Nếu bạn không đủ tiền mặt để mua món đồ cần, bạn quẹt thẻ tín dụng.
Bạn biết mình cần phải tiết kiệm tiền để dự phòng những tình huống khẩn cấp hoặc cho tuổi già sẽ tới. Nhưng bạn chẳng kịp làm gì vì đang đau đầu xoay sở với các khoản chi tiêu hàng ngày.
Và khi nói đến quản lý tài chính cá nhân, bạn lắc đầu: Tôi không biết.
Cũng như rất nhiều người trong độ tuổi lao động của Việt Nam, bạn đang gặp phải 4 vấn đề về tài chính cá nhân nổi cộm. Dưới đây là các phân tích cụ thể và những lời khuyên thiết thực cho bạn để thay đổi tương lai của mình với các giải pháp 4.0 đơn giản và hiệu quả.
1. Bạn không biết tiền đã đi đâu hết
Việc đầu tiên của quản lý tài chính cá nhân là theo dõi thu chi.
Hãy nhìn vào bảng kê các khoản chi tiêu của bạn trong các tháng và hãy phân loại các khoản chi tiêu. Bằng cách này, bạn sẽ có được cái nhìn tổng thể: bạn dành bao nhiêu cho ăn uống đi lại, tiết kiệm, trả lãi vay ngân hàng…
Nhưng việc này đúng là chán ngắt và tốn nhiều thời gian. Nên ngoài cách thủ công và mệt mỏi trên, bạn có thể chủ động tải các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân.
Các ứng dụng này cho phép bạn thiết lập kế hoạch chi tiêu trước, ghi chép các giao dịch hàng ngày, và xem báo cáo số dư định kỳ cũng như nhiều tính năng hỗ trợ khác.
2. Bạn không tự mình thực hiện được
Vì bạn không đủ kiến thức, kinh nghiệm để thực hành; hoặc đơn giản là bạn không đủ kỷ luật để tự tuân thủ.
Quản lý tài chính cá nhân cũng giống như luyện tập thể lực vậy. Nếu bạn không thể tự mình làm được, hãy nhờ sự giúp đỡ.
Ở các trung tâm thể thao, sẽ có các hướng dẫn viên hỗ trợ bạn thực hiện những động tác phù hợp với thể trạng của bạn. Và họ cũng tập cùng bạn, để khích lệ tinh thần của bạn nữa.
Còn nếu bạn không biết phân bổ chi tiêu như thế nào cho hợp lý, hãy chia sẻ với các chuyên gia. Họ sẽ cùng bạn phân tích thói quen chi tiêu của bạn, sau đó đưa ra những đề xuất khả thi và tốt cho tương lai của bạn nhất.
3. Bạn không mua được giá tốt nhất vì sai thời gian và địa điểm
Các hãng công nghệ hay thời trang tung ra sản phẩm mới nhất, và bạn đã chạy bổ tới xếp hàng mua. Hãy dừng lại. Hãy tập thói quen mua đồ vào giai đoạn sau của vòng đời sản phẩm: khi giá bắt đầu giảm và có kèm theo nhiều chính sách khuyến mãi.
Hoặc bạn vừa mua một món đồ tâm đắc, nên hớn hở khoe với mọi người. Nhưng lại có đồng nghiệp ái ngại nói giá cô ấy mua rẻ hơn nhiều, ở cửa hàng phố bên kia. Nghe xong bạn thấy như có gáo nước lạnh dội vào đầu, và thật xót xa cho số tiền bị hớ giá.
Tất cả những gì bạn cần là thông tin đầy đủ, từ đó có được quyết định mua sắm hợp lý nhất.
Để cập nhật tin tức về các chương trình giảm giá, hãy nhấn nút “Theo dõi” trên các trang bán hàng của họ. Bạn cũng có thể tải các ứng dụng mua sắm tiện lợi như Clingme, Websosanh, Tiki, Lazada, Shopee…
Clingme ngoài thông tin về các sản phẩm ưu đãi, còn có chính sách hoàn tiền theo % hóa đơn thanh toán. Websosanh sẽ cung cấp cho bạn bảng đối chiếu giá của cùng một sản phẩm ở tất cả các địa điểm bán hàng trực tuyến, giúp bạn mua hàng với giá tốt nhất. Hay, các ứng dụng Tiki, Lazada, Shopee cũng giúp bạn tiếp cận không giới hạn tới các nguồn hàng đa dạng, đảm bảo bạn được lựa chọn trên thị trường hoàn toàn cạnh tranh.
4. Bạn không biết mình có đang đi đúng hướng không
Các tổ chức tài chính lớn vận hành như sau: Họ so sánh xem họ đang thu phí dịch vụ bao nhiêu, và các đối thủ của họ thu mức nào. Họ cũng đánh giá xem họ thiếu sản phẩm gì so với các đơn vị khác cùng quy mô.
Bạn cũng cần làm điều tương tự để đạt được thành công. Bạn có biết những người cũng độ tuổi của bạn đang kiếm được bao nhiêu tiền; họ chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư như thế nào không. Nếu bạn không biết, hãy tìm hiểu.
Cho tới khi bạn biết, bạn sẽ có được mục tiêu tài chính của riêng mình để hành động. Bạn sẽ thấy mình có thể vượt qua được những giới hạn của bản thân.
Có nhiều nguồn để tham khảo thông tin. Hãy nói chuyện với bạn bè, nhưng phải là những người thành công hơn bạn. Hoặc làm việc với chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân nếu bạn có thể trả phí.