Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Những ngộ nhận về áo dài Cát Tường

Càng ngày áo dài truyền thống càng phổ thông hơn ở nước ta và trên thế giới. Đến nỗi đã có vài luận án tiến sỹ ở Mỹ và Úc được nghiên cứu với đề tài áo dài Việt Nam, trong số đó có một luận án của một nghiên cứu sinh người Mỹ về đề tài Áo dài Cát Tường (Lemur). Có một thực trạng là rất nhiều người, trong đó có cả những nhà thiết kế áo dài hiện nay, hiểu lầm về nhà thiết kế Cát Tường và giòng áo dài của ông.

Trước hết, ông Cát Tường là một họa sỹ có tầm cỡ chứ không phải là thợ may. Ngoài ra, nhiều người hiểu lầm rằng cái áo dài ngày nay là do họa sỹ Cát Tường tạo ra. Và rằng ông đã thiết kế áo dài hiện đại từ áo tứ thân cổ truyền. Đây là những sự hiểu lầm rất đáng tiếc. Thật ra hai giòng áo dài tứ thân và năm thân (năm tà), được truyền xuống từ ngàn xưa, vẫn luôn giữ nguyên vẹn hình dạng và tính chất của chúng.

Y phục Trung Hoa, mà người Việt xưa vẫn xem là mẫu mực, được phân loại cụ thể từ đời Minh (1368 – 1644) thành ba dạng chính: Dạng thứ nhất là Bàn Lĩnh có cổ tròn và vạt áo trước cài sang bên phải. Dạng thứ hai là Trực Lĩnh với hai vạt gặp nhau ở giữa cổ và vạt áo trước xẻ giữa. Dạng thứ ba là giao lĩnh với hai vạt trước chéo nhau.

Các loại cổ áo xưa của Việt Nam

Áo tứ thân thuộc dạng trực lĩnh, không cổ. Áo này có gốc là áo ‘Trách tụ trường bối’ hay ‘Đối khâm trách tụ’ được phổ biến bên Trung Hoa ít nhất từ thời Hán, nhưng rõ nét hơn từ đời Đường (618 – 907). Ở thôn quê miền bắc Việt Nam, áo dài tứ thân mặc với xiêm (nay thành váy), và thường được cắt ngắn bớt đi cho tiện, gọn hơn.

Áo Trách tụ trường bối (Đối khâm trách tụ) thời Tống (960-1279)

Áo dài tứ thân thôn quê Bắc Bộ (hai vạt trước vắt chéo)

Trong khi đó áo dài năm thân thuộc giòng bàn lĩnh. Trên hai ngàn năm của phục trang sử Trung Quốc không thấy nhắc đến loại áo dài 5 thân này. Nó chỉ có ở Việt Nam. Vì nguyên tắc che cổ giấu tóc của người Việt, nên áo dài năm thân được gắn thêm cái cổ xây (cổ đứng). Áo dài năm thân Việt Nam ít nhất đã được hình tượng hóa rõ ràng qua pho tượng ngọc nữ được tạc từ thế kỷ 17, ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh. Cái áo dài trên pho tượng này không khác gì áo dài bây giờ.

Tượng Ngọc nữ chùa Dâu (với tấm vân khiên phủ trên vai và quầy nghê thường quấn quanh thân từ eo trở xuống)

Áo dài năm thân cuối thế kỷ 19

Từ khi kỹ thuật dệt vải được cải tiến và khổ vải được tăng chiều rộng từ 40cm lên ít nhất gấp đôi, việc nối khổ vải cho đủ bề rộng của áo không cần thiết nữa; và nhiều nhà thiết kế áo dài lúc ấy, hầu như tất cả là họa sỹ, áp dụng ngay ý tưởng này. Dẫn đầu là các họa sỹ Lê Phổ và Lê Thị Lựu trong thập niên 1930. Áo dài do các họa sỹ này thiết kế vẫn giữ gần như nguyên vẹn hình dạng của cái áo dài năm thân cổ truyền, chỉ giản lược đi phần nối giữa sống áo để chỉ còn có ba thân. Áo dài ba thân ngày nay ra đời từ đó.

Họa sỹ Lê Thị Lựu mặc áo dài ba thân – Áo dài ba thân 1940-50

Khoảng giữa thập niên 1930, họa sỹ Cát Tường, với nghệ danh dùng riêng trong ngành thiết kế trang phục là Lemur (le mur trong tiếng Pháp có nghĩa là bức tường), muốn làm một cải cách táo bạo hơn cho áo dài Việt Nam. Trong hoàn cảnh xã hội và văn hóa lúc đó, khi răng không nhuộm đen và tóc vấn không chải ngôi giữa vẫn còn bị miệt thị nặng nề; khi mà nguyên tắc che cổ giấu tóc từ xửa xưa vẫn còn được xem là khuôn mẫu của đạo đức, thì các ý tưởng cải cách của họa sỹ Cát Tường quả thật đã gây sốc cho đa phần dân chúng.

Hãy đọc một đoạn văn do chính họa sỹ Cát Tường viết trên báo Phong Hóa số ra ngày 23 tháng 2 năm 1934, về ý tưởng của ông:

“Các bạn thử để ý xem, cái áo hiện thời của các bạn có cái gì bất tiện, và thừa không? Muốn để các bạn khỏi tốn thì giờ vô ích, tôi xin thưa: Chính cái cổ là cái thừa, và hai ống tay bất tiện. Cúc cổ chẳng bao giờ cài thì cái cổ để làm gì? Tôi xin hỏi? Để che cổ ư? Thì nó nhỏ síu thế kia, che thế nào là đủ, vả lại áo các phụ nữ nước lạnh bên Âu, Mỹ còn chẳng cần cổ, nữa là xứ ta khí hậu rất nóng. Còn hai ống tay thì… thì các bạn cứ thử co tay lại vuốt mái tóc mà xem. Có phải nó chật quá không?… nó khó chịu và bất tiện lắm không?”

