Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Bạn nên ứng xử thế nào với những người ăn xin?

Anh muốn cư xử một cách có đạo đức và anh cảm thấy cực kỳ khó xử khi đi ngang qua những người ăn xin, điều đó nghe thật là hay. Sự cảm thông, mẫn cảm… Nhưng đó thật ra là những tình cảm yếu đuối và không nhất thiết hữu ích trong việc cứu trợ thật sự.

Bài phỏng vấn bà Janina Ochojska – nhà hoạt động từ thiện Ba Lan nổi tiếng, chủ tịch – nhà sáng lập tổ chức thiện nguyện phi chính phủ “Hoạt động nhân đạo Ba Lan” – dưới đây (Grzegorz Sroczynski thực hiện, đăng trên Gazeta Wyborcza – nhật báo lớn nhất Ba Lan) là một góc nhìn có khá nhiều điểm mà Việt Nam có thể tìm thấy sự tương đồng.

– Có nên cho tiền những người ăn xin không?

– Không cho.

– Thế nếu là một đứa trẻ ăn xin thì sao?

– Cũng không cho. Đứa trẻ bị lợi dụng để làm anh cảm động và để moi tiền anh. Kẻ kiếm được tiền là người khác, cả một băng nhóm. Một người quen của tôi làm việc trong tu viện ở Kraków đã quan sát những người ăn xin trước tu viện, họ kiếm tiền rất khá. Một ngày có thể kiếm được 300 zloty (khoảng 100 USD) và người ăn xin phải mua chỗ.

Một bà mẹ ngồi với đứa con nhỏ, trông có vẻ nghèo rớt mồng tơi, chắc là họ nghèo thật, nhưng có kẻ đã đặt họ ngồi vào chỗ ấy và thu tiền. Người quen tôi có lần nhìn thấy hắn sau khi thu tiền đã đi về bằng taxi.xxx

– Có lời khuyên chung nào để người được nhận sự giúp đỡ không cảm thấy tủi thân?– Tôi nhớ chuyện hồi nhỏ, khi một bà của cứu trợ xã hội bước vào lớp và nói: “Chúng ta sẽ mua quần áo cho các bạn nghèo. Ochojska không có áo khoác, vậy ta sẽ mua áo khoác cho bạn, còn cho Kowalska thì mua quần”. Khi đó tôi cảm thấy rất kinh khủng. Nếu tôi phải đưa ra một lời khuyên thì nó sẽ là không chỉ mặt điểm tên.

– Bằng cách này giới trung lưu Ba Lan rũ bỏ trách nhiệm của mình. “Toàn là những kẻ đểu cáng, họ muốn lừa tiền của chúng ta” – chúng ta lặp đi lặp lại điều đó và thờ ơ lướt qua những người ăn xin.

– Tôi chơi thân với xơ Chmielewska (Małgorzata Chmielewska – nữ tu sĩ Ba Lan nổi tiếng với các hoạt động thiện nguyện.), bà cũng có ý kiến: không cho tiền những người ăn xin. Một đứa trẻ buổi tối không mang tiền về sẽ bị đánh. Có thể như thế. Nhưng nếu tôi cho tiền, đứa trẻ cũng vẫn phải chịu hình phạt bởi nó sẽ vẫn tiếp tục bị cho đi ăn xin.

Ném ra một đồng xu, bạn không làm cho cuộc sống của họ thay đổi gì. Bạn không giúp đỡ được họ. Hiệu quả duy nhất là bạn vỗ về được một chút cho lương tâm của mình: ồ, tôi đã làm được một việc gì đó, tôi đã không thờ ơ đi ngang qua.

– Lương tâm cũng quan trọng chứ.

– Quan trọng là giúp đỡ, chứ không phải là giải quyết cho lương tâm yên ổn.

Bà nghĩ điều gì tốt hơn: khiến người ta vô cảm với những người ăn xin, lướt qua họ một cách thờ ơ, không cho gì hết hay đôi khi cho vài đồng xu lẻ?

– Vậy thì tốt hơn là không cho gì hết.

