Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Mì tây, miến Tàu và bún ta

Lần ghé thăm Đà Nẵng, được anh bạn rủ đi ăn mì Quảng. Ăn đang ngon, tôi lỡ dại buột miệng:

– Mì ăn với… bánh phở à? Tưởng là mì thì phải ăn với mì chớ?

Anh bạn hơi lúng túng:

– Bảo đảm mì chính hiệu đấy! Từ hồi nào tới giờ tiệm vẫn làm như vậy.

Năm ngoái tới thăm Tam Kỳ, tôi lại được dịp thưởng thức mì Quảng. Vừa ăn vừa học được câu ca dao:

Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng

Mì vẫn là bánh phở làm bằng bột gạo. Lại thắc mắc. Nhưng lần này tôi… khôn hơn lần trước, cứ đánh chén vô tư, thoải mái.

Mì Quảng.

Ngày chia tay được ông anh của người bạn tặng cho cuốn Hương xưa của Lam Hà (Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam, 2003). Tôi say mê đọc những bài viết của Lam Hà. Đặc biệt là bài Mì Quảng. Tình cảm sâu đậm. Hương vị ngất ngây. Lam Hà cho biết:

Gần như định lệ, tại xóm quê nào, ít ra cũng có đôi nhà sắm cối xay bột hoặc lò tráng để từ đó mọi gia đình có thể nhờ vả phương tiện tự túc làm mì. Với số gạo mùa đã vuốt và ngâm tự lúc nửa đêm, bây giờ đem xay và tráng, với mớ rau cải quơ quít quanh vườn, dầu mỡ có sẵn trong chai, gà trong chuồng đã nhốt, hoặc nếu cần, nách rổ qua một thôi đường chợ, người ta đã có một bữa mì tươm tất. (tr. 119).

Đúng là sợi mì Quảng truyền thống được làm bằng bột gạo. Tráng thành bánh, thái thành sợi. Hoàn toàn giống bánh phở.

Hết thắc mắc sợi mì Quảng… nhưng tôi vẫn còn thắc mắc tại sao mớ bánh phở pha nghệ kia lại được gọi là mì? Sực nhớ có lần được nghe một ông cụ nhà quê ăn phở mà lại xin nhà hàng cho thêm bún. Có lần theo mẹ đi chợ Thị Nghè, nghe các bà nội trợ mua miến khen bún Tàu ngon hơn bún ta…

Thế là mấy cái sợi đồ ăn kia cứ lộn xộn, rối như mớ bòng bong trong đầu tôi!

Có vậy thôi mà cũng… thắc mắc vớ vẩn.

Tuy vẫn biết rằng ăn mà thắc mắc thì mất ngon, nhưng nghĩ cho cùng thì chẳng lẽ mình được vinh dự thừa hưởng cả một gia tài “văn hoá ẩm thực” đồ sộ của cha ông mà cứ ngậm miệng… ngồi ăn? Sau nhiều lần do dự, tôi liều lấy quyết định đi tìm hiểu mấy cái sợi đồ ăn kia.

Mì là… Mì là cái sợi làm bằng bột mì được các ông, các bà ăn hàng ngày đấy. Mì khô, mì ướt, mì xào. Mì Mỹ Tho, mì Nam Vang , mì Nhật, mì Ý… Nếu chịu khó đi một vòng trái đất chắc sẽ còn được ăn mì Phi châu, mì Úc, mì Mỹ, mì Tân Thế Giới… Ở đâu có người Việt thì ở đó có mì! Vậy mà không biết à?

Bạn “bổ túc văn hoá” xong chưa? Nếu xong rồi thì xin phép được lặp lại câu hỏi bị đứt đoạn. Mì là… cái gì?

Đại Nam quốc âm tự vị (1895) của Huỳnh Tịnh Của định nghĩa Mì (chữ Nôm) như sau:

Huỳnh Tịnh Của đưa ra 3 thứ mì: lúa mì, khoai mì, sợi mì.

Khoai mì.

3 thứ mì của Huỳnh Tịnh Của giống nhau hay khác nhau ở chỗ nào?

