Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Ngày Xuân – Nói chuyện áo dài

Tôi có cô bạn người Pháp, Monique Alia, rất yêu quý đất nước và văn hóa Việt Nam. Festival Huế tôi mời cô sang Huế chơi. Ngay khi đến Huế, Monique nói là muốn có một bộ áo dài Huế để mặc trong những ngày rong ruổi dự Festival Huế.

Tôi đưa Monique đến Chi, hiệu may áo dài nổi tiếng ở đường Mai Thúc Loan bên trong Thành Nội. Trong khi chọn vải, bất chợt Monique hỏi tôi: “Áo dài Việt Nam có tự bao giờ? Anh có thể kể cho tôi nghe về lịch sử chiếc áo dài được không?”.

Sau một thời gian sưu tra tài liệu và phỏng vấn nhiều chứng nhân của áo dài, tôi muốn trả lời Monique Alia bằng những trang viết này.

Nhiều nguồn sử liệu Việt Nam cho biết chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam ra đời và năm 1744, bởi một mệnh lệnh hành chính của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, người đang trấn trị xứ Đàng Trong lúc đó. Vì muốn thể hiện độc lập tuyệt đối với chính quyền Đàng Ngoài sau gần 200 năm ly khai, nên Võ vương muốn cải biên phong hóa, trang phục của Đàng Trong cho khác với Đàng Ngoài.

Đôi tân lang – tân nương trong trang phục áo dài thời Nguyễn. Ảnh tư liệu.

Bấy giờ, phụ nữ Đại Việt từ Bắc chí Nam đều mặc váy với áo tứ thân, đầu vấn khăn bọc tóc. Đàng Trong tuy là đất mở cõi ở phương Nam của chúa Nguyễn, nhưng dân cư có gốc gác từ Đàng Ngoài, nên phong hóa cũng không khác Đàng Ngoài là mấy. Để phân biệt với Đàng Ngoài, Võ vương bắt buộc phụ nữ Đàng Trong phải mặc quần 2 ống cho dù dân chúng phản đối quyết liệt. Về sau, thấy phụ nữ mặc quần 2 ống không được kín đáo cho lắm, Võ vương giao cho triều thần tham khảo áo dài của phụ nữ Trung Hoa, kết hợp với chiếc áo dài bít tà của phụ nữ Champa để chế ra chiếc áo dài dùng cho phụ nữ Đàng Trong. Chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam ra đời từ đó.

Một đôi vợ chồng quý tộc thời Nguyễn trong trang phục áo dài. Ảnh tư liệu.

Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, phần Tiền biên viết về các đời chúa Nguyễn, có chép sắc dụ này: “Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay rộng hay hẹp tùy tiện. Áo thì 2 nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn, ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép”.

Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, chép: “Năm Giáp Tý niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 5 (1744), Hiểu Quốc công Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu. Áo mão chế theo sách ‘Tam tài đồ hội’ (…), bắt con trai con gái 2 xứ Thuận Hóa, Quảng Nam phải đổi cách ăn mặc, dùng áo quần như người Trung Hoa, cốt tỏ cho thấy sự thay đổi hẳn lề lối ăn mặc của người xưa. Đàn bà con gái 2 xứ phải mặc áo ngắn, chật ống tay như áo của đàn ông”.

Sử liệu ghi như vậy, nhưng thực tế thì vào năm 1956, khi khai quật 3 ngôi mộ ở cánh đồng Bà Chúa (Thanh Hóa), các nhà khảo cổ đã phát hiện thi hài 2 phụ nữ thời Lê – Trịnh còn nguyên vẹn, đều mặc áo dài 5 thân may bằng gấm màu cổ đồng, khá gần gũi với áo dài tân thời sau này.

Như vậy có thể thấy rằng trước thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, ở Đàng Ngoài cũng đã có áo dài rồi. Nhưng đó không phải là chiếc áo dài như vẫn thấy sau này. Phải chăng đã có một sự lan tỏa ngược ra Bắc của chiếc áo dài 2 tà của Đàng Trong, rồi kết hợp với chiếc áo 5 thân của Đàng Ngoài để khai sinh nên chiếc áo dài Việt Nam sau này?