– Tôi thấy khó lòng đồng ý với điều này.

– Những người thật sự thành đạt ở Ba Lan thường vô cảm với cái nghèo. Họ cho rằng thành công của họ duy nhất chỉ nhờ vào tài năng và họ không nợ ai điều gì hết. Một yếu tố của sự tự mãn này thường là quan điểm cho rằng nếu ai đó được đứng trên bục cao của cuộc đời thì chắc hẳn là do anh ta xứng đáng.

“Không có cái nghèo, chỉ có những người lười nhác” – đó là phiên bản dân túy luận của các tầng lớp cao. Và lời khuyên tuyệt đối “không cho” của tôi có thể trở thành công cụ hữu hiệu cho họ, cũng như câu chuyện về những băng đảng ăn xin.

– Chính thế.

– Tôi không muốn gỡ bỏ trách nhiệm cho người Ba Lan, nhưng hãy để sự mẫn cảm của họ đơm hoa kết trái thành một điều gì đó sáng suốt hơn là cho tiền lẻ ngoài đường. Vài đồng xu? Anh mua sự yên ổn cho lương tâm mình với giá quá rẻ mạt! Anh sẽ ném ra những đồng xu lẻ suốt cuộc đời mình và tự dối mình rằng anh không thờ ơ với số phận của đồng loại.

Tốt hơn là đừng cho, hãy để lương tâm nhạy cảm của anh đau khổ một chút và có thể rốt cuộc nó sẽ ra lệnh cho anh làm một điều gì đó nghiêm túc. Sự cắn rứt lương tâm có thể trở nên rất sáng tạo.

Một người bạn tôi từng hỏi một câu khó hơn: “Tôi dắt con trai đi trên phố, tôi muốn giáo dục cho nó về xã hội. Một người phụ nữ có bầu ngồi ăn xin. Tôi phải làm gì? Thờ ơ đi qua? Thế thì con tôi sẽ học điều đó. Cho tiền? Như thế cũng không tốt”.

Bạn tôi cùng cả gia đình đã tham gia giúp đỡ những người tàn tật từ nhiều năm, anh muốn dạy con việc làm thiện nguyện. Và anh muốn cư xử thích hợp trong cả những tình huống trên đường phố như thế này, để không phô bày chứng tâm thần phân liệt về đạo đức.

Tôi khuyên anh dạy con trong những tình huống như thế này thay vì cho tiền phải biểu lộ sự quan tâm. Đó là phản ứng tốt nhất.

– Sự quan tâm?

– Hãy tiếp cận. “Mẹ của em ở đâu?”, “Vì sao em đứng ngoài đường?”, “Em từ đâu đến?”. Tất nhiên sự tiếp cận này sẽ không dễ dàng bởi người ăn xin có thể không muốn điều đó, sẽ làu bàu khó chịu. Có thể họ không biết tiếng Ba Lan, nếu đó là một gia đình người Di-gan từ Romania. Nhưng cần phải cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh của người đó.

Sau đó nói với con: “Con à, có các nhà tế bần và những tổ chức khác nhau, khi về đến nhà chúng ta sẽ gọi cho họ ngay và cố gắng làm điều gì đó”. Ví dụ, anh hãy tra trên mạng “quận Mokotów – nhà tế bần” hay “quận Mokotów – cứu trợ trẻ em”.

Anh gọi điện cho họ: “Ở số 80 đường Độc Lập có một em bé ăn xin, các ông bà có giúp được không?”. Hôm sau đứa trẻ cũng sẽ vẫn đứng đó mà.

– Còn họ sẽ phân bua rằng họ không phải là tổ chức có thể giúp được, và không thể làm gì.

– Rõ là như vậy. Đừng hi vọng rằng anh gọi điện và người ta sẽ cuống quýt lên: “Ôi ôi, ông thật cao cả khi gọi điện đến như vậy! Ôi, chúng tôi chạy ngay đến đó đây”. Đây chính là sự khác biệt giữa việc ném vài xu lẻ ngoài đường và sự chú tâm thật sự, cái thứ hai thường không dễ chịu và đòi hỏi sự kiên định.

