Trong những năm gần đây, ở nhiều nơi trên khắp đất nước, “thư pháp chữ Việt” “thư pháp Quốc ngữ” (chữ Latinh) đã bắt đầu khởi sắc và trở thành phong trào phát triển khá mạnh mẽ. Hầu như chỗ nào ta cũng bắt gặp thư pháp chữ Việt. Từ việc in trên sách báo, viết trên lịch, đến vẽ trên áo, thêu trên vải, cũng như những cuộc triển lãm lớn, nhỏ ở khắp mọi nơi được công chúng quan tâm.
Bên cạnh đó, cũng có không ít các câu lạc bộ, các lớp giảng dạy thư pháp được hình thành. Song, xung quanh “thư pháp chữ Việt” vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có người không đồng tình, có người chấp nhận ở mặt này, không tán thành ở mặt khác. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã có sự quan tâm và tham gia vào “mổ xẻ” bộ môn nghệ thuật này. Có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, có ý kiến gợi ý dẫn dắt, cũng có ý kiến chê bai. Vì vậy, có thể thấy rằng sự xuất hiện của “thư pháp chữ Việt” đã trở thành một hiện tượng văn hóa, và hơn nữa là cả vấn đề văn hóa trong đời sống xã hội, rất cần thiết để tìm tòi và suy ngẫm.
1. Thư pháp là gì
Thư pháp theo các Từ điển tiếng Việt (Đoàn Văn Tập) và Từ điển Hán – Việt (Đào Duy Anh) đều giải thích: là cách viết chữ. Còn từ điển Anh – Việt (Nguyễn Văn Khôn) và Pháp – Việt (Đoàn Văn Tập) thì thư pháp có nghĩa là nghệ thuật viết chữ đẹp, tài viết chữ đẹp, kiểu viết chữ đẹp, viết nắùn nót. Theo chữ Hán: Thư ( ) là viết chữ; Pháp ( ) là cách thức, phương pháp. Hiểu ngắn gọn thư pháp là cách viết chữ. Tương tự vậy, trong ngôn ngữ phương Tây ( chẳng hạn tiếng Anh )_ thư pháp ( Calligraphy ) gồm hai từ Calli + graphy. Từ Calli do gốc Hy Lạp là Kalli, phát sinh từ Kallos có nghĩa là vẻ đẹp ; còn từ Graphy do gốc HyLap là Graphein nghĩa là viết chữ. Vậy thư pháp là cách viết chữ_ hay nói khác đi là nghệ thuật thể hiện chữ viết. Xét như thế, thư pháp rõ ràng là không phải là nghệ thuật của riêng dân tộc nào. Mọi dân tộc có chữ viết đều có thể tạo ra thư pháp cho mình. Nghệ thuật thư pháp vừa tạo nên giá trị thẩm mỹ, vừa có ý nghịa thực tiễn trong cuộc sống của mọi người trên hành tinh của chúng ta.
Trong dòng chảy văn hóa truyền thống của các nước phương Đông – thư pháp được xem như là một mạch ngầm, lặng lẽ tồn tại với thời gian nhưng thư pháp lại có vị trí đáng kể và hàm chứa nhiều giá trị nhân bản, đạo đức xã hội trong thế giới nghệ thuật. Nó thực sự đã vượt khỏi chức năng thông tri của mình và đi thẳng vào thế giới tâm linh con người. Chính vì thế cùng với hội họa, âm nhạc, thi ca….thư pháp được nhìn nhận là nghệ thuật đặc thù “cao cấp” là biểu tượng thẩm mỹ của các nền văn hóa dân tộc ở Phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam….
2. Thư pháp Việt Nam
a. Thư pháp chữ Hán Việt Nam
Ở nước ta thư pháp có từ bao giờ? Thắc mắc này đến nay vẫn chưa được giới chuyên môn xác định một cách cụ thể. Tuy nhiên với một số di sản thư pháp chữ Hán do người Việt ta thủ bút, từ nhiều đời truyền lại được lưu giữ đến nay, có thể xem đây là một bằng chứng về nguồn sống sinh động của thư pháp chữ Hán trên đất Việt.
