Tết truyền thống
Trong các ngày lễ tiết thường niên thì Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng và nhiều ý nghĩa nhất đối với người Việt Nam. Theo lịch sử ghi lại thì nuớc ta nhận chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, trước đó có thể tổ tiên ta đã có những lễ tiết khác như ghi lại trên các trống đồng và di tích, tuy nhiên, từ nhiều thế kỷ, người Việt vẫn sống theo Âm lịch và cử hành các lễ Tết như người Trung Hoa và một vài nước cùng ảnh hưởng như Nhật, Đại Hàn.
Tết Ta tức Tết Nguyên Đán theo lịch Tàu, là ngày đầu tiên của một năm Âm lịch, là một thời điểm quan trọng đối với con người vì con người ta là một thành phần của tam tài, là điểm nối kết và liên hệ giữa Trời và Đất, Âm và Dương.
Ăn Tết là một hành cử văn hóa, một hành cử có những biểu hiệu, thứ lớp riêng. Nhà cửa phải được chuẩn bị, trang hoàng trước đó, ngay từ hôm 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Táo (Kitchen Gods) về chầu Ngọc Hoàng và báo cáo chuyện thế gian – từ đó đưa đến tục viết Sớ Táo quân trên các báo Tết. Ông Táo có hẳn bàn thờ riêng bên cạnh bàn thờ tổ tiên cha mẹ. Bàn thờ thì có cành đào, cành mai và có mâm ngũ quả. Con số năm biểu tượng cho thiện mỹ, sự tốt đẹp, quân bằng, cho ngũ sắc, ngũ vị, ngũ giác, ngũ phúc, v.v. Ngũ quả gồm nải chuối, quả Phật thủ, quả Bưởi, quả Hồng và quả Cam là năm thứ quả có hột, có nhiều múi và hính dáng lạ tượng trưng cho tái sinh và bất tử. Tùy địa phương mà ngũ quả thay đổi, Lê, Lựu, Đào, Mai, Phật thủ, trong Nam thường thêm Dừa, Xoài, Mãng Cầu (Na) và Mãng Cầu Xiêm. Cột nhà thì treo những tranh Tết (hàm ý triết lý dân gian, thiên tính và nhân tính, như tranh hứng dừa, đánh vật, đánh ghen, ngũ hổ, gà đàn, Trạng Chuột vinh quy, …) và câu đối mới viết. Ai trong chúng ta không nhớ bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên vào thời tiền chiến đã tiếc nuối bóng tàn phai của cựu thời truyền thống:
Cây nêu (Tet Pole) được trồng ngay cổng vào nhà, trên móc những lá cờ lưỡi hổ ngũ sắc, những hình thù và những chiếc khánh nhỏ vang tiếng khi có gió; mục đích cốt báo cho ma quỷ biết rằng nhà có chủ! Ngoài ra là trồng bông hoa có ý nghĩa như hoa Mai trong Nam, hoa Đào ngoài Bắc.
Đến 28 tháng Chạp, người ta có tục đi thăm mộ thân nhân để tỏ tình quyến luyến và để mời vong linh người thân về ăn Tết ba ngày với gia đình. Ngày Tết trước hết là thời điểm các Thần gặp gỡ. Đêm 30 Tết tức Giao Thừa (New Year’s Eve) người cùng (tiểu) gia đình làm lễ gia tiên, cúng bái đón tổ tiên về cùng ăn Tết, rồi ăn Tất Niên. Đúng giờ Tý tức giờ thật sự Giao Thừa, người ta đốt pháo, cúng bái tổ tiên cùng tiễn thần năm cũ và đón thần năm mới, ba vị thần là Tiên Sư (tổ nghề, tổ sư), Thổ Công (thần đất) và Táo Quân (vua bếp). Ở thôn làng ngày xưa còn lập hương án ở sân đình, cũng tiễn và đón thần, và cầu cúng cả Thành Hoàng (thần làng) và thần Thổ Địa. Sau đó ai cũng áo quần tươm tất để đi lễ chùa, miếu, nhà thờ để cầu xin và hái lộc đầu năm (Picking a Tree Bud; ở nhà quê xưa không có điện thì đi hái lộc sáng Mồng Một). Hoặc đi đền – ở Sài Gòn thì đi Lăng Ông, xin quẻ để biết năm mới tài lộc sự nghiệp hanh thông ra sao!