Nơi đầu tiên sẽ nói đó không phải là việc của họ. Nhưng có thể họ sẽ biết phải liên hệ chỗ nào và cho số điện thoại. Nếu không thì anh tiếp tục tìm trên mạng. Anh cố gắng tìm được tổ chức thông thạo khu vực này và hứa sẽ kiểm tra tình hình đứa trẻ cùng gia đình nó.

Vài ngày sau anh lại gọi điện xem họ có xác minh thêm được gì không. Và khi đó chính là lúc để rút ví. Các tổ chức như vậy, dù lớn hay nhỏ, rất nhiều và họ luôn có khó khăn về tài chính.

– Ở Ba Lan các tổ chức xã hội không được tin tưởng.

– Nếu anh hỏi một người bất kỳ xem anh ta có biết tổ chức nào có thể giúp đỡ trong quận hay trong thành phố của anh ta hay không, thì tôi dám cá rằng anh ta không thể nói được tên tổ chức nào cả. Người giàu lại càng không, vì họ sống trong khu khép kín. Người Ba Lan không biết về sự tồn tại của các định chế cứu trợ một cách đáng đau lòng.

Những người bỗng dưng bất ngờ gặp khó khăn, họ làm gì? Họ gửi thư cho những nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng và truyền hình. Đấy là tất cả những gì họ có thể nghĩ ra được.

Một lần tôi đến xem chương trình của Elzieta Jaworowicz về một cô gái có nguy cơ bị đuổi ra đường. Những trường hợp như thế ngày một nhiều, vì tòa án bắt đầu phán quyết nhiều bản án vô tâm. Khắp nơi (nhà cô) bừa bộn khủng khiếp, giẻ rách vung vãi.

Tôi hỏi: “Cô không thể dọn dẹp một chút sao? Để thấy được có chút cố gắng từ phía cô”. Không. Cô ấy ĐỢI sự giúp đỡ của truyền hình. Nhân viên của tổ chức địa phương nói rằng cô ta không hề liên hệ với họ, mà họ có ngân sách cho những trường hợp như vậy.

Truyền hình thật ra gây hại, bởi nó có thể làm đình đám mọi sự cứu trợ bằng một phương pháp vô hạn định. Một người cần 1.000 để bơi tiếp bằng chính sức lực của mình, bỗng nhiên lại nhận được 100.000. Sau trận lụt năm 2001, truyền thông đưa công khai số tài khoản cá nhân của những người bị nạn, không ai kiểm soát tiền bạc.

Chúng tôi cùng báo Gazeta Wyborcza xây nhà cho những người bị lụt và có một cô nhận được thêm 250.000 trong tài khoản. Cô thường được lên tivi, đúng là cô ấy rất khó khăn. Thế là cô ấy mua một chiếc xe oách, đi vòng quanh Ba Lan và chúng tôi không thể giao nhà mới cho cô ấy. Con cái thì chị cô ấy phải nuôi.

Một sự trợ giúp thiếu kiểm soát như vậy có thể trở nên sai lầm, bởi không phải ai cũng biết sử dụng nó một cách sáng suốt. Tôi cho rằng tốt hơn nên chuyển tiền cho một tổ chức địa phương, một định chế có tài khoản ngân hàng và có thể giám sát điều đó. Họ sẽ giúp ở mức vừa đủ và số tiền thừa ra để dành cho những người khác.

– “Tôi chẳng bao giờ cho ai cái gì, toàn là phường lừa đảo hết” – một người quen của tôi nói vậy.

– Một người bất hạnh.

– Cuộc phỏng vấn của chúng ta khẳng định thêm điều đó.

– Nhưng xin lỗi, ai mới là người có lỗi về chuyện cứu trợ vô trách nhiệm? Về việc một số tổ chức lợi dụng? Tôi biết điều tôi nói đây sẽ khiến nhiều người nhảy dựng lên, nhưng vấn đề nằm ở những người cho! Nếu những người đóng góp muốn có bản quyết toán, quan tâm đến việc tiền của mình được sử dụng ra sao thì các tình huống như vậy đã ít hơn.

