Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Tâm trạng hoài hương trong Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy

Trong những ca khúc đầy tâm trạng hoài hương, mang nỗi buồn man mác như: Làng tôi (Chung Quân), Hướng về Hà Nội(Hoàng Dương), Quê mẹ (Thu Hồ), Làng tôi (Văn Cao), Ngày về (Hoàng Giác)… thì Thuyền viễn xứ của Phạm Duy dù có buồn nhưng giai điệu khác hẳn: lạ hơn, sang trọng hơn…

Bạn thân của tôi, nhà báo Trần Thanh Bình, có một giọng hát khá tốt cho nên trong những lúc ngà ngà cuộc bia thường được đề nghị hát giúp vui (không đề nghị… cũng hát), và hầu như lúc nào anh cũng cất lên: “Chiều nay sương khói lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha ráng trời. Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người. Thuyền ơi, viễn xứ xa xưa. Một lần qua dạt bến lau thưa. Hò ơi, giọng hát thiên thu. Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về…”(Thuyền viễn xứ). Giọng hát nghiệp dư của Trần Thanh Bình chỉ cỡ đó, nhưng cũng đủ làm xuyến xao tâm hồn người nghe, nói chi được thưởng thức tiếng hát của những danh ca như Thái Thanh, Sĩ Phú.

Bài thơ của một cô gái

Thế nhưng, nhiều người chỉ biết Thuyền viễn xứ là của Phạm Duy chứ chẳng mấy ai để ý rằng đây là một ca khúc phổ nhạc, dù trên bìa bản nhạc (thời đó, từ đầu thập niên 1940 cho đến 1954 trong toàn quốc, cả Cao Miên, và từ 1954 đến 1975 ở miền Nam, những bản nhạc được xuất bản dưới hình thức in rời bằng giấy cứng khổ lớn in 2 mặt, gấp lại ở giữa), Thuyền viễn xứ được cả hai nhà xuất bản Tinh Hoa và Á Châu ấn hành đều ghi rõ: nhạc: Phạm Duy, thơ: Huyền Chi.

Huyền Chi là bút danh của Hồ Thị Ngọc Bút, sinh năm 1934 tại Từ Sơn (Bắc Ninh), theo gia đình vào Nam từ trước năm 1954. Lúc mới vào Nam (1948-1949), cô ở với chị gái tại Đà Lạt, sau đó về Sài Gòn (1950) vừa đi học vừa phụ mẹ trông nom sạp vải ở chợ Bến Thành. Bài thơ Thuyền viễn xứ là một trong 22 bài thơ nằm trong tập thơ Cởi mở của Huyền Chi xuất bản năm 1952, trong thời gian cô sinh hoạt với một nhóm văn nghệ sĩ trẻ và làm thư ký tòa soạn chuyên trách mục thơ cho Tạp chí Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương. Và đây là nguyên văn bài thơ Thuyền viễn xứ, mà tác giả là một cô gái 18 tuổi:

Ra khơi sương khói một chiều/Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông/Lơ thơ rớt nhẹ men lòng/Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang/Có thuyền viễn xứ Đà Giang/Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa/Hò ơi! Câu hát ngàn xưa/Ngân lên trong một chiều mưa xứ người/Đường về cố lý xa xôi/Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang/Sau mùa mưa gió phũ phàng/Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa/Lệ nhòa như nước sông Đà/Mái đầu sương tuyết lòng già mong con/Chiều nay trời nhẹ xuống hồn/Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi/Hai bờ sông cách biệt rồi/Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh/Ngàn câu hát buổi quân hành/Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa/Biết bao thương nhớ cho vừa/Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương/Chiều nay trên bến muôn phương/Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…

Duyên văn nghệ

Tuy lời thơ có vẻ… cổ phong (vốn là chuẩn mực vào thời đó) nhưng vẫn toát lên một nỗi buồn man mác. Bố cục bài thơ cũng rất “chắc tay”, hồn thơ tinh tế. Tập thơ vừa in xong tại nhà in Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo thì tình cờ Huyền Chi gặp nhạc sĩ Phạm Duy khi ông đến thăm bà Đào (chủ nhà in). Cô ký tặng nhạc sĩ tập thơ Cởi mở. Cũng nghĩ là chút duyên văn nghệ thế thôi, bởi đó là lần gặp gỡ duy nhất giữa hai người. Vậy mà người được tặng tập thơ đã chọn một bài thơ lục bát rất… truyền thống trong tập thơ ấy để phổ thành ca khúc. Điều đáng nói là nhạc sĩ Phạm Duy đã trổ tài “phù thủy” khiến trong ca khúc phổ thơ của ông, khó ai tìm thấy bóng dáng của thể loại lục bát. Đã vậy, đoạn giữa được chuyển qua âm giai trưởng nghe vừa xa vắng, vừa rạo rực mênh mang: “Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi. Đời nhịp sầu lỡ bước, Bước hoang mang rồi. Quay lại hướng làng, Đà Giang lệ ướt nồng. Mẹ già ngồi im bóng. Mái tuyết sương mong con bạc lòng…”.