Sang thời Nguyễn (1802 – 1945), vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua xuống dụ: “Nhà nước ta bờ cõi hợp nhất, văn hóa cùng nhau, há nên có việc làm và quy chế khác… Nay thấy Nam Bắc một nhà, cùng chung phong hóa tập quán, duy về khoản áo mặc của sĩ dân ở các thành, hạt vẫn còn khác nhau. Vậy thiết tha xuống lời dụ này: Các đại thần nên sức cho thần dân trong hạt, phàm cách thức áo mặc đổi theo cách thức như Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn cho đến cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10, nhất tề sửa đổi lại, để nêu ý nghĩa vâng theo phép vua”. (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nội các triều Nguyễn biên soạn). Lệnh trên của vua Minh Mạng khiến dân tình xôn xao, phản ứng bằng 4 câu ca: “Tháng Tám có chiếu vua ra. Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông. Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?”. Nhưng dù sao thì việc “cấm váy” của vua Minh Mạng đã tạo cơ hội cho phụ nữ Việt Nam được mặc áo dài. Từ đó mà áo dài lan tỏa khắp cả nước.

Gia đình vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, hai con gái và Đức Từ Cung trong trang phục áo dài truyền thống. Ảnh tư liệu.

Trong thời kỳ đầu, áo dài của phụ nữ Việt Nam là chiếc áo “tứ thân”, phía trước và phía sau đều có 2 vạt như nhau, “đấu sống” ở chính giữa. Sở dĩ như thế là do khổ vải thời ấy chỉ hẹp khoảng 40 – 50 cm. Thân áo nối với tay áo ở đoạn giữa vai và khuỷu tay; ống tay rất dài và hẹp; cổ áo độn cứng, cao khoảng 2 – 3 cm. Thân áo dài vừa phải, quá gối chừng 25 – 30 cm. Áo dài của các hoàng hậu, công chúa, của các mệnh phụ, thiếu nữ quý tộc thường may bằng sa, lĩnh, gấm, vóc, thêu hình chim phượng, chim loan; vạt dưới thêu văn thủy ba, hoa lá, tản vân bằng chỉ kim tuyến. Áo thường dân cũng thể theo kiểu ấy, nhưng dùng vải kém hơn và không có hoa văn trang trí. Bấy giờ phụ nữ Kinh kỳ mặc áo dài cùng quần 2 ống may bằng sa trắng, cổ đeo kiềng vàng, chân đi hài nhung hoặc guốc Kinh. Phụ nữ thị thành miền Bắc mặc áo dài 5 thân, tóc quấn vào khăn vấn quanh đầu, cổ đeo chuỗi hạt, chân đi hài cỏ. Trong khi đó, phụ nữ nông thôn vẫn gắn bó với váy yếm, áo tứ thân, nón quai thao trong các dịp lễ lượt, hội hè.

Cuộc cách tân áo dài lần đầu tiên diễn ra vào những năm đầu thập niên 1920, bắt đầu từ các trường học. Chiếc áo dài tân thời với 2 vạt áo liền mảnh do khổ vải dệt rộng hơn ra đời, thay thế cho vạt áo “đấu sống” thuở trước. Nữ sinh đi học mặc áo dài, tóc kẹp, buông sau lưng, chân đi guốc mộc, tay ôm cặp sách đã trở thành một hình mẫu thời trang mới. Song phải đợi đến đầu thập niên 1930 thì chiếc áo dài của phụ nữ Việt mới có những cuộc cách tân sâu sắc.

Thiếu nữ Bắc Kỳ mặc áo dài Le Mur của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Ảnh tư liệu.

Áo dài của phụ nữ Bắc Kỳ thập niên 1930. Ảnh tư liệu.

