Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Game Show Việt – Ngày càng nhảm nhí, rẻ tiền và dung tục

Các chương trình vui học, giáo dục, khám phá ngày một thiếu vắng dần trong khi những game show truyền hình giải trí hiện nay càng xàm, nhảm và dung tục thì lại có lượng người xem hùng hậu, đó là một nghịch lý đáng buồn của xã hội Việt Nam…

Cư dân mạng được phen tá hỏa khi xem chương trình “Kèo này ai thắng” với phần thử thách là ném dao vào củ cải trắng. Để tăng phần gay cấn, người ta còn cho một cô người mẫu dùng miệng và tay giữ củ cải trông rất phản cảm. Sau đó, đoạn clip này được nhà sản xuất phát tán tràn lan lên YouTube.

Đặc biệt, gameshow hẹn hò “Ngôi sao tình yêu” khá nhảm nhí với nhân vật nữ ăn mặc thiếu vải, cùng cảnh đặc tả chàng trai gục đầu vào ngực cô gái, hay cô gái ngã vào lòng bạn nam… Còn gameshow “Come out” (Bước ra ánh sáng) lại đi sâu vào chuyện phòng the của người chuyển giới. Bên cạnh đó còn có chương trình “Dare Pong” từng gây tranh cãi trong giới trẻ với những màn nóng mắt đến đỏ mặt. Mặc dù mùa 2 gameshow này có ghi thêm “Clip có nội dung nhạy cảm và một số cảnh có người xem có thể thấy khó chịu”, nhưng để làm gì khi tính chất nguy hại, phản cảm của chương trình vẫn tồn tại?

Trò luyện hôn gây tranh cãi trong một chương trình hẹn hò.

Cô gái đưa vòng 1 cho bạn trai tựa đầu vào ngực trên truyền hình (tập 23 chương trình Ngôi sao tình yêu)

Chính vì thế, càng về sau, càng có những gameshow biến tướng mà không ai bị phạt hay bị chấn chỉnh về mặt nội dung. Điều đó cũng cho thấy các nhà sản xuất bí đề tài, phải mua bản quyền các nước nhưng khi đưa vào Việt Nam lại không có sự chỉnh sửa format cho phù hợp tâm lý và thuần phong mỹ tục.

Nhằm câu kéo sự chú ý của khán giả, câu chuyện một số game show truyền hình gây sốc vì nội dung nhạy cảm, dung tục và vô duyên đã không ít lần khiến khán giả ngán ngẩm…Nhưng càng gây tranh cãi, lượt xem chương trình càng tăng lên. Đây có lẽ là lý do bất chấp phản ứng của dư luận, những game show nhảm nhí và vô duyên vẫn tiếp tục được sản xuất và thậm chí, độ táo bạo còn ngày một tăng hơn.

Tập 351 chương trình “Vợ chồng son” ngay sau khi lên sóng đã bị truyền thông và dư luận phản ứng dữ dội khi khai thác quá sâu về chuyện giường chiếu của cặp vợ chồng từng là cha và con gái nuôi của nhau. Trong đó, có đoạn cặp đôi có nhắc đến một lần đi chơi về khuya, anh Nguyễn Văn Hưng phải thuê phòng khách sạn với chị Nguyễn Thị Nhất cùng con trai nhỏ của chị.

“Vào đó, tôi lướt Facebook, bé trai nghịch điện thoại còn cô ấy đi tắm. Sau đó cô ấy giục tôi đi tắm, tôi bảo “con cho em bé ngủ đi để bố đi tắm… Đến khi tôi tắm xong thì hai mẹ con cô ấy nằm ở bên trong, tôi sợ cô ấy đánh giá lần nữa nên nằm ở mép ngoài cùng vì sợ mất mặt. Nhưng, khi cô ấy cho thằng bé ngủ xong, tôi cứ tưởng hôm nay sẽ thất bại nốt thì không ngờ cô ấy bảo… Nói thật chứ, gái một con trông mòn con mắt…”, anh Hưng kể lại.