Vợ chồng thi sĩ Huyền Chi – giáo sư Trần Phụng Tường

Trong quyển Hồi ký Phạm Duy (tập 3, ấn bản 2008), tác giả viết: “Gần hai năm đã trôi qua kể từ khi tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ ở Sài Gòn… Vào thời điểm này (trước cuộc di cư 1954), Huyền Chi, một cô em bán vải ở chợ Bến Thành đưa cho tôi phổ nhạc bài thơ nhan đề Thuyền viễn xứ. Bài thơ này nói lên tâm trạng một người Bắc Việt phải rời bỏ bến Đà Giang để vào sinh sống tại miền Nam. Phổ nhạc xong bài thơ nhớ miền viễn xứ, trong tôi lại nổi dậy sự viễn mơ của bài Bên cầu biên giới năm xưa, tôi bèn soạn bài Viễn du…”.

Huyền Chi lập gia đình với giáo sư Trần Phụng Tường vào năm 1954, và theo chồng ra Phan Thiết, nơi ông đang dạy Pháp văn ở Trường trung học Phan Bội Châu. Ở đây bà mở hiệu sách Bút Hoa và dạy Anh văn.

Nguyễn Phước Thị Liên, một cựu học sinh của Trường trung học Phan Bội Châu, đã “vẽ lại” chân dung của Huyền Chi như sau: “Huyền Chi là một phụ nữ đẹp, tài sắc vẹn toàn. Cô có nước da trắng khỏe, dáng người cao, gương mặt tươi, miệng cười hiền hậu dễ mến, tà áo dài màu thiên thanh đài các trong những chiều lộng gió, khi thầy cô sánh vai giữa thành phố Phan Thiết, đã làm xao xuyến bao tâm hồn nữ sinh lúc bấy giờ…” (Kiến Thức Ngày Nay số 768 tháng 12.2011).

Sau 1975, gia đình bà Huyền Chi chuyển vào Sài Gòn. Bà hiện vẫn còn sống tại đây, còn chồng bà – ông Trần Phụng Tường mất năm 2010. Trong 7 người con của hai ông bà có 4 người hiện ở Việt Nam, 3 người ở nước ngoài. Chắc chắn những người con ở xa quê này cũng sẽ có tâm trạng như mẹ của mình vào hơn nửa thế kỷ trước, khi: “Chiều nay gửi tới quê xưa. Biết là bao thương nhớ cho vừa. Trời cao chìm rơi xuống đời. Biết là bao sầu trên xứ người. Mịt mờ sương khói lên hương. Lũ thùy dương rủ bóng ven sông. Chiều nay trên bến muôn phương. Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…” (Thuyền viễn xứ).

 

Những kiến thức sai trong sách giáo khoa phổ thông

Số giác quan thực sự, từ tính của cà chua và những màu cơ bản là những kiến thức khoa học mà chúng ta thường hiểu nhầm hoặc chưa được...

Thơ Chữ Nôm nước ta tại thư viện đại học Yale – Hoa Kỳ

Trường Đại học Yale là một trong các Đại Học uy tín và lâu đời nhất nước Mỹ. Yale là tư thục nhưng lại là một tổ chức phi lợi...

Các Giải Văn Chương Ở Miền Nam Trước 1945

Trong các thập niên của đầu thế kỷ 20, một số các tư nhân và các Hội học ở miền Nam Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức các...

Lào Cai năm 1906 qua ống kính Marthe Imbert

Cùng xem những hình ảnh lịch sử quý giá về thị trấn Lào Cai năm 1906 do nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Marthe Imbert thực hiện. Thị trấn Lào...

Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P5: Lãnh thổ rộng lớn cực điểm

Năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Thụ qua đời, con trưởng là Nguyễn Phúc Khoát lên nối ngôi, người thời đấy gọi ông là Chúa Võ. Chúa Võ đã giúp hoàn...

Hò bài thai – thú chơi thanh nhã của người Huế xưa

Hò bài thai thường được chơi trong các phiên chợ Tết ngày trước ở Huế. Đây là cuộc chơi dựa theo những lá bài của bộ bài tới. Bộ bài này...

Tục xăm mình của tộc Việt

Tục xăm mình là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của tộc Việt và của người Việt trong các ghi chép lịch sử của cả Việt Nam và...

Cú pháp tiếng Việt

I. Cú Pháp Cú pháp là phép tắc dùng các tiếng để đặt câu văn cho chỉnh. Cú pháp là linh hồn của ngôn ngữ. Muốn viết văn cho đạt...

Tại sao có Tết Hàn Thực?

Theo phong tục cổ truyền, ngày mồng 3 tháng 3 tức Tết Hàn Thực, ta làm bánh chay. Tết này có xuất xứ từ bên Trung Quốc, làm giỗ ông...

Vương Đại và đời sống Sài Gòn cuối thế kỷ 19

Năm 2004, tin tức báo chí Việt Nam cho biết khi một số ngói bị hư tháo xuống ở Nhà thờ Đức Bà (thành phố Hồ Chí Minh), thì thấy...

Nghề thêu ở Văn Lâm

Trải qua nhiều thế kỷ, những tác phẩm thêu thùa luôn gắn liền với hình ảnh người phụ nữ truyền thống. Và trong các làng nghề thêu truyền thống ở...

1.001 kiểu quảng cáo ấn tượng của người Sài Gòn xưa

Không hào nhoáng như các quảng cáo ngày nay, người Sài Gòn xưa quảng cáo thương hiệu của họ một cách đơn giản nhưng lại vô cùng ấn tượng.  Từ...

Exit mobile version