Vào sáng sớm Mồng Một (hoặc sau khi đi hái lộc về) là đến tục xông nhà, xông đất. Người tốt tướng, phúc hậu, ăn nên làm ra thường rất được hoan hỉ welcome, và phải là đàn ông. Sau xông đất là đến đi lễ Tết ông bà, cha mẹ. Con cháu quy tụ – thường ở nhà con trưởng hay từ đường, chúc thọ ông bà cha mẹ và được mừng tiền lì xì; cũng là dịp để ông bà cha mẹ huấn từ răn bảo con cháu. Sau đó là cỗ cúng gia tiên, cỗ thường có bánh dày, bánh chưng. Sau đó mọi người trong đại gia đình đi thăm nhau, từ người trưởng sang người thứ, và cũng lì xì, ăn uống. Trẻ con xưa nhập bầy đi khắp thôn xóm lắc “súc sắc súc sẻ” chúc người trong làng xóm được may mắn, thường được chủ nhà thưởng cho chúng tiền: “súc sắc súc sẻ / nhà nào còn đèn còn lửa (…) “
Ba ngày Tết, người ta chú tâm ăn nói nhã nhặn, lễ phép, làm việc bố thí, … tức tuân theo bốn khuôn mẫu “thiện, khiết, hòa và vọng”. Dĩ nhiên có cái tốt, cái cầu mong, thì cũng có những hành động và lời nói kiêng cữ (taboos) trong ba ngày Tết như không gây xích mích, không sát sinh, không quét rác ra dù là xác pháo,… Chiều ngày Mồng Ba Tết, làm lễ gia tiên tiễn tổ tiên trở về âm phủ và hẹn những dịp tết khác trong năm (Thanh Minh, v.v.) và Tết sang năm!
Đối với người đi làm ăn thì thêm tục lệ xuất hành (First Time Out), chọn ngày giờ tốt cũng như hướng ra đi để mong thành công hoặc học thành thi cử đậu đạt. Giới nhà nho ngày xưa thì có tục khai bút (First writing) tức viết đôi dăm dòng chữ Hán hoặc thảo bút một bài thơ trong ngày đầu năm, dĩ nhiên cũng phải chọn ngày giờ. Giới quan lại thì có tục lệ khai ấn mong được hanh thông cả năm!
Tết như vậy là dịp để con người cảm ơn Trời Đất, báo hiếu ông bà cha mẹ, dịp để gia đình đoàn tụ, là thời gian người sống người chết “gần” nhau, qua cúng bái, lễ nghi. Mùa hòa hợp tam tài (Trời – Người – Đất), và cũng là dịp nghỉ ngơi (xong việc đồng áng). Người xưa ăn Tết ít nhất một tuần, ngày Mồng Bảy là Tết khai hạ: người ta hạ cây nêu để bế mạc Tết Nguyên Đán, nhưng những vui chơi (đánh đu), rước sách, hát tuồng, … cứ vẫn tiếp tục! Và cũng là dịp để trai gái làm quen nhau!
Rồi những du xuân, những trẩy hội đi chùa Hương ở ngoài Bắc, đi Lăng Ông đêm Giao Thừa xin lộc trong Nam, v.v. Rồi sửa soạn mừng Ngày Rằm Tháng Giêng thường được xem là ngày đẹp nhất trong một năm (Lễ quanh năm không bằng ngày Rằm Tháng Giêng). Ngày của Bụt, của Thánh, của Ngọc Hoàng! Ở Việt Nam có nơi, nhất là chốn sống nghề đồng áng, người ta ăn Tết cả tháng (Tháng Giêng là tháng ăn chơi,..).
Tết Ở Ngoài Nước
Với thời gian và đời sống đô thị hoá và hiện đại hóa, các phong tục lễ tiết nói trên dần biến mất. Đối với hơn ba triệu người Việt sống tha hương ở ngoài nước, cử hành lễ Tết Nguyên Đán như xưa càng khó và thu hẹp hơn nữa! Ngày Tết của Việt Nam ta nhưng lại là ngày đi làm bình thường của người bản xứ. Khó lấy ngày nghỉ (nếu có thì cũng có tính cách cá nhân), còn nói gì đến bảo tồn văn hóa với đầy đủ lễ nghi, lớp lang thứ tự như ngày xưa! Ngày Tết Nguyên Đán ở những nơi đông đảo người Việt ở khắp thế giới thường diễn ra dưới ba hình thức: Đúng đêm Giao Thừa 30 Tết, người có thể được thì đi chùa, đi nhà thờ, thánh thất; dĩ nhiên khó có thể vào lúc Trừ Tịch, mà thường sớm hơn. Cũng có hái lộc nhưng có tính cách tượng trưng, nhất là ở những xứ lạnh (cây kiểng trong chậu hoặc lá nhân tạo với lời chúc viết sẵn trên đó). Một hội chợ Tết cho cả cộng đồng thường được tổ chức vào một ngày cuối tuần. Trong các gia đình vẫn có người cúng gia tiên và chư thần vào lúc Giao Thừa, nhưng phần lớn dời vào cuối tuần khi “đại gia-đình” nghỉ việc, nghỉ học.
Về căn bản, Tết Nguyên Đán ở ngoài nước đơn giản hơn về hình thức, lễ nghi; rồi với thời gian, nội dung, ý nghĩa cũng mất dần. Người xưa sống gần thiên nhiên, theo tứ thời nên họ sống lễ Tết như một hành cử tự nhiên, như một bổn phận, đối với đất trời và gia tiên. Dần dà trở thành nếp văn hóa, phong tục, một nét đẹp. Nay ở ngoài nước, cũng cúng, cũng lễ, cũng hái lộc, “du Xuân” nhưng như là một “nhớ lại”, một “lập lại” có tính cách máy móc, hình thức, hoặc như một “sống lại”, như một hy vọng, một cử chỉ bảo tồn văn hóa! Cả việc khai bút, có người làm thơ khai bút thành cả tập sau vài năm! Nói đến hình thức, cũng là nói đến đời sống hội nhập ở xứ người, phải theo đòi hỏi của nếp sống, luật lệ của bản xứ.
