Bài Dạ Cổ Hoài Lang tuy riêng mà chung và mở đầu cho lối ăn chơi hào phóng: đờn ca tài tử đầu thế kỷ 20 ở Nam Kỳ Lục Tỉnh. Lời ca 20 câu vọng cổ đã đưa “Bạc Liêu là xứ quê mùa” trở thành “cái nôi văn hóa Nam Kỳ Lục Tỉnh”.
Bài viết dưới đây nguyên là một chương trong tác phẩm “Tìm hiểu Cải Lương” của Giáo Sư Trần Văn Chi, một tác phẩm khảo cứu về một bộ môn trình diễn rất phổ cập trong dân chúng miền Nam.
Từ Sài Gòn lái xe trên Quốc Lộ 4 (nay là Quốc Lộ 1 A) đến Bạc Liêu phải vượt qua 280 cây số. Bạc Liêu một địa phương áp cuối của miệt dưới xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh. (Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thuở đó Bạc Liêu thuộc trấn Hà Tiên).
Ðường dầu xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Bạc Liêu vùng đất mới khai phá trên 200 năm, ghi nhiều dấu ấn của chúa Nguyễn Ánh thời kỳ tòng vong, tẩu quốc… nên mãi đến nay có nhiều địa danh như: Ao Ngự, Kinh Chắc Băng… làm gợi nhớ gần đất Thần Kinh (Ao Ngự, Ao do chúa Nguyễn Ánh ra lịnh đào lấy nước cho quân uống. Kinh Chắc Băng là con kinh lúc chúa Nguyễn Ánh lâm bệnh, vượt chạy qua, sợ chết bèn than: “Trẫm chắc băng hà…”)
Thời đó, so với miền trên và Gia Ðịnh thì Bạc Liêu quả là xứ quê mùa và là xứ có nhiều cá chốt, đến độ mỗi khi rửa tôm cá dưới mé sông cá chốt bu đặc nghẹt. Còn Triều Châu là người Tiều, theo chân Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích chạy bỏ xứ Tàu xuống định cư ở đây đầu tiên cùng người Miên địa phương ở Sóc Trăng, Trà Vinh lập nên Bạc Liêu.
Cái “quê mùa” của Bạc Liêu là cái quê mùa dễ thương, mộc mạc, chơn chất mà trung hậu, trước sau… thể hiện qua cô gái vườn nhãn Vĩnh Châu, chàng trai trên ruộng muối Giá Rai, Vĩnh Lợi…
Ai đã hơn một lần nghe Út Trà Ôn ca “Tình Anh Bán Chiếu” mà không liên tưởng đến Sông Ngã Bảy, con Kinh Bảy Ngã… trên thủy lộ Phụng Hiệp nối liền An Xuyên Cà Mau, Ba Xuyên Sóc Trăng và Phong Dinh Cần Thơ dài 140 cây số qua địa phận Bạc Liêu 34 cây số được đào năm 1920.
Ðịa danh Bạc Liêu tạo nhiều ấn tượng cho người dân Lục Tỉnh, dù họ chưa một lần đặt chân đến đó. Với công tử Bạc Liêu một tên tuổi trở thành chung cho con người hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài.
Rồi với nghệ nhân Sáu Lầu (Cao Văn Lầu) dâng hiến cho những “con người đi khai phá” một điệu hát lấy cảm hứng từ câu hát Huê Tình, điệu nhạc Hành Vân… để họ làm hành trang trên con đường Nam Tiến.
Bài Dạ Cổ Hoài Lang tuy riêng mà chung và mở đầu cho lối ăn chơi hào phóng: đờn ca tài tử đầu thế kỷ 20 ở Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Lời ca 20 câu vọng cổ đã đưa “Bạc Liêu là xứ quê mùa” trở thành “cái nôi văn hóa Nam Kỳ Lục Tỉnh”.
Trước đây, khoảng đầu thập niên 1970, nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà, cũng là soạn giả cải lương, đã mời cụ Cao Văn Lầu, thuở đó độ trên 70 tuổi, lên sân khấu rạp Quốc Thanh chủ tọa buổi tuyển lựa ca sĩ cổ nhạc, và không quên kêu gọi mọi người “uống nước” nên “nhớ nguồn”.
Nay thì ông Sáu Lầu không còn nữa. Tại quê hương ông người ta đã xây dựng nhiều công trình đề tên Cao Văn Lầu để “nhớ nguồn”.
Vừa qua, 18 tháng 10 năm 2002, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng đã ra mắt CD “Kinh Pháp Cú” chuyển thể cải lương tại Little Saigon, hầu gây quỹ xây dựng Chùa Tổ Cải Lương tại Bạc Liêu – cũng là quê hương Bạch Tuyết – được nhiều người ủng hộ.
Vọng cổ thuở ấy nhịp 2 và ít lời nên toàn bài tới 20 câu. Nay vọng cổ thường ca 4 tới 6 câu.
Dạ Cổ Hoài Lang xuất hiện đưa đến sự ra đời của nghệ thuật cải lương, khởi xướng tại Mỹ Tho đến năm 1922 có 8 ban tất cả:
– Mỹ Tho: Thầy Năm Tú, Ðồng Bào Ban, Nam Ðồng Ban và Tái Ðồng Ban.
– Chợ Lớn: Văn Hí Ban.
– Long Xuyên: Sĩ Ðồng Ban.
– Vĩnh Long: Kỳ Lân Ban.
– Sóc Trăng: Tân Phước Ban.
Chính thời kỳ nầy, Năm Nghĩa sánh vai cùng Bảy Cao, Ba Khuê, những đứa con xứ muối Bạc Liêu đưa cải lương cất cánh.