Trước khi tìm hiểu 3 thứ mì, chúng ta hãy tìm hiểu cái tên Mì.

Tên Mì là do người Việt đặt ra. Ăn có nhai, nói có nghĩ. Sao ông ăn nói hồ đồ thế! Cả thế giới ăn mì mà dám nói rằng mì là của Việt Nam? Lại chủ nghĩa quốc gia, tự ái dân tộc mất rồi!

Xin bạn cứ bình tĩnh! Sợi mì thì hầu như nước nào cũng có, nhưng cái tên Mì thì do ta cầu chứng tại toà. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì Mì là thương hiệu của ta. Từ điển chữ Hán không có Mì, chỉ có Miến thôi.

Bây giờ xin bàn về gốc gác của 3 thứ mì của Huỳnh Tịnh Của.

Lúa mì, bánh mì

Ngày nay, nói đến mì có lẽ tất cả chúng ta đều nghĩ ngay đến lúa mì, bột mì. Rõ ràng phải có bột mì mới có sợi mì, ổ bánh mì…

Vậy xin bắt đầu bằng câu hỏi nước ta có lúa mì, dân ta biết dùng bột mì từ bao giờ?

Lê Quý Đôn (Vân đài loại ngữ, bản dịch của Tạ Quang Phát, Văn Hoá Thông Tin, 1995, tập 3, tr. 247) cho biết khá rõ:

Sách Lĩnh Biểu Lục chép: Giống cua đỏ, trong mai có đâu cũng biết. mỡ (gạch) màu vàng đỏ như tròng đỏ trứng gà, trứng vịt.

Thịt cua màu trắng hoà với gạch cua rồi dồn vào mai cua, thêm đồ ngũ vị, phủ lên lớp bột mì làm món “giải trạch” rất quý và ngon dễ ưa.

Cua biển là món ăn ngon.

Theo Lê Quý Đôn (1726-1784) thì bột mì đã có trong ngôn ngữ của ta từ thế kỉ 18 hoặc sớm hơn nữa. Nhưng ở chương biên khảo về các giống lúa, trong cùng cuốn sách, Lê Quý Đôn lại cho biết dân ta chỉ trồng lúa tẻ và lúa nếp thôi (tr. 187-199).

Hai đoạn văn của Lê Quý Đôn không ăn khớp với nhau. Lê Quý Đôn viết đúng hay sai? Nước ta có lúa mì, bột mì từ bao giờ?

Chúng ta có mấy tài liệu rõ ràng, chính xác hơn của người Pháp.

– L’Annamite, en effet, se nourrit de poissons, de volailles ou de viande de porc ; il mange du riz en guise de pain et ne boit que de l’eau ; le blé et le vin lui sont totalement inconnus.

– Người Việt chỉ ăn cá, thịt gia cầm và thịt lợn; họ ăn cơm thay bánh mì và chỉ uống nước; lúa mì và rượu vang hoàn toàn xa lạ đối với họ.

Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 128.

Cho đến đầu năm 1884, lúc bác sĩ quân y Hocquard đặt chân đến Việt Nam, dân ta chưa biết lúa mì, rượu vang của Pháp là gì.

– Monseigneur (Puginier) veut bien me guider lui-même à travers les bâtiments de la mission. Nous visitons successivement l’imprimerie, d’où sortent des livres en langue annamite et en langue française, imprimés avec des caractères latins, et les jardins, qui renferment des échantillons de la plupart des fleurs et des fruits du pays, où l’on essaye également d’acclimater certaines plantes d’origine européenne, comme le blé et la vigne ; le blé y pousse assez bien, il n’en est malheureusement pas de même de la vigne qui, jusqu’ici, n’a donné que des fruits de mauvaise qualité. (sđd, tr. 357-358).

– Đức giám mục Puginier đưa tôi đi thăm viếng trụ sở hội truyền giáo. Chúng tôi thăm xưởng in sách bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, thăm khu vườn trồng nhiều mẫu hoa và cây ăn quả địa phương. Vườn cũng đang trồng thử nghiệm thuỷ thổ một số thảo mộc của Âu châu như lúa mì và nho. Cây lúa mì tăng trưởng khá tốt nhưng cây nho thì cho tới bây giờ chỉ cho ra toàn là quả không ngon.

