Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Hò Đối Đáp Miền Nam

Sơ Lược Về Hò

Hò là một trong những thể loại âm nhạc dân gian miền Nam Việt Nam, được du nhập bởi những đợt di dân từ đất ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, từ vùng ngoài đưa vô vùng đất mới phía cực nam của đất nước ta.

Trong cuộc Nam tiến, nhiều dòng người từ các nơi đã đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp, trên bước đường chinh phục hoang vu, từ những chiếc ghe bầu, ghe chài, tam bản, xuồng ba lá… hành trang mang theo của những cư dân mới có cả những câu hò, điệu lý… làm chỗ dựa tinh thần trên bước đường xa xứ. Trên bước đường bôn ba, lênh đênh sông nước, những hành trang tinh thần này được các tiền nhân sáng tác, phổ biến, cách tân cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Hò rất được ưa chuộng ở miền Nam. Nó có sức hấp dẫn lạ thường. Chúng tôi xin tạm phân làm ba loại hò: Hò trên cạn, hò trên sông nước và hò giao duyên hay đối đáp.

*
Hò chèo ghe Bạc Liêu (có thể xem như đại diện cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long) là một làn điệu dân ca mang hình thức diễn xướng của cư dân Bạc Liêu, hình thành trong môi trường chèo xuồng, ghe trên sông nước; có từ thời khẩn hoang nhằm gửi gắm tình cảm, bày tỏ nỗi lòng của mình cho con người và thiên nhiên.

Vùng đất Bạc Liêu đã lưu hành nhiều loại hò của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long như hò sông Hậu, hò Bến Tre, hò Trà Vinh, hò Vĩnh Long; nhưng mỗi loại hò khi được sử dụng đều có pha trộn, giao thoa tiết tấu hay giai điệu để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế.

Hò chèo ghe Bạc Liêu có 2 loại là hò đơn  và hò đôi.

1- Hò đơn:

Có 2 giọng là hò chậm và hò nhanh.

– Hò chậm: Nội dung hò đơn lẻ, hầu hết mang tính tự sự, gửi gắm tâm trạng xa xôi với thiên nhiên. Giọng hò mênh mang, chậm rãi trải dài trên sông nước, rồi lan toả, tan biến trong không gian vô tận…

Hò ơ ớ ơ ơ …
Bạc Liêu là xứ quê mùa –
Dưới sông cá chốt (ơ ơ ơ) trên bờ Triều Châu (ơ ơ).

– Hò nhanh: Tuy vẫn mang tính tự sự nhưng có chủ ý, có đối tượng cụ thể để gửi gắm tâm trạng; thời gian hò nhiều hơn, một phần nhắn nhủ cho con người, một phần gửi vào thiên nhiên sông nước vô tận để san sẻ nỗi lòng. Câu hò gồm một hoặc nhiều câu song thất lục bát hay lục bát biến thể dài để có đủ dung lượng ngôn ngữ mà bày tỏ nỗi lòng. Lời kể đều có ngân hơi: Hơi hò đầu cần cao giọng (ơ ớ ơ) và hơi hò sau ngang giọng một chút (ơ ơ ơ). Giai điệu và tiết tấu nhạc cũng như lời kể nhanh hơn phù hợp với điều kiện con nước chảy nhanh, ghe xuồng đi nhanh hơn.

Hò ơ ớ ơ ơ …
Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Anh ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai (ớ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ …
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi (ơ ơ)

2- Hò đôi:

Giọng hò lúc này không còn mang tính tự sự đơn giản nữa, mà mang đậm nét trữ tình, giao lưu, trao đổi tình cảm. Hình thức hò này nhanh chóng trở thành sinh hoạt tập thể như đối đáp, huê tình và được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ của cộng đồng. Cũng giống trên, nó có hai loại: Hò đối đáp chậm và hò đối đáp nhanh.

– Hò đối đáp chậm: Mỗi người (nam hoặc nữ) thường chỉ dùng một câu ca dao lục bát hoặc lục bát biến thể ngắn đối đáp nhau.