Một ông đến chỗ chúng tôi và cho 1 triệu zloty để xây giếng nước ở Sudan, chúng tôi ký hợp đồng đàng hoàng và trình cho ông ấy bản quyết toán đầy đủ.

Nếu anh cho tùy tiện thì người ta cũng chi tùy tiện. Nếu anh cho hợp lý thì tiền sẽ được chi hợp lý. Hợp lý là gì? Điều này đòi hỏi nỗ lực, đi lại, kiểm tra, quan tâm. Sự chú tâm đến nó. Chứ không phải là giả vờ làm những cử chỉ cao đẹp, ném ra cả đống tiền bằng phản xạ của trái tim bởi đứa trẻ mồ côi khiến ta xúc động.

Chúng ta cho rằng bản thân việc cho tiền đã cao đẹp đến mức có thể miễn trừ mọi nỗ lực khác. Chỉ cần cho tiền và cả thế giới phải lấy làm hạnh phúc.

Sở hữu tiền bạc là một trách nhiệm. Một người may mắn trong cuộc sống và phải có trách nhiệm chia sẻ. Chia sẻ một cách thông minh.

– May mắn?

– Tôi cố ý dùng từ này. Tất nhiên, có thể nói: tôi giỏi, tôi chăm chỉ, vì thế tôi có được như vậy. Nhưng đó không phải là toàn bộ sự thật của cuộc sống. Bởi nhiều người từ điểm xuất phát đã được cuộc đời ban tặng rất nhiều: một nơi sinh tốt hơn, trong nhà đầy sách, vốn văn hóa, hay có thể bố mẹ có những người quen biết xin việc cho, rồi sau đó nhờ thông minh và chăm chỉ tôi thành công ngoạn mục…

Dẫu sao đi nữa thì người đó cũng có nhiều cơ hội. Nhưng có những người không nhận được những cơ hội ấy hoặc họ rất bị hạn chế. Họ giỏi, chăm chỉ, mặc dù vậy họ không thành công. Ví dụ tôi là một người rất may mắn, tôi được số phận ban tặng rất nhiều và tôi coi điều này là một món nợ.

Cứu trợ là sự chọn lọc, lựa chọn. Đôi khi tàn nhẫn.

– Sự chọn lọc?

– Lần đầu tiên tôi phải đưa ra một quyết định là ở Sarajevo. Tôi phải quay về thành phố, xe tải của chúng tôi đã chuẩn bị lên đường. Tôi trở về xe và thấy một phụ nữ ngồi trong đó cùng một bé trai và hai cái vali. Cô van xin chúng tôi mang cô đi khỏi Sarajevo.

Và… anh biết đấy…, tôi phải đuổi cô ấy xuống xe. Bởi chúng tôi đi cùng với một toán quân Serbia và nếu không có họ thì chúng tôi không đời nào vào được Sarajevo. Thế là tôi đuổi cô ấy xuống giữa trời tuyết, tôi đã bỏ lại đứa trẻ giữa lòng chiến trận.

Tôi luôn nghĩ về người phụ nữ này, không biết cô có sống sót không. Và về cậu bé. Anh biết không…, cô ấy… quỳ giữa tuyết… và van xin tôi. Còn tôi…

– Lần đầu tiên tôi thấy bà khóc. Điều này không hợp với bà chút nào.

– Tôi nhớ tiếng khóc của cô ấy. Tóc cô ấy đen. Tôi nhớ người phụ nữ đã quỳ xuống và hôn chân tôi. Đúng thế. Và cậu bé ấy, kêu khóc ở đó…

Cứu trợ không phải là một câu chuyện cổ tích, tôi đã hiểu ra điều này. Sẽ không dễ chịu và phải mạnh mẽ về tâm lý.

– Phải tàn nhẫn.