Có thể nói rằng “khởi thuỷ của thư pháp Việt Nam là văn tự Hán mà người có công truyền bá đầu tiên của nước ta là Vương Sĩ Nhiếp (thời nhà Hán những năm đầu công nguyên). Điều đặc biệt là ngay từ khi chữ Hán được tiếp nhận, cha ông ta đã sớm nhận thức được đặc trưng, bản chất của hệ văn tự này và sớm coi trọng nghệ thuật thư pháp” (1). Truyền thống yêu quí kính trọng chữ là truyền thống ngàn đời vừa sâu xa, vừa bền chắc. Câu nói dân gian “Văn hay chữ tốt” đã trở thành thành ngữ dành để ca ngợi những tài năng văn học và thư pháp vốn không nhiều lắm ở mỗi thời.
Theo ông Phan Văn Các, nguyên viện trưởng viện Hán Nôm : “Di sản Hán môn của chúng ta chỉ có thể tồn tại sau khi chiến thắng được sự xâm thực huỹ hoại khắc nghiệt của khí hậu nóng ẩm nhiệt đới và sự tâm phá muôn phần khắc nghiệt của các cuộc binh đao máu lửa kéo dài suốt hàng trăm năm. Cho nên hệ quả hiển nhiên là ngày nay, khi muốn dựng lại lịch sử thư pháp nước nhà, chúng ta trước hết phải tìm đến những trang chữ viết trên đá”. Nếu đúng như vậy, thì tác phẩm thư pháp đầu tiên của Việt Nam hiện tìm thấy được là dòng chữ Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn đắp theo lối chữ “triện” trên trán bia ở làng Trường Xuân (Thanh Hoá), hiện đang trưng bày ở việân bảo tàng lịch sử. Và có vô số những lệnh chỉ, sắc phong, các đại tự, hoành phi, câu đối, áng văn, cổ vật,… đã lưu trữ nhiều tác phẩm thư pháp quý giá_ chứng tích của một thời văn hoá phát triển cao. Dù trải qua bao biến cố thời gian, những bức thư pháp trên đá, vẫn hiện rõ tâm tính, chí khí của người muôn năm cũ.
Xuôi theo dòng thời gian thư pháp chữ Hán tại Việt Nam cũng êm đềm lặng lẽ như chính sự lặng lẽ của tự thân bộ môn thư pháp. Mặc dù ở Việt Nam không có những bậc thư pháp kỹ tài đặc sắc như Trương Húc, Vương Hy Chi,.. (Trung Hoa), hay Bạch Aån, Thiết Chu,.. ( Nhật Bản), nhưng chúng ta cũng có những như danh sĩ tao nhân mặc khánh lừng danh thư pháp nào kém phương Bắc, như : đại tự của chuá Trịnh Sâm, hay nhà thơ Cao Bá Quát (1808 – 1855), Phan Bội Châu (1967 – 1940),…. Họ thể hiện được những đường nét bút tài hoa, sống động có hồn. Đó cũngù chính là bản thể đích thực, là tinh hoa, sức sống mạnh mẽ của thư pháp.
Quá trình phát triển của môn thư pháp chữ Hán tại Việt Nam, có lịch sử hình thành tương tự bộ môn thư pháp tại Trung Hoa: đều xuất phát từ tinh thần văn nghệ trong sáng lấy cảm hứng làm căn bản, lấy chủ đề tạo cảm hứng”. Tuy nhiên về biểu hiện mỹ cảm có những điểm tương đối khác biệt so với nghệ thuật thư pháp ở Trung Hoa. Nhìn chung nghệ thuật viết chữ Hán ở người Việt luôn ở trong chừng mực. Nét bút tuy bay bổng tài hoa nhưng luôn mô phạm, sâu lắng nhưng không trầm tích, mềm mại nhưng không yếu đuối, phóng nhưng không cuồng… Cõ lẽ vì vậy mà trong lịch sử thư pháp Việt Nam ta không có những bức cuồng thư như ở Trung Hoa, hay mặc tích như ở Nhật Bản – đây là sản phẩm của văn hóa gốc nông nghiệp trọng tĩnh, cái cảm thức thẩm mỹ của người Việt luôn hướng đến sự hài hòa, biểu cảm. Trong khi so sánh văn hoá Trung Hoa và văn hoá Việt Nam GS Phan Ngọc đã viết: “ Văn hoá Việt Nam là một văn hoá khiêm tốn, mộc mạc, không có cái gì cực đoan. Nhưng không phải vì thế mà văn hoá Việt Nam thiếu cá tính…. Trong học, trong thư pháp, họa, thơ văn, người Việt, không tìm cái kinh người, cái phi thường mà tìm cái bình dị, tìm cái gần gũi”(2). Và điều này là một sợi dây xuyên suốt trên con đường phát triển đầy sáng tạo của nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
b. Thư pháp Quốc ngữ – Hiện đại:
Đến khi chữ quốc ngư ra đời với các mẫu tự Latinh được mở rộng khắp từ Nam chí Bắc những tưởng truyền thống thư pháp dân tộc phải dừng lại. Nhưng không, thư pháp tiếng Việt cứ le lói, âm ỉ như một ngọn lửa nhỏ, bổng bùng lên mạnh mẽ từ đầu thiên niên kỷ này.
