Trái với hiểu biết của nhiều người, đã từng có thời kỳ, những người phụ nữ quê mùa đôi lúc chỉ mặc yếm khi đi đường hay xuống ruộng, nhưng tất nhiên, yếm không bao giờ được dùng làm lễ phục cả. Vậy người xưa đã dùng yếm như thế nào?
Người phụ nữ Việt Nam xưa dù ở tầng lớp nào cũng đều mặc yếm, từ người phụ nữ thôn quê cho đến các công chúa trong chốn cung đình. Chiếc yếm đã trở thành một phần không thể thiếu trong trang phục của phụ nữ xưa: cái yếm, cái áo tứ thân, cái dây lưng, cái khăn mỏ quạ, cái quần đen, cái nón…
Học giả Phan Kế Bính đã mô tả y phục phụ nữ miền Bắc những năm đầu thế kỷ 20 như sau:
“Đàn bà vấn khăn thâm, hoặc lượt hoặc nhiễu, hay vải nâu. Giời rét thì bịt thêm cái khăn vuông bằng vải nâu hoặc bằng xuyên thâm. Yếm cổ xây hay viền, dùng màu trắng nhiều hơn cả. Áo cũng dùng màu thâm, hoặc màu nâu, duy người ăn chơi hoặc con hát mới mặc các màu xanh đỏ. Quần phần nhiều mặc vải sồi, lĩnh thâm, đôi khi cũng có người mặc nhiễu đỏ.”
Còn trong “Đất lề quê thói”, Vũ Văn Khiếu lại miêu tả:
“Yếm mặc để che kín ngực là mảnh vải vuông, một góc may cổ xẻ, cổ thìa, hay cổ xây, có dải bọc treo lên cổ, hai góc đối nhau vắt sang hai bên sườn may dải rộng quấn vòng sau lưng ra đàng trước bụng, thường quấn chặt không để cho vú ngóc lên phô trương đường cong nét gợi, không để cho rung rinh, dún dẩy, vươn ra quá cỡ.”
Cái yếm như trang phục lót che kín ngực, mà nhiều khi được dùng suồng sã trong sinh hoạt. Trong Quê Rích Quê Rang – Trần Ỷ (Tuyển tập Quảng Ngãi Mến Yêu) có viết: “ra đường đi đâu gần gần mà chỉ bận yếm thì cũng chẳng ai rầy”. Còn trong Đất Lề Quê Thói của Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu thì mô tả: “mùa nóng nực những người làm việc khó nhọc chỉ mặc yếm che ngực, đủ kín đáo, không mặc áo”.
Tất nhiên, yếm sẽ không được dùng như một bộ lễ phục hay dùng để tiếp đón khách quý. Lễ phục cung đình thời xưa cũng rất trang trọng và nghiêm túc, từ những người tiếp đón cho tới những người phục vụ nhã nhạc. Yếm, lẽ dĩ nhiên, chỉ được dùng làm đồ lót trong.