– Anh có thể gọi như vậy. Tôi muốn dùng từ này hơn: kiên quyết. Để cứu trợ, cần có một điều gì đó bề ngoài có vẻ như trái ngược với đặc thù của nó – chính là cái đầu lạnh. Khoảng cách.

– Bà nổi tiếng về điều này. Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy bà thường lạnh lùng đến thế khi kể về những người mà bà giúp đỡ.

– Tôi tỉnh táo. Tôi không thể giúp tất cả mọi người. Tôi phải chọn lựa. Và khi đã chọn lựa thì thực hiện một cách tốt nhất.

Chỉ có người như bà mới có thể cho phép mình đuổi một phụ nữ ra khỏi xe. Bởi bà làm những việc khác quan trọng hơn. Nhưng tôi thì không thể cho phép mình làm như vậy mà đạo đức không tan nát. Và cũng thế, tôi không thể lướt qua những người ăn xin ngoài phố một cách thờ ơ mà không cho họ tiền. Đây chính là sự khác biệt giữa chúng ta.

– Vậy thì anh hãy bắt tay vào làm điều gì đó quan trọng đi! Hay để tâm vào đi!

Anh muốn cư xử một cách có đạo đức và anh cảm thấy cực kỳ khó xử khi đi ngang qua những người ăn xin, điều đó nghe thật là hay. Sự cảm thông, mẫn cảm… Nhưng đó thật ra là những tình cảm yếu đuối và không nhất thiết hữu ích trong việc cứu trợ thật sự.

Tôi nhớ một cô gái đã được huấn luyện và chuẩn bị, nhưng khi nhìn thấy lũ trẻ mặc áo rách và quần thủng đít chạy theo cô ấy và kêu la: “Cho em một đồng” thì cô ấy bắt đầu phân phát hết không chỉ kẹo và tiền mà tất cả những gì cô ấy có trong người, vừa cho vừa khóc. Chúng tôi đưa cô ấy về trại và phải rút cô ấy khỏi Sudan. Đó không phải là đất nước dành cho cô ấy.

– Phải khiến những người như thế trở nên mất cảm giác, theo một nghĩa nào đó?

– Anh có thể gọi như thế. Tôi thì sẽ nói là làm cho họ trở nên thực tế.

Một người quen có lần kể cho tôi nghe ông đi tham quan ở Ấn Độ và khi nhìn thấy sự nghèo đói ở đó, ông đã thật sự xúc động, Sự thấu cảm, phản ứng của trái tim, những cảm xúc dâng trào khác… Ở một địa danh du lịch ông gặp một cô bé xinh xắn dễ thương, cô bé dẫn ông về nhà, ông trò chuyện với bố mẹ cô bé. Họ không muốn xin tiền, nhưng mơ ước có một quầy hàng nhỏ và họ cần có một cái xe bò. Ông đã mua xe bò cho họ.

Có thể nói rằng ông đã xử sự đúng mẫu: cho cần câu chứ không cho con cá. Và ông rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo. Chúng chuyên lừa những khách du lịch giàu có, nhưng chúng biết xin tiền đã trở thành một việc đáng ngờ, nên chúng nghĩ ra câu chuyện về quầy hàng và cái xe bò.

Có thể nói chúng đã điều chỉnh món hàng thị trường của mình cho phù hợp với trí tưởng tượng của một khách du lịch phương Tây được dạy dỗ tử tế về xã hội. Tất nhiên là chúng bán lại cái xe bò ngay lập tức, chúng đã thỏa thuận trước với người bán rồi.

Việc giúp đỡ có hiệu quả không? Đó là câu hỏi quan trọng nhất. Chúng ta hãy kết thúc lớp vỡ lòng về cứu trợ.

– Nhưng thế thì sao chứ? Dẫu sao họ vẫn nghèo khổ thật mà.

– Tất nhiên. Nhưng bằng cách đó họ học được rằng có thể kiếm tiền nhờ lừa đảo. Và điều đó làm hỏng họ. Không ai nói với tôi rằng lừa đảo, lợi dụng sự giúp đỡ có thể mang lại điều gì đó tốt lành.