Bác sĩ Hocquard cho biết rằng chính người Pháp đã mang cây lúa mì (một giống lúa trồng ruộng khô) và cây nho sang trồng thử tại Kẻ Sở (Phủ Lý) vào khoảng những năm 1880-1884.

Báo Bulletin des Amis du Vieux Huế ra một số đặc biệt về chủ đề L’Annam, (tháng 1-6 năm 1931), đúc kết tình hình kinh tế nước ta. Mục Fabriques de pâtes alimentaires (thực phẩm làm từ bột) cho biết:

Le commerce fournit des vermicelles très appréciées par les Annamites et surtout par les Chinois qui, jusqu’à ces dernières années, achetaient presque toute la production pour l’exporter en Chine, au Siam et à Singapore. Ces vermicelles ou ” xong thân ” sont fabriquées dans le Bình Định, au village de An Thai, avec de la farine de haricots verts ou blancs. La production atteindrait 100.000 kilogs par an. Cette même province fabrique également avec de la farine de manioc un autre genre de vermicelle vendu sous le nom de ” bún hồ tiêu “.

De nombreuses sortes de farine sont aussi vendues ; les principales sont: fécule et amidon de manioc, d’igname, de taro ; farine de riz gluant et dur, de soja, de mạs, de lotus, de haricots ; cossettes de manioc et de patates séchées au soleil, etc…(tr. 156).

Thương trường có nhiều loại miến được người Việt, nhất là người Trung quốc, ưa thích. Những năm sau này, miến do người Việt làm ra được người Trung quốc mua lại gần hết để xuất cảng sang Trung quốc, Thái Lan và Singapore. Những loại miến này, còn gọi là “xong thân”(*), làm bằng bột đậu xanh hoặc đậu nành, được sản xuất tại làng An Thái, tỉnh Bình Định. Sản lượng hàng năm được khoảng 100 tấn. Bình Định còn làm ” bún hồ tiêu ” bằng bột sắn.

Thương trường cũng có nhiều thứ bột như bột sắn, bột củ mài, bột khoai sọ, bột nếp, bột đậu xanh, bột ngô, bột hạt sen, bột đậu nành. Có cả củ sắn, khoai lang thái mỏng, phơi khô v.v..

* Pierre Huard, Maurice Durand gọi là miến ” song thần “. (Connaissance du Vietnam, EFEO, 1954, tr. 195).

Bài báo còn cho biết năm 1929, nước ta phải nhập cảng nhiều thực phẩm như: farine de froment (bột mì), vermicelles chinois (miến Tàu), biscuits sucrés (bánh bích quy), vins (rượu vang), bières (bia)… của Pháp, Hồng Kông, Trung Quốc (tr. 164).

Cho tới năm 1929, dường như nước ta chưa trồng lúa mì hoặc nếu có trồng thì cũng còn ít. Ta phải nhập bột mì của Pháp.

Cánh đồng lúa mì tại Bát Xát (Lào Cai).

Thời Lê Quý Đôn, tức là hơn 100 năm trước ngày người Pháp mang cây lúa mì sang trồng thử tại nước ta, chắc chắn nước ta chưa có lúa mì và bột mì của Pháp. Có thể khẳng định rằng Lê Quý Đôn chưa được biết, chưa được thấy bột mì của món “giải trạch”.

Lê Quý Đôn đã tưởng tượng ra bột mì à? Không phải vậy. Thật ra món cua biển của Lê Quý Đôn chỉ dùng tế miến. Bột mì là chữ của dịch giả Tạ Quang Phát.

Xét về mặt ngữ nghĩa, chữ tế (bộ mịch) nghĩa là nhỏ, vụn (trái với chữ thô). Chữ miến (bộ mạch) có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là bột; nghĩa thứ hai là sợi đồ ăn được làm từ bột. Tạ Quang Phát dịch chữ tế miến theo nghĩa thứ nhất thành bột mì.