NS. Thanh Nga
Năm Nghĩa tên là Lưu Hòa Nghĩa, con ông Lưu Hữu Thành, cháu nội ông Lưu Văn Ngọc, người gốc Bạc Liêu.
Ông Lưu Văn Ngọc là tay giàu có, điệu nghệ là nghệ nhân chơi cây kiểng có tiếng thời đó ở Bạc Liêu, ông đã lưu lại một gốc kiểng cổ thụ 120 năm (thời thập niên 1970), nay không biết cội kiểng cổ thụ đó còn sống không? Và về tay nghệ nhân nào?…
Năm Nghĩa có công xây dựng đoàn Thanh Minh cũng như Bảy Cao lập đoàn Hoa Sen. Nhớ lúc ấy Năm Nghĩa nổi tiếng khắp nơi với bài vọng cổ “Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa” càng làm cho Bạc Liêu nổi tiếng, nên bài vọng cổ 32 nhịp được gọi là Vọng Cổ Bạc Liêu.
Lúc cải lương phát triển thì Năm Nghĩa qua đời vì bệnh phổi. Bà Nguyễn Thị Thơ bạn đời của ông lèo lái đoàn Thanh Minh rồi cải tên Thanh Minh – Thanh Nga, một đại ban lúc bấy giờ.
Thanh Nga là con riêng của bà Bầu Thơ, nhưng được Năm Nghĩa thương yêu dìu dắt thành đào chánh, đào thương cho bảng hiệu nhà và sau nầy đoạt giải Thanh Tâm đầu tiên năm 1958 và đến 1964 đoàn Thanh Minh được trao tặng giải thưởng là “Ban Ca Kịch Xuất Sắc Nhứt”.
Bảo Quốc là con ruột của Năm Nghĩa, mãi đến năm 1967 mới chánh thức bước lên sân khấu và hiện còn sống chết với cải lương…
Thanh Nga đột ngột ra đi sau khi cô diễn tuồng Tiếng Trống Mê Linh (sau 1975) gây thương xớt cho hàng triệu người ái mộ. Hiện mộ phần cô ở Nghĩa Trang Nghệ Sĩ thuộc khu Chùa Nghệ Sĩ do ông Bầu Xuân Quản lý.
Xin kể lại các nam nữ nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm từ năm 1958 đến năm 1964:
– 1958 Thanh Nga.
– 1959 Lan Chi – Hùng Minh.
– 1960 Bích Sơn – Ngọc Giàu.
– 1961 Thanh Thanh Hoa.
– 1962 Ngọc Hương – Ánh Hồng.
– 1963 Bạch Tuyết – Kim Loan – Trương Ánh Loan – Tấn Tài – Diệp Lang – Thanh Tú.
– 1964 Lệ Thủy – Thanh Sang.
Gia đình Năm Nghĩa sống chết với nghiệp cải lương và làm rạng danh Bạc Liêu xứ muối.
Về thăm Bạc Liêu, thăm nhà lưu niệm nhạc sĩ Sáu Lầu, thăm vườn nhãn, ruộng muối, thăm lại nhà công tử Bạc Liêu thuở nào…
Bạc Liêu từ thuở thuộc trấn Hà Tiên nhà Nguyễn, đến năm 1882 thì thành tỉnh Bạc Liêu, một trong 20 tỉnh Miền Nam thuộc Pháp. Tây chủ tỉnh đầu tiên tên là Lamothe De Carrier, mãi đến1-4-1957thì bị sáp nhập vào tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng) đến nay lại khác nữa…
Thăm Bạc Liêu không quên thưởng thức món ăn độc đáo Bún Mắm Nước Lèo, một món ăn mà chủ nhân của nó chắc là người Miên. Bún nước lèo Bạc Liêu theo bước thời gian mà “hiện đại hóa” thành món ăn của mọi người Việt ra tận đến hải ngoại.
Giống như món Phở Bắc Hà Nội khởi thủy là món ăn của người Tàu; hồi đó phở nấu bằng thịt trâu… đến khi được dân Hà Nội đổi thành phở bò thì nó bắt đầu được mọi người Việt ưa chuộng. Phở Bắc di cư vàoNam thành phở Sài Gòn hoàn toàn khác phở của Nguyễn Tuân ngày xưa ở Hà Nội.
Về Bạc Liêu ta còn phải đến thăm lại các kỷ vật của nhà “bác vật” Lưu Văn Lang, đó là cái đồng hồ nắng – Horloge Solaire, trước dinh chủ tỉnh ngày xưa.
Nhớ thăm các ngôi chùa Miên và Chùa Phật Giáo Khất Sĩ. Chùa Tịnh Ðộ Cư Sĩ Phật Học Nam Việt, cái nôi của thời kỳ Chấn Hưng Phật Giáo ViệtNam.
Năm 1789 các ông Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh, Ngô Tùng Châu vâng lệnh chúa Nguyễn Ánh đi về Bạc Liêu và khắp nơi lập đồn điền, huấn luyện điền binh. Ðặc biệt người Bạc Liêu không quên Ngài Kinh Lược Nguyễn Tri Phương, năm 1853 vâng lệnh vua Tự Ðức về đây lập đồn lũy chuẩn bị chống giặc Tây. Cho đến ngày 20-9-1867 tên De Lagrandiere ra lệnh giải tán toàn bộ cơ sở đồn điền Bạc Liêu đề phong các cuộc nổi dậy.
Hai câu ca dao gợi ta nhớ lại Bạc Liêu ngày xưa, thời tổ tiên lập quốc… Nay Bạc Liêu đã thay da đổi thịt. Nhưng về Bạc Liêu không thể không nhớ bản Dạ Cổ Hoài Lang, bài vọng cổ nhịp 32 của Năm Nghĩa.
Xa quê, nhớ quốc… xin gởi chút tình về Bạc Liêu…