Họa sỹ Cát Tường

Áo dài Cát Tường lúc cao trào là loại áo ba thân, thường có cổ tròn hay khoét trái tim có kết nơ. Vai áo may bồng. Áo nhiều khi không có tay, và thậm chí có khi để hở phần trên lưng. Quần áo dài cũng được ông cải tiến cho loe ra với các viền ống khác nhau. Tựu trung là áo dài Cát Tường rất Tây Phương và dĩ nhiên là táo bạo.

Phu nhân họa sỹ Cát Tường (đội mũ trắng) trong một mẫu áo dài Lemur (1940)

Có thể tưởng tượng là xã hội hãy còn cứng nhắc về phong tục của ta lúc đó phản ứng thế nào về các ý tưởng canh tân này. Chỉ một số người bị coi là ăn chơi, cấp tiến lắm mới dám mặc áo Le Mur.

Khi thế chiến thứ Hai, với ảnh hưởng không nhỏ ở Việt Nam, bắt đầu trở nên khốc liệt, thì áo dài Cát Tường dần đi vào quên lãng, nhất là sau khi họa sỹ Cát Tường mất tích, và được cho là qua đời, năm 1949, ở tuổi 35. Nhưng có thể nói rằng các mẫu áo dài cải cách của Lemur Cát Tường không dính dáng gì nhiều đến cái áo dài thông thường của phụ nữ Việt bấy lâu nay. Và các ý tưởng của ông có lẽ hợp thời hơn ở thế kỷ 21 này.

Quả thật hiện nay nhiều nhà thiết kế áo dài đang cố tìm ý tưởng mới bằng cách bỏ tay và cổ áo dài trong tác phẩm của họ. Họ có biết đâu là đã chỉ bắt chước những gì họa sỹ Cát Tường nghĩ và thiết kế ra từ hơn nửa thế kỷ trước.

Một vài mẫu thiết kế áo dài của Cát Tường

Áo dài Cát Tường cho người béo và lùn

Áo dài Cát Tường cho người cao và gầy

Vài kiểu tay áo và ống quần của áo dài Cát Tường

,

Tản Mạn Về O Huế

Bà xã của tôi là một cô gái Huế, nói theo kiểu Huế là một o Huế. Dù cho bây giờ o Huế của tôi đã phần nào không còn...

Ký ức về những bài học thuộc lòng thời Tiểu học VNCH

Dân miền Nam, những ai bây giờ chừng 55 tuổi trở lên, chắc đều nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc tiểu học cách đây hơn...

Giai thoại Chú Hỏa – từ người lượm ve chai trở thành “ông vua nhà đất” Sài Gòn xưa

Người Sài Gòn vẫn truyền miệng nhau câu tục ngữ “Đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa”. Chú Hỷ – “vua tàu thủy” ở miền Nam, còn Chú Hỏa...

Ô kìa! Bánh hỏi

Thú thật, bản thân tôi thuộc "tuýp" khoái xơi bánh hỏi. Cái món thơm ngon hấp dẫn ấy, tôi được thưởng thức lần đầu từ thập niên 1960. Và không...

Xứ Đàng Trong thế kỷ 17 – Phần 2 – Đất đai phì nhiêu

Người ta dễ dàng nhận thấy là nước lụt đã làm cho đất đai ở xứ Đàng Trong phì nhiêu, như chúng tôi vừa nói. Tuy nhiên, tôi thấy còn...

Hoàng tử Miến Điện ở Sài Gòn Xưa

Rất ít người Việt để ý đến một sự kiện ở Sài Gòn có liên quan đến lịch sử Miến Điện (Myanmar) ở giai đoạn vào cuối thế kỷ 19...

Vua tôi bàn việc

Người làm chúa tể một nước tất là người tài giỏi hơn người, sáng công việc hơn người. Tuy vậy, khi đã dùng quần thần, là muốn mong cậy quần...

Say

Theo tích xưa, Ngọc Hoàng trên trời cũng uống rượu, thế nên mới có chuyện các tiên nữ lỡ tay làm rơi chén ngọc bị đày xuống trần gian làm...

Nghĩa công nặng hơn tình riêng

Tình với nghĩa cùng là quý, không quyết hẳn được bên nào nặng hơn bên nào. Cho nên ta phải cân nhắc cho cẩn thận: tình nặng hơn nghĩa thì...

Vì sao âm lịch Việt Nam và Trung Quốc lệch nhau một ngày?

Tùy theo tháng trong năm mà âm lịch Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch nhau một ngày. Trong khi đó, tại Việt Nam đang tồn tại song...

Chiếc áo bà Ba, sao bà Tư bả mặc?

Người Việt ai cũng biết áo bà ba. Đặc biệt là dân Nam bộ thì ai cũng biết bởi đó gần như là trang phục hàng ngày của phụ nữ...

Cảnh mắc võng, nấu ăn trên chuyến tàu xưa

Bộ ảnh hiếm của nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ ghi lại chân thực cuộc sống sinh động trên chuyến tàu Sài Gòn – Nha Trang vào năm 1952. Werner...

Exit mobile version