Nam:
Hò ơ ớ ơ…
Gió năm non thổi lòn hang chuột
Tui thấy cô Ba chèo xuồng (ớ ờ) đứt ruột… đứt gan (ơ ơ)…
Nữ:
Hò ơ ớ ơ…
Gió năm non thổi lòn hang chuột
Tui thấy anh chèo xuồng (ớ ờ) tui cũng đứt ruột… bầm gan (ơ ơ)…

– Hò đối đáp nhanh: Mỗi người (nam hoặc nữ) thường dùng một hoặc nhiều câu song thất lục bát hay lục bát biến thể dài để có đủ dung lượng ngôn ngữ mà bày tỏ nỗi lòng đối đáp nhau

b1.
Nam:
Hò ơ ớ ơ …
Thấy em có cái gò má hồng hồng
Phải chi em đừng mắc cỡ (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ …
Đừng mắc cỡ, thì anh xin bồng…  anh hôn (ơ ơ)
Và đây là câu của nữ  hoà theo:
Hò ơ ớ ơ …
Chuyện vợ chồng đâu có khá bôn chôn
Anh thương em nên dè dặt (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ …
Nên dè dặt, chớ để thiên hạ đồn không hay (ơ  ơ)
b2.
Nữ:
Hò ơ ớ ơ …
Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
Sao trên trời mấy cái, nhái ngoài ruộng mấy con,
đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ …
Anh mà đối đặng … gái má đào thương anh (ơ ơ)…
Nam:
Hò ơ ớ ơ …
Thấy em đố tức, anh nói phức cho rồi
Sao trên trời sao vua chín cái, nhái ngoài ruộng bắt cặp hai con,
đât Ba xuyên một mẫu mười sào (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ…
Anh đà đối đặng… gái má đào tính sao ? (ơ ơ)…

Hò chèo ghe Bạc Liêu có những nét tương đồng và giống với tiếng hò sông Hậu, song phần lấy hơi hò (ơ ớ ơ ơ ơ) của Sông Hậu thường kéo dài hơn để phù hợp với điều kiện sông nước mênh mông trên dòng sông Hậu và không nhiều tiếng ngân hơi ờ ơ như hò Bạc Liêu.

Hò Miền Nam

Xin được ghi ra đây bài hò: Đêm Trên Sông Vắng – Nguyên Lạc

Đêm Trên Sông Vắng

Hò ơ ớ ơ …
Vũng nước trong con cá lòng tong bơi lội
Vắng bạn rồi tội lắm người ơi
Chẳng thà không gặp thì thôi (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ …
Gặp nhau quấn quýt… một đời nhớ thương!(ơ ơ)…
Hò ơ ớ ơ …
Sâm thương hai ngả đôi đường
Cảm thương phận bạc lệ rưng lưng tròng
Nước buồn chẳng lớn chẳng ròng (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ …
Mỏi tay chèo chống mà lòng xót đau (ơ ơ )
Hò ơ ớ ơ …
Ngẩng đầu tìm một ánh sao
Mây mù giăng phủ phuơng nào sao mai?
Sương rơi thấm lạnh vai nầy (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ …
Môi cười mắt liếc biết ngày nào quên! (ơ ơ)…
Hò Đối Đáp Miền Nam

Xin được ghi ra đây vài câu hò đối đáp giữa nam và nữ.