Thông thường thì bột mì của Pháp được xay rất mịn, không thể giã hay xay cho nhỏ hơn được nữa. Phải chăng vì vậy mà Tạ Quang Phát không dịch tế miến là bột mì xay nhỏ, mà chỉ dịch là bột mì. Vô tình Tạ Quang Phát đã bỏ rơi mất chữ tế.

Chữ miến của Lê Quý Đôn phải được hiểu theo nghĩa thứ hai, nghĩa là sợi đồ ăn, là sợi miến. Tế miến là miến nhỏ sợi, hay đúng hơn là sợi miến được cắt nhỏ, cắt vụn.

Chữ Miến (chữ Hán) không có trong tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895). Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (1942) dịch chữ Miến là bột gạo; dùng bột chế thành sợi dài cũng gọi là miến. Miến được Génibrel (1898) và Gustave Hue (1937) dịch là lúa mì, bột mì (froment, blé, farine de blé). Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (1932) dịch là bột mì, lấy bột mì chế thành sợi nhỏ để ăn. Lạc Thiện (Tự học 1200 chữ Hán thông dụng, Hội ngôn ngữ học thành phố Hồ Chí Minh, 1994) dịch là bột mì, bột gạo, bún. Đoàn Trung Còn (Tam thiên tự, Văn Hoá Thông Tin, 1999) dịch là bột. Vũ Văn Kính và Khổng Đức (Ngũ thiên tự, Văn Hoá Thông Tin,1998) dịch là men.

Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, chữ Miến có nghĩa là “bột gạo; dùng bột chế thành sợi dài” (Thiều Chửu). Từ ngày người Pháp mang lúa mì, bột mì sang nước ta thì chữ Miến có thêm nghĩa mới là lúa mì, bột mì (Génibrel, Đào Duy Anh…).

Món giải trạch của Lê Quý Đôn được làm với miến, chứ không phải bột mì.

Tên (bột mì, bánh mì) từ đâu ra?

Người Việt ngày nay ai cũng biết là bánh mì của Pháp (ngoài Bắc trước kia gọi là bánh tây) được làm bằng bột mì (farine de blé, farine de froment), nướng trong lò.

Cắt ngang một ổ bánh mì thì thấy bên ngoài có một lớp mỏng giòn, bên trong là ruột mềm.

Người Pháp gọi lớp giòn là crỏte, ruột mềm là mie (đọc là mi). Bánh không có lớp giòn, chỉ toàn ruột mềm thì gọi là pain de mie.

Có nhiều khả năng là từ Mie đã được Việt hoá thành .

Farine de blé (froment) là bột làm bánh mì nên được người Việt gọi là bột mì. Cây lúa cho ra hạt blé để làm bánh mì được gọi là lúa mì.

Bánh mì, bột mì được dân ta chấp nhận dễ dàng và nhanh chóng. Văn học cũng mở rộng cửa… đón cây lúa mì.

Chữ Mạch (chữ Hán) ban đầu có nghĩa là:

Từ ngày nước ta có bánh mì thì chữ Mạch có thêm nghĩa mới:

Chả rành mạch gì cả. Đã có tiểu mạch, lại còn thêm đại mạch làm gì cho…khó dịch tên! Génibrel và Gustave Hue tỏ ra lúng túng, tự mâu thuẫn. Cứ đà này thì Miến và Mạch, theo Génibrel và Gustave Hue, cũng chẳng khác gì nhau!

Thế mới biết sức mạnh, sức cám dỗ của cái bánh mì của thực dân Pháp. Làm thay đổi cả cách ăn nói của người Việt.

Ghê gớm thật!

Khoai mì, sợi mì

Còn mì (khoai mì, sợi mì) của ta thì gốc gác ra sao?

Mì (sắn) của ta không dính dáng gì với mì (lúa, bột) của Pháp.

Khoai mì (sắn) bị Tây chê, không dùng để làm bánh mì được. Trái lại, bột khoai mì (bột sắn) được ta dùng để làm miến. Miến gà, miến lươn, gà tần, cua biển…Chưa gì mà đã chảy nước miếng.