Từ thế kỷ 17, với mục đích du nhập Thiên chúa giáo vào Việt Nam, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha được sự giúp đỡ của các giáo sĩ ngừơi Việt đã Latinh hóa chữ viết để truyền giáo, đồng thời tách người Việt ra khỏi khuôn viên của chữ vuông và văn hóa khổng giáo.
Chính từ công cụ chữ viết quan trọng này, việc tiếp xúc văn hóa Đông Tây, nửa đầu thế kỷ 20 diễn ra sôi động. Đặc biệt sau khi giành độc lập, Hồ Chủ Tịch lần đầu tiên đã chính thức coi chữ quốc Ngữ là ngôn ngữ chính thống của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, đánh dấu thời kỳ phát triển mạnh mẽ của chữ Quốc Ngữ. Tiếng Việt nhờ đó đã biến đổi và phát triển vượt bậc, vượt xa các nước trong khu vực. Nhất là sự biển đổi về cú pháp vốn là lĩnh vực không thể vay mượn để trở thành tiếng Việt hiện đại như ngày nay.
Trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay, tiếng Việt được đánh giá như một trong những nhân tố quan trọng, đóng vai trò tích cực vào quá trình hội nhập của Việt Nam và thế giới.
Như vậy, chữ Việt đã thực sự đi vào cuộc sống của chúng ta chỉ được vài thế kỷ. Quả thật, đây là một thời gian quá ngắn gũi so với chữ viết của người Trung Hoa và các dân tộc phương Đông khác. Nhìn từ góc độ bề dày lịch sử của chữ viết các dân tộc rồi bàn đến bộ môn nghệ thuật thư pháp của dân tộc, mới thấy đời sống văn hóa của dân tộc Việt vô cùng phong phú, sự phát triển với tốc độ rất nhanh. Chính điều này khiến chúng ta càng phấn khởi, tự hào hơn về sự có mặt kịp thời của phong trào thư pháp chữ Việt trong suốt thập niên qua.
Ngay từ thời vua Khải Định đã có những quan văn, thầy đề, linh mục rồi thông ngôn, ký lục… dùng ngòi bút tre, bút sắt viết chữ quốc Ngữ rất đẹp. Tuy nhiên đó chưa phải là thư pháp mà chỉ là thư bút. Đến đầu những năm 1930, khi phong trào thơ mới nổ rộ trên văn đàn, nhiều nhà thơ đã dùng chữ quốc ngữ để phóng bút đề thơ, ghi thơ vóc những nét chữ, kiểu chữ rất đẹp, rất riêng nhằm thể hiện các hồn của bài thơ mình yêu thích. Ngay cả những bậc túc nho, học sĩ hay những người biết viết chữ Hán lúc ấy cũng chuyển sang viết chữ quốc ngữ. Trong số đó, có người dùng cả bút lông (vốn dùng để viết Hán tự) để viết những đường nét “phượng múa rồng bay” và thư pháp chữ Việt Latinh manh nha từ đó.
Nghệ thuật chữ viết Việt Nam, từ sau chữ Quốc Ngữ được phổ cập, đi theo hai hướng:
Hướng thứ nhất, xuất phát từ sự hoài niệm về một thời ngự trị của chữ Hán, chữ Nôm. Những nghệ nhân đã biểu đạt hình thức chữ Việt (với các mẫu tự Latinh) theo các khối hình tròn hoặc vuông của chữ Hán. Nói cách khác là các mẫu tự trong một chữ được phối cảnh trong một ô vuông hoặc ô tròn cũng chạy dọc từ trên xuống, trông xa như một câu đối, liễn viết bằng chữ. Trong xu hướng này, cũng phải kể đến kiểu chữ viết “ngược” của một số nghệ nhân, thoáng nhìn trông như chữ Hán, những tác phẩm này chỉ đọc được dễ dàng khi nhìn phía sau trang giấy. ( kiểu chữ này đã công bố trong sách Quốc ngữ kỳ quan của tác giả Kiều Văn Tiến xuất bản năm 1974).