Cô gái hò:
Hò ơ ớ ơ ơ…
Ghế mất một chân nên gọi là ghế gẫy
Người lạc tâm hồn  bạn hỡi gọi sao?
Ngẩng đầu ngắm những vì sao (ơ ờ)…
Hò ơ ớ ơ ơ…
Cái lu cái tỏ… cái nao riêng mình? (ơ ơ)
Chàng trai hò đáp:
Hò ơ ớ ơ ơ…
Trách ai quên hai chữ nghĩa tình
Quên câu thề hẹn đôi mình trăm năm
Chống chèo theo nước lớn ròng (ơ ờ)…
Hò ơ ớ ơ ơ…
Dò tìm bóng bạn… cõi lòng nát tan (ơ ơ)
Hò ơ ớ ơ ơ…
Bìm bịp kêu con nước giọng khàn
Rạch sông mù lối khói sương mù trời
Biết tìm đâu hỡi bạn ơi (ơ ờ)…
Hò ơ ớ ơ ơ…
Bóng chiều dần xuống  mưa rơi mịt mùng (ơ ơ)…
Hò ơ…
Tìm người như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc (ơ ơ ơ)  tôi tìm biển Nam (ơ ơ) (1)
Cô gái hò:
Hò ơ ớ ơ ơ…
Gá duyên chẳng đặng hội này
Tôi chèo ghe ra sông cái (ớ ờ)
Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô (ơ ơ)
Chàng trai hò đáp:
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chèo vô chẳng thấy em đâu!
Nước ròng sông cạn (ớ ờ)
Nước ròng sông cạn lòng đau thấu trời (ơ ơ)
Hò ơ ớ ơ ơ …
Ước gì như áng mây trôi
Tôi bay đi kiếm (ớ ờ)
Tôi bay đi kiếm tìm người tôi thương!(ơ ơ)

Cô gái hò:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Trượt chân em té xuống bùn
Mình em lấm hết (ớ ờ)
Mình em lấm hết anh hun chỗ nào? (ơ ơ)
Chàng trai hò đáp:
Hò ơ ớ ơ ơ…
Chỗ nào anh cũng muốn hun
Em mà trượt té (ớ ờ)
Em mà trượt té anh nhảy xuống bùn anh bồng lên! (ơ ơ)

Chàng trai  hò:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám (ớ ờ)
Bậu không ai dám giở mùng chun vô (ơ ơ)
Cô gái hò đáp:
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chun vô lẹ lẹ chun vô
Nhẹ nhàng anh nhé  (ớ ờ)
Nhẹ nhàng anh nhé  mẹ ho kia kìa! (ơ ơ)

Cô gái hò:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Anh ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai (ớ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ …
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi (ơ ơ)
Chàng trai hò đáp:
Hò ơ ớ ơ ơ …
Giậm chân anh réo ông trời
Gây chi bao cảnh sầu đời thế ni… ớ ờ
Thuận tay nhổ một cây mì* (ớ ờ)
Gõ vào đầu ba cái… ớ ờ
Hò ơ ớ ơ ơ …
Gõ vào đầu ba cái tội gì nhớ thương! (ơ ơ)
——
(*)  Cây khoai mì (phương ngữ miền Nam) hay Sắn (phương ngữ miền Bắc)
Vàm Tấn là quê Nguyên Lạc tôi đó các bạn.

Lời Kết

Qua trên là sơ lược về hò đối đáp miền Nam, hy vọng các bạn tìm được một vài điều hữu ích và hiểu biết thêm chút về vùng sông nước thân yêu nầy. Hãy cùng nhau bảo vệ và bồi đắp nó – nó đã và đang bị “hăm dọa” từ phía thượng nguồn. Hãy đọc “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” của BS Ngô Thế Vinh thì rõ [*]

Tặng các bạn thêm một bài ca dao lục bát vui để kết thúc bài viết

Anh Hùng Lỡ Vận
(Nguyên Lạc)
“Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than”
Con chim ngứa cổ hát vang
Anh đang ngứa cổ… nhưng đành lặng thinh
Chu Du ói máu Khổng Minh
Anh đang nhức nhối tức mình vì ai?
Con chim tiếng hót vui vầy
Riêng em chì chiết điếc tai buốt người!
Con chim ngứa cổ hát chơi
Anh đang ngứa cổ than trời vì em!
Nguyên Lạc  
Phụ chú:
Trong lúc mạn đàm với các bạn thơ về hò đối đáp, tôi có sưu tập và xin ghi ra đây vài câu đối đáp vui để các bạn đọc thêm được vài nụ cười.

