Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Phong tục ăn uống của người An Nam

Đối với du khách muốn hiểu người An Nam từ trong căn nhà của họ, không gì thú vị hơn là quan sát họ trong khi ăn và nghiên cứu phong tục ăn uống của họ. Ở đó, ta không chỉ thấy một khung cảnh tuyệt đẹp, lý thú mà còn hiểu rõ hơn đặc tính gia trưởng trong xã hội An Nam.

 

Phép lịch sự khi ăn uống

Trừ những gia đình hiện đại có phòng ăn riêng, phần lớn người dân ăn ở gian chính, nơi dùng để tiếp khách. Cả gia đình ngồi khoanh chân, quây tròn trên một cái sập. Những gia đình quá nghèo, không có sập, đành ngồi xổm trên nền đất. Bà chủ nhà đặt một chiếc mâm đồng hoặc mâm gỗ bày sẵn các món ăn ở giữa các thành viên. Thường thường người cha nhâm nhi vài chén rượu trước khi ăn. Những lúc như thế, trước mặt ông ta có một chai rượu nhỏ khoảng nửa lít và một chiếc chén nhỏ. Vốn đã quen với cuộc sống hàng ngày như vậy nên phần lớn người nông dân ngạc nhiên khi thấy người Âu ngồi ăn ở bàn. Họ không hiểu tại sao người Âu lại ngồi ghế ăn như khi tiếp khách hay lễ tết, tại sao lại bày dao, dĩa, thìa ra trước mặt, với 3-4 chai rượu và những chiếc cốc to. Họ thấy thật lạ lùng trước cảnh tượng những món ăn khổng lồ lần lượt được bày ra, cứ hết món nọ mới tới món kia, không phải trên một cái mâm mà trên một chiếc bàn lớn như bàn thờ. Họ ngạc nhiên hơn nữa khi thấy các quan Tây kiên nhẫn cắt từng miếng thịt thay cho đầu bếp.

Trong bữa ăn gia đình của người An Nam, người mẹ thường ngồi cạnh nồi cơm để xới thứ ngũ cốc quý giá đó vào bát cho mọi người. Người con trai trưởng cẩn thận so đũa rồi đặt trước mặt mỗi thành viên một đôi gồm hai chiếc bằng nhau. Thật không gì khó chịu bằng một đôi đũa vênh gây khó khăn cho việc gắp thức ăn, đúng như câu: “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”. Chuẩn bị xong, cha mẹ sẽ ra hiệu cho con cái ăn. Lần lượt hết con trai rồi tới con gái, từ đứa lớn tới đứa nhỏ, vừa bưng bát đũa lên vừa nói: “Mời thầy, mời bu xơi cơm”.

Người chủ gia đình thong thả uống rượu. Ông nhấp từng hớp một rồi nhắm với thịt hoặc vài hạt lạc. Sau đó ngừng uống vài giây để nói chuyện hoặc ngâm nga mấy câu thơ trước khi uống tiếp. Và cứ như vậy cho tới khi say. Ngược lại, họ ăn cơm rất nhanh, khác hẳn các bà, các cô tỏ ra lịch sự, không ăn nhanh hay vội vã như câu dân gian: “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”.

Số người ngồi ăn dù có đông đến mấy cũng phải tránh không để bát đũa gây ra tiếng động và phải giữ thái độ cực kỳ đúng mực. Không khạc nhổ, ho hoặc nói to. Không vứt xương và đồ thừa ra đất mà phải kín đáo để vào một chiếc đĩa riêng. Thức ăn bày sẵn trên mâm để cả gia đình dùng chung.

Tuyệt đối không quấy rầy những người đang ăn, thậm chí người cha cũng không trách mắng con cái trong bữa ăn và thường ngồi chờ đến lúc chúng ăn xong. Về mặt này, phép lịch sự khắt khe đến mức có câu nói:“Trời đánh còn tránh miếng ăn”.

Theo phong tục, người ta không bao giờ tới thăm một gia đình vào bữa cơm. Nếu vì vô ý, khách tới nơi sẽ được nghe cả nhà nói to: “Chào ông, tôi xin vô phép cơm ông”. Khách phải rất thản nhiên trả lời: “Không dám, mời cả nhà cứ ăn, tôi xin phép về, để chốc nữa tôi sang”. Sau đó khách ra về mà không cần giữ lời hứa và có thể tới thăm vào ngày khác.