Bấy giờ ở Hà Nội và Hải Phòng, có 2 họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, là Lê Phổ và Nguyễn Cát Tường. Họ là những người tiên phong cách tân áo dài Việt Nam. Trong xu thế Âu hóa trang phục và nhu cầu đổi mới của chị em phụ nữ, 2 họa sĩ Lê Phổ và Nguyễn Cát Tường đã chọn chiếc áo dài 5 thân cổ xưa để cải biến. Với chiếc áo cũ rộng thùng thình, những đường cong gợi cảm mà Tạo hóa ban cho nữ giới đã bị làm cho khuất lấp. Cổ áo lại to, che kín chiếc cổ cao 3 ngấn diễm kiều của những thiếu nữ khuê phòng. Năm 1934, trên báo Phong Hóa, họa sĩ Nguyễn Cát Tường tuyên bố: “Y phục của các bạn gái, tôi xem thấy có nhiều điều bất tiện mà lại không có vẻ chi là mỹ thuật. Tuy rằng vài năm gần đây cũng có một vài phần sửa đổi (…) chẳng qua chỉ ở mấy cái mầu sắc sặc sỡ, mấy thứ hàng lạ nước ngoài (…) còn thì vẫn kiểu áo lòe xòe ấy, vẫn cái quần lụng thụng đen ngòm ấy. Hoặc giả cũng có người ưa mặc quần trắng song tiếc rằng số đó vẫn rất ít (…). Cần sửa đổi dần: Trước hết phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, mực thước của thân hình mỗi bạn. Sau nữa phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự (…) cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”.

Họa sĩ Lê Phổ cũng nhắm vào những hạn chế ấy để cải tiến áo dài bằng cách thu nhỏ cổ và tà áo dài. Thân áo được thu hẹp để ôm kín thân người phụ nữ. Nguyễn Cát Tường thì tiến xa hơn khi tạo ra kiểu áo Le Mur (một cách chơi chữ tiếng Pháp từ tên của ông) vào năm 1936. Đó là kiểu áo nối vai thay vì nối tay như trước; vai áo lại bồng lên như kiểu áo đầm của châu Âu. Nguyễn Cát Tường còn chủ ý tạo ra các đường pince để thu nhỏ phần eo, nâng cao tầm hông và phần ngực, nhằm làm nổi bật những đường, khối tuyệt mỹ của người phụ nữ. Kiểu áo Le Mur của ông đã thu hút sự chú ý của giới nữ và dư luận, thổi vào thời trang áo dài đương thời một luồng gió mới. Ở nhiều nơi khác, chiếc áo dài cách tân ấy đã gây được những ảnh hưởng khác nhau, tùy theo tâm tính, sở thích của nữ giới từng miền: thiếu nữ Hà Nội thích chọn áo dài có gam màu tươi, mặc với quần lụa trắng, đi giày cao; thiếu nữ Huế thì mặc áo dài màu tím Huế, đội nói bài thơ, chân đi guốc Kinh… Áo dài kiểu Huế có độ dài vừa phải, eo cũng ít thắt, không bó quá sát đến mức khêu gợi mà tạo cho người mặc một dáng đi khoan thai, mềm mại; lúc đứng hay ngồi đều nền nã, đoan trang.

Kiểu áo dài tân thời được tinh chọn và hoàn thiện dần qua mấy mươi năm, được đông đảo giới nữ ưa thích, tồn tại cho đầu thập niên 1960 thì lại “đụng phải” một trào lưu mới: kiểu áo Trần Lệ Xuân với chiếc cổ decolaté. Bà đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng hòa lúc ấy không thích mặc áo dài có cổ cao như thiên hạ, nên đã tạo nên chiếc áo dài cổ decolaté, xuất hiện lần đầu vào năm 1958, với cổ áo khoét sâu, lộ cả đường chân ngực, vai áo bồng, tà áo ngắn. Thi thoảng, phần trên thân áo được may 2 lớp, trong may bằng soie (lụa), ngoài may bằng voan, ống tay nối với thân áo ở vị trí của vai.

Bà Trần Lệ Xuân mặc áo với kiểu cổ decolaté nổi tiếng một thời. Ảnh tư liệu.