Hướng thứ hai, trình bày chữ Quốc Ngữ theo dạng chữ viết vốn có nguồn gốc từ Phương Tây dùng cho hệ thống mẫu tự Latinh. Trong xu hướng này có sự sáng tạo mang tính đột phá đó là kết hợp cái thần của ngọn bút lông với nét chữ quốc ngữ để tạo ra nghệ thuật thư pháp hiện đại và đại chúng mà chúng ta thấy ngày nay. Đến nay theo các tài liệu thì thư pháp quốc ngữ ghi nhận người đầu tiên khởi động ngọn bút lông bằng nét chữ Latinh là nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác và Vũ Hoàng Chương. Bức thư pháp đầu tiên bằng tiếng Việt hiện còn lưu giữ tại tịnh thất hòa thượng trí chủ ở chùa Gia Lâm, Sài Gòn. Có lẽ trên thế giới, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong hệ thống các nước dùng mẫu tự Latinh đã biết kết hợp với ngọn bút lông “thần kỳ” đưa nó vào nghệ thuật thư pháp để nâng cao tầm quan trọng và làm thăng hoa vẻ đẹp của mặt chữ này.
3. Một số đặc điểm trong nghệ thuật thư pháp chữ Việt :
a. Tính biểu cảm của nghệ thuật thư pháp chữ Việt
Tính biểu cảm là một đặc điểm tiêu biểu của các loại hình nghệ thuật của văn hóa Việt Nam nói riêng là và văn hóa nông nghiệp nói chung. Với nghệ thuật thư pháp chữ Việt thì tính biểu cảm thể hiện khá rõ nét, cảm thức thẩm mỹ của người viết cũng như thị hiếu của người thưởng lãm thường hướng đến sự đơn giản hài hòa bình dị, mang chất thơ, chất lãng mạn. Nó luôn phản nghịch hoàn toàn lại sự trao chuốt chiết lọc, hay sự ồn ào của màu sắc. Hơn nữa, những nội dung đựơc viết thường là ca dao, tục ngữ, những lời dạy của danh nhân, những bài thơ giàu chất trữ tình… tất cả được tạo nên bức thư họa khi nhẹ nhàng thanh thoát, khi ảo điệu khói sương… khiến người thưởng lãm như lạc vào thế giới nghệ thuật trầm ảo, lắng động. Thư pháp chữ Việt cũng không có những bức cuồng thư, mạch hảo như thư pháp Trung Hoa – xuất phát từ bản tính người Việt rất trọng tình cảm, hiếu hòa. Ví như trong suốt lịch sử nghệ thuật hội hoạ của mình, hầu như người Việt không hề sáng tạo những tác phẩm hội hoạ, điêu khắc về đề tài chiến tranh với cảnh đầu rơi máu chảy rùng rợn như các nước có nền văn hoá khác mà tranh tượng thường thể hiện tình cảm nồng thắm của con người thì rất nhiều, mặc dù người Việt phải chịu nhiều cảnh chiến tranh liên miên, ác liệt. Nhờ sự phong phú của tình cảm thẩm mỹ mà các sáng tác trong nghệ thuật chữ viết giữ được bản sắc dân tộác độc đáo và hòa chung vào các giá trị của nhân loại.