Chữ Nôm (Huỳnh Tịnh Của, Bảng tra chữ nôm của Viện ngôn ngữ học) được viết bằng chữ Miến (chữ Hán). của ta và Miến của Trung quốc đều có nghĩa là sợi đồ ăn làm từ bột.

Miến và mì được chữ Hán, chữ Nôm viết giống nhau. Miến và mì có nghĩa giống nhau. Rốt cuộc, miến và mì là anh em ruột.

Miến đã được Việt hoá thành . Củ sắn dùng làm miến (tiếng Bắc) hay mì (tiếng Nam) nên được người miền Nam gọi là củ mì, khoai mì.

Theo nghĩa gốc thì tất cả các sợi đồ ăn được làm ra từ bột đều được gọi chung là miến (Hán), hay mì (Nôm).

Nouille, cheveux d’ange, vermicelle của Pháp (làm bằng bột mì… chính hiệu), spaghetti của Ý (cũng làm bằng bột mì) hay bánh phở, mì Quảng của ta (làm bằng bột gạo), mì Đại Hàn, mì Mễ Tây Cơ (không biết làm bằng bột gì), tất cả đều là sợi dài nên đều được gọi là mì, hay miến.

Tự vị của Huỳnh Tịnh Của không có miến, chỉ có mì. Tự điển của Thiều Chửu không có mì, chỉ có miến. Người Bắc quen dùng tên miến. Người Nam quen gọi tên mì.

Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức (1931) định nghĩa mì là “Thứ lúa người phương tây dùng làm bánh để ăn. Một thứ đồ ăn làm bằng bột mì thành sợi dài”.

Chữ mì chỉ còn nghĩa là lúa mì, bột mì. Tây một trăm phần trăm.

Vô tình nhóm Khai Trí Tiến Đức đã làm nghèo nghĩa chữ mì của Huỳnh Tịnh Của!

Bún

Cả nước ta gọi sợi bún là bún.

Bún chả, bún bung, bún ốc, bún riêu, bún bò, bò bún…

Tôi chè, tôi thuốc, bà chê
Còn bà canh bún, chè kê, thế nào?
Thuốc, chè chẳng đáng là bao
Chè kê, canh bún mới hao của tiền!

Bún luôn luôn được làm bằng bột gạo tẻ.

Chữ Hán gọi bột gạo tẻ là mễ phấn. Chữ phấn được chuyển sang tiếng Việt theo hai ngả:

Phải chăng bún cũng là âm tiền Hán Việt của Phấn?

Miến, mì là sợi dài làm bằng bột. Bột gì cũng được, kể cả bột gạo. Nhưng bún thì chỉ có bún làm bằng bột gạo (tẻ) thôi.

Đùa một chút cho vui.

Nếu có ai lỡ gọi bánh phở là bún như ông cụ nhà quê kia, hay thậm chí gọi mì Quảng là miến, xét cho cùng cũng không phải là sai. Ai cười thì hở mười cái răng.

Nhưng ngược lại, gọi sợi nouille là bún tây, sợi spaghetti là bún Ý, thậm chí gọi miến làm bằng bột sắn, bột đậu xanh là bún Tàu hay bún Hồ tiêu thì… coi chừng người ta cười cho đấy.

Thôi mà, thầy Tư ơi. Chữ nghĩa đâu có làm no bụng, khoái khẩu!

Tất cả chỉ là thói quen, thầy Tư à! Đúng hay sai có ăn nhằm gì!

Xét về mặt ngữ nghĩa thì bún hay bánh phở cũng là mì. Một thứ mì đặc biệt làm bằng bột gạo tẻ. Nhưng hầu hết những sợi mì thì không phải là bún hay bánh phở. Không có bún hay bánh phở làm bằng bột khác bột gạo tẻ.

Chữ nghĩa uyển chuyển như vậy hèn chi người ta hay ví mì và bún mềm như… cái lưỡi không xương.

Cây lúa mì được người Pháp mang sang nước ta. Bánh mì, bột mì mới có mặt tại nước ta từ cuối thế kỉ 19. Khoai mì, sợi mì của ta không biết rõ có từ bao giờ. Chỉ phỏng đoán là có đã từ lâu vì tên đến từ chữ Miến.