– Bà nói gì với ông người quen?

– “Chính ông có lỗi. Cô bé làm ông xúc động và ông không tìm hiểu gì thêm về gia đình nó… Ở đó có hàng xóm, các tổ chức địa phương, ông có thể hỏi trước xem những người ấy có cần giúp thật không”.

Để kiểm tra, ông ta sẽ phải tách ra khỏi đoàn tham quan và ở lại thêm hai ngày.

Chính thế. Phải chú tâm một cách NGHIÊM TÚC. Còn chúng ta thì thường muốn sửa chữa thế giới khi thể nghiệm những xúc cảm nhất thời.

– Người Ba Lan có tốt không?

– Người ta nói chung không xấu, chỉ có điều đôi khi họ thiếu kiến thức. Nếu giải thích cho họ, họ sẵn lòng thay đổi. “À, đúng vậy, bây giờ mọi thứ đều rõ ràng”.

Vua Hùng – Quốc tổ của dân tộc Việt Nam

Với chiều dài 2.622 năm, thời kỳ Hùng Vương đã để lại nền văn hóa đặc sắc với nội hàm thâm sâu cho dân tộc. Đó là một thời kỳ...

Sài Gòn Tạp Pín Lù – Chuyện 1 cô lưu lạc

Chuyện một cô lưu lạc (nhan nầy do bà V.A. chọn như vậy). Nếu tôi cứ ăn ở theo sách, cứ lấy chồng trong làng, cứ an phận tuỳ duyên,...

Năm hạng tang phục (Ngũ phục) là gì?

Theo "Thọ mai gia lễ", có năm hạng tang phục tuỳ theo quan hệ huyết thống và nghĩa tình phân biệt thân sơ: 1.Đại tang: Trảm thôi và tề thôi....

Công việc xuất bản và phát hành tại miền Nam trước 1975

Nếu so sánh nền văn học của một quốc gia như là phần trí tuệ và tình cảm của một con người thì việc in sách, phát hành sách, việc...

Hãy sống đơn giản

Có bao người mải mê với vòng quay cơm áo gạo tiền thường nhật mà quên đi những niềm hạnh phúc bình dị đời thường. Có bao người mải mê...

Chữ “Kim” trong tiệm vàng

Chữ Kim ở các tiệm vàng. Trước 1975 ở miền Nam, tên tiệm vàng nào cũng có chữ “Kim”. Nó bắt nguồn từ một thương hiệu vàng nổi tiếng ở Việt Nam...

Con dấu Hoa Lộc dùng để làm gì?

CON DẤU HOA LỘC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ? (khoảng từ 2000 trCN đến 1200 trCN) Họa sĩ Đức Hòa Đương thời với Phùng Nguyên còn có một Văn hóa khảo...

Thầy hay Thầy Giáo có từ bao giờ

Đối với dân Nam kỳ lục tỉnh thời Pháp thuộc, cứ hễ dân công chức, có ăn có học thời người ta gọi là thầy Hai, người Hoa buôn bán...

Triều Nguyễn có đặt ra lệ “Bất Lập Trạng Nguyên” không?

Trong mục “Chuyện Đông, Chuyện Tây” đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày nay số 260 phát hành ngày 10/10/1997, ông Trịnh Hồng Lĩnh sau khi đọc một số sách báo đã...

Sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam qua ảnh của Kyoichi Sawada

Những bức ảnh gây bàng hoàng về cuộc chiến tranh Việt Nam do Kyoichi Sawada – phóng viên chiến trường nổi tiếng của hãng thông tấn UPI (United Press International)...

Cổ Loa – tòa thành cổ nhất của người Việt

Là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, thành Cổ Loa là tòa thành cổ nhất Việt Nam....

Thiếc thay một đoá “đồ mi” hay “trà my”?

273. Kiến thức ngày nay, số 182, ngày 10-8-1995, Dòng 845 của Truyện Kiều là: “Tiếc thay một đoá trà mi” Còn Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh...

Exit mobile version