Kiểu áo Trần Lệ Xuân ra đời chỉ được nữ giới thượng lưu ở Sài Gòn bấy giờ và một số thanh nữ thức thời tiếp nhận, còn đa phần phụ nữ miền Nam lúc đó vẫn thích kiểu áo kín đáo với cổ cao, vạt áo dài chấm gót chân. Để tạo đường eo, bên trong thân áo người ta luồn một sợi cước vòng quanh eo. Với người có vòng eo trung bình là 70 cm thì eo của áo là 69 cm, còn sợi cước chỉ dài 68 cm, nhằm giữ đường pince của áo khỏi bị bể. Mặc chiếc áo kiểu này, nét quyến rũ nữ tính được nhân lên bội phần. Ở Huế thuở đó áo dài của cô dâu thường được mặc thành cặp. Áo trong màu hồng, áo ngoài màu xanh, hoặc áo trong màu hồng nhạt, áo ngoài màu đỏ. Người Huế cho là sự vật gì cũng phải có đôi, có đũa thì mới bền lâu. Vậy nên cô dâu mới mặc áo kép trong ngày vu quy.

Người mẫu Ngọc Hân trong trang phục áo dài. Ảnh: Đào Hoa Nữ.

Khoảng những năm 1967 – 1968, ở Sài Gòn xuất hiện kiểu áo dài tay raglan (giác lăng), tức là kiểu áo ráp tay ở sát chân cổ, xuôi ra phía nách, khác với kiểu áo “can tay” hay “can vai” như trước. Vạt can của áo (người Huế gọi là vạt trò) cũng biến mất. Các đường pince cũng dần dần bị loại bỏ khỏi thân áo. Áo dài tay raglan xuất hiện ở Huế bởi những thiếu nữ tiên phong như cô Nhạn con của ông chủ tiệm vàng Vĩnh Hòa, chị em Trịnh Vĩnh Tâm – Trịnh Vĩnh Trinh nhà Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly… Sau đó thì mới đi dần vào công chúng. Thời kỳ này áo dài vẽ hoa văn trang trí bắt đầu xuất hiện. Đó là loại áo vừa vẽ hoa bằng thuốc màu, vừa thêu hình chim, bướm bằng chỉ thêu. Khoảng sau năm 1974, áo vẽ nhường chỗ cho áo dài có cài hoa giả và đính cườm, nhất là áo dài cưới. Đến đầu thập niên 1990 thì áo vẽ xuất hiện trở lại với chất liệu và hoa văn ngày càng cách tân và vô cùng phong phú.

Thiếu nữ Huế trong trang phục áo dài. Ảnh: Đào Hoa Nữ.

Ngày nay, việc mặc áo dài đã phổ biến trở lại, nhưng nó vẫn là một thứ lễ phục hơn là thường phục của phái đẹp. Nhiều nhà tạo mẫu áo dài Việt Nam xuất hiện khắp trong Nam, ngoài Bắc và ở hải ngoại. Họ đua nhau cách tân, sáng tạo nhiều kiểu áo dài mới lạ, hấp dẫn, bắt mắt. Tuy nhiên kiểu áo dài truyền thống đã định hình trong gần 1 thế kỷ qua vẫn được phụ nữ Việt Nam yêu thích hơn cả.

Áo dài Việt Nam, người mặc là nữ giới, nhưng người ngắm lại là nam giới. Cái độc đáo của áo dài Việt Nam là tuy kín mà hở, khác với chiếc xường xám của phụ nữ Trung Hoa là tuy hở mà kín. Xường xám Trung Hoa xẻ tà cao đến gối, cố tình khoe cặp chân thon của người mặc, nhưng chỉ xẻ một bên nên tà áo không lật, không bay. Áo dài của phụ nữ Việt Nam mặc với quần trắng, tưởng kín đáo nhưng lại gợi cảm vô cùng. Tà áo xẻ quá eo, để lộ một chút thân thể ngà ngọc của quý cô, quý bà, nhưng đủ làm bao đấng mày râu xao xuyến. Gặp cơn gió thoảng, tà áo tung bay thì cái thấp thoáng tưởng chừng rất kín đáo ấy lại gợi mở những suy tưởng mãnh liệt nơi các trang nam tử. Có lẽ vì thế mà người Pháp đã dùng chữ demi-sexy khi nói về áo dài của phụ nữ Việt Nam. Thử hỏi có dân tộc nào có được bộ nữ phục độc đáo và lạ lùng đến thế: vừa nghiêm trang, vừa gợi cảm vô cùng.