Hò Đối Đáp Vui

Hò ơ ớ ơ ơ …
Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám (ớ ờ)
Bậu không ai dám giở mùng chun vô (ơ ơ)

Du My  hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Giở mùng không dám đâu mô
Thò tay nhè nhẹ (ớ ờ)
Thò tay nhè nhẹ anh rờ được không ?(ơ ơ)

Nguyên Lạc  hò đáp

Hò ơ ớ ơ ơ …
Có rờ thì nhè nhẹ thôi
Kẻo không em nhột (ớ ờ) em la trời à nhe! (ơ ơ)

Du My  hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
La trời thì em cứ la
Nhưng em lại khoái (ớ ờ)  để anh rờ ba “bốn lần “(ơ ơ)

Nguyên Lạc  hò đáp:

Hò ơ ớ ơ ơ …
Mấy lần em cũng không “khe” (care)
Anh mà dừng lại em đè anh ra
Anh la mặc kệ anh la! (ớ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ …
Anh la em xiết “cái mả cha” cho nó chết dầm ( ơ ơ) (2)
Hồ Chí Bửu hò
Chàng:
Hỡi em đang cấy giữa đồng
Cớ sao em lại chổng mông lên trời?
Nàng:
Anh ơi chớ hỏi làm chi
Mông em không chổng lấy gì anh ăn..hơ hơ!*
—-
* Tội nghiệp các nàng, phải dang lưng ra làm việc nặng nhọc để nuôi thằng “dài lưng tốn vải/ ăn nó lại nằm” (trong đó có tui).
Thôi lấy lòng các nàng để các nàng vui vẻ tiếp tục “phục vụ cách mạng”, dang lưng ra làm việc, tui “nịnh” các nàng đây:
Nguyên Lạc hò đáp (vui với các bạn Quảng Nam)
(Đây chỉ đùa vui với các bạn thân Quảng Nam, có gì không phải xin bỏ qua)
Nguyên Lạc đùa

Mông em không chổng lấy gì anh “en”

Chẳng thà anh chịu “nhen reng”
Em mà mông chổng tội “en” quá trời!

Laiquangnam

Chẳng thà chịu đói nhen reng
Bây chừ em chổng đêm nằm ngáy kho
Trở mình kiếm cái dật dờ
Lăn qua lăn lại… chẳng ngờ “cù đum”*
—–
* Nằm “cù đum” là khu ngữ Quảng Nam:  Người phụ nữ nằm co đầu gối chạm khủy tay – Ý nói: Tôi cần ngủ!

Du My

Anh nằm anh ngủ cù đum
Em nhìn em thấy một đùm phía sau
Anh ơi, thức dậy cho mau
Em mà thiếu ”hén” em sầu đó nghe

Nối vận Cù Đum:

Thà ta nằm ngủ cù đum
Hơn là khác mộng mà chung một giường

Laiquangnam

Buồn phiền nằm trất cù đum

Chổng mông buổi sáng
Bụm Đùm ban đêm
Chồng con sáng tối say mềm
Thất chí Thiếp hiểu, lem nhem Thiếp rầu
Đi học con đói đã lâu
Chổng mông bán mặt, giọt châu đêm về
Qua các cầu hò trên của Laiquangnam, chắc các bạn đã thấy rõ cảnh “chồng chúa vợ tôi” như thế nào rồi. Cực khổ lo toan con cái và việc nhà…trong khi ông chồng vô tích sự “sáng xỉn chiều say”. Hủ tục này phát xuất từ ông KHỔNG của ĐẠI HÁN đấy.
——————————————————————
Ghi chú:
(1) Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Nam (ca dao)
(2) Cô Gái Hái Chè
Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút “cái mả cha” nó vào
—————————————————————————
Tham khảo: baclieu.gov.vn, Giáo sư Trần Văn Khê, Trần Trọng Trí …
[*] Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch
http://vietmessenger.com/books/?title=mekongdongsongnghenmach
@. Mời xem
Hò Cần Thơ – Đinh Thanh Huyền: Đoạn mở đầu của bài hát