b. Tính linh hoạt trong nghệ thuật thư pháp chữ Việt
Ta dễ dàng nhận thấy tính linh hoạt trong nghệ thuật này của dân tộc Việt. Một trong những nguyên tắc trong khi viết, là rất mức tôn trọng tính phóng khoáng tự nhiên, hoàn toàn không câu nệ khuôn sáo, biểu lộ cách viếtõ linh hoạt. Chính cái nét linh động đó làm cho tác phẩm thư pháp luôn có cái “hồn” của chữ. Ví như là hình vẽ một cô đang lắc đầu có ý nghĩa hơn là hình một cô để đầu ngay ngắn. Cho nên trong tác phẩm thư pháp chữ Việt thường các chữ không đều nhau có lúc nhấn mạnh chữ trọng tâm trong câu thơ, hoặc có thể chữ cần nhắn mạnh được viết rất lớn bao trùm cả nội dung câu cần viết. Đặc biệt ở thư pháp chữ Việt tính linh hoạt rất cao độ đến mức các nghệ nhân đã thể hiện các con chữ Latinh tạo thành một bức tranh, bức chân dung tuyệt tác. Ví dụ hay nhất cho loại chữ này là họa sĩ Lê Vũ – ông đã “vẽ” chân dung các danh nhân bằng chữ Latinh – đây là sự sáng tạo rất đáng trân trọng. Đối với chữ Hán vốn là chữ tượng hình nên bản thân mỗi văn tự với những chấm, phẩy, sổ, ngang, khung, mác… hợp thành đã trở thành bức tranh sinh động, hay hình tượng cụ thể nào đó là điều đương nhiên.. Nhưng đối với chữ Latinh không có sự mô phỏng như chữ Hán mà các nghệ nhân chúng ta vẫn có thể làm thư pháp hóa thành những hình tượng tuyệt vời quả thật là điều kỳ diệu của thư pháp Việt Nam hiện đại. Mặc khác, tính linh hoạt còn thể hiện ở chất liệu làm nên bức tranh cũng như màu sắc thể hiện chữ viết.
c. Tính tổng hợp trong nghệ thuật thư pháp chữ Việt
Trong nền văn hóa Việt Nam, thì tính dung hợp, giao hòa thể hiện ở nhiều lĩnh vực, như “ trên lĩnh vực vật chất, ta thấy sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống dân tộc kín đáo dịu dàng và chất Phương Tây táo bạo trong tà áo dài tân thời, hay là sự kết hợp khá hài hòa giữa kiến trúc cổ truyền với kiến trúc hiện đại phương Tây trong nhiều tòa nhà được xây dựng vào thời Pháp,… Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, loại hình cải lương xuất hiện ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách biểu trưng truyền thống của nghệ thuật thanh sắc Việt Nam với phong cách tả thực của truyền thống nghệ thuật thanh sắc Phương Tây,…” (3) Sự ra đời của nghệ thuật thư pháp chữ Việt một lần nữa minh chứng cho tính dung hợp mạnh mẽ của văn hóa Việt – đó là sự kết hợp các thần của chữ Hán vào nét chữ quốc ngữ. Với ngọn bút lông “kỳ diệu” (sản phẩm của văn hóa phương Đông) được vận dụng một cách thuần phục, tế nhị vào mẫu tự Latinh (sản phẩm của văn hóa phương Tây) . Nghệ thuật thư pháp chữ Việt chính là sự giao hòa văn hóa Đông – Tây.
Nếu văn hoá được xem là một tổng thể các hệ thống tín hiệu do con người sáng tạo nên, thì ngôn ngữ, chữ viết là một hệ tín hiệu tiêu biểu, hoàn chỉnh nhất và cần thiết nhất để hình thành xã hội loài người. Chữ viết gắn liền với lịch sử dân tộc và nó ghi lại những chặng đường phát triển và sáng tạo của dân tộc cùng với nền văn hoá của họ. Chính nghệ thuật chữ viết ở mỗi chặng đường lịch sử đã tôn vinh nét chữ đáng yêu của dân tộc. Lịch sử chữ viết Việt Nam đã trải qua một hành trình rất dài, rất phức tạp với nhiều biến đổi: từ những chữ tượng hình (chữ viết cổ (?) ) cách đây hàng nghìn năm, rồi việc sử dụng chữ Hán hơn nghìn năm, đến việc sáng tạo ra chữ Nôm và cuối cùng là chữ quốc ngữ. Đó là kết quả lao động sáng tạo văn hoá của dân tộc ta. Sự ra đời và ưu thế của chữ Quốc ngữ đã được phổ biến nhanh chóng và nghệ thuật chữ viết ở nước ta lại có sự chuyển đổi lớn lao. Cấu trúc về mặt hình thức của chữ Quốc ngữ dựa trên hệ thống mẫu tự latinh tuy khác biệt hoàn toàn với chữ Hán và chữ Nôm nhưng thực chất nó là sự tiếp nối của nghệ thuật chữ viết truyền thống. Trong lý luận mỹ học của văn hóa nghệ thuật truyền thống, các giá trị thẩm mỹ thường bàn về con người, về đạo làm người. Đạo đức được xem như cái đẹp của con người. Thật vậy, ở nghệ thuật thư pháp của dân tộc đã phản ánh rỏ nét quan niệm này. Quan điểm văn dĩ tải đạo luôn là sợi dây xuyên suốt trong quá trìng sáng tạo nghệ thuật thư pháp. Nội dung sáng tác thường xoay quanh tư tưởng đạo đức. Sự nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong đánh giá thẩm mỹ là nét văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta.