Chợt nhớ hôm Monique Alia mặc chiếc áo dài mới may đến khoe với tôi: “Trông thế nào?”. Tôi bảo: “Xinh đẹp, gợi cảm y như một thiếu nữ Việt Nam”. Cô đỏ mặt, sung sướng, rồi lẩm nhẩm hát bằng tiếng Việt: “Tà áo em, bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng. Tà áo em, bay bay bay bay trên phố dịu dàng (…) Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu…”. Lúc đó hồn tôi cũng bay bổng theo lời ca, và trở nên bối rối khi ngọn gió xuân bất ngờ cuốn tung tà áo dài của Monique Alia bay lên, bay lên…

Nghi lễ cưới truyền thống Việt Nam gồm có những gì?

Tìm hiểu cội nguồn các nghi lễ cưới truyền thống, bạn sẽ biết cách tinh giản các bước mà vẫn giữ được những gì tinh túy nhất của đám cưới...

Thuốc lá Sài Gòn xưa

Đầu thế kỷ 20, một số loại thuốc lá điếu từ nước ngoài nhập vào Sài Gòn phục vụ nhiều tầng lớp và những người lính…,lúc này nhu cầu sử...

Không yêu nhau mới loạn

Đại ý của bài rút lại một câu là: loạn mà sinh ra là chỉ do cái lòng không yêu nhau hết cả. Cầu lợi cho mình tức là muốn...

Cái nhìn đối chiếu giữa hai chữ viết tiếng Việt

Như chúng ta đã biết, để ghi tiếng Việt chúng ta có hai thứ chữ viết, chữ nôm và chữ quốc ngữ : - chữ nôm là chữ viết được hình thành dựa theo chữ...

Giai thoại những nghệ danh của các ca sĩ nổi tiếng trước 1975

Không như các ca sĩ Phương Dung, Thanh Thúy, Thanh Lan sử dụng tên thật làm nghệ danh, nhiều ca sĩ nổi tiếng như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Nhật Trường,...

Sài Gòn ngày mưa cứ ngỡ thu đang về

Không vồn vã vội đến nhanh đi như cái cách mà người ta vẫn thường nhớ về những cơn mưa bóng mây ở Sài Gòn. Thành phố phương Nam sắp...

Thái giám ngày xưa tịnh thân thế nào?

Để trở thành những người đàn ông hầu hạ vua chúa và phi tần trong cung, thái giám phải trải qua quá trình tịnh thân, tức cắt bỏ bộ phận...

Có một thời Việt Nam từng văn minh như Nhật

Tháng 9 năm 1987 tôi rời Hà Nội vô Sài gòn nhận công tác, chỗ tôi dừng chân tá túc đầu tiên là cổng Phi Long (khu vực Lăng Cha...

Ngựa và… thẳng ruột ngựa!

Ngựa không gần gũi người Việt bằng trâu. Ngựa chỉ biết kéo xe, không biết kéo cày. Ngựa còn bị khiển trách là không chịu tham gia khề khà chén...

Từ Phổ Nghĩa và An Nghiệp ở Bắc Kỳ (1872-1874)

Từ Phổ Nghĩa (Còn có cách phiên âm khác là Đồ Phổ Nghĩa.) (Jean Dupuis) và An Nghiệp (Francis Garnier) thuộc chung về lịch sử nước Pháp và nước ta....

Lễ ba ngày (lễ tế ngu) tính từ sau khi mất hay sau khi chôn cất?

Tục này không thống nhất, có nơi tính ba ngày sau khi mất, có nơi tính ba ngày sau khi chôn. Xét trong điển lễ thì không có "lễ ba...

Bộ ảnh miền Trung những năm 70

Những bức ảnh cho ta thấy một miền Trung với những cảnh sinh hoạt bình dị của người dân trên dải đất đầy nắng và gió. Miền Trung thường được...

Exit mobile version