Cuối bữa ăn, các thành viên đều cố ngừng ăn gần như cùng lúc để người dọn mâm không phải chờ. Ngoài ra, vì phép lịch sự, người ăn không bao giờ ăn sạch mâm mà thường để lại một lượng thức ăn cho người hầu và người đứng bếp. Vì thế, khi được mời đi ăn, người ta thường cẩn thận ăn lót dạ trước khi đi để ăn ít ở đám mời. Một số người dân sống tại các thành phố lớn còn quá thể tới mức hầu như không chạm vào những món ăn được chuẩn bị cho họ khi đi dự tiệc. Tuy nhiên, tục lệ cổ hủ đó, thường gây tổn hại nhiều nhất đến những người ăn khỏe, đang mất dần khi người ta tiếp xúc với cuộc sống hiện đại.

Một khách ăn có kinh nghiệm khi đứng dậy bao giờ cũng tỏ ra no say để làm vui lòng chủ tiệc. Họ không ngại nói một cách thái quá rằng:“Tôi no đến nỗi không thể ăn được nữa”, thậm chí người ta cũng bỏ qua nếu vị khách đó có ợ ra, thoạt đầu đây thực sự là một cảnh gây sốc đối với người phương Tây. Cuối cùng, khách đặt đôi đũa lên bát của mình và nói: “Tôi xin phép dừng bữa”. Những người ngồi cùng mâm lịch sự nói:“Ăn thêm ít nữa”.

Các loại cỗ

Cỗ được tổ chức trong những trường hợp đặc biệt nên đòi hỏi một sự tinh tế và lịch sự hơn.

Cỗ quan trọng nhất là cỗ do làng tổ chức hàng năm vào ngày thần húy và thần đản[1]. Trước hôm lễ, mõ làng đi khắp các ngõ xóm, vừa gõ mõ vừa cất cao giọng mời những người đóng thuế ra dự bữa cơm dân dã ở đình làng.

Buổi tế lễ diễn ra dưới sự chủ trì của Tiên chỉ hay một chức sắc đứng đầu ngôi thứ trong làng cùng với những người hầu lễ cử hành. Lễ vật cúng thần Thành hoàng là một con lợn luộc cùng với xôi, rượu, nước và hương. Sau buổi lễ, đầu lợn dành riêng cho Tiên chỉ, cỗ được chia cho các kỳ mục hạng nhất, đùi cho các kỳ mục hạng hai và hạng ba, phần còn lại dành cho cỗ chung. Khi vào ăn cỗ, mỗi người ngồi vào chỗ của mình theo đúng thứ bậc ở hai bên bàn thờ thần. Chủ tọa buổi lễ là Tiên chỉ, ngồi riêng trên một sập trải chiếu hoa ở vị trí cao hơn, tiếp đến là kỳ hào ngồi trên các tấm phản cao hay thấp tùy theo phẩm hàm hay tuổi tác. Những người dân thường ngồi trên chiếu ở ngoài sân. Người dân quê coi quyền ngồi trên khi dự cỗ làng ở đình là một vinh dự lớn. Vì thế mới có câu: “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”.

Cỗ đám cưới cũng không kém phần độc đáo:

Thiếp mời viết trên giấy đỏ được chủ gia đình gửi đi trước đó nhiều ngày. Vào ngày ấn định, khách thường tới sớm hơn, tụ hội nhau trong phòng khách để thưởng trà hoặc nhai trầu. Sau đó, chủ nhà mời mọi người ngồi vào mâm cỗ theo từng nhóm từ 5-6 người. Bàn danh dự, được đặt ở giữa nhà trước bàn thờ tổ tiên, dành cho các vị khách quan trọng. Chủ nhà chạy đi chạy lại để tiếp khách: gọi người bưng món ăn lên, ra hiệu lấy đũa, rót chén rượu đầu tiên cho từng người, quan sát xung quanh xem còn thiếu gì không. Sau đó, chủ nhà dẫn đôi vợ chồng mới cưới tới từng bàn chào khách. Những gia đình giàu có còn có thói quen mời đào hát tới đám cưới để vừa hát vừa rót rượu mời.

Cỗ đám ma nhìn chung không long trọng và không cầu kỳ. Từ nghĩa trang về, họ hàng, bạn bè và hàng xóm của người chết được mời ăn cỗ gồm chủ yếu là rau và rất nhiều rượu. Người con trưởng dẫn các em tới từng mâm để mời rượu.

