Con người sống nơi thế gian bị vây khốn bởi đủ loại dục vọng nhưng nếu một người có thể học được sáu loại bản lĩnh dưới đây thì sẽ không bị dục vọng làm cho mê lạc, bất an, cuộc đời sẽ trở nên thong dong, tự tại.
Trầm tĩnh để nhìn rõ sự tình
Trầm tĩnh là một loại tâm bình thản, là một loại khí phách, một loại bản lĩnh và cảnh giới cao của đời người. Người trầm tĩnh có thể “Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn, tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan”.
Người giữ được bản lĩnh trầm tĩnh chính là giữ được chí hướng, giữ được bản tâm, giữ được sự thanh bần, khí tiết của mình. Muốn giữ được trầm tĩnh cần phải tu dưỡng bản thân trở thành người mà ở ngoài thân thì không vướng bận, ở trong tâm thì an tĩnh.
Tâm một khi không động mới có thể giữ vững được khí tiết. Trầm tĩnh không phải là im lặng, mà chính là ở trong động mà có thể giữ được tâm thái cân bằng. Nó là một loại trạng thái nội tâm trầm ổn, thông qua tự thân điều tiết mà thành. Người có tâm trầm tĩnh có thể nhảy thoát ra khỏi mọi sự mê hoặc của thế tục. Nó cũng có thể làm mất dần tham niệm và những chấp trước mê muội, từ đó mà trí được minh sáng ra.
Đạm bạc để không bị dục vọng vây khốn
Đạm bạc không phải là nhân sinh quan tiêu cực, mà là dùng tâm thái bình thản đối mặt với hết thảy công danh lợi lộc, hưng suy vinh nhục trong cuộc đời. Người đạm bạc, điềm nhiên không màng danh lợi nên tâm chí của họ sáng tỏ. Đứng trước tiền tài, địa vị, cuộc sống xa hoa mà có thể lựa chọn cách sống đạm bạc thì đó phải là người có bản lĩnh lớn.
Trong sách “Hoài Nam Tử: Chủ thuật huấn” của Lưu An, thời đầu Tây Hán viết: “Không màng danh lợi mới định rõ được chí hướng”. Trong “Giới tử thư” của Gia Cát Lượng cũng có trích dẫn: “Không đạm bạc thì không thể sáng cái chí”. Bên Đạo gia cho rằng, nếu như cái tâm của một người không thanh tịnh, ham muốn không giảm xuống thì sẽ khiến cho cái chí của người ấy không sáng tỏ kiên định. Người mà không an định thanh tĩnh thì không thể thực hiện được lý tưởng cao xa, cũng không chịu khó chịu khổ mà học được. Bởi vậy, “đạm bạc” là một loại tư tưởng cổ xưa mà bậc thánh nhân vô cùng xem trọng.
Buông bỏ để thong dong tự tại
Buông bỏ là một loại trí tuệ cũng là một loại dũng khí. Con người khi đến một độ tuổi nhất định cần phải học được cách buông bỏ những gì cần buông bỏ và giữ lấy những gì nên quý trọng.
Con người sống trên đời giống như lữ khách đang bước tiến về phía trước. Nếu chúng ta càng ôm giữ nhiều thì hành trang chúng ta mang theo sẽ càng nặng nề hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải học được bản lĩnh “ném bỏ” một số loại “đồ vật” trên hành trang của mình, như những người bạn “hư tình giả ý”, những “thú vui” rượu chè vô nghĩa, những câu chuyện phiếm vô dụng… Có như vậy, cuộc đời của chúng ta mới thong dong tự tại và nhẹ nhàng hơn.
Cự tuyệt để không bị lầm lạc
Cự tuyệt là một loại khí độ cũng là một loại dũng khí. Miễn cưỡng đồng ý không bằng thẳng thắn, thành thật cự tuyệt. Làm người phải hiểu được rằng, trong cuộc sống những việc gì phải biết cự tuyệt và những việc gì nên tiếp nhận. Cự tuyệt oán hận, tiếp nhận khoan dung. Cự tuyệt dối trá, tiếp nhận chân thành. Cự tuyệt cái ác, tiếp nhận cái thiện.
Một người sáng suốt, khi đứng trước những cám dỗ về mặt lợi ích, danh vọng và tình cảm bất chính thì phải biết cự tuyệt. Chỉ người có bản lĩnh nói lời cự tuyệt trước những điều không hợp đạo nghĩa mới có thể không bị lầm đường lạc lối, mới khiến cho cuộc sống của họ bình an, khoái hoạt. Trong cuộc sống, những người vì hư vinh, vì thể diện, vì tình mà không dám hợp thời cự tuyệt sẽ khiến cuộc sống của họ rất nặng nề, bất an.
Khoan dung để giải thoát chính mình
Khoan dung là một loại phẩm chất cao thượng. Khoan dung, rộng lượng, ý chí phóng khoáng là biểu hiện của một người có tu dưỡng. Người có tấm lòng khoan dung sẽ xây dựng được các mối quan hệ tường hòa, thân thiện với những người xung quanh. Họ cũng luôn được người khác tôn trọng và sùng kính.
Khoan dung người khác cũng là khoan dung, giải thoát chính mình. Người có thể khoan dung người khác thì trong tâm sẽ không vì những chuyện nhỏ mà phát sinh phiền não. Cuộc sống của những người có tấm lòng khoan dung cũng luôn thoải mái và vui vẻ. Họ cũng có được nhiều mối quan hệ tốt đẹp với người khác hơn.
Mỉm cười trao thiện ý cho người khác
Mỉm cười là một loại thái độ, một loại lĩnh ngộ, cũng là một loại tu hành. Một người khi ở vào nghịch cảnh vẫn có thể nở nụ cười thì đó phải là người có bản lĩnh hơn người. Người ta nói rằng, nụ cười giống như một đóa hoa xinh đẹp nhất nở trên khuôn mặt. Nụ cười luôn làm rung động người khác, khiến người khác vui mừng theo, và khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, trở nên thân thiết hơn.
Điều quan trọng nhất là mỉm cười không chỉ cho người khác thấy vẻ đẹp bên ngoài của chúng ta mà nó còn truyền đạt tín tức, giúp thể hiện tấm lòng của chúng ta với đối phương. Nụ cười luôn mang đến cho người khác niềm vui và niềm hạnh phúc, mang đến sự thỏa mãn về tinh thần.
Người thường xuyên nở nụ cười trên khuôn mặt chính là đem thiện ý trao cho người khác. Nó không hề mất một đồng phí nào mà còn sáng tạo ra giá trị vô cùng to lớn. Đôi khi hai người gặp nhau chỉ cần mỉm cười đã là một cách chào hỏi đủ để một người cảm thấy tinh thần phấn khởi trong cả ngày. Người thường xuyên mỉm cười như vậy cũng sẽ thường xuyên gặp được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
An Hòa