Sự xuất hiện của thư pháp chữ Việt hiện đại là bước chuyển đột phá mới mang tính sáng tạo trong nghệ thuật dân tộc. Nhìn lại có thể nói, trong không gian văn hoá, ít có bộ môn nghệ thuật nào mới ra đời lại được mọi người quan tâm đến như thư pháp chữ Việt. Sở dĩ đặc biệt như vậy vì nó đã kế thừa và nối mạch được truyền thống tốt đẹp tôn trọng chữ, kính chữ của dân tộc. Trong tiến trình lịch sử của một dân tộc, nghệ thuật luôn có sự vận động. Và chính nghệ thuật thư pháp chữ Việt với tư cách là một phương thức biểu thị và lưu truyền của truyền thống đã minh chứng điều đó. Thư pháp chữ Việt đã phản ánh đậm nét những đặc trưng tiêu biểu của người Việt như tính linh hoạt, trữ tình, giàu cảm xúc… Trong quá trình tồn tại, thư pháp chữ Việt đan xen, dung hợp với các hình thái nghệ thuật khác, lắng động, thẩm thấu vào cuộc sống. Hy vọng thời gian sẽ sàn lọc và bồi đắp cho thư pháp Việt Nam ngày càng định hình, tiếp tục phát triển để góp phần làm phong phú thêm nền nghệ thuật độc đáo của văn hoá phương Đông.
————————————–
Chú thích:
1. Hoàng Anh Sướng, Thư pháp Việt Nam – những nổi niềm thao thức, tạp chí Thế giới mới, (số 522)
2. Phan Ngọc, 1998: Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb Văn Hóa Thông Tin, trang 127-128
3. Trần Ngọc Thêm, , 2001, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, , Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, trang 559-
————————————–
Tài liệu tham khảo:
1. Lâm Tô Ngọc(2001),Truyền thống nghệ thuật Việt Nam và sự phát triển của nó,Nxb Văn hóa Thông Tin và Viện Văn Hóa
2. Phạm Đức Dương,(2002), Từ Văn Hóa đến Văn hóa học ,Nxb Văn Hóa Thông Tin.
3. Phạm Đức Dương, (2000),Hình trình chữ viết,Tạp chí hàng không HERITAGE 1/2000.
4. Lâm Ngữ Đường, (2001), Trung Hoa Đất Nước Con Người – Nxb Văn Hóa Thông Tin
5. Trần Ngọc Thêm ( 2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
6. Bùi Đình Thi (2001), Văn hóa chữ, Tạp chí thế giới mới 2001, số 458.
7. Phanxipăng ( 2001 ), Thư giãn pháp , Tạp chí thế giới Mới số 428 và 429
8. Kiều Văn Tiến (1999) Kỳ quan Chữ Việt, Nxb Văn Hóa Dân Tộc
9. Nguyễn Bá Hoàn (2002), Căn bản Nghệ thuật thư pháp , Nxb Thuận Hóa.
10. Hồng Sơn,(2000), Thư pháp Việt – Hồn xưa trong nét chữ hôm nay, Báo tuổi trẻ 2000.
11. Nguyễn Quang Hà(2002),Thư pháp Việt – Điều thần diệu nơi tâm hồn, tạp chí hàng không HERITAGE 9/2002.
12. Hoàng Anh Sướng, (2003),Thư pháp Việt Nam những nỗi niềm thao thức. Tạp chí Thế Giới mới – Xuân 2003
13. Lê Anh Dũng (2003), Thư pháp và nhân cách ,( Sách hồn chữ Việt qua thư pháp_NXB Thuận Hoá, 2003)
14. Nguyễn Hiếu Tín (2002),Thư pháp nét đẹp văn hoá phương Đông, Tạp chí Tem số 56 – 2002.