Không dừng lại ở đó, cặp đôi này còn vô tư kể nhiều chuyện về cuộc sống vợ chồng hằng ngày khiến khán giả đỏ mặt. Trước đó, chương trình này cũng nhiều lần bị phản ứng gay gắt vì khai thác quá tỉ mỉ chuyện “phòng the” của các cặp đôi tham gia, thậm chí có nội dung còn do chính MC chủ động gợi mở. Chẳng hạn khi khách mời Hanna Giang Anh đang kể tật xấu của chồng, MC Quốc Thuận liền hỏi: “Trong chuyện “trả bài”, anh ấy có nhiệt tình không?”.

Trong tập có khách mời Phạm Hy và Tôn Tuấn Kiệt tham gia, game show “Trí khôn ta đây” gây chú ý bởi câu hỏi thách đố có phần nhạy cảm, dung tục.

Cụ thể, câu hỏi số 5 được chương trình đưa ra: “Cái gì nằm giữa hai chân người đàn ông?”. Thậm chí, trước khi đặt câu hỏi này, MC Sam còn ngại ngùng khuyên người chơi nên suy nghĩ gần gũi. Sau đó, đáp án được Phạm Hy đưa ra là cái đáy quần. Chưa dừng lại ở đó, Sam còn hài hước bắt bẻ: “Lỡ người đàn ông đó không mặc quần thì sao?”.

Sau Rap Việt và King Of Rap, chương trình rap cho trẻ em Rap Kids Vietnam 2020 nhanh chóng được ra mắt để theo kịp trào lưu. Thế nhưng, vừa công bố hình ảnh vòng casting về những gương mặt nhí ấn tượng, chương trình đã nhận về hàng tá “gạch đá” vì không phù hợp với đối tượng tham gia.

Rap Kids chưa lên sóng đã bị chỉ trích là không phù hợp với đối tượng trẻ em

Nhiều khán giả lên tiếng đòi tẩy chay chương trình vì không muốn nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ buộc phải lớn sớm. Bởi lẽ, rap là dòng nhạc cá tính, mạnh mẽ, cần sự am hiểu về ngôn từ và vốn sống sâu sắc, thậm chí đến người lớn muốn tìm hiểu cũng phải nghiên cứu một cách thật cẩn thận. Thế nhưng, Rap Kids giới hạn độ tuổi từ 5 – 15 tuổi. Chưa kể, ở vòng casting chương trình, một đoạn video được tung lên mạng xã hội ghi lại hình ảnh một thí sinh 10 tuổi trình diễn đoạn rap với nhiều ngôn từ nhạy cảm.

Trước làn sóng phản đối, thay vì ra sức trấn an dư luận, ban tổ chức Rap Kids còn mạnh dạn “châm dầu vào lửa” khi đáp trả khán giả gay gắt. Cụ thể, admin của fanpage đã liên tục thể hiện sự hung hăng, tức giận khi nhận được bình luận trái chiều. Hơn nữa, nhân vật đã không phản bác thì thôi, một khi trả lời thì lại… sai chính tả.

Rap Kids là chương trình tiêu biểu cho xu hướng không cần khán giả khi admin của fanpage liên tục trả treo với cư dân mạng

Trong cuộc chiến rating ngày càng khốc liệt, nhà sản xuất tìm đủ mọi cách để thu hút sự chú ý của khán giả, thậm chí tạo điều kiện để giám khảo – thí sinh được “đánh cãi chửi nhau” trên sóng truyền hình. Vietnam’s Next Top Model và The Face là ví dụ.

Thí sinh Vietnam’s Next Top Model từng cãi vã, hất nước vào mặt nhau. Ảnh: Chụp màn hình.

Nói đến những gameshow phản cảm không thể bỏ qua “Date and Kiss”. Người chơi khi đồng ý tham gia chương trình rất hồn nhiên, nhiệt tình ôm hôn, sờ soạng bạn chơi, bất chấp họ chưa từng gặp mặt, thậm chí có lúc nhân vật chính sẽ cùng lúc thân mật với hai ứng cử viên.