Hình thức còn ở những trình diễn văn nghệ dần dà trở nên có tính cách thương mại (và cả chính trị) hơn là văn hóa! Đây làm cơ hội cho các vị Dân Biểu, Nghị Viên bản xứ hoặc cơ sở thương mại, quảng cáo nối tiếp nhau lên chúc Tết, nói ấp úng “Chúc Mừng Năm Mới” cốt lấy phiếu và bán hàng! Ngày Tết, đại gia đình thăm viếng, anh em họ hàng gặp nhau, hình như cũng thiếu vắng hơn! Có khi kéo nhau ra tiệm Tàu ăn uống hơn là ở nhà, bên bàn thờ tổ tiên, dưới sự chứng giám và hiện diện ba ngày Tết của tiên nhân!
Sau hơn phần tư thế kỷ, hơn ba triệu người Việt hải ngoại có rất nhiều hội đoàn. Thành thử trước Tết, các hội đoàn ở hải ngoại có những tiệc Tất Niên. Hội nào không thuê được nhà hàng hay không chuẩn bị kịp thì mở Tiệc Tân Niên sau Tết kéo dài đến đầu mùa Hè.
Tuy nhiên, sự hiện diện của làn sóng tị nạn rồi di dân của người Việt ở nhiều quốc gia cũng đã đánh dấu một vài điểm son, một loại ghetto mở – có nghĩa là đã đem lại cho xã hội bản xứ một số “đóng góp văn hóa” của người di trú. Như một số món ăn Việt Nam ta được đón nhận như là những món ăn đặc biệt bổ dưỡng và thích hợp thời kiêng cữ đồ mỡ đồ béo. Như hiện tượng ngày Tết ta. Các hội chợ Tết Việt Nam ở hải ngoại là một đặc sắc của riêng người Việt vì người Hoa không “ăn Tết” lớn như vậy, họ nhắm việc thương mại hơn, tiệm vẫn mở, cùng lắm là vài buổi múa lân ở các Chinatown. Đến nỗi mỗi ngày Mồng Một Tết là trên màn ảnh các đài truyền hình bản xứ ở Canada, Hoa Kỳ chỉ thấy hình ảnh người Việt Nam áo dài khăn đóng nhộn nhịp ăn Tết, cử hành tập thể một hành cử văn hóa riêng!
Ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa tập thể. Ý nghĩa thứ nhất là ngày Tết của Ta tương đương với lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) của người Hoa Kỳ và Canada (và nhiều nước khác), một dịp lễ cảm ơn trời đất đã cho mùa màng thu hoạch tốt, hoặc cảm ơn tổ tiên đã đưa con cháu đến vùng đất hứa. Tuy nhiên ở Trung Hoa xưa có tục mừng thêm mùa gặt hái vào dịp lễ Trung Thu tức ngày Rằm tháng Tám Âm lịch – còn ngày Tết là cảm ơn trời đất chung chung. Ở Việt Nam ta thì cử hành thêm Tết Đoan Ngọ tức Mồng Năm tháng Năm Âm lịch, dịp này người ta quà cáp thăm viếng và cảm ơn cha mẹ và thầy học.
Theo truyền thống và dịch lý Âm Dương của Á Đông, ngày Tết Ta còn là ngày sinh nhật (Birthday) của mọi người. Mỗi người thêm một tuổi vào ngày này, kể cả đứa nhỏ mới sanh. Ngày xưa ta không có tục mừng Sinh nhật cá nhân, vì mọi người đã mừng chung vào ngày Tết. Người Việt mừng Birthday với hàng loạt nến theo tuổi, ổ bánh mừng, Champagne, là theo người Tây phương và nay trở thành phong tục mới ở đất người. Xưa, những ngày đầu Xuân là dịp mặc y phục mới, trai gái bạn bè, anh em khoe nhau áo mới. Nay và nhất là ở hải ngoại, thì áo mới hình như cả năm lúc nào cũng có thể mua sắm và khoe nhau. Những ngày đầu Xuân cũng báo hiệu sự sống lại, sinh trưởng của thiên nhiên, sinh vật, thực vật. Cây cối bắt đầu nở mầm dù ở những xứ lạnh như Canada hay vùng Bắc Hoa Kỳ đang có tuyết phủ đầy.
Về ý nghĩa của ngày Tết của Ta như đã nói ở trên còn bao gồm những lễ Mother Day và Father Day như ở Bắc Mỹ và nhiều nước, vì là dịp con cháu chúc mừng và báo hiếu ông bà, cha mẹ. Thành ra, người Việt ta một năm 365 ngày thì có nhiều dịp lễ trùng hợp và mừng lễ nhiều hơn người bản xứ!