Mì ta (khoai mì, sợi mì) không phải là mì tây (bánh mì, bột mì). Sợi mì ngày nay được làm bằng bột mì chỉ là một trùng hợp… ngon lành. Đông Tây gặp nhau ở đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực.

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988) định nghĩa khá rõ ràng, đầy đủ:

Tuy vậy, cũng có một ngoại lệ.

Ngày xưa, khoảng năm 1776, xã Hoa Sơn huyện Tân Phúc phủ Điện Bàn nộp chiếu hoa thay cho sưu lính. Hàng năm trước ngày mùng một tết, dinh Quảng Nam thu chiếu miến lớn 25 đôi, chiếu miến nhỏ 5 đôi, chiếu thảm 8 đôi, chiếu phản dài 8 đôi (…) (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 324).

Dân gian có thành ngữ Ăn bát Đại Thanh nằm chiếu miến, ám chỉ giới thượng lưu.

Ca dao có câu:

Đêm nằm tàu chuối có đôi,
Hơn nằm chiếu miến lẻ loi một mình

Chiếu miến là chiếu nhỏ sợi, nằm êm.

Chữ miến được dân gian dùng với nghĩa rộng là sợi dài, kể cả sợi cói không ăn được.

Sách vở kể rằng Marco Polo sang Trung quốc, học được cách làm miến. Về nước, ông dạy cho dân Ý chế biến thành sợi spaghetti. Một vài ông tây bà đầm không tin chuyện có thật này. Encore une chinoiserie (lại chuyện li kì, vớ vẩn).

Mì “bành trướng” nhanh lắm. Mì gói, mì ăn liền bây giờ thâm nhập khắp nơi.

Mì Nhật, mì Thái bày bán trong các cửa hàng của người Á Đông được ghi ngoài bao bì là Miến (chữ Hán). Mì Suzi Wan (làm bên Bỉ) bán trong siêu thị Pháp được ghi là Nouilles aux oeufs, China mie. Mì Amoy (làm bên Anh) ghi ngắn gọn là Nouille, Mie.

Hoá ra gói mì cũng biết nhập gia tuỳ tục.

Người Âu nên tự hỏi tại sao sợi nouille làm bằng bột mì lại được tiếng Anh gọi là mie? Gớm thay sức mạnh của cái bánh mì (mie), được dân Á Đông đem đi quảng bá!

Nói đến mì lại nhớ…

Ôi! Cái thuở “sinh viên Việt ăn mì Tàu trên đất Tây”. Cái thuở chưa dám… bất cần đời vì sự thật phũ phàng là… đời bất cần mình. Bọn chúng tôi nghêu ngao tự an ủi “đường Tây ta cứ đi, nhà Tây ta cứ ở…”. Ít ra chúng tôi cũng đã thoả mãn được hơn một phần ba giấc mơ “Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật” của cha ông.

Dạo ấy mấy đứa chúng tôi ăn khoẻ lắm! Một mâm Resto-U (restaurant universitaire, quán ăn sinh viên) của kinh đô ánh sáng chưa thấm thía gì. Độn bánh mì (lại mì!) mãi cũng ngấy. Thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau đi… ăn thả cửa. Ngôn ngữ của chúng tôi là rủ nhau đi ăn “mì dơ”.

Tiệm nằm gần đường Saint Jacques, khu La Tinh.

Một hôm, một đứa trong bọn chúng tôi áo quần thấm ướt, tìm chỗ tránh mưa. Hàn sĩ lỡ độ đường, dừng chân nơi quán nhỏ. Mưa dai dẳng, bụng cồn cào. Hàn sĩ bất đắc dĩ đẩy cửa tiệm bước vào. Căn phòng hơi u ám, bàn ghế bắt đầu tróc sơn. Nhưng hàn sĩ chiều nay đang ôm mộng lớn, đội rá vá nồi, sá chi đám bụi trần tiểu tiết!