Hết sex, một số gameshow có tính chất talkshow lại chuyển hướng sang gây tranh cãi bằng những màn tranh luận bị đánh giá là vô văn hóa giữa các khách mời. Điển hình như tại “Giải mã kỳ tài”, người mẫu Trang Trần đã có hành động vô lễ là chỉ tay vào thẳng mặt TS Lê Thẩm Dương khi cô bất đồng quan điểm với ông trong lúc cùng thảo luận về chủ đề cách ứng xử trên mạng xã hội: “Chú bị sai rồi. Chú đâu phải là con mà chú nhảy vào mồm bảo rằng con chỉ chơi một nhóm người quanh đó. Chắc con phải viết giấy cho chú biết con chơi với ai”; “Con đâu phải là thầy. Thầy mới nổi đây thôi, còn con là nổi tiếng đánh người từ lâu rồi. Thầy chỉ xem những điều trên mạng chứ không phải là bạn thân ngồi cạnh con để biết con xử lý sao”… Không rõ Trang Trần ăn nói logic ra sao nhưng chỉ tính riêng việc cô hành xử thiếu tôn trọng người lớn tuổi đã đáng nhận chỉ trích từ cư dân mạng.


Trang Trần với hành động “vô học” trên sóng truyền hình khi đấu khẩu, thậm chí chỉ thẳng mặt TS Lê Thẩm Dương vì bất đồng quan điểm

Tuy nhiên, chỉ trích người thẳng tính như Trang Trần “một”, khán giả phải đề phòng với nhà sản xuất “mười” bởi giữa vô vàn người nổi tiếng cũng học rộng, biết nhiều, lại còn có tài ăn nói, tại sao chương trình lại lựa chọn người nóng tính như Trang Trần, để rồi dù không phải chương trình trực tiếp, tổ sản xuất vẫn không chỉnh sửa, cắt cúp mà để nguyên vẹn đoạn đấu khẩu đó xuất hiện trên truyền hình. Há chẳng phải đây là một chiêu bài có tính toán hay sao?

Trong Ngôi sao tình yêu, với thử thách trong tập 27: “Đến nhà người yêu chơi, thấy anh ấy đang cuốn khăn tắm, bạn nữ sẽ làm gì?” chương trình đưa ra ba phương án trả lời là “Nói chuyện tự nhiên như mọi khi”, “Ngại ngùng kêu mặc quần áo”, “Xuýt xoa cơ thể đẹp”.

Theo đó, chàng trai được chọn là Văn Hoàng phải cởi quần áo, chỉ mặc quần đùi ngắn rồi cuốn khăn tắm lên sân khấu. Đồng thời, với phương án trả lời thứ 3 là “Xuýt xoa cơ thể đẹp” mà chương trình đưa ra, người chơi nữ là Cẩm Tú phải dùng tay chạm, xoa tay lên ngực, bụng của Văn Hoàng.

Người chơi cởi đồ và đụng chạm bạn chơi ngay trên sóng truyền hình

Chưa dưng lại ở đó chương trình Dare Pong, người chơi tham gia chương trình phải trải qua những thử thách như hôn sâu, liếm chân, đổ đá lạnh vào trong quần, ăn sushi trên cơ thể đối phương, mô tả lại tư thế “yêu” yêu thích nhất, dùng răng lột đồ bạn chơi,… đã nhận nhiều chỉ trích từ khán giả.

Khán giả từng chứng kiến sự thành công của những game show, chương trình truyền hình thực tế mang đậm chất nhân văn một thời dẫn dắt cảm xúc người xem. Trong đó, “Vượt lên chính mình” trở thành chương trình không có đối thủ, không chỉ về lượng rating mà còn là vị trí trong trái tim khán giả truyền hình. Chương trình “Lục lạc vàng – Kết nối những miền quê” mang thông điệp giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Gây xúc động mạnh cho người xem với thông điệp nhân ái, “Vì bạn xứng đáng” là một trong những chương trình có lượng người xem cao ngất ngưởng dù đây là chương trình duy nhất trên thế giới mà người chơi không nhận bất cứ phần thưởng nào từ chương trình, đều được người chơi gửi tặng cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Hay ở “Điều ước thứ 7”, chương trình biến những điều tưởng chừng chỉ là ước mơ của những mảnh đời bất hạnh thành sự thật và “Như chưa hề có cuộc chia ly” lấy không ít nước mắt người xem. Không chỉ truyền tải ý nghĩa nhân văn, những chương trình này còn truyền cảm hứng sống cho nhiều đối tượng khán giả. Nhưng những điều đẹp đẽ này đang mai một dần…