Hò Miền Nam – Chí Tâm & Ngọc Đan Thanh:
https://www.youtube.com/watch?v=D490NO47CFA
Hò Đối Miền Nam – Linh Phượng, Xuân Thưởng

Nhớ Câu Hò Đồng Tháp
https://www.youtube.com/watch?v=YbsAjbHTL3E

Mía ghim – Món ăn vặt đường phố nổi tiếng ở Sài Gòn

Thời trước năm 1975, mía ghim là món ăn vặt đường phố nổi tiếng ở Sài Gòn. Vào thời điểm đó, người ta hay ăn mía (nhả bã) chứ không...

Quân Cờ Đen – Kỳ 2/3 – Cơn thịnh nộ của Lưu Vĩnh Phúc

Trong khi các biến cố này đang diễn ra tại Bắc Việt, quan hệ giữa Trung Hoa và Pháp không đứng yên một chỗ. Ngày 10 tháng Tám, năm 1883,...

10 câu châm ngôn tinh túy lưu truyền trong giới cao nhân

Có đôi khi, nhìn vào những trí huệ và cảm ngộ về cuộc đời của người khác, chúng ta có thể cảm thụ được, ít nhất cũng làm thay đổi...

Loạt ảnh quý giá về Việt Nam năm 1926

Tử Cấm Thành Huế, hồ Hoàn Kiếm Hà Nội, động Huyền Không Đà Nẵng… là một số nét chấm phá về Việt Nam năm 1926 trong loạt ảnh người Pháp...

Tóc Xưa – Bản nhạc cuối đời của Ngô Thụy Miên

Tôi vốn là người “mê” mái tóc của phụ nữ. Có điều hơi khó tính, phải là tóc dài, thi vị hơn chút nữa là mái tóc đó tung bay...

Tự điển tiếng Việt Đổi Đời – Kỳ 2 – Từ Vần D-H

D. - Dân du lịch/đi chơi trở thành phượt thủ (VnExpress). Tôi không hiểu họ lấy chữ “phượt” ở đâu ra. Có thể từ tiếng Miên. - Dẫn bóng một mình/đi bóng một mình trở thành solo. Trong...

Tại sao Dân Saigon Xưa gọi người Ấn độ là anh Bảy Chà ?

Chữ “Bay” trong tiếng Hindu có nghĩa là Chào Sir phát âm nghe như Bảy , Dân Saigon nghe mấy ông “Chà và” chào nhau ….Bay ! bèn bắt chước...

Tại Sao Người Ta Dùng Tỏi Và Con Dao Nhỏ Để Tránh Tà?

Trong dân gian thường sử dụng tỏi và con dao nhỏ, mang theo bên mình, hoặc để ở dưới gối hay đầu giường, cho rằng nó có tác dụng tránh...

Bữa ăn của vua Nguyễn – Cầu kỳ cơm vua

Trong cuốn Một chiến dịch của Bắc Kỳ (Đinh Khắc Phách dịch, NXB Văn học phối hợp Đông A xuất bản năm 2020), tác giả, bác sĩ quân y người...

Đường Lê Văn Duyệt – Sau 45 năm “Châu về hợp phố”

Con đường này hình thành từ bao giờ? Lần đầu tiên con đường được vinh dự mang tên “Lê Văn Duyệt” vào năm nào? Tại sao năm 1975 con đường...

Dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín

Ngày nay dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín không còn nữa nhưng người dân miền Nam tuổi trung niên trở lên ai cũng nhớ đến cái mùi đặc trưng của...

Chân dung bà Đặng Tuyết Mai, mỹ nhân nổi tiếng Sài thành xưa

Bà Đặng Tuyết Mai là phu nhân của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, là mẹ của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Bà là một trong những người đẹp nổi...

Exit mobile version