Thế là tình cờ thằng bạn tìm ra điểm hẹn…

Tiệm có nhiều món như bất cứ tiệm Tàu nào, nhưng bọn chúng tôi đến tiệm này không phải là để… ăn cơm Tàu. Tiền đâu mà ăn. Mục đích chỉ là được ăn no. Thật đáng hổ thẹn với mẫu người “thực vô cầu bão” của thánh hiền. Tiệm có món mì đặc sản đáp ứng được nhu cầu. Chỉ có nước, mì và ít gia vị, đựng trong cái bát vại to gần bằng cái phạng. Ăn no. Thực bất tri kì vị! Có đứa ăn không hết!

Chúng tôi còn đặt ra trò chơi thưởng đứa ăn nhanh nhất một… bát mì! Vừa có tiếng, vừa có miếng. Nhưng chả có đứa nào còn đủ sức để nhận giải thưởng.

Hả hê. Được ăn no là phúc bảy mươi đời rồi!

Xa cách lâu năm, không biết Paris hoa lệ có còn “mì dơ” không?

(Lyon, 8/2005)

Ghi thực về đại lễ Nam Giao

Ngày 9 tháng Hai theo lịch An Nam, ký giả nhận ủy thác vào kinh đô Huế kính xem đại lễ tế Giao cùng chủ bút Phạm [Quỳnh] nên đã...

Những điều cần biết về ngành thiết kế công nghiệp, thiết kế sản phẩm

Thiết kế công nghiệp là gì? Câu hỏi đó đã cũ nhưng luôn luôn là mới mẻ với những ai chưa một lần tiếp xúc với Thiết kế công nghiệp,...

20 ngôi chùa Phật giáo tuyệt đẹp

Hiện chùa Trấn Quốc và chùa Bửu Long của Việt Nam vẫn đang giữ vị trí trong Top 20 ngôi chùa Phật giáo đẹp nhất thế giới do trang du...

Thế nào mới được coi là diệt chủng?

Ngày 24/4/1915, chính quyền đế chế Ottoman đã vây bắt hàng loạt các nhà trí thức Armenia ở Istanbul, đa số họ đều đã bị giết hại ngay sau đó....

Tất cả những điều cần biết về bia rượu

Không phải ai uống rượu, bia cũng bị lệ thuộc. Nhưng khi đã lệ thuộc rượu, bia, người sử dụng khó có thể từ bỏ, hoặc khó có thể giảm...

Họa tiết “Ðôi Mắt Tĩnh Lặng” trên tháp Champa Bình Định

Tháp Champa! Kalan Champa! Huyền bí và kiêu hãnh! Trang trọng và im lặng nhân gian đoán tới đoán lui vẫn chưa biết hết về Champa! Bức tường gạch đỏ...

Bàn về cái đạo tu thân

Thấy người hay thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi. Chính mình có điều...

Chiến trường Vị Xuyên: giải mã một cuộc chiến

“Mặt trận Vị Xuyên”, tên do phía VN đặt, TQ khởi động từ tháng 4 năm 1984, chấm dứt vào tháng 4 năm 1989, kéo dài đúng 5 năm. Địa...

Cận cảnh bức tượng tinh xảo nhất của nền văn hóa Đông Sơn

“Người cõng nhau thổi khèn” là tiêu bản hiếm hoi về nghệ thuật tượng tròn thời Đông Sơn, phản ánh sinh hoạt âm nhạc mang đậm yếu tố truyền thống...

Lăng Ông và Mả Ngụy

Hàng năm, trong ba ngày Tết, lăng Ông Bà Chiểu tràn ngập rừng người đi lễ, một số lớn là người Hoa trong Chợ Lớn. Bên trong khói nhang mù...

Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam – Chương 1/2

Với hơn hai trăm biểu đối chiếu sơ về ngôn ngữ Việt-Mã và nhiều khám phá mới lạ về thượng cổ 5000 năm của dân tộc Việt Nam. "Không có...

Vì sao lại gọi “Anh Hai Sài Gòn”?

Vì sao lại là “Anh Hai” chứ không là “Anh Cả”? Như thế nào mới là “người Sài Gòn”? Liệu “anh Hai Sài Gòn” và “anh Hai Nam bộ” có...

Exit mobile version