Khi những chương trình giải trí tử tế ít đi trên sóng truyền hình thì những chương trình giải trí có nội dung xàm, nhảm dễ dàng chiếm đất để sống. Có thể nói các Game Show Việt ngày càng trở nên bệnh hoạn và coi thường khán giả hơn… các MC, người chơi và nhà sản xuất đang lan tỏa những văn hóa tệ hại, ăn nói hổ lốn, hành động dung tục ngay trên sóng truyền hình mà họ cho rằng đó là hay và hấp dẫn chăng?

Đau lòng quá!

Nhạc sĩ Dzũng Chinh – Tác giả “Những Đồi Hoa Sim” chết trên đồi hoa Sim

Đã có một vài bài viết nói về cái chết của Nhạc sĩ Dzũng Chinh, nhưng tiếc là không chính xác. Bài viết này nhằm mục đích làm rõ cái...

10 đế chế hùng mạnh tồn tại lâu đời nhất lịch sử thế giới

Đã có biết bao đế chế nổi lên rồi suy tàn, trong đó cũng có những đế chế tồn tại hàng trăm năm. Trong suốt chiều dài lịch sử của...

Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh – Hoàng đế dẹp loạn 12 sứ quân

Đinh Bộ Lĩnh sinh năm 924, nguyên quán động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Cha là Đinh Công Trứ làm nha tướng...

Mỹ Tho “thành phố trầm lặng”

Người ta được biết rằng từ bốn thập niên qua, thì vùng địa lý của tỉnh Tiền Giang ngày nay chính là khu vực đất đai của tỉnh Mỹ Tho...

10 bản nhạc cổ điển nổi tiếng trong lịch sử

Các tác phẩm được chọn lọc dưới đây đến từ các nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất, sống trong thế kỉ 17 – 19. Bạn có thể thấy nhiều tác...

Bờ vai của cha là điểm tựa vững chãi cho con

Tình yêu của mẹ là cái ôm ngọt ngào, còn cha yêu con bằng bờ vai vững chãi. Dù cha không hoàn hảo, nhưng tấm lòng của cha thì vô...

Sữa Foremost trước 75 và những thương hiệu một thời vang bóng

Nhớ lại một thời chiếc xe Foremost đã ám ảnh biết bao học sinh tiểu học. Cứ đến giờ ra chơi là mỗi học sinh được phát một ổ bánh...

Bím tóc thời nhà Thanh: Người từng trải lật tẩy sự thật kinh hoàng

Bím tóc 'phiên bản đời thực' này có lẽ sẽ khiến nhiều người 'ngã ngửa' khi biết sự thật. Vào thời cổ đại, tóc là thứ cực kỳ quan trọng...

Xe công cộng của người bình dân Sài Gòn xưa

Bóng dáng xe Lam không còn xuất hiện trên đường, song loại xe 3 bánh với tiếng nổ “bành bành” từng là một phần cuộc sống của người Sài Gòn...

9 cách nhìn người lưu truyền ngàn năm

Người xưa dạy, khi kết giao bạn bè hay hợp tác làm ăn với người khác đều phải hiểu rõ về họ, xem họ là người như thế nào. Dưới...

Vì sao tướng Mỹ là người rời Afghanistan sau cùng

Tướng Donahue là người cuối cùng lên vận tải cơ C-17 rời Afghanistan, do lục quân Mỹ quy định chỉ huy phải là quân nhân cuối cùng rời chiến trường....

Ngọc Cẩm  và Nguyễn Hữu Thiết – cặp nghệ sĩ tài năng

Phong trào tân nhạc tại miền Nam vào thập niên 50 - 60 ở thế kỷ trước có hiện tượng khá đặc biệt. Đó là sự xuất hiện của nhiều...

Exit mobile version