Một thầy giáo trẻ hỏi tôi câu ấy trong giờ ra chơi của học sinh. Tôi hỏi lại: – Ở...

Gánh xiếc đầu tiên của xứ Nam Kỳ

Nhìn lại lịch sử của ngành xiếc Việt Nam, có thể thấy gánh xiếc Cirque Jeune Annam (Tân Nam Việt) của ông Andre Thận ở Sa Đéc là một trong...

Đâu rồi xích lô Sài Gòn xưa

Xích lô là một phượng tiện giao thông rất đỗi quen thuộc của người Sài Gòn những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Thời ấy, người ta có thể...

Chí khí hai bà Trưng và cuộc nổi dậy của tinh thần Việt

Sử sách Việt Nam, dù mới dù cũ, đều dành phần trang trọng nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê,...

Louis Pasteur và niềm tin vào Đấng Sáng Thế

Nhà khoa học nào đóng góp nhiều nhất vào việc cứu sống hàng triệu con người? Ai được ca ngợi là nhà sinh học vĩ đại nhất của mọi thời...

Exit mobile version