Cỗ mừng thọ thường được tổ chức khi cha mẹ đã cao tuổi. Người lên thượng thọ cùng với vợ ngồi trên một chiếc ghế phủ vải điều. Con, cháu mặc quần áo đẹp, xếp hàng trước mặt hai người, sau đó lạy mỗi người hai lạy. Người con trai trưởng rót rượu vào hai chiếc chén pha lê hoặc bằng bạc dâng lên cha mẹ già và chúc họ trường thọ. Kết thúc buổi lễ, cả nhà đốt pháo và vui vẻ ngồi vào mâm cỗ.

Cuối cùng, nếu gia đình mời các nhà sư tới dự lễ mừng thọ, người ta sẽ tránh mời họ những món ăn có nguồn gốc động vật vì đạo Phật không chỉ dành tình thương cho loài người mà với cả những loài vật biết thở, biết ngửi. Tương tự, những người hay tới đình, chùa, phải kiêng thịt chó, mắm tôm, hành và tỏi – những thứ bị xem là không thanh tịnh, có thể làm uế tạp chốn linh thiêng.

Nguồn: Theo D. [Dumoutier – ND] đăng trên Tuần san Indochine số 220, ngày 16/11/1944.


[1] Ngày mất và ngày sinh của Thành hoàng làng.

Món Ăn Xứ Quảng

Bánh Ướt Cuốn Ram Cái khẩu vị của người Quảng Nam thường bị đánh giá thuộc loại “Chém to kho mặn”. Món ăn gì cũng để xắt to, cũng chắc nụi,...

Mùa cưới và chiếc bánh phu thê xứ Huế

Huế không phải là vùng đất duy nhất trên cả nước có bánh phu thê (hay còn gọi là su sê) lá dừa. Bánh phu thê  có ở nhiều nơi,...

Bách Việt có phải một huyền thoại?

Cộng đồng tộc Việt, một cộng đồng nổi tiếng trong lịch sử Á Đông, có địa bàn sinh sống trải rộng trong vùng phía Nam sông Dương Tử tới miền...

Tại sao khi mới đẻ chưa đặt tên chính?

Theo phong tục, một người từ sinh ra đế khi chết mang rất nhiều tên gọi: Mới lọt lòng thì thằng Cu, thằng Cò, con Hĩm, thằng Mực, con Cún,...

Lê Hoàn – Lê Đại Hành – Vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt – Đánh Tống, Bình Chiêm

Vào giờ dần, ngày rằm tháng Bảy, năm Tân Sửu (941), cuối ngôi làng nhỏ thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa, một em bé nghèo "bố...

Cuộc sống ở nông thôn Nam Bộ một thế kỷ trước qua tranh màu của Pháp

Người nông dân chăm sóc ruộng rau, thiếu niên chăn trâu, cụ ông thư giãn trên tấm phản… là loạt tranh màu được in trong cuốn sách của Pháp: “Chuyên...

“Em chưa hát ca dao một lần” (Trịnh Công Sơn)

Cách nay hơn sáu chục năm, một chiều thu Việt - Bắc heo may. Trên đường đi công tác về, gần tới ATK - an toàn khu, Tố Hữu hồ...

Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam – Chương 2/2

Những người phủ nhận Đông Sơn Lạc Việt là tổ tiên của ta có đại diện điển hình là V. Goloubew. Đó cũng là một nhà bác học thiếu tinh...

Vì sao khi ăn đồ quá lạnh lại bị “buốt váng đầu”

Bạn đã bao giờ làm một hơi đá bào, kem hoặc nước lạnh, để rồi thấy não bộ buốt lạnh chưa? Kem là món ăn vặt tuyệt vời nhất trong...

Vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam xưa qua sách ‘Ký ức Đông Dương’

Vẻ đẹp đó là những nét sinh hoạt thường ngày, sự bình dị khi hoạt động mua bán, khi khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống của từng...

Những căn bệnh thời đại của người Việt

Những bệnh này đều có ít nhiều trong mỗi chúng ta. Vấn đề cần nhìn nhận cho đúng là nếu biết rèn luyện kềm chế, giữ cho nó dừng lại...

Sự tích chiếc khăn tang

Chúng ta đã nhiều lần dự các đám ma của người thân bạn bè hoặc chịu tang Ông Bà cha mẹ anh chị em họ hàng, hình ảnh chiếc khăn...

Exit mobile version